Điện ảnh tài liệu Việt Nam: Lịch sử và Hiện tại

Thảo luận trong 'Điện ảnh Việt Nam' bắt đầu bởi Hitchcock, 2/5/17.

Lượt xem: 5,823

  1. Hitchcock

    Hitchcock Cinematographer

    [​IMG]
    Có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới nếu xét về góc độ lịch sử và truyền thống sản xuất phim tài liệu độc lập. Sau 50 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, điện ảnh Việt Nam chủ yếu phát triển dưới sự bảo trợ của Nhà nước. Phim tài liệu độc lập chỉ bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam trong thập niên đầu của thế kỷ này, đi sau thế giới cả chục năm kể từ khi máy quay video kỹ thuật số chi phí thấp và phần mềm chỉnh sửa trên máy tính dẫn đầu cuộc cách mạng làm phim độc lập bùng nổ.

    Mặc dù điện ảnh được giới thiệu vào Việt Nam từ khi còn là thuộc địa của Pháp từ đầu thế kỷ 20 – ngay sau khi anh em nhà Lumiere tổ chức buổi công chiếu đầu tiên của họ tại Grand Café ở Paris vào năm 1895, nhưng phải mãi sau khi giành lại độc lập năm 1945 thì nền điện ảnh quốc gia mới được phát triển đầy đủ.

    Năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Nghị định 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt nam đánh dấu sự ra đời chính thức của điện ảnh Việt Nam như một bộ phận trực thuộc Nhà nước. Với sự kết thúc của cuộc chiến tranh Đông Dương và sự phân chia Việt Nam thành hai miền Nam Bắc năm1954 ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà cũng tách thành hai phân nhánh: khu vực Hà Nội tập trung làm các bộ phim tuyên truyền cổ động trong khi Sài Gòn sản xuất chủ yếu là hài kịch hoặc phim theo đề tài chiến tranh.

    Từ năm 1956 đến năm 1959, các tổ chức điện ảnh Nhà nước đã được thành lập tại Hà Nội, gồm có: Hãng phim Việt Nam (sau này tách ra thành Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW và Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), Công ty phân phối phim, Cục Điện ảnh, báo Điện ảnh và trường Đại học Điện ảnh Hà Nội. Có thể nói hạ tầng tổ chức và quản lý các hoạt động điện ảnh quốc gia tại Việt Nam gần như không thay đổi trong suốt 50 năm qua.

    Điện ảnh Việt Nam sản xuất nhiều phim tài liệu hơn phim truyện, thậm chí có hẳn một lịch sử về phim tài liệu với ngành công nghiệp điện ảnh tại Hà Nội tập trung vào mảng phim này với đề tài chiến tranh. Từ năm 1965 đến năm 1973 đã có 463 phim thời sự, 307 phim tài liệu và 141 phim khoa học được sản xuất, trong khi chỉ có 36 phim truyện và 27 phim hoạt hình. Phim nổi bật trong giai đoạn này có Du kích Củ Chi (1967) và Lũy thép Vĩnh Linh (1970) với một số cảnh thật quay trong các trận chiến.

    Sau thống nhất đất nước năm 1975, các hãng phim ở miền nam Việt Nam bắt đầu chuyển sang làm phim về các đề tài hiện thực xã hội, tập trung vào sự anh dũng của quân và dân trong cuộc cách mạng, những nỗi đau chiến tranh và các vấn đề tái thiết thời hậu chiến. Phim tài liệu nổi tiếng trong giai đoạn này bao gồm Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (1975) của Phạm Kỳ Nam và Đường dây lên Sông Đà (1981) của Lê Mạnh Thích.

    Trên thế giới, các bộ phim tài liệu Việt Nam cho đến tận những năm gần đây vẫn chỉ được trình chiếu ở liên hoan phim của các nước Đông Âu. Ví dụ, bộ phim Nước về Bắc Hưng Hải đã giành giải vàng tại Liên hoan phim Mát-xcơ-va năm1959.

    Thời kỳ đổi mới cùng với việc cải cách xã hội năm 1987 và chuyển sang kinh tế thị trường đã giáng một đòn mạnh vào nền điện ảnh Việt Nam và đẩy nó vào thế phải đấu tranh để tồn tại trong bối cảnh bao gồm cả video và truyền hình. Với việc các khoản trợ cấp của Chính phủ cắt giảm mạnh, số lượng các bộ phim tài liệu do Nhà nước sản xuất cũng giảm đi đáng kể do chi phí sản xuất cao và rủi ro lớn về mất mát tài chính.

