Top 10 phim hay nhất về nhiếp ảnh

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi Nameless, 10/7/15.

Lượt xem: 6,952

  1. Nameless

    Nameless Registered

    “Với nghệ thuật, hay thứ mà con người gọi như thế: Bạn có thể yêu nó, có thể trân trọng nó, nhưng bạn không thể thực sự nói về nó. Khi đó mọi thứ sẽ vô nghĩa.” Trích dẫn từ William Eggleston – ‘In The Real World’

    Thường thì chúng ta rất nhớ những bức hình ấn tượng mạnh như “The Kiss” (Nụ hôn) của Robert Doisneau hay “Falling Sodier” (Người Lính Rơi) do Robert Capa chụp trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, hoặc những tấm hình ghi lại “khoảnh khắc quyết định” chụp lại bởi Henri Cartier-Bresson. Nhưng chúng ta lại biết rất ít về cuộc sống của những người nghệ sĩ đằng sau những tấm hình đã tác động mạnh đến hàng triệu người yêu thích nhiếp ảnh trên toàn thế giới.

    Mỗi một bức hình đều tiết lộ rất nhiều về tác giả của nó, đó là điều chắc chắn, chỉ đơn giản quan sát cách cách họ chọn bố cục, khuôn hình, hay cách xử lí ánh sáng, người xem cũng có thể hiểu được phần nào con người của nhiếp ảnh gia đó.

    Mỗi khi cầm một chiếc máy ảnh lên, mỗi người chúng ta đều thấy quá khứ và trải nghiệm cá nhân có thể tác động ra sao tới cách chúng ta chọn chủ đề và thời điểm bấm máy. Việc xem những bộ phim về các nhiếp ảnh gia lại mở ra một chân trời hoàn toàn mới. Tôi hi vọng danh sách những bộ phim hay nhất sau đây về công việc của các nhiếp ảnh gia bạn hằng ngưỡng mộ sẽ là nguồn khơi gợi cảm hứng cho bạn. Ít nhất với cá nhân tôi thì việc được nghe Henri Cartier-Bresson,Robert FrankhayWilliam Eggleston trực tiếp nói về công việc của họ quả thật rất đáng quý.

    Bên cạnh thể loại phim tài liệu, tôi cũng cho vào danh sách một số bộ phim hư cấu mà qua đó khán giả có thể thấy được những điều cốt lõi của loại hình nghệ thuật này, một ví dụ là Blow Up của đạo diễn người Ý Michelangelo Antonioni.

    1. Blow Up (Phóng Đại) – Michelangelo Antonioni

    [​IMG]
    Trong tác phẩm đỉnh cao này đạo diễn người Ý Michelangelo Antonioni đối diện với những câu hỏi căn bản đặt ra cho nhiếp ảnh. Câu chuyện chính của phim bắt đầu khá bình thường với một tội ác: Nhiếp ảnh gia Thomas (David Hemmings) tự cho mình quyền chụp ảnh một đôi tình nhân ở một công viên nọ. Sau đó khi về studio của mình và nhìn thấy bức ảnh phóng to của nó, anh ta phát hiện mình đã chụp lại một vụ giết người.
    Nhưng bên dưới bề mặt của câu chuyện đó, bộ phim này đặt ra những câu hỏi cơ bản như: Khi nào chúng ta có thể tin thứ mình nhìn thấy trên một tấm ảnh? Hay có phải chúng ta chỉ nhìn thấy thứ mà mình muốn?

    Ai yêu thích nhiếp ảnh cũng đều nên xem bộ phim kinh điển này.

    2. Fur – An Imaginary Portrait of Diane Arbus (Áo Lông – Một chân dung phác thảo của Diane Arbus) - Steven Shainberg

    [​IMG]


    Tuy không phản ánh chính xác những sự kiện có thật trong cuộc đời của nhiếp ảnh gia huyền thoại Diane Arbus, nhưng bộ phim Fur do Steven Shainberg đạo diễn vẫn rất đáng xem. Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của Nicole Kidman trong vai một nhiếp ảnh gia lập dị Arbus, một người nội trợ có vẻ dè dặt và cô đơn sống ở New York đã dấn thân vào cuộc hành trình tìm đến những thế giới kì lạ và chụp lại hình ảnh những con người sống ngoài rìa xã hội.

