Tips Lý thuyết Màu sắc trong Video

Thảo luận trong 'Nghệ thuật chỉnh sửa màu sắc (Color Grading)' bắt đầu bởi Son Kevin, 8/12/15.

Lượt xem: 6,730

  1. Son Kevin

    Son Kevin 23,97 hình/s


    [​IMG]

    Thông qua tìm hiểu về lý thuyết màu sắc, bạn có thể tăng thiết lập cho công cụ sáng tạo của bạn. Từ việc quay quảng cáo đến một đám cưới hay một bộ phim truyện, bạn có thể sử dụng lý thuyết màu sắc để định hướng nhịp độ và tâm trạng người xem thông qua ứng dụng màu sắc trong giai đoạn tiền kỳ, quay phim và hậu kỳ.

    Thật khó tin nhưng hai người khác nhau lại nhìn thấy những màu sắc khác nhau. Đó là bởi vì không phải tất cả mọi người đều cấu tạo giống nhau. Theo nghiên cứu khoa học, 11% dân số thế giới bị mù màu một phần và 0,5% gần mù màu hay mù màu hoàn toàn. Con người cũng rất khó nhận ra sự khác biệt tinh vi của màu sắc. Do vậy, không phải mọi sự kết hợp màu sắc hoặc thậm chí là màu sắc nói chung có thể trực quan hấp dẫn với tất cả mọi người.

    Lý thuyết màu sắc là một hiện tượng có thể lý giải được. Nó đã xuất hiện vào thời các họa sĩ Phục hưng. Vài thế kỷ sau khi các thuộc tính màu cơ bản đã được phân loại, Albert H. Munsell tạo ra một hệ thống màu ba chiều tập trung vào màu sắc, ánh sáng và sắc độ. Hệ thống này, được phát triển vào đầu những năm 1900, và dần trở nên rất chính xác và khoa học. Bằng cách nhìn vào thành tựu của ông cũng như sự phát triển và các ứng dụng của nó, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được các nguyên tắc cơ bản của lý thuyết màu sắc.

    Bạn có thể sử dụng lý thuyết màu sắc để định hướng nhịp độ và tâm trạng người xem thông qua ứng dụng màu sắc trong giai đoạn tiền kỳt, quay phim và hậu kỳ.

    Trong lý thuyết màu sắc truyền thống và hệ thống màu được sử dụng bởi Munsell, trước khi truyền hình màu và in ấn kỹ thuật số được phát minh, các màu cơ bản là đỏ, vàng và xanh dương (RYB). Với sự ra đời của truyền hình màu, một hệ thống mới đã được phát triển bằng cách sử dụng màu đỏ, xanh lá cây và xanh dương (RGB). Trong in ấn, đó là màu lục lam, vàng, đỏ tươi và màu chìa khóa (CYMK) trong đó màu chìa khóa, thường là màu đen, không phải là một màu thật sự mà là một màu sắc trung tính. Hệ thống RYB của Munsell được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật và thiết kế. RGB chưa bao giờ thật sự phù hợp với một hệ thống chính thức nào của lý thuyết màu sắc. Tuy nhiên, một vài ứng dụng của RGB vẫn được sử dụng.

    Lý thuyết Màu sắc Cơ bản

    Trong hầu hết các hệ màu được sử dụng ngày nay, có ba màu cơ bản, ba màu bổ túc và sáu màu bậc ba. Ý tưởng phía sau các màu cơ bản đó là bạn có thể kết hợp ba màu này với nhau để tạo ra tất cả các màu còn lại. Một minh họa rất tuyệt vời và dễ thấy cho điều này là “vọc” các thanh trượt RGB trong Photoshop của Adobe.