    Bộ phim Chuyện Tử Tế (1985) của NSND Trần Văn Thủy, hiện được coi là một tác phẩm kinh điển của phim tài liệu Việt Nam, đã đánh dấu sự kết thúc của điện ảnh bao cấp thời hậu chiến và mở đầu thời kỳ điện ảnh đương đại. Bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế trong đó có giải Bồ Câu Bạc tại Liên hoan phim Dok Leipzig (Đức) vào năm 1992. Đây là một trong số ít các bộ phim của Việt Nam sản xuất trong thời kỳ bao cấp mà không mang nội dung tuyên truyền cổ động, thay vào đó lại thể hiện ý chí độc lập của nhà làm phim. Trần Văn Thủy, cũng giống như tất cả các nhà làm phim khác của thời kỳ đó, làm việc trong hệ thống điện ảnh Nhà nước, tuy nhiên ông đã dũng cảm thực hiện một bộ phim phê phán hiện thực xã hội. Chuyện Tử Tế ban đầu bị cấm ở Việt Nam do bộ phim đề cập đến sự thực đằng sau những khẩu hiệu dân tộc và nêu lên hiện thực đời sống đáng buồn của nhiều tầng lớp người Việt. Bộ phim chỉ được phát hành vào năm 1987 sau khi có sự can thiệp của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh .

    Đạo diễn Trần Văn Thủy (sinh năm 1940) tốt nghiệp khoa điện ảnh của Cao đẳng Điện ảnh Hà Nội và Trường Điện ảnh Mát-xcơ-va dưới thời Roman Karmen, sau đó làm việc tại Hãng phim Tài liệu Trung ương từ năm 1977. Ông đã nhận được nhiều sự hoan nghênh và được coi nhà làm phim tài liệu đương đại nổi tiếng nhất của Việt Nam. Nhiều phim khác của ông cũng từng đoạt các giải thưởng lớn, như: Những người dân quê tôi (1970), Phản bội (1979), Hà Nội trong mắt ai (1982), Thầy mù xem voi (1990), Một cõi tâm linh (1994) và Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (1998, giành giải Phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương năm 2000 và Giải Bồ Câu Vàng tại Liên hoan phim Dok Leipzig).

    Bên cạnh Trần Văn Thủy, một nhà làm phim nổi tiếng khác của Hãng phim Tài liệu từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế là cố đạo diễn Lê Mạnh Thích. Ông luôn tiếp cận vấn đề một cách đầy tính nhân văn vì thế những bộ phim của ông luôn chứa đầy những hình ảnh thơ mộng. Bộ phim Đường dây lên sông Đà đã giành giải Bồ Câu Vàng cũng tại Liên hoan Dok Lepzig năm 1982, trong khi phim Trở lại Ngư Thủy (1998) được trao giải phim ngắn hay nhất tại Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương tại Đài Loan năm 1998 – Bộ phim kể về chuyến trở lại ngôi làng nơi ông đã ghi lại những hành động anh hùng trong chiến tranh của những người phụ nữ nơi đây năm 1971.

    Các bộ phim được sản xuất bởi Hãng phim tài liệu Việt Nam và các hãng phim Nhà nước khác thường có chung đặc điểm là luôn có thuyết minh dẫn khán giả suy nghĩ theo hướng đã định sẵn và âm thanh hiếm khi đồng bộ với hình ảnh. Trong nhiều năm, đây đã là loại hình phim tài liệu duy nhất mà khán giả Việt Nam được tiếp xúc, do đó, hầu hết mọi người không phân biệt được sự khác nhau giữa phim tài liệu, phim thời sự và phim khoa học mà chỉ xem chúng như những bộ phim tuyên truyền.

    Cho đến mãi mười năm trở lại đây, ngành làm phim tài liệu của Việt Nam vẫn nằm độc quyền trong tay Nhà nước với vị trí trung tâm của Hãng Phim Tài Liệu & Khoa Học. Tuy nhiên, thập kỷ vừa qua đã chứng kiến những nỗ lực ban đầu để mở rộng bối cảnh phim tài liệu tại Việt Nam. Phim tài liệu độc lập bắt đầu được sản xuất tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, nhưng vẫn chưa được công nhận một cách rộng rãi do sự kiểm duyệt và quản lý gắt gao của Chính phủ trên cấp độ quốc gia.

    Dưới đây là ba dự án phim tài liệu đáng kể nhất trong thập kỷ qua tại Việt Nam:

    • Kể từ năm 2004, tổ chức Atelier Varan có trụ sở tại Paris đã hợp tác với các tổ chức điện ảnh Nhà nước tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để tổ chức năm hội thảo về phim tài liệu nhằm đào tạo các nhà làm phim theo hướng quan sát khách quan;
    • Trung tâm TPD (trực thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam, trước kia được Quỹ Ford tài trợ): Từ năm 2007, chương trình của TPD đã tập trung đào tạo học sinh trung học để làm phim tài liệu, phim truyện;
    • Được thành lập vào năm 2009, Hanoi DocLab là một sáng kiến kết hợp sản xuất phim tài liệu và video nghệ thuật do Viện Goethe tài trợ. Thông qua các chương trình đào tạo đa dạng, hội thảo và chiếu phim cũng như phòng thí nghiệm và thư viện phim mở cửa cho công chúng, trung tâm hướng tới mục đích nuôi dưỡng một thế hệ các nhà làm phim độc lập mới đồng thời phát triển khán giả cho loại hình này tại Việt Nam.

