Tương lai ngành điện ảnh

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi Son Kevin, 19/7/15.

Lượt xem: 2,308

  1. Son Kevin

    Son Kevin 23,97 hình/s


    [​IMG]
    Theo kết quả cuộc sơ khảo của The Hollywood Reporter, từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 năm ngoái, Bắc Mỹ đã bán được đến gần 1.26 triệu tấm vé xem phim. Đây có vẻ là một tin tốt, một con số khổng lồ, nhưng sự thật không phải như vậy.

    Đây là con số thấp nhất kể từ năm 1995 – là năm Toy Story ra rạp; cũng là 11 năm trước khi hãng Disney mua lại Pixar; Val Kilmer đóng vai Batman; James Bond trở lại sau 6 năm vắng bóng. Là năm của Braveheart. Và nhất là, là năm của Waterworld.

    Số lượng khán giả không phải là điều Hollywood quan tâm bởi vì con số ấy chưa bao giờ ấn tượng lắm. Lượng khán giả tăng nhẹ trong vài năm rồi lại giảm đi một ít trong vài năm khác. Thay vào đó, họ tập trung vào “phòng vé” – một thuật ngữ hoa mỹ để chỉ doanh thu. Nhưng cũng chỉ là thứ vớ vẩn mà thôi, vì họ chưa bao giờ nói rõ rằng khi gọi “kỉ lục phòng vé” chỉ là vì giá vé đều tăng mỗi năm. Và gần đây, các rạp chiếu phim 3D và IMAX đều đã tăng giá vé lên đáng kể. Nói cách khác, họ luôn cố tăng con số lên. Đây là thời đại steroid của Hollywood.

    Hoặc là mọi thứ nên diễn ra như thế. Nhưng hiện tại cũng có một điều nực cười nữa với con số phòng vé. Con số này đang giảm xuống. Các cuộc sơ khảo đã cho thấy năm nay con số đã giảm xuống 5% ở Bắc Mỹ (so với 6% khán giả - dĩ nhiên sự chênh lệch này là do giá vé tạo ra). Đây là sự sụt giảm sau mỗi năm mạnh nhất trong vòng 9 năm qua.

    Có thể thấy Hollywood đang trong khủng hoảng. Nhưng liệu Hollywood có thoát ra khỏi tình cảnh này được không? Hay đây chỉ là một năm “không mấy khởi sắc” nữa? Tôi dám cá là chúng ta sẽ thấy một nền điện ảnh hoàn toàn đổi khác so với những gì chúng ta biết từ trước đến nay.

    Điều đầu tiên cần nói đến là, dĩ nhiên Hollywood đang để mất dần doanh số, nhưng họ không mất tinh thần. Dù lượng doanh số ở Bắc Mỹ không cao lắm nhưng con số này vẫn đang tiếp tục tăng – đặc biệt ở thị trường châu Á.

    Nếu nhìn vào con số phòng vé của mỗi bộ phim đình đám ngày nay, bạn sẽ thấy rằng con số của “thế giới” luôn trội hơn con số “nội địa”. Điều hay không thường xảy ra trước đây, nhưng ngày nay nó đã trở thành tiêu chí. Những nhà làm phim vô danh ở Mỹ đang chuyển hướng đến thị trường hái ra tiền ở nước ngoài. Thường thì bộ phim không cần thiết phải hay, chỉ cần có ngôi sao tham gia hoặc có quy mô khủng.

    Xu hướng này đang hướng thị trường phim của Hollywood đến khán giả nước ngoài. Và ở tầm cao hơn, xu hướng này đang thúc đẩy sự phát triển của loạt phim franchise.

    Trong vài thập kỷ, rất nhiều phim sequel (thể loại phim nhiều phần, phần này nối tiếp phần trước) đã là xu hướng của Hollywood. Nhưng giờ đây xu hướng này đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Gần như tất cả các bộ phim đều là phim sequel hay hy vọng sẽ ra được một franchise (nhiều phần trong 1 series phim hoặc phim cùng tên, ví dụ: Halloween, Star Wars, Harry Potter...), mới hoặc là một sản phẩm từ một franchise khác.

