Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam

Thảo luận trong 'Điện ảnh Việt Nam' bắt đầu bởi Hitchcock, 2/5/17.

Lượt xem: 5,869

  1. Hitchcock

    Hitchcock Cinematographer

    “…Điện ảnh là ngành nghệ thuật mới nhất và kết hợp nhiều yếu tố của các ngành văn học nghệ thuật khác với phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Nó cũng là ngành nghệ thuật có ưu thế nhất trong việc phổ biến tác phẩm nhanh và rộng, lại có nhiều khả năng giao lưu, hợp tác giữa các nhà làm phim ở các quốc gia, nhất là trong bối cảnh mở rộng hội nhập quốc tế và xu thế “toàn cầu hóa” hiện nay. Phát huy tính hiện đại và tính dân tộc sẽ giúp điện ảnh Việt Nam đề phòng nguy cơ “tụt hậu quá xa” hoặc “hòa tan đánh mất mình”. Tính hiện đại và tính dân tộc còn có ý nghĩa cập nhật với sự nghiệp chung của đất nước, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển thời đại…”

    [​IMG]

    Cảnh trong phim Thương nhớ đồng quê

    Khái quát tính hiện đại trong điện ảnh Việt Nam

    Tính hiện đại trong nội dung tác phẩm:

    Tính hiện đại trong nội dung tác phẩm điện ảnh được xác định ở việc thể hiện tinh thần yêu nước, yêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội: ở tư tưởng nhân văn lấp lánh trong tâm hồn và cách ứng xử của nhân vật; ở sự tiến bộ trong cách nhìn nhận và phản ánh hiện thực.

    - Thứ nhất, tinh thần yêu nước, yêu độc lập và chủ nghĩa xã hội là gam màu chính

    của các tác phẩm điện ảnh kể từ khi điện ảnh Cách mạng Việt Nam ra đời (1953). Trong suốt hơn hai chục năm chiến tranh, các bộ phim xoay quanh chủ đề yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm, ngợi ca những con người anh dũng, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc và cả cuộc sống của mình cho độc lập dân tộc. Tinh thần yêu nước vừa là phẩm chất truyền thống của dân tộc ta, lại vừa mang hơi thở thời đại Hồ Chí Minh. Từ truyền thống “trung quân ái quốc” của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và đúc kết thành tinh thần yêu nước của thời đại là “trung với nước, hiếu với dân”, yêu nước luôn luôn gắn liền với yêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, yêu nước với tình yêu của người chủ đất nước.

    Từ khi đất nước thống nhất, dân tộc ta đã giành được độc lập toàn vẹn, lòng yêu nước của mỗi con người Việt Nam không còn đặt cạnh lòng căm thù giặc, nội dung yêu nước trong điện ảnh cũng không trực diện như trong phim thời chiến tranh mà đi vào chiều sâu nội tâm con người.

    Nội dung yêu nước càng có thêm nhiều biểu hiện mới mẻ khi chúng ta bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước: yêu nước cũng có nghĩa là dám đấu tranh để từ bỏ cái cũ, cái lạc hậu, dám đối mặt với những tệ nạn xã hội, thậm chí là những quốc nạn. Có thể nói rằng nội dung yêu nước được điện ảnh Việt Nam khai thác đậm nét, trong sự vận động và phát triển liên tục, cập nhật với mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc và luôn tươi mới sắc màu cuộc sống. Bởi vậy, phản ánh nội dung yêu nước là phần thành công nhất của tính hiện đại trong điện ảnh Việt Nam.

    - Thứ hai, tư tưởng nhân văn được hiểu là đề tài cao giá trị và tôn vinh vẻ đẹp của con người qua việc phản ánh tâm sự, tình cảm, nguyện vọng của con người, đồng thời bảo vệ cuộc sống, lợi ích chính đáng và hạnh phúc của họ. Tính nhân văn thấm đượm trong các tác phẩm điện ảnh, bởi điện ảnh Việt Nam là nền điện ảnh của nhân dân, phục vụ nhân dân, lấy việc phản ánh hiện thực cuộc sống, ngợi ca những phẩm chất cao quý, lối sống và cách ứng xử tình nghĩa của con người Việt Nam làm nhiệm vụ trung tâm.

