Cảm nhận Black Mirror Season 5 - Chưa Đạt Được Đến Tiêu Chuẩn "Black Mirror"!

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi Minh Tu Le, 5/7/19.

Lượt xem: 3,814

  1. Minh Tu Le

    Minh Tu Le Moderator




    [​IMG]


    Black Mirror (Tạm dịch: Gương đen) là một trong những series viễn tưởng nổi tiếng nhất đến từ nước Anh hiện nay, đề cập đến những mặt trái của công nghệ đối với đời sống con người trong bối cảnh thường ở một tương lai không xa. Kịch bản của Black Mirror thường có tình tiết bất ngờ mang phần đen tối, đậm chất tiêu cực châm biếm của Anh cũng như có sự kết hợp tài tình giữa yếu tố khoa học công nghệ và kinh dị tâm lý dễ khiến người xem ám ảnh sau mỗi tập phim. Black Mirror là một series “anthology” (từ chỉ những series với mỗi tập phim là một cốt truyện riêng biệt không liên quan gì đến nhau), song các nhà sản xuất luôn đặt những bí mật, những “quả trứng phục sinh” về mối liên kết giữa các tập phim tạo thành một mạng lưới, một chất rất riêng của series chịu ảnh hưởng không nhỏ từ The Twilight Zone của những năm 1950.


    Với season thứ năm của series đình đám này, nhà sản xuất Charlie Brooker đã mang đến ba tập phim mới với những chủ đề phù hợp với xu thế thời đại: Công nghệ thực tế ảo (Striking Vipers), sự bùng nổ của mạng xã hội (Smithereens) và phát “cuồng” với người nổi tiếng (Rachel, Jack and Ashley Too).


    Với tập phim Striking Vipers, đội ngũ làm phim của Black Mirror đã tiếp tục khai thác sâu thêm về công nghệ thực tế ảo cũng như tác động của nó lên tâm sinh lý của con người, cụ thể là vấn đề định hướng giới tính. Tập phim bắt đầu bằng hai nhân vật thanh niên là bạn thân của nhau Danny (Anthony Mackie thủ vai) và Karl (Yahya Abdul-Mateen II thủ vai) có một “đam mê” thời thanh niên với trò chơi Striking Vipers (phỏng theo Mortal Kombat) ở ngoài đời. Thấm thoát một thập kỷ trôi qua; công nghệ đã có nhiều đổi thay. Trò chơi Striking Vipers đã có phiên bản thực tế ảo Striking Vipers X mà được miêu tả bởi giới báo chí là “giống thật đến không tưởng”. Karl tặng cho Danny bộ máy thực tế ảo nhân ngày sinh nhật của anh và dụ dỗ anh chơi lại trò chơi thuở nào. Karl chọn nhân vật nữ, còn Danny chọn nhân vật nam. Đến đây, phim có tình tiết bất ngờ khi cả hai nhân vật phát hiện việc quan hệ tình dục trong game là khả thi và rất khoan khoái.


    [​IMG]


    Và có lẽ sự thú vị của tập phim chỉ đến đây mà thôi. Striking Vipers, đáng lẽ ra có thể là một tập phim hay hơn thế, nếu như Charlie Brooker và đội ngũ đi sâu hơn vào những tình tiết và hệ lụy có thể xảy ra khi hai nhân vật chính sống không thật với bản thân và chỉ thể hiện qua bằng việc chơi game thực tế ảo, hóa mình trong các nhân vật ảo để rồi những cảm xúc thật sự thuần khiết nhất về giới tính mới trỗi dậy; kết thúc tập phim được đánh giá có phần cụt lủn và không thỏa đáng đối với tiết tấu của phần còn lại tập phim. Trong tập phim Smithereens đặt bối cảnh tại Vương Quốc Anh thời hiện đại, lại có phần thực tế gần gũi hơn về mặt khoa học công nghệ, trong đó nhấn mạnh nỗi bức bối căm phẫn của con người hiện đại với sự phát triển của mạng xã hội.


    Smithereens có lẽ là tập phim “ổn” nhất trong cả ba tập, với bối cảnh và không khí đặt tại nước Anh, mang vẻ tiêu cực trung thành với những phần đầu của series; kết thúc của Smithereens cay đắng, hàm chứa nhiều sự chỉ trích sâu cay hơn trong xã hội hiện nay với cơn nghiện mạng xã hội và smartphone khó dứt cũng như không có khả tập trung vào bất cứ công việc gì bất cứ năm giây. Mạng xã hội đáng lý là kết nối chúng ta; song có lẽ, con người ngày càng mất kết nối hơn bao giờ hết.


    [​IMG]


    Cả ba tập phim đều có những ý tưởng hay, nhưng lại không hề mới lạ đối với những fan ruột của dòng phim sci-fi, đặc biệt là với tín đồ Black Mirror, cũng như chưa có sự đầu tư đúng đắn về phần cốt truyện như ở các season trước. hẳng hạn như trong tập phim Rachel, Jack and Ashley To (được đánh giá là “tập phim dở tệ nhất của Black Mirror từ trước đến nay”), tập phim có phần châm biếm các series phim dành cho thanh thiếu niên của Disney vẫn chưa khai thác được tâm lý của nhân vật chính hay là của Ashley To (nhân vật do Miley Cyrus thủ vai - với chủ ý dễ tạo đồng cảm hơn với tư cách là một ca sĩ/diễn viên từng trải qua nhiều sóng gió trong ngành công nghiệp của gã khổng lồ Disney); nhiều người còn nhận xét rằng, cảm giác như họ đang xem một bộ phim của Disney hơn là một tập phim Black Mirror! Tập phim về Ashley To đáng lý ra là một tập phim nhằm nhại lại công thức chung trong các phim Disney; những chi tiết nhạo báng lại không có sự nhất quán, và chưa có những tình tiết đủ để lôi cuốn người xem vào cốt truyện vốn dĩ đã dựa một lỏng lẻo theo công thức của Disney.


    [​IMG]


    Các nhà biên kịch của Black Mirror luôn có những ý tưởng rất thú vị. Đơn cử, ta có thể kể đến tập phim tự-chọn-kết-cục Bandersnatch lấy bối cảnh thập niên 80 được ra mắt độc quyền trên nền tảng Netflix vào cuối năm ngoái, tận dụng sự tương tác của người xem để lồng ghép nhiều hàm ý khác nhau một cách độc đáo, “hack não” mà không kém phần lôi cuốn.



    [​IMG]



    Season thứ 5 vừa ra mắt của Black Mirror, bất ngờ thay, lại làm thất vọng không ít nhiều fan hâm mộ. Xét về mặt khách quan, các tập phim trong mùa này không tệ, thậm chí vẫn dễ dàng đánh bại nhiều series khác về chất lượng trong thời kỳ thoái trào của các phim bộ ngày nay; thế nhưng, nếu ta coi season 5 như là một phần của Black Mirror, thì có lẽ vẫn chưa thể đạt được tiêu chuẩn của các mùa trước.


    Minh Tu Le - 24hinh.vn