    Năm 2007 là năm đánh dấu sự xuất hiện của phim tài liệu độc lập Việt Nam trong những liên hoan phim quốc tế. Đó là Love Man Love Woman (Chuyện thày Đức) của Nguyễn Trinh Thi (bộ phim nghiên cứu vấn đề giới tính và đồng tính luyến ái đặt trong mối quan hệ với Đạo Mẫu) và Giấc mơ là công nhân của Trần Phương Thảo (là kết quả sau hội thảo Varan năm 2006, bộ phim nói về giấc mơ của những cô gái trẻ rời bỏ nông thôn ra thành thị để làm việc trong các nhà máy của các công ty đa quốc gia, bộ phim giành giải Pierre và Yolande Perrault Grant cho nhà làm phim trẻ tại Cinema Du Reel 2007).

    Kể từ năm 2012, những phim tài liệu ngắn thực hiện trong các hội thảo của Hanoi Doclab đã được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế, ví dụ Buổi chiếu bóng Long Biên (4 phim ngắn của Doclab) đã giành giải “Tác phẩm được chú ý đặc biệt” tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Yamagata năm 2011 và giải phim tài liệu hay nhất ASEAN tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Salaya ở Thái Lan Snăm 2012. Các bộ phim của Doclab, với cách tiếp cận cá nhân và thực nghiệm về việc làm phim, cũng đã được trình chiếu trong nhiều chương trình của các gallery và bảo tàng quốc tế trong bối cảnh điện ảnh đương đại.

    Vào năm 2013, Chiếc chiếu của bà Bứa của Dương Mộng Thu, một bộ phim cũng được xây dựng trong thời gian hội thảo Varan tại Đà Nẵng về một người phụ nữ kể lại câu chuyện của mình thời chiến tranh mà những người trong làng bà chia rẽ đi theo hai phía đối lập. Bộ phim nhận giải Shinsuke Ogawa, giải thưởng cao nhất trong hạng mục Làn sóng Châu Á lần đầu tiên xuất hiện tại Liên hoan Yamagata (Nhật Bản).

    Bất chấp những cố gắng của ba nhóm dự án kể trên, phong trào làm phim tài liệu độc lập ở Việt Nam vẫn còn tương đối yếu ớt. Mặc dù các chương trình hội thảo và giáo dục của Varan, TPD và Hanoi Doclab đã tạo nên những tác động quan trọng cho việc thiết lập tiền đề cho phim tài liệu độc lập Việt Nam, tình hình địa phương vẫn còn rất nhiều trở ngại đối với những nỗ lực duy trì các động lực ban đầu, trong đó có việc thiếu các kênh phân phối phim cũng như sự kiểm soát gay gắt của các nhà chức trách.

    Ví dụ, các kênh truyền hình tại Việt Nam hiếm khi đặt hàng sản xuất hay mua lại bản quyền các bộ phim của các nhà làm phim độc lập để phát sóng. Thay vào đó, một số ít các nhà làm phim đã bắt đầu khám phá tiềm năng của các kênh truyền hình quốc tế như Arte, BBC, Discovery Channel hay các kênh truyền hình khác trong khu vực.

    Hiện nay, các tổ chức phi chính phủ (NGO) có lẽ là nhóm khách hàng quan trọng nhất của các nhà làm phim tài liệu độc lập tại Hà Nội trong khi các đồng nghiệp của họ ở miền Nam có thể dựa nhiều hơn vào các hợp đồng phim truyện hay các chương trình biểu diễn thương mại.

    Tuy nhiên, các nhà làm phim tài liệu độc lập không nên trông đợi quá nhiều vào các kênh truyền hình quốc tế hay các tổ chức phi chính phủ trong dài hạn. Các kênh truyền hình trên toàn thế giới đã, đang và có thể sẽ tiếp tục giảm bớt hoặc thậm chí cắt bỏ ngân sách dành cho phim tài liệu. Ngoài ra, Việt Nam hiện cũng đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, vì thế các nhà tài trợ chắc chắn sẽ giảm bớt các khoản viện trợ một cách đáng kể trong vài năm tới.

    Các liên hoan phim ở nhiều quốc gia thường là kênh phân phối quan trọng cho thể loại phim tài liệu độc lập phi thương mại nhưng ở Việt Nam chúng lại chưa thể hiện được vai trò như vậy. Các liên hoan phim tại Việt Nam, kể cả liên hoan lâu đời nhất ra đời năm 1970, thường do Chính phủ tổ chức và điều phối toàn bộ, do đó có rất ít cơ hội cho các bộ phim tài liệu độc lập tiếp xúc với công chúng nước nhà.

    bài viết của đạo diễn Nguyễn Trinh Thi​