Cảm nhận Éternité (Vĩnh cửu) - Đạo diễn Trần Anh Hùng.

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi lethinh282, 11/9/16.

Lượt xem: 1,726

  1. lethinh282

    lethinh282 Registered

    Vĩnh cửu có tồn tại trên thế gian này? Câu trả lời tùy thuộc vào bạn có tin và yêu bộ phim này hay không…

    Đêm qua, tôi ngồi xem Vĩnh Cửu của Trần Anh Hùng. Xem một mình. Ngắm nhìn bộ phim. Đôi lúc dò xét thái độ của khán giả xung quanh. Sát bên trái tôi có một khách nam trung tuổi. Xem phim rất tập trung, và … ngáp nhiều. Bên phải tôi có cậu bé mới lớn, dấm dúi dùng điện thoại liên tục. Đằng sau có hai chị gái liên tục bàn tán – thuyết minh – phân tích – diễn giải khiến tôi không chịu được, phải “xù lông” phản ứng.

    Phim mới của đạo diễn người Pháp Trần Anh Hùng, vốn quen thuộc với các bạn trẻ với bộ phim tôi thấy buồn tẻ đến ngái ngủ Rừng Na Uy, và quen thuộc với những người xem phim lâu năm với những tác phẩm đặc sắc như Xích Lô, Mùa Đu Đủ Xanh, Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng…

    [​IMG]

    Với những bộ phim giải trí thông thường, nội dung đơn giản, lại chi chít sạn, người xem ngán ngẩm ngồi đếm sạn, đếm chán thì chuyển sang tiết mục đoán trước cái kết. Những thể loại phim nhạt nhòa này, thường thì khỏi cần phải động não để mà đoán. Tính tôi ưa chốn đông người, từ đầu năm đến giờ, lê la ra rạp nhặt được bao nhiêu là sạn từ những phim siêu nhân này, phim ma mãnh nọ, phim hài nhạt nhẽo kia… Rạp phim ở Việt Nam là vậy, muốn tìm một bộ phim hay đúng nghĩa để thưởng thức, chẳng khác gì mơ giữa ban ngày.

    Với Éternité, hay bất kì bộ phim hay đúng nghĩa, cái kết phim dù có dễ đoán hay không cũng không quan trọng. Người xem không dò xét, và cũng không có thói quen để suy đoán cái kết. Họ không có thời gian. Thời gian của họ đã bị đạo diễn tài tình lôi kéo “sống” cùng bản thân bộ phim rồi. Eternite là bộ phim hay theo cách ấy. Tất nhiên, phim của Trần Anh Hùng, không dành cho số đông vốn quen với những cháy nổ vội vàng.

    [​IMG]

    Tôi đặc biệt ghét mô típ một bài cảm nhận phim ảnh thông thường, đọc như một bài phân tích, nêu ra ti tỉ dẫn chứng, nhiều khi bóc luôn cả toàn bộ nội dung bộ phim. Đó là cái không khéo léo của những ai viết bài cảm nhận phim. Tôi nghĩ vậy. Với Éternité, chúng ta thống nhất luôn nhé, bạn sẽ chẳng tìm được bất kì phần nội dung phim nào ở đây để mà chém gió cùng bạn bè cả.

    Vĩnh Cửu là bộ phim duy mỹ, đẹp từng khung hình, chậm rãi ngấm vào tâm can người xem, khiến người ta phải thổn thức trước mọi hạnh phúc – mất mát của nhân vật. Vì bộ phim đẹp một cách xao xuyến đến diệu vợi, nên có thể bộ phim sẽ không phù hợp với những ai thích lối suy nghĩ thực tế, tỉnh táo, khô khan. Xuyên suốt bộ phim, ngoài việc ngắm nhìn dàn diễn viên đẹp đậm chất Pháp, người xem còn nhận ra, bên cạnh phần diễn xuất lôi cuốn của Audrey Tautou, Bérénice Bejo hay Mélanie Laurent đều không hẳn là mấu chốt khiến người xem thực sự bị dẫn dụ. Cá nhân tôi, bên cạnh dàn diễn viên yêu kiều và tài năng kia, Éternité trở nên đặc biệt và khiến tôi say mê, bởi hai điều: Âm nhạc và hoa.