    Các nhân vật trong phim Việt Nam luôn lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn: yêu nước, anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung, thủy chung, bao dung, nhân hậu…Tính nhân văn là một điểm mạnh của nhiều bộ phim, tạo nên sức mạnh chinh phục không chỉ đối với khán giả trong nước mà cả ở ngoài nước, Thực ra, tính nhân văn không phải chỉ có trong phim Việt Nam mà nó là mục đích của tất cả các nền điện ảnh tiến bộ. Điều quan trọng là tinh thần nhân văn của phim ta được thể hiện theo kiểu Việt Nam, tạo nên nét đặc sắc của tác phẩm.

    Tình yêu của con người Việt Nam cao cả bởi nó bao chứa cả đức hy sinh, lòng chung thủy, độ lượng và sự tha thứ. Cách ứng xử của con người Việt Nam đẹp bởi trong đó có sự bao dung, cởi mở, dễ cảm thông, sẵn sàng chia sẻ niềm vui nỗi khổ, Cũng như lòng yêu nước, tinh thần nhân văn là nơi gặp gỡ của tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam bởi nhân văn là một trong những phẩm chất cơ bản của truyền thống dân tộc ta. Điều khác nhau là tinh thần nhân văn hiện đại là tiền đề cho nhà sáng tác điện ảnh lấy con người làm trung tâm phản ánh của tác phẩm với một ý nghĩa lớn lao là con người có khả năng cải tạo số phận của mình, còn cốt lõi của quan niệm nhân văn truyền thống lại gần với chủ nghĩa nhân đạo, với tinh thần nhân ái “thương người như thể thương thân”.

    - Thứ ba, điện ảnh Việt Nam là một nền điện ảnh tiến bộ về cách nhìn nhận và phản ánh cuộc sống bởi xuất phát từ đặc điểm chính của nó là phản ánh hiện thực đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta. Bản thân thực tế cách mạng Việt Nam đã nêu tấm gương tiên phong cho phong trào giải phóng dân tộc thế giới, và công cuộc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa theo các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn mình” cũng thực sự mang tính chất tiến bộ, vì sự phát triển của dân tộc nói riêng và loài người nói chung. Nghĩa là hiện thực được phản ánh trong các tác phẩm điện ảnh Việt Nam là một hiện thực tiến bộ.

    Hơn nữa, điện ảnh Việt Nam là nền điện ảnh mang tính chất nhà nước, được trao những nhiệm vụ tư tưởng, chính trị và xã hội quan trọng. Bởi vậy, nó là một ngành nghệ thuật có tính định hướng cao. Chính sự định hướng này đã làm cho nội dung tác phẩm điện ảnh không đi chệch đường lối văn nghệ của Đảng, luôn đặt ra những vấn đề lớn lao của dân tộc, của xã hội và hướng đến sự tiến bộ trong phản ánh hiện thực cuộc sống. Trong sự so sánh với một số nền điện ảnh khác, điện ảnh Việt Nam có sự nhất quán hơn về mặt nội dung, không sa vào xu hướng câu khách bằng mọi giá (ví dụ: dùng bạo lực và tình dục để kích động, lôi cuốn người xem với mục đích hàng đầu là thương mại), không gây hận thù hoặc làm ảnh hưởng đến các dân tộc khác.

    Bản thân nội dung tiến bộ là điều kiện quan trọng để nền điện ảnh Việt Nam tồn tại và phát triển nhưng tính nhất quán của nội dung tác phẩm trong suốt nửa thể kỷ qua cũng cản trở tính sáng tạo và việc đổi mới cách nhìn, cách nghĩ của những người làm công tác điện ảnh – từ các nhà quản lý đến các nhà làm phim. Cần phải thấy rằng nhiều tác phẩm lớn của nhân loại thường là tác phẩm có tính dự báo hoặc có giá trị cảnh báo. Dự báo là sự nhìn thấy xu thế phát triển của xã hội, còn cảnh báo là sự nhìn nhận sâu thẳm vào trong lòng xã hội, đề vạch ra những vùng sáng và cả những khoảng tối trong nó. Đây là những điểm còn thiếu hụt trong các tác phẩm điện ảnh Việt Nam.