    3. William Eggleston “Into The Real World” (William Eggleston “Bước vào thế giới thực”) - Michael Almereyda

    [​IMG]

    William Eggleston thường được gọi là “Cha Đẻ Của Nhiếp Ảnh Màu”, ông nổi tiếng là người kiệm lời. Ông không thích phải nói về những bức ảnh của mình. Trong một lần phỏng vấn nọ, ông đã quát lên: “Đó là những câu hỏi ngu ngốc nhất tôi từng phải nghe.”
    Đó là điều khiến cho bộ phim về nhiếp ảnh này trở nên đặc biệt hơn. Nó hé lộ chân dung tác giả của những tấm hình đã trở thành biểu tượng của lịch sử nền nhiếp ảnh hiện đại. William Eggleston và khả năng biến một thứ tầm thường trở thành một tác phẩm nghệ thuật của ông đã trở thành bài học cho những nhiếp ảnh gia trẻ tuổi. Ít có bộ phim nào về nhiếp ảnh có thể hay như tác phẩm này.

    4. “The Mexican Suitcase” (Chiếc va-li Mexico) - Trisha Ziff

    [​IMG]

    The Mexican Suitcase – Một bộ phim về các cuộn phim âm bản bị mất của Robert Capa

    Năm 2007, ba chiếc hộp chứa những tấm hình chưa được công bố của nhiếp ảnh gia và thành viên của Magnum, Robert Capa bỗng dưng xuất hiện ở Mexico. Ngoài những phim âm bản của Capa, các tác phẩm khác của Gerda Taro và David Seymour ghi lại hình ảnh của cuộc nội chiến Tây Ban Nha cũng được tìm thấy.
    Cuộc hành trình bí ẩn của những tấm hình rơi vào quên lãng sẽđược hé lộ trong Mexican Suitcase, người xem cũng sẽ biết được những tấm hình do các nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp đó cuối cùng xuất hiện trở lại ra sao.

    5. James Nachtwey “War Photographer” (Phóng Viên Chiến Trường) - Christian Frei

    [​IMG]

    War Photographer là bộ phim khám phá những khía cạnh thầm kín của nhiếp ảnh gia báo chí James Nachtwey. Là một phóng viên rất đam mê công việc của mình, Nachtwey ghi lại những hình ảnh ghê rợn của các cuộc chiến trên toàn cầu. Bộ phim có đề tài nhiếp ảnh hiếm có này đã tiếp cận thật gần với những suy nghĩ của Nachtwey và cho khán giả thấy chân dung một người anh hùng đang cố gắng cho mọi người thấy hết tội ác và sự rùng rợn của chiến tranh.

    6. Helmut Newton “Frames From The Edge” (Helmut Newton “Những Tấm Hình Từ Ranh Giới) - Adrian Maben, Arthaus Musik

    [​IMG]

    Khi động tới ảnh chụp chân dung, thời trang hay khỏa thân thì Helmut Newton là một chuyên gia cần phải nhắc tới. Với những bức hình phụ nữ khỏa thân gây tranh cãi của mình, Newton đã xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và ảnh khiêu dâm.
    Bộ phim về nhiếp ảnh này theo chân Helmut Newton đến những nơi yêu thích của ông: Monte Carlo, Paris, Berlin – và Los Angeles. Chỉ một vài bộ phim có thể mang bạn đến gần với người nghệ sĩ đến như vậy. Trong phim này ta thấy Helmut làm việc trong buổi chụp hình và cả khoảnh khắc riêng tư của ông lúc sáng tác.

    7. Annie Leibovitz “Life Through A Lens” (Annie Leibovitz “Cuộc đời qua một ống kính) - Barbara Leibovitz

    [​IMG]

    Mick Jagger, John Lennon và George Clooney đều đã được Annie Leibovitz chụp hình. Nhưng không chỉ chụp các nhạc sĩ và ngôi sao điện ảnh, bà còn chụp nhiều chân dung của các chính trị gia, ví dụ như Nelson Mandela. Ngày nay bà được xếp vào danh sách một trong những nghệ sĩ thị giác có tầm ảnh hưởng nhất.