    [​IMG]

    Hai tác nhân này, xuyên suốt bộ phim. Hoa khắp nơi, đẹp rạng rỡ rực sức sống tự trong vườn, đến đẹp tinh tế tỉ mẩn giàu thẩm mỹ khi được bày biện trong nhà. Đủ loại hoa. Đa màu sắc. Đơm hoa kết trái. Nở bừng. Tựa hồ như gần hai tiếng sống trong Vĩnh Cửu, người ta chỉ toàn sống ở một mùa, mùa Xuân. Nếu hình ảnh các loài hoa tuyệt đẹp luôn được bừng nở mơn mởn sức sống trong mọi khung hình của bộ phim, tác nhân thứ hai, đáng nhớ hơn cả, chính là phần âm nhạc, khiến cho người xem hoàn toàn được cảm nhận một cách kì diệu mọi cung bậc cảm xúc – mọi nụ hôn – mọi vuốt ve trong Vĩnh Cửu. Từng xem nhiều bộ phim sử dụng hoàn toàn âm nhạc cổ điển, tuy nhiên, Vĩnh Cửu đem lại cho tôi cảm giác mới lạ và khó quên. Tôi nghĩ, chỉ riêng với phần nhạc được trau chuốt được “ghép duyên” một cách tinh tế và khéo léo đến gợi cảm, Éternité đã thành công lớn. Diễn viên chính yếu của Vĩnh Cửu là Piano. Piano trải dài – ấp ôm mọi cung bậc cảm xúc yêu thương – yêu đương. Piano phủ lên vẻ đẹp của phụ nữ, khiến người xem rung động thổn thức trước những làn da dẻ non tơ, những hoài niệm nhớ thương, những ước vọng – đổ vỡ… Piano phủ lên những khung hình giàu hoa cỏ đơm hoa kết trái, khiến người xem cảm nhận rõ hơn những rung rinh những buông nở. Piano phủ lên những nụ hôn – những âu yếm – những cái nắm tay, khiến người xem lại ngỡ ngàng nữa, vì những cảm xúc đó, không chỉ cảm nhận bằng mắt, mà còn bắng tai, một cách tài tình và cụ thể đến độ như chính bản thân mình cũng đang sống trong những xúc cảm yêu đương đó vậy. Tóm lại, nếu bạn cũng diêu vợi – mơ giữa ban ngày như tôi, mê mẩn thứ âm nhạc lãng mạn mênh mang của Chopin hay Debussy, Vĩnh Cửu thực sự dành cho bạn.

    [​IMG]

    Vĩnh Cửu, bên cạnh muôn hoa đua nở, người ta còn nhận ra sắc đỏ rực nhuộm đam mê xuyên suốt bộ phim. Màu đỏ này đem lại cho tôi chút gợi nhớ đến In The Mood For Love của Vương Gia Tuệ. Tiếp, Vĩnh Cửu có nhiều khung hình hoa mỹ được quay chậm rãi đẹp đến thổn thức, khiến tôi nhớ đến sự chỉn chu trong A Single Man của Tom Ford. Tuy nhiên, chỉ là chút gợi nhớ nhỏ nhoi thôi, Eternite là một thế giới riêng, đẹp mong manh, nhưng bền bỉ, gắn kết, và ngập tràn yêu thương.

    Vĩnh Cửu là bộ phim Pháp có nhiều điểm… không Pháp một chút nào. Thứ nhất, bộ phim không “nói nhiều”, bạn không mất công nghe tiếng Pháp véo von hay phải đuổi theo phụ đề một cách điên loạn. Với Vĩnh Cửu, bạn chỉ cẩn ngắm nhìn, lắng nghe, rồi chìm đắm trong thế giới của tình yêu duy mỹ đơm hoa kết trái. Thứ hai, đây là bộ phim Pháp hoàn toàn không có … thuốc lá, thứ người Pháp nghiện ngang rượu vang và phô mai. Đây thực sự là bộ phim thơm tho đúng nghĩa. Tôi có khuyên bạn bè mình, nếu muốn thưởng thức trọn vẹn bộ phim đẹp miên man này, trước khi bước vào rạp phim, bạn nên xịt một mùi hương hoa nào đó, để xuyên suốt bộ phim, bạn sẽ có thể ngửi rõ hơn muôn hoa đua nở đang ve vuốt bản thân. Cá nhân tôi, tôi chọn mùi hương Boy của Chanel khi thưởng thức Vĩnh Cửu.

    Tóm lại, vĩnh cửu có tồn tại trên thế gian này?

    .Câu trả lời tùy thuộc vào bạn có tin và yêu bộ phim này hay không…

    Nguồn: http://www.elle.vn
     
    Last edited by a moderator: 15/9/16