    [​IMG]
    Dưới đây là một bản tóm tắt nhanh:

    Hệ thống Màu truyền thống (Munsell)

    Màu cơ bản: màu đỏ, vàng, xanh dương

    Màu bổ túc: màu xanh lá cây, màu cam, màu tím

    Màu bậc ba: màu vàng-cam, đỏ cam, đỏ tía, xanh tím, lục lam, vàng-xanh

    Hệ thống Màu RGB

    Màu cơ bản: màu đỏ, xanh lá cây, xanh dương

    Màu bổ túc: màu lục lam, màu vàng, màu đỏ tươi

    Màu bậc ba: màu đỏ-vàng, xanh lá cây, màu vàng, màu xanh lá pha lục, màu xanh dương pha lam, màu xanh-đỏ tươi, đỏ-đỏ tươi

    Mô hình màu CYMK


    Màu cơ bản: màu lục lam, vàng, đỏ tươi, đen

    Màu bổ túc: màu đỏ, xanh lá cây, màu xanh

    Màu bậc ba: đỏ-vàng, xanh lá cây, màu vàng, màu xanh lá pha lục, màu xanh dương pha lam, màu xanh-đỏ tươi, đỏ-đỏ tươi


    Điều đáng chú ý là mô hình màu CYMK lại không được sử dụng cho mục đích thiết kế. CYMK chỉ được sử dụng cho quá trình in ấn, trong khi việc thiết kế được thực hiện dựa vào lý thuyết màu sắc truyền thống của Munsell.

    Hơn nữa, màu sắc có thể được chia thành màu nóng và màu lạnh. Màu lạnh thường được dùng như màu nền và mang ý nghĩa của sự êm dịu hay bình tĩnh. Trong khi đó, màu nóng lại được dùng nhiều cho phần tiền cảnh, thường biểu đạt ý nghĩa mạnh mẽ hay điên cuồng. Khi được sử dụng trong chiếu sáng, chúng có thể khuếch đại những mối quan hệ thuộc về không gian và mang lại sự tập trung đến các khu vực cụ thể. Khi được kết hợp trong sự tính toán hợp lý về ý nghĩa và độ sáng của màu sắc, bạn có thể tạo ra hình ảnh thực sự nổi bật.

    Màu bổ sung là tập hợp các màu sắc, khi kết hợp với nhau thì có thể tạo ra màu xám. Màu trắng, màu đen và màu xám đều thiếu cả sắc độ lẫn độ bão hòa. Sắc độ chính là sắc màu còn độ bão hòa là cường độ của màu sắc. Màu bổ sung rất quan trọng bởi vì chúng vô cùng hấp dẫn và trực quan. Bạn có thể xác định được những màu có thể bổ sung cho nhau bằng cách vẽ một đường thẳng trên một bánh xe màu từ một màu đến một màu khác. Dù vậy, có ba cặp màu trong hệ thống màu Munsell có thể bổ sung nhau tốt nhất đó là: màu đỏ-xanh lá cây, màu cam-xanh dương, màu vàng-tím. Trong hệ thống RGB, bạn có màu đỏ-xanh lá mạ, màu xanh-đỏ tươi và màu xanh-vàng.

    Trong khi các màu bổ sung là trực quan và hấp dẫn nhất, vẫn có những lựa chọn màu sắc khác. Bộ ba màu sắc là các màu cách đều nhau trên bánh xe màu. Chúng có thể được sử dụng theo cặp như màu vàng-đỏ hay theo nhóm như màu vàng-đỏ-xanh. Những màu này kết hợp với nhau rất tốt. Màu tương tự là ba màu nằm cạnh nhau trên bánh xe màu. Ví dụ như sự kết hợp màu vàng, cam và đỏ mà chúng ta thường thấy rất trực quan hấp dẫn.

    Sử dụng Lý thuyết Màu sắc trong phim ảnh

    Trước khi phôi phim màu ra đời, các nhà làm phim phải phủ màu toàn bộ phim để mang đến một cảm giác nhất định. Màu xanh trở nên tương đồng với ban đêm. Thậm chí ngày nay, màn đêm thường được quay với màu xanh sậm và bóng tối màu xanh đen thay vì màu đen.

