10 phim nước ngoài hay nhất 2014

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi Nameless, 11/7/15.

Lượt xem: 7,803

  1. Nameless

    Nameless Registered

    Năm 2014 chứng kiến sự tấn công ồ ạt của các bộ phim nước ngoài vào thị trường phương Tây. Có thể thấy điều đó ở các liên hoan phim lớn như Toronto, SXSW, New York và cả các liên phim khác, cũng có thể thấy sự nở rộ đó ở cả thị trường phim chiếu ở nhà. Nhiều bộ phim đang chật vật tìm kiếm sự chú ý của khán giả bởi nhiều nguyên do khác nhau.
    Khi ngày càng có nhiều bộ phim được sản xuất và việc tiếp cận với các thể loại phim khác nhau đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, việc khám phá cách làm những bộ phim quốc tế và thử nghiệm để tìm hiểu kĩ thuật làm phim hiện đại và lịch sử của nó là rất cần thiết cho các nhà làm phim.
    Dưới đây là danh sách 10 bộ phim nước ngoài hay nhất trong năm qua, một vài trong số đó gây được sự chú ý lớn, thậm chí có thể xếp chúng vào dạng phim thương mại trong khi một số khác là phim thử nghiệm và phim chính luận có tính thời sự và tính chất trí tuệ cao, nhưng điểm chung của chúng là đều được đạo diễn bởi những nhà làm phim vĩ đại nhất của thời kì này. Thứ tự những bộ phim dưới đây được đánh số hoàn toàn ngẫu nhiên.

    1. The Clouds of Sils Maria (Những đám mây của Sils Maria) – Olivier Assayas đạo diễn – Đức/Pháp/Thụy Sĩ

    [​IMG]

    Olivier Assayas, một đại diện của nền điện ảnh Pháp vừa ra mắt bộ phim mới của anh Những Đám Mây của Sils Maria. Dường như ranh giới giữa sân khấu và đời đã bị xóa nhòa trong tác phẩm này khi kịch bản của Assayas kết hợp hoàn hảo với phương thức sắp đặt cảnh quay dựa trên bối cảnh thực tế, đi cùng với đó là cách diễn xuất, ứng tác rất tự nhiên của dàn diễn viên tài năng Juliette Binoche và Kristen Stewart.
    Bộ phim xoay quanh Maria Enders (Juliette Binoche) một diễn viên trung niên đã tạo dựng được danh tiếng trong sự nghiệp của mình từ năm cô 18 tuổi với vai diễn một cô gái trẻ trong vở kịch và phim có tên Maloja Snake. Bộ phim đó kể về mối quan hệ giữa một cô gái trẻ và một người phụ nữ trung niên cùng những diễn tiến của nó khiến cuối cùng người phụ nữ trung niên kia phải tự sát. Lần này, cô được mời đóng vở kịch đó một lần nữa, nhưng trong vai người phụ nữ trung tuổi, cô đã đồng ý.
    Chứng kiến Maria tập dượt cho vai diễn của mình cùng Valentine (Kristin Stewart), trợ lí của cô, có thể dấy lên trong chúng ta câu hỏi về mối quan hệ thực chất giữa họ trước sự nghiệp thành công của Maria. Những gì xảy ra trong phim sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ sâu sắc hơn về cái chết, tình yêu, về sân khấu và đời.

