Tôi không biết bạn sẽ chọn một bộ phim như thế nào, nhưng tôi đã ngồi khóc ngon lành khi xem Self/less, giữa một căn phòng trong Rạp chiếu phim quốc gia chỉ có lác đác vài người đến xem. Self/less là một bộ phim không được quảng cáo rầm rộ, và lý do duy nhất tôi chọn xem Self/less là vì tôi không đoán được kết thúc của nó! Thực ra tôi không thích cách dịch Self/less là Kẻ thế mạng. Nếu bạn đi xem phim, bạn sẽ hiểu ý tôi nói. Self/less mang nhiều tầng bậc hơn thế. Và tôi nghĩ cách để dấu cách “/” chen vào giữa từ Selfless cũng là một dụng ý khá hay. Ý nghĩ này của tôi xuất hiện sau khi tôi bước ra khỏi rạp và vẫn đang đắm chìm vào cảm xúc của bộ phim. Theo một cách rất riêng, Self/less đã chạm đến một mạch cảm xúc nào đó trong tôi, khiến tôi thấy mình chỉ đơn giản muốn review về nó, và khuyên bạn nên chọn Self/less khi đến rạp. Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ chọn Pixels, tôi đã xem trailer của nó từ nhiều ngày trước. Và thú thực, đôi khi tôi đến rạp chỉ để kiếm tìm một sự thoải mái và dễ chịu. Nhưng chính tôi cũng không ngờ được rằng, Self/less lại khiến tôi cảm thấy “dễ chịu” đến thế. Thỉnh thoảng nước mắt còn khiến bạn thấy thoải mái hơn là tiếng cười. Tôi đã khóc vì cái cách mà chàng trai Damian “già nua” chịu đựng nỗi đau một mình trong căn phòng chật hẹp, để tiễn đưa một lão già Damian còn “hừng hực sức sống”. Và cũng vì lão già ấy vẫn còn cố gắng làm được một việc tốt đẹp cuối cùng trong đời. Tôi cũng đã thử đoán cái kết thúc của bộ phim khi Damian lái xe đánh lạc hướng đám tay sai của Albright (Matthew Goode)-kẻ đã khiến cuộc đời Damian và Mark thay đổi mãi mãi. Tôi đồ rằng Self/less sẽ mang đến cho khán giả một cái kết buồn nhưng “thực tế” và tôi cũng đã nghĩ là mình sẽ chấp nhận cái kết này rồi sau đó vẫn dành cho nó những lời tốt đẹp mà tôi muốn nói. Nhưng cuối cùng thì, bộ phim kết thúc theo một cách vô cùng đẹp đẽ và nhân đạo, dù cho trong suốt quá trình mà câu chuyện diễn ra, nó đầy rẫy những lời nói dối và những việc làm thiếu “nhân đạo”. Damian với sự thể hiện của Ben Kingsley Mark với sự thể hiện của Ryan Reynolds Về mặt khoa học mà nói, bộ phim đã chỉ ra sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực tái sinh sự sống của con người. Đáng buồn cười là phải xem đến gần cuối phim, rốt cuộc tôi mới hiểu người ta định làm gì với việc chết đi và sống lại ấy. Nó khiến tôi nhớ đến việc cách đây không lâu tôi từng đọc về một ý tưởng của Facebook đó là bạn có thể truyền tải ý nghĩ của mình qua mạng xã hội này chứ không phải là ngồi gõ những dòng status nữa. Một ý tưởng mà tôi nghĩ nó không quá viển vông. Và Dr. Jensen đã truyền tải một “bộ não” vĩ đại còn đang sống, đang tồn tại trong một cơ thể cằn cỗi, bệnh tật sang một cơ thể mà các chức năng vận động và thần kinh của anh ta chỉ suy giảm chứ không hề mất đi. Ý thức của lão già Damian lõi đời trong lĩnh vực kinh doanh với cả một đế chế đồ sộ trong thân xác của người lính trẻ Mark đã có một mái ấm gia đình. Damian tỉnh lại trong thân xác của Mark, nhưng những ký ức vụn vặt của Mark lại tồn tại song hành cùng với ký ức hoàn hảo của Damian. Và khi những mảnh ký ức vụn vặt ấy được chắp nối, Damian nhìn thấy những nỗi đau, những hạnh phúc, sự tàn nhẫn của con người đằng sau một sự sống mà ông dùng nhiều tiền bạc và công sức để đánh đổi. Giáo sư Dr. Jensen-Albright Có một lời thoại trong Self/less mà tôi nhớ nhất, đó là khi Dr.Jensen đứng một mình thản nhiên giữa công trình vĩ đại mà ông ta tạo nên, trước mặt một tấm kính mà Jensen chỉ nhìn thấy bản thân mình trong đó mà tuyên bố với Damian rằng “Tôi là người duy nhất đứng yên giữa sự quên lãng”. Chỉ vì cái công thức gói gọn trong những viên nhộng mà ông ta sáng tạo ra để những thế thân quên đi một phần ký ức vốn đã ẩn sâu trong tiềm thức của họ, ông ta nghĩ rằng mình thành công. Thật nực cười là ông ta mắc lỗi trên chính cơ thể mình bởi đều đặn hàng ngày Dr. Jensen ta sử dụng chúng để ngăn chặn dòng suy nghĩ của Albright. Vì sao tôi nói phim đầy rẫy những sự “thiếu nhân đạo”. Không phải vì nó chỉ sử dụng bộ não của một người sắp ra đi “cấy vào” cuộc đời của một người đang sống mà nó còn ở việc cướp đoạt cái đẹp đẽ nhất của một con người, đó là tâm hồn. Có một câu chuyện về cuộc đời Mark Phần lớn trong Self/less, câu chuyện được lật mở qua diễn xuất của Ryan. Anh ấy đã làm rất tốt cả hai nhân vật này. Tôi biết đến Ryan qua The proposal (2009) và Green Lantern (2011). Còn trong Self/less, tôi nhìn thấy cả Damian trong Mark và Mark trong Damian. Tất cả cùng hiện hữu qua Ryan. Nó đầy đau khổ nhưng cũng rất lý tưởng. Damian cuối cùng đã chọn cách ra đi, chọn cách ngừng chống lại quy luật tự nhiên nhất của tạo hóa đó là cái chết, để trả về một Mark còn vẹn nguyên, để anh ấy tiếp tục sống cuộc đời của chính mình. Dù phim đã tạo nên một “thành công” điên rồ và phi nhân đạo về khoa học, nhưng tôi nghĩ kết thúc của nó không hề vô lý. Nó hợp với logic của phim, và nó đẹp, thực sự rất đẹp. Không phải theo chủ nghĩa cái thiện chiến thắng cái ác. Với tôi nó chỉ đơn giản là tình yêu mà thôi. Self/less đã chỉ ra một hiện thực đơn giản: Trong một khoảng thời gian nào đó của cuộc đời, bạn sợ việc phải ra đi. Nhưng cuối cùng, bạn vẫn không thể trì hoãn được nó. Nó sẽ đến vì nó là quy luật. Và đôi khi không cứ phải lưu giữ lại những “bộ óc” thiên tài tồn tại cùng thời gian, mới là cách bạn đang sống. Thông tin (2D) Loại phim:Hành động Thời lượng: 100 phút Diễn viên: Ryan Reynolds, Matthew Goode, Ben Kingsley Đạo diễn:TarsemSingh Khởi chiếu:14/08/2015 Xuất xứ:Mỹ Khuyến cáo: Phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi Đánh giá: 8/10