    Đây là lý do tạo nên uy tín của hãng Disney. Từ đầu họ đã xác định được tầm quan trọng của việc sở hữu nhãn hiệu và IP. Họ mua hãng Pixar (mà bạn có thể nói là một trong số ít các studio vẫn cho ra đời các sản phẩm độc đáo vì chỉ riêng cái tên của họ thôi cũng đủ để đưa bộ phim lên vị trí hàng đầu). Họ mua Marvel. Và giờ đây, họ đã có được Star Wars. Nếu bạn phải chỉ ra 3 vụ chuyển nhượng lớn nhất Hollywood trong thập kỷ vừa qua thì 3 vụ chuyển nhượng này xứng đáng nằm trong top đầu.

    Các sequel và franchise này không chỉ lớn về quy mô mà còn về chi phí đầu tư. Bộ phim Waterworld tôi đã đề cập ở trên được xem là một thất bại thảm hại vì trong số những bộ phim đắt đỏ nhất được làm vào thời điểm ấy, nó còn không thu lại đủ số kinh phí đã bỏ ra.

    Con số kinh phí ấy sao? 172 triệu đô. Ngày nay con số ấy gần bằng kinh phí trung bình cho một bộ phim sequel franchise. Giờ đây Waterworld xếp hạng thứ 57 trong những bộ phim đắt đỏ nhất trong lịch sử. Tôi không cần phải kể tên những bộ phim đã vượt qua Waterworld kể từ lúc ấy. Chúng đều là những sequel hoặc những bộ phim có tiềm năng tạo ra các franchise.

    [​IMG]
    "Waterworld" 1995 - một trong những bộ phim thảm họa
    Ngược lại, chúng ta cũng có những bộ phim được làm từ mức kinh phí nhỏ vì những studio này biết rằng chỉ cần một khoản nhỏ cho khâu marketing, họ đã có thể dễ dàng thu được lợi nhuận từ những bộ phim này. Xu hướng này đặc biệt đúng với thể loại phim kinh dị, vì chúng không đòi hỏi sự góp mặt của những ngôi sao lớn với kinh phí cao.

    Sự phân rẽ trong Hollywood này đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta và tôi dám cá rằng nó sẽ còn rõ ràng hơn nữa trong những năm sắp đến.

    Vì cuộc chiến đẫm máu tại phòng vé năm nay, tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy các studio dần chọn hướng đi an toàn cho mình, tập trung vào 2 hướng đi đối lập. Sẽ có một số nhỏ những bộ phim theo xu hướng an toàn với kinh phí thấp như phim kinh dị hay hài kịch, có thể có vài bộ phim tranh giải Oscar với nội dung phổ biến với số đông khán giả, và một vài bộ phim bom tấn với kinh phí khủng.

    Và dĩ nhiên những bộ phim bom tấn ấy sẽ là phim franchise.

    Không có lý do gì để các nhà làm phim đặt cược vào các bộ phim non-franchise nữa. Để làm gì chứ? Tất cả các studio đều thuộc sở hữu của các tập đoàn lớn, các studio này chỉ như là một nguồn thu nhập thêm cho các tập đoàn lớn. Và cách duy nhất để đem doanh thu về cho các công ty khổng lồ này là đầu tư lớn. Rất lớn. Và lý tưởng nhất là phải được thực hiện ở quy mô lớn, lâu dài. Phim thương mại. Phim spin-off. Họ muốn có hàng tỉ, không phải hàng triệu.

    Trước đây, Hollywood tạo ra nghệ thuật để thỉnh thoảng mang về các thương vụ lớn. Ngày nay họ tạo ra các thương vụ lớn để để thỉnh thoảng tạo ra nghệ thuật.

    Đây chính là tin xấu cho các rạp chiếu vì bất động sản rất đắt đỏ. Ở thời đại khi các bộ phim đình đám được ra mắt hàng tuần thì mô hình rạp chiếu bóng là hợp lý. Nhưng trong tương lai, khi chúng ta chỉ có một nửa tá số bộ phim lớn có thể thu hút khán giả đến rạp thì mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp.

    Dĩ nhiên giá vé sẽ tiếp tục tăng cao. Vài người chia sẻ với tôi trên Twitter rằng họ không còn đến rạp chiếu bóng nữa, vì họ cảm thấy không việc gì phải trả hơn 50 đô cho một vài giờ đi cùng gia đình đến rạp. Họ chỉ cần ở nhà và trả 5 đô là được mà?