    [​IMG]
    "Hugo" của Martin Scorsese là một ví dụ sinh động về một bộ phim hiện đại có sử dụng màu xanh thể hiện màn đêm. Khi DW Griffith tạo ra "Birth of a Nation", ông đã sử dụng một số sắc thái màu từ phôi phim đã được phơi sáng. Quá trình này khá mất thời gian và tốn kém vì phải sử dụng các sáng chế và cải tiến về phôi phim màu, trước khi các nhà làm phim có thể tích cực sử dụng lý thuyết màu sắc để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hơn.

    [​IMG]
    Nếu bạn chú ý John Wayne trong phim "Rio Bravo", bạn sẽ nhận thấy ông mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh với một áo khoác màu nâu đỏ. Mũ của ông, màu vàng bụi bặm, bổ sung cho hai màu khác trên quần. Ông là nhân vật duy nhất trong bộ phim được mặc tất cả ba màu cơ bản. Điều này làm cho ông nổi bật hơn và mang đến cho chúng ta, người xem, sức hấp dẫn và tiềm thức tự nhiên đối với ông khi ông xuất hiện trên màn hình.

    [​IMG]
    Để tham chiếu với một bộ phim gần đây hơn, bạn có thể nhìn vào bộ phim "Người nhện" đầu tiên của Sam Raimi. Bộ đồ màu đỏ và xanh của Người Nhện rất nổi bật so với các tòa nhà, cũng như màu vàng hổ phách ấm áp. Ngay cả những đám mây trên bầu trời cũng có ánh vàng. Điều này làm người anh hùng, vốn đã rất sống động của chúng ta, nay xuất hiện trở nên độc nhất trên màn ảnh.

    [​IMG]
    Một ví dụ tuyệt vời của lý thuyết màu sắc trong cả thiết kế sản xuất và kỹ thuật điện ảnh là "Titanic" của James Cameron. Cảnh chìm tàu xảy ra trên một màn đêm xanh. Các đèn tàu màu vàng hướng đôi mắt của bạn chú ý tới nó và làm cho nó nổi bật hơn so với cảnh nền. Tất nhiên sự kỳ diệu thực sự của "Titanic" là nó sử dụng cả hai mô hình lý thuyết màu sắc (RYB và RGB) cùng một lúc. Các phân đoạn cảnh lãng mạn sử dụng màu xanh và màu cam, trong khi con tàu và vụ chìm tàu sử dụng màu xanh và màu vàng.

    Hãy cùng xem hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của "Titanic", khi Kate Winslet và Leonardo DiCaprio đứng trên mũi tàu. Kate Winslet mặc một chiếc váy màu xanh đậm với áo yếm trắng. Nó chuyển sang màu cam với ánh sáng, làm cho cô nổi bật hơn với nền màu xanh nhạt của nước. Kate Winslet được chiếu sáng với một ánh sáng màu đỏ da cam với cường độ cao hơn trong suốt bộ phim khi nhân vật của cô đang yêu. Ánh sáng màu cam không phải là điều ngẫu nhiên - đó là sự bổ sung cho màu xanh dương-xanh lá cây, màu mắt tự nhiên của Winslet.

    Kubrick và Màu sắc

    Stanley Kubrick bắt đầu làm phim trong những năm 1950; bộ phim đầu tiên của ông là phim đen và trắng vì, vào thời điểm đó, phôi phim màu rất đắt tiền và chỉ được sử dụng cho các bộ phim kinh phí lớn với các ngôi sao tầm cỡ. Tác phẩm nổi trội của ông trong nghệ thuật phim màu là "Sparticus" (1960) đã được viết storyboard (kịch bản đồ họa) rộng rãi và thậm chí còn được đưa vào những kiểm tra nghiêm ngặt về màu sắc mà Walt Disney đã sử dụng cho tất cả các bộ phim của ông kể từ khi Kubrick bị ám ảnh màu sắc. Do lần đối đầu với nam diễn viên Kirk Douglas, Kubrick từ chối làm việc với các nam diễn viên ngôi sao, vì vậy khiến ông không nghiên cứu về màu sắc trong gần tám năm.