    [​IMG]

    Cảnh trong phim Chuyện của Pao

    Muốn tác phẩm đạt được tính dự báo và giá trị cảnh báo, cần có sự đổi mới cách nghĩ, tầm nhìn và nêu cao bản lĩnh từ phía các nhà quản lý điện ảnh để nhen nhóm và vun đắp, tạo nên những bộ phim mang tính mũi nhọn. Các nhà làm phim cần tránh lối mòn trong tư duy, cách phản ánh hiện thực sơ lược, hời hợt. Trên thực tế, có một số nhà sáng tác, đạo diễn điện ảnh có ý tưởng mới nhưng tiếc rằng họ không vượt qua được sự “tự kiểm duyệt” nên đã tự đẽo gọt, sửa nắn tầm nhìn cho “an toàn”.

    Thói quen đặt ra quá nhiều ý tưởng lớn lao và vấn đề quan trọng nhất trong một tác phẩm khiến cho nhiều nhà làm phim không đủ sức khai thác sâu sắc một vấn đề nổi bật nào, không gây được ấn tượng mạnh và không thuyết phục được người xem. Điều này làm cho nhiều bộ phim nhạt nhẽo, vô vị, kém sức hấp dẫn và sức lay động, mặc dù nội dung tốt.

    Do hoàn cảnh ra đời trong bão táp cách mạng, nhiệm vụ trọng tâm của điện ảnh Việt Nam được khẳng định trong Sắc lệnh thành lập ngành là “vũ khí trên mặt trận văn hóa”, bám sát theo từng chặng đường lịch sử của dân tộc để tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân. Nhiệm vụ này tạo nên tính chất tiên tiến với các bộ phim thấm đẫm tinh thần yêu nước, yêu độc lập dân tộc, nhưng cũng làm cho điện ảnh nặng về nhiệm vụ chính trị mà xem nhẹ vai trò nghệ thuật, tạo nên sự cứng nhắc, nặng về cổ động hô hào của nhiều bộ phim Việt Nam suốt một thời gian dài.

    Bản thân “sự tiến bộ về nội dung” là một phẩm chất quan trọng, đáng được đề cao của điện ảnh Việt Nam, nhưng nó cần được đổi mới, hiện đại hóa ngay trong tư duy và cảm quan của người sáng tác để tính hiện đại được hoàn thiện. Nhất là trong hoàn cảnh hôm nay, bên cạnh nhiệm vụ phục vụ chính trị (vốn được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ chiến tranh cách mạng) điện ảnh cần quan tâm đến các nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng như nâng cao nhận thức, bồi dưỡng thẩm mỹ cho công chúng, mang đến cho xã hội nguồn giải trí lành mạnh.

    Tính hiện đại trong hình thức thể hiện tác phẩm

    Nếu như điện ảnh Việt Nam đã ít nhiều mang tính hiện đại trong nội dung tác phẩm thì trong hình thức thể hiện, rất ít phim đạt được tính hiện đại như ở những bộ phim được tác giả luận án chọn làm ví dụ khảo sát. Tính hiện đại chỉ thấp thoáng, rải rác ở một hai trường đoạn trong một số bộ phim. Nguyên nhân của thực trạng này là sự hạn chế trong việc sử dụng và tìm tòi, phát huy thế mạnh của nghệ thuật điện ảnh, thậm chí ở nhiều phim, đạo diễn còn chưa nắm được việc sử dụng ngôn ngữ điện ảnh.

    Có thê dẫn ra vô số ví dụ về sự đơn điệu, nghèo nàn, cũ mòn trong cách thể hiện do không nắm bắt thành thạo và tận dụng được sự giàu có của ngôn ngữ điện ảnh. Suốt nửa thế kỷ tồn tại của điện ảnh Việt Nam, cách thể hiện trong nhiều bộ phim vẫn một kiểu quen thuộc, không có những xu hướng hay trường phái mới. Trong khi đó, nhiều nền điện ảnh của các nước luôn đổi mới ngôn ngữ thể hiện, thể nghiệm những trường phái sáng tác khác nhau (ấn tượng, hiện thực thơ và tiên phong trong điện ảnh Pháp, biểu hiện trong điện ảnh Đức, tân hiện thực trong điện ảnh Italia, viễn Tây (cao bồi) trong điện ảnh Mỹ, hiện thực XHCN trong điện ảnh Nga và các nước Đông Âu…). Hãy lần lượt xem xét hai yếu tố chính quyết định hiệu quả của hình thức thể hiện tác phẩm điện ảnh là hình ảnh và âm thanh được sử dụng như thế nào trong phim Việt Nam.