    Cả các studio và rạp chiếu bóng đều hy vọng rằng sự lên ngôi gần đây của phim 3D sẽ cứu được nền điện ảnh. Ngoài một vài sản phẩm thành công vang dội (Avatar, vài bộ phim hoạt hình 3D hiện đại), thì 3D là một thất bại. 3D có xu hướng khiến việc xem phim khó khăn hơn. Có thể công nghệ này sẽ tiếp tục được sử dụng cho những bộ phim với kinh phí khủng chỉ vì nó có thể thu về thêm một vài triệu từ các điểm chiếu phim đó đây. Nhưng thành thật mà nói, đó chỉ là ý tưởng kinh doanh gói gọn trong các chiêu trò marketing mà thôi. Nó không giúp cải thiện loại hình nghệ thuật điện ảnh.

    Với tôi, IMAX hoàn toàn khác. Những bộ phim IMAX được sản xuất theo đúng quy cách đưa chúng ta về thời đại huy hoàng của nền điện ảnh. Đó là một trải nghiệm bạn không thể có được trong phòng khách nhà mình.

    Vấn đề là phim IMAX cần một kinh phí vô cùng lớn và cũng vô cùng khó để thực hiện. Phải có lý do nào đó mà đến cả Christopher Nolan – ông hoàng hiện tại của phim IMAX của Hollywood – chỉ quay một phần trong mỗi bộ phim theo format.

    [​IMG]
    Và cũng theo tiêu chuẩn của IMAX, họ rất khó tính về những bộ phim có thể được chiếu trong rạp của họ, dưới tên nhãn hiệu của họ. Họ muốn những bộ phim chất lượng nhất. Vì thế, điều này tự nhiên sẽ khiến các chuỗi rạp chiếu phim cố gắng tạo nên trải nghiệm IMAX với màn hình chiếu rộng hơn. Nhưng đó là hành động ngu ngốc bởi IMAX là sự kết hợp giữa việc sản xuất phim đúng cách và trình chiếu phim đúng cách. Các chuỗi rạp chiếu này chỉ tập trung vào điều thứ hai. Và một lần nữa, là để tăng số khán giả.

    Còn tuyệt hơn nữa là ngày nay chúng ta có những chuỗi rạp chiếu phim muốn tạo nên trải nghiệm điện ảnh “4D”. 4D là gì? Thường thì 4D được hiểu theo nghĩa đen là khán giả sẽ ngửi được mùi vị khi xem phim (“smell-o-vision”). Và đôi khi, họ sẽ xịt thứ gì đó vào mặt bạn. Thật “vui” làm sao! Quả là thảm họa.

    Một động thái thú vị hơn nữa của các rạp chiếu phim là tạo ra một trải nghiệm toàn diện hơn cho khán giả. Một “đêm thật sự tuyệt vời” – ý tôi là bao gồm bữa tối, và dĩ nhiên có cả thức uống.

    Xu hướng này đã thịnh hành tại Anh quốc và nhiều quốc gia khác trong một thời gian, và cuối cùng cũng đã đến Hoa Kỳ. Vì một lần nữa, một cách đơn giản để tạo thêm lợi nhuận cho bạn là gì? Là rượu. Và như một điểm cộng, rượu thậm chí còn có thể khiến những bộ phim thảm họa đôi khi trở nên đáng xem hơn.

    Chuỗi rạp chiếu phim phục vụ cả bữa tối và thức uống thành công ở Mỹ là chuỗi rạp Sundance thuộc sở hữu của tập đoàn của Robert Redford. Và để ghi thêm điểm trong lòng khán giả, họ có cả chỗ ngồi thoải mái và cắt toàn bộ quảng cáo trước bộ phim. Bạn phải trả nhiều hơn để được hưởng tất cả những điều này, nhưng thật xứng đồng tiền.

    [​IMG]
    Có lẽ trải nghiệm xem phim tuyệt vời nhất của tôi trong những năm gần đây là tại các rạp chiếu phim ngay tại Luân Đôn này. Có một rạp chiếu bóng tên là Electric Cinema tại Notting Hill, là rạp chiếu bóng tuyệt vời ở mọi khía cạnh. Ghế dựa lớn, đi-văng, và thậm chí cả giường và chăn! Và rất nhiều thức ăn đồ uống ngon.

    Một mặt trái của tất cả các rạp chiếu bóng ở Anh quốc mà tôi có thể liệt kê là: rất nhiều, rất nhiều quảng cáo chán ngắt mà họ bắt bạn phải ngồi xem trước khi chiếu phim, đến khoảng 20 – 30 phút. Thật khủng khiếp.