    [​IMG]
    Kubrick đã trở lại ngành công nghệ phim màu bằng kiệt tác của ông "2001: A Space Odyssey." Trong cảnh phòng máy tính Hal 9000, Kubrick đặt diễn viên Keir Dulea (Tiến sĩ Dave Bowman) vào một căn phòng màu đỏ đáng sợ. Khuôn mặt của nam diễn viên này được thắp sáng bằng ánh sáng màu xanh dương-xanh lá cây. Nhờ đó rất thu hút ánh mắt người xem một cách tự nhiên vào khuôn mặt ông. Bộ phim đột phá của Kubrick ảnh hưởng rất nhiều đến việc áp dụng lý thuyết màu sắc trong thể loại phim khoa học viễn tưởng.

    Kubrick tin rằng màu mạnh nhất là màu đỏ và màu đỏ được sử dụng như là một cách để làm nổi bật nhân vật và hành động. Khi Kubrick tiến hành quay "Barry Lyndon," ông nghiên cứu lý thuyết màu sắc thời kỳ Phục hưng và kết hợp nó vào chỉ đạo nghệ thuật của mình; Tuy nhiên, ông sử dụng màu sắc tốt nhất và hiệu quả nhất là trong "The Shining." Hai cô gái mặc áo xanh đứng trên hành lang màu vàng. Một giây sau họ dính đầy máu đỏ. Việc sử dụng tiềm thức về màu sắc làm cho hình ảnh trở nên hấp dẫn như vậy khiến chúng ta không muốn rời mắt khỏi màn hình. Do vậy mà hình ảnh phim luôn in đậm vào tâm trí người xem, như cách mà Kubrick mong muốn.

    Lý thuyết màu sắc trong Đồ họa

    Lý thuyết màu sắc, khi được áp dụng vào đồ họa, có thể trở nên rất nghiêm ngặt. Trong khi màu sắc trong phim thường được yêu cầu phải được thể hiện thật tinh tế, thì trong đồ họa, điều này là không cần thiết. Màu xanh lá cây và màu đỏ được sử dụng trong hầu hết các quảng cáo Giáng sinh tại Hoa Kỳ. Trên thực tế màu xanh lá cây và màu đỏ thường xuyên được sử dụng cùng với nhau, nhưng các nghệ sĩ đồ họa chuyển động lại được dạy rằng nên tránh sử dụng hai màu này trong thiết kế. Tuy nhiên, các màu bổ sung và màu bão hòa khác lại được sử dụng rộng rãi. Một thách thức khá vui và khá thú vị là hãy tìm ra một thương hiệu phổ biến không sử dụng màu đỏ, vàng, xanh lá cây hoặc xanh dương với sắc độ tối đa.

    Ý nghĩa của màu sắc

    Màu sắc không có ý nghĩa quốc tế rõ ràng. Thay vào đó màu sắc được mang ý nghĩa của các nền văn hóa. Tại Hoa Kỳ, chúng ta thường kết hợp màu đỏ thể hiện cái ác hay nhân vật phản diện. Các cơ sở lịch sử của điều này rất đáng ngạc nhiên. Hầu hết tất cả các kẻ thù của Mỹ sử dụng màu đỏ trong đồng phục hoặc cờ của họ như: nước Anh với áo khoác đỏ, nước Đức thời Thế chiến 1 (cờ: nền đỏ với chữ thập đen), của Đức Quốc xã (cờ: chữ Vạn trên nền đỏ), Nhật Bản vào Thế chiến 2 (cờ: mặt trời mọc màu đỏ trên nền trắng). Ngay cả trong chính trị, ảnh hưởng có thể nhìn thấy được khi nhắc đến chủ nghĩa cộng sản ở Hoa Kỳ như "The Red Scare." Không có gì ngạc nhiên khi mà các nhân vật phản diện của điện ảnh Mỹ thường mặc màu đỏ. Dracula thường được miêu tả là mặc một chiếc áo choàng đen với lớp lót màu đỏ hoặc bộ com-lê màu đỏ đậm. Darth Vader cầm một thanh gươm ánh sáng màu đỏ. Hal 9000 theo dõi bạn thông qua một vòng tròn màu đen với một ống kính đỏ. Nhưng với hầu hết các nước phương Đông như Trung Quốc, màu đỏ có ý nghĩa khác nhau. Điều quan trọng là hãy chọn màu sắc dựa trên nhận thức màu sắc của các nền văn hóa hoặc trải nghiệm của các đối tượng mục tiêu.

