Cảm nhận Casablanca - Bản Tình Ca Vĩnh Cửu Trong Chiến Tranh

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi Minh Tu Le, 11/4/19.

Lượt xem: 3,265

  1. Minh Tu Le

    Minh Tu Le Moderator

    Đã có không ít phim trong lịch sử điện ảnh Mỹ với bối cảnh chiến tranh ở nhiều cách thể hiện khác nhau mà tiêu biểu nhất phải kể đến Schindler’s List (1993), Grave of The Fireflies (1988), Full Metal Jacket (1987), The Deer Hunter (1978), Saving Private Ryan (1998), The Great Dictator (1940), Pearl Harbour (2001), hay gần đây là Dunkirk (2017) của đạo diễn Christopher Nolan với lối kể truyện độc đáo và hấp dẫn với lớp khán giả thời đại mới.


    Đứng sau Citizen Kane, bộ phim thứ hai trong danh sách 100 bộ phim đáng nhớ của nước Mỹ là Casablanca của Michael Curtiz. Với đề tài chính kịch lãng mạn, Casablanca (lấy theo tên thành phố tại Ma-rốc, bối cảnh chính của bộ phim) là một tác phẩm kinh điển trong bối cảnh đầu thế chiến thứ hai thể hiện niềm khát khao tình yêu dưới hoàn cảnh bom rơi đạn lạc.


    Casablanca
    Đạo diễn: Michael Curtiz
    Năm sản xuất: 1942



    [​IMG]


    Kể từ khi ra đời vào năm 1942, Casablanca là tác phẩm luôn được xem là có sức ảnh hưởng chính trị vĩ đại và lớn lao nhất trong tinh thần đoàn kết chống chủ nghĩa phát xít những năm 40, khi mà Đức Quốc Xã đang nhăm nhe thống lĩnh thế giới. Hơn hẳn những phim cùng thời là về mặt nghệ thuật, Casablanca cũng là một ví dụ lý tưởng cho sự dung hoà giữa chất cảm xúc và thực tại khắc nghiệt. Trong cái khắc nghiệt của chiến tranh và những chủ nghĩa cực đoan sẽ luôn tồn tại những con người với ý chí vươn lên đấu tranh vì hòa bình, quyền được sinh sống tự do và mưu cầu hạnh phúc.

    Biểu tượng nhan sắc vĩnh cửu Thụy Điển Ingrid Bergman cùng với “thần thái” ngút trời của Humphrey Bogart là điểm sáng về sự “tâm đầu ý hợp” của hai nhân vật Rick Blaine và Ilsa Lund trong trong bộ phim, mà ta phải dùng chữ Duyên khi nói về tình thế giữa họ: Từng là tình nhân của nhau tại Paris, song cũng trong hoàn cảnh chia cách của chiến tranh mà họ gặp lại nhau. Rick là một người Mỹ lưu vong sống tại thành phố Casablanca thuộc Ma-rốc, Pháp, chủ một quán bar kiêm sòng bạc với tên “Rick's Café Américain”. Tại Casablanca trong thế chiến hai, cuộc sống của những người tị nạn là nay đây mai đó. Khi người tình cũ Ilsa bước vào quán bar sau nhiều năm, và những nốt của bài hát thuở nào “As Time Goes By” vang lên, Rick trong giây phút quyến luyến đã mềm lòng trước lời đề nghị của chồng Ilsa là Victor Lazlo một lãnh tụ xứ Tiệp Khắc nhờ ông thoát khỏi đất Ma-rốc đến Mỹ mở đầu một cuộc kháng chiến châu Âu.





    [​IMG]

    “Here’s looking at you, kid” (Tạm dịch: Nhìn em kìa, cô bé) là một trong những câu thoại kinh điển nhất từng được nói trên màn ảnh.


    Về mảng kịch bản, Casablanca hiếm có những lời thoại nào có thể được xem như “thừa thãi”. Mỗi câu thoại đầu mang một ý nghĩa nhất định; nhịp phim chậm rãi với chủ đích để phát triển những yếu tố quan trọng như phát triển nội tâm và xây dựng mối quan hệ giữa các nhân vật trong tình huống phim. Casablanca cũng là bộ phim chứa đựng nhiều câu thoại “bất hủ” nhất trong một bộ phim kinh điển, với sáu câu thoại trong top 100 lời thoại đáng nhớ nhất của Viện Phim Mỹ bầu chọn.

    Không dùng quá nhiều những kỹ thuật camera như trong các phim đương thời, nhưng Casablanca khai thác sâu việc sử dụng ánh sáng để bộc lộ motif của nhân vật; ví như trong cảnh quay dưới đây khi nhân vật Rick đang lục lọi số tiền trong két bạc - bóng của Rick trên bức tường như thể tạo cho người xem những ý nghĩ suy đoán xung quanh nhân vật Rick; ông ta sẽ đứng lên vì công lý hay bằng sự bảo thủ sẽ theo chân chế độ thối nát chuyên quyền ở Casablanca như những con người khác không đủ bản lĩnh và ý chí sắt đá?


