Tổng quan điện ảnh Hàn Quốc

Thảo luận trong 'Điện ảnh thế giới' bắt đầu bởi Hitchcock, 20/12/17.

Lượt xem: 7,215

  1. Hitchcock

    Hitchcock Cinematographer

    Kể từ khi ra đời đến nay, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã phản ánh một cách sinh động các chủ đề, sự quan tâm cũng như những nhu cầu của xã hội và nền văn hóa. Mặc dù các sự kiện lịch sử của thế giới và của Hàn Quốc đã qua đi, nhưng chúng ta vẫn thấy được tầm ảnh hưởng nó qua các thể loại phim ảnh. Điện ảnh Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước gặp khó khăn và khủng hoảng.

    PHẦN I: THỜI KỲ SƠ KHAI ĐẾN CHIẾN TRANH NAM - BẮC HÀN (~1953)​

    1. Giai đoạn trước giải phóng 1945

    Qua Du hành ký của một du khách người Mỹ tên là Elias Burton Holmes công bố khoảng giữa năm 1901-1902, năm 1899, những thước phim đầu tiên đã được công chiếu tại Hàn Quốc. Trong thời gian ở lại Seoul, ông đã đi khắp thành Seoul, ghi lại phong cảnh, con người nơi đây bằng camera rồi đem chiếu trước Hoàng gia Chosun (Triều Tiên). Như vậy, sự manh nha của điện ảnh Hàn Quốc có thể coi là bắt đầu từ năm 1899, tức là chỉ ít năm sau buổi trình chiếu cuốn phim đầu tiên của anh em nhà Luymie tại nhà hàng “Grand Café de Paris”.

    Tuy nhiên, căn cứ vào mẩu quảng cáo trên báo Hwang Seong thì buổi chiếu phim chính thức trước công chúng Hàn Quốc đầu tiên là ngày 23 tháng 6 năm 1903 tại xưởng máy của công ty điện lực Han Seong ở thủ đô Seoul.

    Trước khi bị Nhật Bản chính thức đô hộ, tại thủ đô Seoul và các thành phố lớn của Hàn Quốc, các nhà hát được xây dựng hàng loạt, nhưng phần lớn do người Nhật làm chủ, chỉ một số ít là của người Hàn Quốc. Các bộ phim trình chiếu vào thời kỳ này đều được nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ.

    Ngày 27 tháng 10 năm 1919 là dấu mốc vô cùng quan trọng của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, đó là sự ra đời của bộ phim đầu tiên do người Hàn Quốc sản xuất với tựa đề Uirijeok Gutu (Sự trả thù chính đáng). Bộ phim được sản xuất theo thể loại Kino drama (Kịch No là sự kết hợp giữa biểu diễn kịch trên sân khấu với việc chèn thêm hình ảnh chuyển động), rất thịnh hành tại Nhật Bản từ năm 1897 đến năm 1915. Bộ phim này gắn liền với tên tuổi của ông chủ nhà hát Dan Seong Sa người Hàn Quốc Park Seung Pil (1875-1932) và Kim Do San (1891-1921). Mặc dù đây không phải là bộ phim hoàn chỉnh nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn vì nó là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của Hàn Quốc, là tác phẩm thể hiện sự tự hào dân tộc ở việc nó được sản xuất bằng vốn của người Hàn Quốc, ngoài công việc quay phim phải nhờ đến người Nhật ra, tất cả các công việc còn lại đều do người Hàn Quốc tự làm. Và, điều quan trọng hơn là sự ra đời của bộ phim mở đường cho sự ra đời của hàng loạt tác phẩm khác được làm theo lối kịch No như Shiwoojeong (1919), Jigi (1920), Janghanmong (1920)… Năm 1966, chính phủ Hàn Quốc đã lấy ngày 27 tháng 10 là “Ngày điện ảnh” của Hàn Quốc[1].

    Ngày 9 tháng 4 năm 1923, bộ phim câm Wonlha ui maengseo (Lời thề dưới ánh trăng) của đạo diễn Yun Baek Nam công chiếu, mở đầu cho thời đại phim câm tại Hàn Quốc và chỉ trong khoảng 10 năm, từ năm 1926 đến năm 1935 đã có tới 7[2] công ty phim được thành lập và gần 80 tác phẩm ra đời với chất lượng ngày một nâng cao, trong đó phải kể đến bộ phim Arirang của đạo diễn Na Un Kyu công chiếu vào tháng 9 năm 1926. Bộ phim được đánh giá cao về mặt nghệ thuật cũng như thông điệp mà nó muốn truyền tải là thay đổi nhận thức của người dân Hàn Quốc, đấu tranh giành độc lập, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật và nó trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà sản xuất phim Hàn Quốc muốn sản xuất phim dựa trên nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực dân tộc. Kỷ nguyên vàng của phim câm Hàn Quốc chỉ kéo dài đến giữa những năm 30 do sự đàn áp dã man và chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt của thực dân Nhật.