    Khi ngày càng ít phim được sản xuất, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều rạp chiếu bóng đóng cửa trong những năm tới. Những rạp trụ lại được sẽ tập trung hơn vào trải nghiệm (có thể giả IMAX, 4D, hay sử dụng thức ăn đồ uống) hoặc họ sẽ nghĩ ra nhiều cách khác nhau để thu được tiền tại rạp. Có ai trong các bạn muốn nhắn tin và xem phim Pop-Up Video style không?

    Tôi luôn tự hỏi vì sao các rạp chiếu bóng không mở cửa để chiếu các sự kiện thể thao lớn chẳng hạn. Rõ ràng là họ bị ràng buộc bởi các hợp đồng với những nhà phân phối phim và quyền của họ với các sự kiện thể thao ấy. Nhưng tôi nghĩ nếu họ có thể cân bằng các quyền lợi kinh doanh thì đây cũng là một ý kiến nên cân nhắc.

    Tôi cũng tin rằng chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều phim được chiếu trực tiếp bằng công nghệ số như bộ phim The Interview chúng ta vừa xem, cân bằng với trải nghiệm cần có.Tôi ngờ rằng chúng ta sẽ được thấy một Hollywood lớn hơn và có thể cả những cá nhân độc lập bắt đầu tách ra khỏi những gã khổng lồ như Amazon, Apple, Google, HBO, và Netflix để có những sản phẩm mới ra mắt công chúng qua màn hình chứ không qua rạp chiếu bóng.

    Họ cũng sẽ phải xóa đi vết nhơ “bán thẳng ra video” (“straight-to-video”), nhưng tôi nghĩ điều này đang xảy ra rồi. Tôi có thể thấy những nhà phân phối các sản phẩm phim bằng công nghệ số đang trả những khoản tiền lớn để giành lấy quyền trên một vài bộ phim, như House of Cards và những bộ phim chiếu trên truyền hình trong thế cân bằng này.

    Có lẽ những cuộc chiến cạnh tranh giá cả này sẽ mang lại cho các studio một nguồn tiền khác ngoài kênh phân phối truyền thống. Có thể nó không thể thay thế được nguồn lợi cố định từ DVD mà các studio vẫn đang tìm kiếm, nhưng cuối cùng sẽ là một nguồn cung tích cực cho các bộ phim bom tấn.


    Viễn cảnh: Hãy hình dung xem nếu Hollywood tìm ra cách để tận dụng công nghệ thực tế ảo VR. Đây không phải là một công nghệ phù hợp với rạp chiếu bóng, nhưng lại rất phù hợp với phòng khách. Không dễ dàng và cũng không phải rẻ để sản xuất bộ phim bằng công nghệ thực tế ảo (Google Ventures đã đầu tư vào một dự án, và Jaunt thì đang cân nhắc về điều này), nhưng đây có thể là một bước tiến lớn của truyền thông nếu người ta có thể hoàn thiện ở cả bước sản xuất và trình chiếu. Tôi sẽ không phản đối xu hướng này đâu. Và nó cũng có thể lấp đầy khoảng trống của DVD của Hollywood – nếu Hollywood có thể tận dụng được cơ hội này.

    Có thể trong vòng 10 năm nữa hay nhanh hơn, trên thế giới chỉ có những rạp chiếu bóng bạn chỉ đến vài lần trong năm để xem phim. Các bộ phim bom tấn. Mọi thứ bạn muốn xem đều nằm trong phòng khách của bạn. Những bộ phim nhỏ.

    Và nếu một bộ phim nhỏ gặt được thành công lớn tại các gia đình, nó thậm chí có thể trở thành một sản phẩm bom tấn tiếp theo!

    Vào năm 2015, có thể bạn sẽ nghe cụm từ “trở lại để xây dựng” cho Hollywood khi doanh thu tại các phòng vé đang sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng tương lai sẽ giống như những gì tôi nói. Những bộ phim sẽ thu hút được lượng khán giả đông đảo trong năm tới sẽ là Avengers phần 2, Star Wars phần 7, James Bond phần 24, v..v. Và chúng ta hãy cùng chờ đợi xem lượng khán giả của những bộ phim này như thế nào.

    24hinh.vn tổng hợp