    [​IMG]


    Hay như trong cảnh sau khi nhân vật Ilsa đứng cạnh chiếc gương; hình mẫu nhân vật Ilsa như được phân tách thành hai, biểu tượng cho sự bất định của những lựa chọn, kết thúc của bộ phim và tương lai của những công dân trong cuộc chiến tranh sẽ đi về đâu? Đoạn kết của bộ phim sử dụng crane shot (cảnh quay dùng cần trục trên cao) với hình bóng của Rick và Louis rải bước trên sân bay trong mờ ảo của sương khói cũng là một cảnh quay ấn tượng báo hiệu một sự mờ mịt về tương lai.



    [​IMG]

    [​IMG]



    [​IMG]





    Quan điểm âm nhạc trong Casablanca là jazz; những cảnh trong quán bar của Rick sẽ không đủ sức nặng về cảm xúc hay không khí nếu không có tiếng đàn piano của nhân vật Sam và thanh điệu của dàn nhạc jazz cùng những tiếng rít vào cõi lòng của chiếc kèn saxophone hay tiếng nói chuyện tán phét trong men rượu và những canh bạc nhằm trốn tránh cái thực tại khốc liệt của chiến tranh. Ngoài ra, soundtrack của nhà soạn nhạc chính cho phim Max Steiner cũng góp phần khiến cho bộ phim trở nên kịch tính ở những trường đoạn cao trào và giàu chất thơ trong những cảnh cần thiết sự tinh tế, thanh tịnh.



    [​IMG]

    Những âm thanh khác cũng rất được đạo diễn chú trọng, từ những tiếng vụn vặt như tiếng mưa lách tách hay tiếng bước chân không chỉ khiến bộ phim trở nên chân thật, người xem như hòa mình vào không khí của phim mà còn được vận dụng để bộc lộ nội tâm nhân vật trong các cảnh phim. Trong nền cảnh Ilsa rời quán bar cùng chồng và khi Rick và Ilsa chạy trốn khỏi toán lính, tiếng mưa được dùng để biểu thị nỗi buồn trong tình thế hiểm nghèo mà các nhân vật chính phải đối mặt.

    Dàn diễn viên của Casablanca đa dạng về quốc tịch, chủ yếu là chính những công dân chạy trốn chế độ đàn áp Đức Quốc Xã. Casablanca đã được nhiều học giả ví như là một tượng đài nghệ thuật của Hollywood, tuyên ngôn chính trị hiếm hoi trong của lịch sử điện ảnh luôn có mặt trong những top phim vĩ đại nhất mọi thời đại. Người xem sẽ dễ dàng bị đắm chìm trong “thế giới” khốc liệt mà thơ mộng của bộ phim. Bộ phim tô điểm rất nhiều cho nhan sắc của nhân vật nữ chính Ingrid Bergman, xuất hiện trên màn ảnh cùng ánh mắt long lanh quyến rũ sang trọng và gương mặt khả ái chuẩn mực cho phụ nữ của Châu Âu. Mặc dù được đánh giá là xuất sắc nhất trong vai Ilsa, nhưng mãi đến năm 1945 thì Ingrid Bergman mới ẵm giải Oscar nữ chính xuất sắc nhất của Viện Hàn Lâm trong phim Spellbound của Alfred Hitchcock. Ingrid Bergman qua đời năm 1982, tròn 40 năm sau khi Casablanca ra mắt. Người đời sau đặt tên một giống hoa lai tạo năm 1984 cái tên Ingrid Bergman để tưởng nhớ những công lao của bà với nền điện ảnh thế giới.



    [​IMG]


    Và nhân vật Rick Blaine của Humphrey Bogart cũng đã trở thành một hình mẫu chuẩn mực trường tồn cho đàn ông Mỹ - thanh lịch, quyết đoán và có tâm hồn rộng mở vì người mình yêu thương cũng như vì cái lợi chung mà vứt bỏ những gì của riêng mình, ngay cả những tư duy sống cũ kĩ đề cao cái tôi thuộc về chính Rick Blaine ở lúc đầu phim.

    Trong giai điệu của “As Time Goes By”, ký ức của Ilsa và Rick khi ở Paris dù nhiều năm đã trôi qua ùa về giữa giới hạn của không gian và thời gian nhưng tồn tại mãi trong cái vĩnh cửu của tình yêu và khát khao sống đại diện cho số phận con người trong chiến tranh. Và “Casablanca”, dù đã ra mắt cách đây hơn bảy thập kỷ, dù thời gian thấm thoát thoi đưa, vẫn sẽ luôn là một biểu tượng của dòng phim chính kịch lãng mạn của Hollywood ban tặng cho thế giới trong hoàn cảnh bom đạn.

    “Hãy chơi đi Sam...vì tình xưa nghĩa cũ”


    [​IMG]

    Minh Tu Le - http://24hinh.vn