    Những năm cuối thập niên 30, ngành công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc chứng kiến sự xuất hiện của thể loại phim có tiếng. Năm 1935, bộ phim có tiếng đầu tiên của Hàn Quốc với tựa đề Chun Hyang Jeon (Xuân Hương truyện- chuyển thể từ câu chuyện cổ của Hàn Quốc) do hai anh em Lee Pil Woo phụ trách ghi âm, hiện trường và Lee Myeong Woo làm đạo diễn và quay phim, công chiếu tại rạp Dan Seong Sa ngày 4 tháng 10. Mặc dù đây là tác phẩm được coi là thành công cho thể loại phim có tiếng lúc bấy giờ nhưng lời thoại không nhiều, phần âm nhạc lại sử dụng âm nhạc phương Tây, không phù hợp với nội dung cổ của câu chuyện…

    Năm 1937, sau khi xâm lược Trung Quốc, đế quốc Nhật ban hành Luật phim Mãn Châu nhằm thống nhất việc sản xuất, xuất nhập khẩu, cung cấp, công chiếu phim tại Mãn Châu quốc[3]. Năm 1939, Nhật ban hành Luật phim Nhật Bản, năm 1940, áp dụng Pháp lệnh phim Triều Tiên tại Hàn Quốc.

    Năm 1942, có thể nói là khoảng thời gian đen tối của điện ảnh Hàn Quốc khi Nhật Bản buộc đóng cửa các công ty điện ảnh của Hàn Quốc và thành lập công ty TNHH phim Chosun với mục tiêu sản xuất ra những bộ phim không dùng tiếng Hàn Quốc nhằm tạo ảo giác người Hàn Quốc không còn tồn tại, họ là người Nhật Bản.

    2. Giai đoạn 1945-1953

    Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng quân đồng minh, bán đảo Hàn được giải phóng nhưng đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ ở phía Nam, quân đội Liên Xô ở phía Bắc vĩ tuyến 38. Trước sự chi phối của xu hướng chính trị, xã hội, giới điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu hình thành một trật tự mới. Năm 1945, thành lập Hội kiến thiết điện ảnh Chosun, đạo diễn Yun Baek Nam được bầu làm Chủ tịch. Năm 1946, hội sinh viên thành lập Hội đồng minh điện ảnh Chosun và Câu lạc bộ đạo diễn điện ảnh Chosun. Cũng trong năm 1946, quân đội Mỹ thực thi pháp lệnh điện ảnh mới tại Hàn Quốc, Hội kiến thiết điện ảnh Chosun được giao sản xuất phim tài liệu cho quân đội Mỹ. Trong thời gian này, một số đạo diễn vẫn tự sản xuất phim theo thể loại kịch No, phim câm 16mm. Bộ phim Jayu Manse (Tự do muôn năm, 1946) của đạo diễn Choi In Gyu là bộ phim khởi đầu cho thể loại phim giải phóng thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Nhật. Bộ phim ca ngợi tinh thần yêu nước, chống Nhật mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả.

    Sau giải phóng 1945, môi trường sản xuất phim ổn định, số lượng phim sản xuất ở Hàn Quốc tăng lên theo từng năm, cụ thể, 4 bộ (năm 1946), 13 bộ (năm 1947), 22 bộ (năm 1948), 20 bộ (năm 1949)[4].

    Trong những năm chiến tranh 50-53, ngành điện ảnh Hàn Quốc gặp vô vàn khó khăn, những thành tựu đạt được từ trước bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn, việc sản xuất phim gặp nhiều trở ngại do thiếu nhân lực, tài chính, trang thiết bị kỹ thuật. Mỗi năm ngành điện ảnh Hàn Quốc chỉ sản xuất được khoảng 5-6 bộ phim, tiêu biểu như Heungbu wa Nolbu (1950) của Lee Kyeong Soon, Samcheonmanui Kottalbal (1951) của Shin Gyeong Gyun, Nakdonggang (1952) của Jeon Chang Geun, Taeyangui Gori (1952) của Min Gyeong Sik, Choihooui Yoohok (1953) của Lee Man Hong.