    2. Force Majeure (Bất Khả Kháng) – Ruben Ostlund đạo diễn – Thụy Điển

    [​IMG]
    Có vẻ như Force Majeure không chỉ nhận được những đánh giá có phần trái chiều trong việc sử dụng hơi quá tay hiệu ứng đặc biệt CGI mà còn cả trong việc tiếp cận một câu chuyện gia đình hiện đại.
    Đó là câu chuyện của một gia đình trẻ với ông chồng Tomas (Johannes Kuhnke), cô vợ Ebba (Lisa Loven Kongsli) cùng con gái Vera (Clara Wettergren) và con trai Harry (Vincent Wettergren) đang trong kì nghỉ ở khu trượt tuyết. Lúc họ đang thư thái dùng bữa trưa bên ngoài thì một vụ lở tuyết từ xa đột ngột tràn đến.
    Khi vụ lở tuyết tràn đến chỗ họ đang ngồi, Ebba chạy tới chỗ Harry và Vera để che chở cho chúng, cùng lúc đó Tomas chạy tới chỗ chiếc điện thoại của anh ta và biếnvào trong, bỏ mặc gia đình mình đang mắc kẹt lại. Khi màu trắng của tuyết phủ kín khuôn hình là lúc đánh dấu một biến chuyển xảy ra trong phim và trong cả hiệu quả thẩm mĩ của cảnh quay.
    Đây quả thực là một bộ phim sâu sắc và đa nghĩa, mang đến cho khán giả nhiều cách hiểu về một sự việc. Bất Khả Kháng là một trong những bộ phim thú vị và thách thức cảm thụ của khán giả nhất trong năm.

    3. Goodbye to Language (Tạm Biệt Ngôn Ngữ) – Jean-Luc Godard đạo diễn – Pháp/Thụy Sĩ

    [​IMG]
    Có thể coi Goodbye to Language là một trong những tác phẩm hay nhất của Godard mà ở đó ông tự do thể nghiệm nghệ thuật.
    Bộ phim với những khuôn hình ấn tượng, những cảnh quay 3D gửi gắm những suy tư của tác giả về tình yêu và cuộc sống ở đất Pháp (phim được quay ở một vùng nói tiếng Pháp ở Thụy Sĩ). Ngoài ra trong phim cũng xuất hiện dấu ấn của Godard với cách xử lí kĩ thuật và câu chuyện luôn gài cắm những triết lí và tư tưởng nhằm khơi gợi nơi khán giả những góc nhìn mới về phim và cách kể chuyện của điện ảnh.
    Bạn cũng nên biết thêm rằng tuy được gọi với cái tên Tạm Biệt Ngôn Ngữ nhưng trong tên gốc tiếng Pháp của phim “Adieu au langage”, adieu mang cả hai nghĩa tạm biệtxin chào.

    4. Hard to Be A God (Làm Chúa Thật Khó) – Alexei German đạo diễn – Nga

    [​IMG]
    Như một khúc ca của thiên nga trước khi chết, Hard to Be A God được lèo lái bởi Alexei German - một đạo diễn tên tuổi của nền điện ảnh Nga, tuy vậy tên tuổi của ông chưa được khán giả Mỹ chú ý nhiều. Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Arkady và Boris Strugatsky kể về một nhóm các nhà khoa học được gửi tới hành tinh có tên Arkanar để giúp xã hội của họ trở nên văn mình hơn và xa rời lối sống cổ xưa.
    Những hình ảnh đen trắng trần trụi cùng với những thiết kế bối cảnh ghê rợn và hiệu ứng thị giác gây buồn nôn khiến Hard to Be A God trở thành một trong những bộ phim có phần hình ảnh đáng sợ nhất. Đó cũng là một tác phẩm tâm huyết của German cho thấy những thông điệp ông đang gắng thu nhận được từ cuộc sống.

    5. Horse Money – Pedro Costa đạo diễn – Bồ Đào Nha

    [​IMG]
    Trang IMDb coi House Money như một bộ phim tài liệu (ở thời điểm tháng 3, 2015). Đó là một bộ phim tiêu biểu của đạo diễn Pedro Costa làm về những con người sống ở ngoài rìa xã hội, ông đặc biệt hướng cái nhìn của mình về những cư dân tại khu Fontainhas, Lisbon.
    Sự thật thì Horse Money không phải là một bộ phim tài liệu mà là một sự đầu tư sâu hơn của đạo diễn này với nhân vật Ventura, người đã xuất hiện trong phim trước của ông là Colossal Youth. Ventura, một người đàn ông ngoài 70 là dân nhập cư vùng Cape Verdean, ông là sợi dây kết nối trong cấu trúc tự sự khá tự do của phim. Khác với những bộ phim có cấu trúc ba hồi truyền thống, bộ phim này tập trung vào việc khám phá những kí ức và chi tiết liên quan tới quân đội Bồ Đào Nha qua con mắt của những con người sống ở khu ổ chuột.
    Horse Money là bộ phim rất khác so với những bộ phim đương thời bởi nó chủ yếu dựa vào ngôn ngữ của của nhiếp ảnh để kể chuyện, đồng thời bộ phim cũng khám phá một phương thức làm phim khác trong điện ảnh và gây được sự ngạc nhiên cho khán giả.