    Màu sắc cũng có thể được gán ý nghĩa. Trong "Matrix Trilogy”, ánh sáng với hai màu sắc khác nhau minh họa sự khác biệt giữa hai thế giới: màu xanh lá cây cho Matrix (thế giới tạo ra máy tính) và màu xanh dương cho thế giới thực. Bởi vì màu xanh lá cây không phải là màu tự nhiên đối với ánh sáng, nó khuếch đại một cách tiềm thức tính không tự nhiên của Matrix. Với việc sử dụng công nghệ đồ họa theo phong cách màu xanh lá cây, màu xanh lá dần được đánh đồng với Matrix.

    Áp dụng Lý thuyết Màu sắc vào Nhiếp ảnh và Video hàng ngày

    Thường thì khi chụp ảnh kỹ thuật số, bạn không có kinh phí sản xuất lớn như Hollywood. Khi giao dịch USD nắm thế kiểm soát và vẫn nghiêng về phía bạn thì nó cho phép bạn tự do sáng tạo nghệ thuật hơn. Hãy nghĩ đến mỗi lần sản xuất là một cơ hội để áp dụng các kỹ năng về lý thuyết màu sắc của bạn. Trong giai đoạn tiền sản xuất, bạn có thể chọn tủ quần áo và cảnh nền với màu sắc bổ sung. Bạn có thể đặt mọi người ở trước một cảnh nền tôn lên làn da của họ hoặc những gì họ đang mặc. Trong giai đoạn hậu sản xuất, bạn có thể thay đổi độ bão hòa của vài màu sắc nhất định để khuếch đại các mối quan hệ bổ sung của màu sắc. Bạn có thể sử dụng lý thuyết màu sắc trong đồ họa chuyển động để tạo ra hình ảnh thật bắt mắt. Bằng việc ứng dụng củng cố màu sắc vào các dự án của bạn, bạn có thể bổ sung thêm ý nghĩa và nhiều hơn nữa cho sản phẩm của bạn.

    Ngoài lề

    Không đen, không trắng, không đỏ, không có logo, không hoa văn?

    Nếu bạn đã từng vào phụ việc trong một bộ phim, bạn có thể đã nghe cụm từ này liên quan đến lựa chọn chiếc tủ mà bạn nên mang đến phim trường. Trong khi màu đỏ, trắng và màu đen là cực đoan và nổi bật khi đặt bên cạnh các màu sắc khác, đây thường không phải là lý do cho việc tránh sử dụng các màu sắc khác; thêm nữa, nhiều người đã rất sai lầm khi đưa quy luật này vào lý thuyết màu sắc.

    Màu trắng là màu rất dễ bị lấn át trong video. Màu đen có xu hướng trở nên quá cường điệu. Màu đỏ thì thường lan sang các màu sắc khác. Các logo lại phải có bản quyền và gây ra các vấn đề pháp lý nếu chưa được xử lý rõ ràng, trong khi việc loại bỏ logo bằng kỹ thuật số lại khá tốn kém cho dự án của bạn. Cuối cùng, các hoa văn có xu hướng Moire, gây ra hình ảnh dị thường và khiến người xem mất tập trung. Trong khi những vấn đề này khá nghiêm trọng với video analog, nó đã được cải thiện với máy ảnh kỹ thuật số độ phân giải cao hơn. Tuy nhiên, tốt nhất là hãy giữ an toàn chứ đừng nói lời xin lỗi.

    Bài viết của tác giả Wéland Bourne - Ông là một nhà làm phim từng đoạt giải thưởng cũng như một nghệ sĩ VFX và đồ họa chuyển động.
     
    Mai Le thích bài này.