    Sau thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, tổng thống Hàn Quốc Rhee Syngman (Lý Thừa Vãn) tuyên bố miễn thuế cho các rạp chiếu phim với hy vọng vực dậy ngành công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc. Đặc biệt, Chính phủ còn thành lập Trường nghệ thuật Seo Ra Byeol với mục đích đào tạo ra những nhà làm phim lỗi lạc cho Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các chương trình viện trợ của nước ngoài cho Hàn Quốc về công nghệ và thiết bị sản xuất phim cũng tạo đà cho sự hồi sinh của điện ảnh Hàn Quốc những năm sau này.

    PHẦN II: THỜI KỲ SAU CHIẾN TRANH NAM BẮC HÀN ĐẾN NAY
    1. Giai đoạn 1954-1969

    Có thể nói, những năm cuối thập niên năm 50 là giai đoạn hoàng kim của ngành điện ảnh Hàn Quốc. Ngành điện ảnh Hàn Quốc phát triển không chỉ bởi số lượng phim sản xuất tăng vọt từ 8 phim năm 1954 lên tới 108 phim vào năm 1959[1] mà còn được đánh dấu bởi sự xuất hiện của các nhà sản xuất phim mới, các trang thiết bị, trường quay phục vụ sản xuất phim hiện đại. Trong thời gian này, khán giả cũng trở lại với các rạp chiếu phim, điển hình là bộ phim Xuân Hương truyện (phiên bản 1955) đã thu hút tới 200 nghìn lượt khán giả, chiếm 10% dân số Seoul lúc bấy giờ. Năm 1956, bộ phim Sijipganeunnal (Ngày em đi lấy chồng) của đạo diễn Lee Byeong Il đã đoạt giải thưởng phim hài kịch hay nhất tại Liên hoan phim châu Á lần thứ 4. Đây là lần đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc được thế giới biết đến.Năm 1962, chính quyền của tướng Park Chung Hee lên nắm quyền, năm 1963 đã ban hành luật điện ảnh rất khắt khe gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp này như hạn chế số lượng các công ty điện ảnh, kiểm soát mọi mặt về số lượng phim phát hành, đề tài phim, vấn đề công chiếu, …Bên cạnh đó, điện ảnh Hàn Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của một loại hình giải trí mới, đó là truyền hình. Mặc dù vậy, rất nhiều bộ phim có tính nghệ thuật cao vẫn được sản xuất cho đến cuối thập kỷ này.

    2. Giai đoạn những năm 70

    Chính sách kiểm duyệt phim ngặt nghèo của Chính phủ khiến ngành điện ảnh Hàn Quốc gặp nhiều trở ngại. Năm 1973, thành lập Hội khuyến khích điện ảnh Hàn Quốc (tiền thân của Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc ngày nay), tiếp đến là Viện lưu trữ phim Hàn Quốc cũng được thành lập với nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp điện ảnh đã “chết”, nhưng những nỗ lực đó phải đến những năm 90 mới thành hiện thực. Trong khi đó, nền điện ảnh của Nhật Bản và các vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hồng Kông, ... lại phát triển vượt bậc.
    Mặc dù vậy, thời kỳ này cũng chứng kiến sự xuất hiện của các đạo diễn tài ba như Lee Jang Ho, Ha Gil Jong, Kim Ho Seon với các tác phẩm điện ảnh The Hometown of Stars (Quê hương của các ngôi sao), Road to Sampo (Đường tới Sampo)…

    3. Giai đoạn những năm 80

    Sau những biến cố lịch sử, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện quá trình dân chủ hóa đời sống chính trị, xã hội, trong đó có ngành công nghiệp điện ảnh khi Chính phủ nới lỏng sự kiểm soát bằng việc năm 1985 sửa đổi Luật điện ảnh lần thứ 5. Trước đây, việc sản xuất phim độc lập bị coi là bất hợp pháp, nhưng giờ đây được phép trong những trường hợp nhất định, cho phép liên kết các công ty điện ảnh nhỏ thành một tập đoàn lớn. Kết quả là vào cuối những năm 1980, một thế hệ mới các nhà sản xuất trẻ đã bước vào ngành công nghiệp điện ảnh và cách làm phim mới có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền điện ảnh Hàn Quốc sau này. Chính nhờ sự nới lỏng của luật pháp, ngành điện ảnh Hàn Quốc đã thu được những thành công nhất định và thập niên 80 cũng chứng kiến sự trở lại rạp chiếu phim của khán giả và sự thừa nhận của quốc tế đối với điện ảnh Hàn Quốc sau khi bộ phim Mandala (1981) của đạo diễn Im Kwon Teak tham gia liên hoan phim Hawai, giải thưởng nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất dành cho Kang Su Yeon tại Liên hoan phim Venice 1987.
    Tuy nhiên, trước áp lực đòi mở cửa thị trường đối với phim Mỹ, năm 1986, Chính phủ Hàn Quốc lại một lần nữa thay đổi Luật điện ảnh. Năm 1988, thực thi chính sách bãi bỏ hạn chế nhập khẩu đối với phim nước ngoài, các công ty Hollywood bắt đầu thiết lập văn phòng chi nhánh tại Hàn Quốc, trực tiếp nhập khẩu, phân phối phim Mỹ tại Hàn Quốc. Kể từ đây, phim Hàn Quốc vấp phải sự cạnh tranh với phim đến từ Mỹ và kết quả là phim nội địa mất dần thị trường trong nước, thậm chí năm 1993, điện ảnh Hàn Quốc chỉ chiếm 16% thị phần[2].