    6. Journey to the West – Thái Minh Lượng đạo diễn – Pháp/Thái Lan

    [​IMG]
    Về mặt hình thức có thể thấy ngay đây là bộ phim có tính thử nghiệm hơn cả so với những phim còn lại trong danh sách, cách đạo diễn tránh tất cả những lối mòn về kịch bản, cấu trúc hay tốc độ trong phim thật đáng chú ý. Trong 56 phút với 14 cảnh quay, chúng ta đi theo một nhà sư Tây Tạng (do Kang-Sheng Lee, diễn viên đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác của Thái Minh Lượng) khi anh di chuyển chậm rãi qua thành phố cảng Marseille của Pháp, trong hành trình đó còn có sự tham gia của diễn viên người Pháp Denis Lavant.
    Những khung hình tuyệt đẹp được quay bởi Antoine Heberle cho người xem thấy chuyển động của hai diễn viên qua các bối cảnh, tuy họ không bao giờ chạm mặt nhau nhưng lại chạm mặt ngày càng nhiều với những người đi bộ qua lại tấp nập trong khu đô thị hiện đại, một vài trong số họ dừng lại vì tò mò trong khi số khác cảm thấy khá phiền phức.

    7. Norte, the End of History – Lav Diaz đạo diễn – Philipin

    [​IMG]
    Lav Diaz là người đứng đầu xu hướng Điện Ảnh Chiêm Nghiệm, một phong cách làm phim tận dụng triệt để hiệu quả của những cảnh quay dài và hành động tối giản để biến không gian phim thành một nơi cho người xem bộc lộ những chiêm nghiệm cá nhân trước những chất liệu bộ phim mang tới hay trước điện ảnh hoặc bất cứ điều gì khác đến với tâm trí người xem, đơn giản đạo diễn chỉ muốn gửi đến họ một chút thời gian cho những tự sự cá nhân.
    Bộ phim kéo dài 4 giờ 11 phút này thực ra là một phim ngắn hơn so với những phim Diaz thường làm, nó là một câu chuyện cô đọng và súc tích về một vụ án giết người trong đó kẻ gây ra án mạng là sinh viên luật Fabian nhưng một người đàn ông khác, là trụ cột gia đình lại phải nhận án phạt cho tội ác đó. Một cấu trúc phim truyền thống sẽ định đoạt lại án phạt, nhưng bộ phim này không hề muốn giải quyết êm xuôi mọi chuyện như vậy. Trong phim Fabian không bị bắt nhưng cũng không thể có sự thanh thản trong lòng khi sự dằn vặt của lương tâm và hình ảnh một người khác đang chịu trừng phạt cho những tội ác của mình vẫn lởn vởn quanh anh ta.
    Đó không chỉ là một bộ phim sẽ còn được nhắc tới nhiều trong vài năm tới như một mảnh ghép của Điện Ảnh Chiêm Nghiệm mà nó còn là ví dụ tiêu biểu trong những sáng tác đang ngày càng gây được sự chú ý của Diaz cũng như trong làn sóng mới Đông Nam Á.