    Trong bộ phim Annie Leibovitz – Life Through A Lens, nhiếp ảnh gia nổi tiếng này đến với chúng ta qua những lời kể của những người từng làm việc cùng bà. Trong đó có Mick Jagger, Bette Midler, Keira Knightley, Whoopi Goldberg và Kirsten Dunst. Ngoài ra trong phim cũng có nhiều đoạn video do Leibovitz tự trình diễn. Bộ phim này do bà Barbara, chị gái của Leibovitz đạo diễn.

    8. Henri Cartier-Bresson “The Impassioned Eye” (Henri Cartier-Bresson “Ánh Mắt Mạnh Mẽ”- Heinz Bütler

    [​IMG]

    Cái tên Henri Cartier-Bresson mãi mãi sẽ được gắn liền với “khoảnh khắc quyết định”. Đó là một khoảnh khắc mà tất cả mọi thứ trong một khung hình đều ở vị trí và tỉ lệ hòa hợp tuyệt đối với nhau. Đó là khoảnh khắc một nhiếp ảnh gia phải bấm nút chụp. Henri Cartier-Bresson là một tay lão luyện trong việc săn tìm thời điểm chính xác đó.
    Bởi lẽ đó, có rất nhiều người coi nhiếp ảnh gia người Pháp này, người sáng lập ra tổ chức nhiếp ảnh nổi tiếng Magnum Photos là nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất của thế kỉ 20.
    Henri Cartier-Bresson: The Impassioned Eye là một bộ phim tuyệt vời về một con người đã viết nên lịch sử bằng những tấm ảnh của mình.

    9. Alfred Stieglitz “The Eloquent Eye” (Alfred Stieglitz “Ánh Mắt Biết Nói”) - Perry Miller Adato
    [​IMG]
    Đầu thế kỉ 20, Alfred Stieglitz là nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng nhất ở Mĩ. Cùng với Edward Steichen và Alvin Langdon, ông đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử nhiếp ảnh. Với Stieglitz nhiếp ảnh không chỉ đơn giản là sự lưu giữ một khoảnh khắc hay tình huống.
    Trong mắt ông, nhiếp ảnh có giá trị hơn một công cụ ghi lại hình ảnh. Ông xem nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật, cũng giống như tranh vẽ.
    Bộ phim The Eloquent Eye chứa đựng những thước phim tư liệu quý giá về cuộc đời của Alfred Stieglitz, một người được coi như “Cha Đẻ Của Nhiếp Ảnh Hiện Đại.” Trong phim có cuộc phỏng vấn với Georgia O’Keeffe, bà là vợ và cũng là nguồn cảm hứng sáng tác của ông. Thêm vào đó, khi xem phim bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng những tư liệu hình ảnh hiếm thấy của Stieglitz.

    10. “Guest of Cindy Sherman” (“Khách Mời Của Cindy Sherman) - Tom Donahue và Paul Hasegawa-Overacker

    [​IMG]

    Cindy Sherman là một kì tài về ngụy trang. Cô đã giữ nhiều vai trò khác nhau trong sự nghiệp của mình. Với tác phẩm “Filmstills”, lần đầu tiên cô ra mắt giới nghệ thuật – đó là chuỗi tác phẩm gồm 69 bức ảnh trắng đen trong đó Sherman hòa mình vào các bối cảnh được sắp đặt giống như trong những bộ phim nổi tiếng.
    Guest of Cindy Sherman để cho người xem đến thật gần với quá trình sáng tác nghệ thuật của cô và nghe nghệ sĩ bẽn lẽn này trò chuyện về phong cách sáng tác biến đổi đa dạng như tắc kè hoa của mình.

    24hinh.vn dịch theo topphotographyfilms.com​
     
    Last edited by a moderator: 10/7/15