    4. Giai đoạn những năm 90

    Năm 1992, Bộ phim Story of marriage (Câu chuyện hôn nhân), bộ phim sản xuất theo thể loại hài chiến tranh của đạo diễn Kim Ui Seok đã thu hút sự chú ý của khán giả, mở ra một kỷ nguyên mới cho điện ảnh Hàn Quốc. Sự ra đời của bộ phim này gắn với việc tham gia sản xuất, phát hành, phân phối phim của tập đoàn kinh tế Samsung. Cũng từ đây, các tập đoàn kinh tế như CJ, Orion, Lotte tích cực tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển lớn mạnh của ngành điện ảnh Hàn Quốc.Năm 1999, bộ phim bom tấn sản xuất theo “kiểu Hàn Quốc” Shiri (Gián điệp nhị trùng) của đạo diễn Kang Je Gyu ra đời được coi là bước đột phá của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Shiri là bộ phim có kinh phí đầu tư lên đến 8,5 triệu USD, thu hút 6,5 triệu người xem, tổng doanh thu chỉ tính riêng ở Hàn Quốc là 60 triệu USD tại thời điểm đó[3] và trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc, vượt qua cả siêu phẩm Titanic (1997) của Hollywood (với 4,3 triệu người xem).Sự thành công của bộ phim Shiri là sự khởi đầu cho cuộc cách mạng về thương mại hóa điện ảnh của Hàn Quốc, tiếp bước cho các “siêu phẩm”điện ảnh của Hàn Quốc ra đời ở những năm sau đó như JSA (Khu vực an ninh chung, 2000), Taegukgi (Cờ thái cực giương cao, 2004) và góp phần đưa nền điện ảnh Hàn Quốc trở thành một trong những “gã khổng lồ” của điện ảnh thế giới.

    5. Giai đoạn những năm 2000 đến nay

    Cuộc cách mạng của điện ảnh Hàn Quốc thực sự bắt đầu vào thiên niên kỷ mới. Năm 2001, bộ phim Friends (Bạn bè) tạo nên cơn sốt khắp Hàn Quốc và thu hút 8,1 triệu lượt người xem, bỏ xa bộ phim Harry Portter do Mỹ sản xuất đứng ở vị trí thứ 5 với doanh thu 4,4 triệu lượt người xem[4]. Cũng trong năm đó, có tới 6 bộ phim của Hàn Quốc lọt vào top 10 phim ăn khách nhất My Sassy Girl (Cô nàng ngổ ngáo), My wife is Gangster (Vợ tôi là găng tơ)…Năm 2001 cũng là năm kỷ lục khi có tới 65 bộ phim nhựa được sản xuất và công chiếu.
    Phim Hàn Quốc bắt đầu cuộc chinh phục các nước láng giềng và gần như “đạp đổ” vị trí độc tôn của điện ảnh Hồng Kông tại Châu Á. Không những thế, cuộc chinh phục Hollywood cũng đã khởi động khi Hollywood mua bản quyền bộ phim Vợ tôi là găng tơ để làm lại.Trải qua biết bao thăng trầm, giờ đây có thể nói, điện ảnh Hàn Quốc đang ngày một lớn mạnh, trở thành một trong những đất nước có nền điện ảnh lớn trong khu vực Châu Á và điều đó được cụ thể hóa trong Làn sóng văn hóa Hàn Quốc đang lan tỏa khắp thế giới, đặc biệt là “làn sóng” điện ảnh Hàn Quốc được hâm nóng từ những năm đầu thế kỷ XXI.