    8. Stations of the Cross – Dietrich Bruggemann đạo diễn – Đức

    [​IMG]

    Stations of the Cross là một câu chuyện được kể một cách lạnh lùng, không khoan nhượng đồng thời cũng nó cũng như đang kiếm tìm sự đồng cảm nơi khán giả với thông điệp của mình. Bộ phim theo chân Maria (Lea van Acken), một cô bé 14 tuổi theo đạo Công Giáo cảm thấy mình cần phải vượt qua 14 ải khổ như Jesus đã phải chịu đựng trước khi chết để được cứu rỗi.
    Bộ phim chủ yếu được ghép từ các cú máy tĩnh lại với nhau tạo nên một bức tranh tổng thể chứ không được phân chia thành các các cảnh quay dài. Mục đích của nó là mang đến thông điệp của đạo diễn về sức mạnh và sự cuồng tín tôn giáo, cụ thể ở đây là Công Giáo và những tác động của lối nuôi dạy hà khắc tới trẻ em, điều này trở nên đặc biệt hơn khi đặt trong bối cảnh của xã hội hiện đại ngày nay.


    9. Timbuktu – Abderrahmane Sissako đạo diễn – Mauritania/Pháp

    [​IMG]
    Timbuktu, bộ phim mới của đạo diễn vùng Tây Phi Abderrahmane Sissako, đã nhận được nhiều sự chú ý của công chúng hơn hết thảy những bộ phim trước đây của ông bởi tính thời sự của nó về tình trạng cực đoan tôn giáo.
    Chuyện phim xoay quanh những cá nhân và tổ chức mà cuộc sống của họ đặt dưới sự kiểm soát của những kẻ hồi giáo cực đoan dòng Sunni, chúng đã lấy đi sự bình yên của ngôi làng và thay đổi cuộc sống của những người dân ở đây mãi mãi. Như việc chúng giết một người nông dân và cả vợ của anh ta hay cấm việc chơi bóng đá mà dùng bóng của những thanh niên trong làng. Bộ phim mang đến những câu chuyện nhỏ khác nhau với mục đích cho người xem thấy hết sự ngớ ngẩn và đê tiện của các quy tắc Nhà nước Hồi giáo và những ảnh hưởng của sự xâm lấn cục bộ này tới cuộc sống của một con người.
    Timbuktu là một trong những bộ phim xuất hiện đúng lúc trước vấn đề cấp bách xảy ra với những con người ở biên giới Tây Phi và với cả loài người trên toàn thế giới. Bộ phim quả thực đã cho thấy Abderrahmane Sissako không bao giờ né tránh vấn đề chính trị.


    10. Two Days, One Night (Hai Ngày, Một Đêm) – Jean-Pierre và Luc Dardenne đạo diễn – Bỉ

    [​IMG]
    Lần đầu tiên có sự xuất hiện của siêu sao màn bạc người Pháp Marion Cotillard trong phim của hai nhà làm phim người Bỉ này. Two Days, One Night là một câu chuyện cá nhân, một phụ nữ đang cố gắng thuyết phục những đồng nghiệp của mình cho cô tiếp tục giữ công việc hiện tại của mình. Sandra (Cotillard) làm việc ở nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời, là một người vợ và cũng là một bà mẹ sống ở vùng hẻo lánh của Bỉ, sau một vài tuần điều trị ở bệnh viện cô trở về với chứng suy nhược thần kinh. Trong lúc cô vắng mặt, những đồng nghiệp của cô (16 người tất cả) đã tìm cách xoay sở với công việc và nhận ra rằng họ có thể làm thêm phần việc của cô, điều đó giúp họ có thể chia nhau $1000 số tiền công của cô, Sandra phải thuyết phục 16 người đó để giữ được việc làm của mình. Bộ phim là một câu chuyện đậm chất cá nhân phản ánh những hành vi ứng xử của con người với nhau. Nhiều cảnh cận trong phim được quay bằng máy cầm tay theo phong cách Dardenne nhằm cho khán giả sự kết nối mạnh mẽ với các nhân vật và nhìn được thật gần những mối quan hệ giữa họ.

    *Chú ý: Các phim nước ngoài trong ngữ cảnh bài viết là các bộ phim không thực hiện tại Mĩ.

    24hinh.vn dịch theo tasteofcinema.com
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/7/15