    Hình ảnh

    Đây là thành phần chủ yếu của ngôn ngữ điện ảnh. Trong rất nhiều bộ phim, hình ảnh không đạt được sức truyền cảm, không để lại ấn tượng cho người xem, không đủ sức gợi mở suy nghĩ. Rất nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh của hình ảnh: ánh sáng, bố cục khuôn hình, góc độ, động tác và sự chuyển động của máy quay phim; nghệ thuật dàn cảnh…Chúng tôi chỉ xin đề cập sâu đến một số biểu hiện chính trong việc sử dụng những yếu tố tạo nên hiệu quả hình ảnh của phim Việt Nam.

    - Thứ nhất, việc sử dụng ánh sáng có lẽ là khâu yếu nhất. Rất nhiều cảnh quay

    nhất là các cảnh quay nội – được chiếu sáng bằng thứ ánh sáng đều đều, không có điểm nhấn, vì vậy không có những đóng góp xứng đáng để thể hiện nội dung kịch bản (trong việc tạo không khí của tình huống, kịch tính của hành động phim hoặc biểu hiện tâm trạng và tình cảm của nhân vật).

    Nguyên nhân khách quan là do phương tiện kỹ thuật của ta còn thô sơ, nghèo nàn (chúng ta chưa có trường quay – nơi có thể dựng bối cảnh phù hợp cho từng bộ phim với nguồn ánh sáng chuyên nghiệp, tạo hiệu quả cho mỗi cảnh quay). Nhưng nguyên nhân chủ quan mang tính chất quyết định lại nằm trong tư duy sáng tác của nhà làm phim. Có rất ít nhà quay phim và đạo diễn ý thức đầy đủ về nguồn chiếu sáng trong mỗi cảnh quay (ví dụ: nếu cảnh quay diễn ra trong ánh sáng đèn dầu thì phải khác hẳn đèn điện, đèn ngủ thì phải khác hẳn đèn làm việc, đèn đặt ở góc phòng thì ánh sáng phải khác hẳn đèn trên trần…). Điều này tạo nên cảm giác không thật cho bối cảnh phim.

    Hơn nữa, điện ảnh là”nghệ thuật vẽ bằng ánh sáng”. Ánh sáng là phương tiện vô cùng lợi hại biểu đạt nội dung, kịch tính của một cảnh hay toàn bộ phim (ví dụ: khuôn mặt của một nhân vật được chiếu sáng nửa tối nửa sáng sẽ đưa người xem vào cảm giác căng thẳng hơn là khuôn mặt ấy được chiếu sáng toàn bộ trong một ánh sáng đều). Sức mạnh này của ánh sáng hiếm khi được sử dụng trong phim của ta.

    Ngoài ra, rất nhiều phim không đạt được hiệu quả cần thiết trong những cảnh quay đêm (đây cũng là một điểm yếu cố hữu của phim Việt Nam). Nghĩa là cảnh trong đêm mà mọi thứ người ta đều có thể nhìn thấy trong một ánh sáng gần như ban ngày! Thậm chí đối với một số nhà làm phim (nhất là phim truyện truyền hình), tiêu chuẩn hình ảnh phải “rõ mồn một” (“trắng mặt ăn tiền”). Điều này làm cho tác phẩm điện ảnh không đủ sức lột tả những sắc thái dữ dội hoặc tinh tế của tình huống, của bối cảnh.

    [​IMG]

    Cảnh trong phim Trăng nơi đáy giếng

    - Thứ hai là bố cục khuôn hình. Đây cũng là một điểm yếu mà điện ảnh ta chưa

    hiện đại hóa được. Bố cục khuôn hình tạo độ sâu, chiều rộng của khuôn hình, vị trí gần xa của các thành phần tạo nên bối cảnh chung và sự hiện diện của mỗi nhân vật tùy theo mức độ quan trọng của nhân vật ấy trong từng tình huống cụ thể. Trong đa số các bộ phim của điện ảnh phương Tây, luật xa – gần, chính – phụ trong bố cục khuôn hình được thể hiện hợp lý, làm tăng sức biểu cảm của cảnh phim. Còn ở Việt Nam, rất ít nhà làm phim quan tâm xây dựng bố cục khuôn hình hợp lý, thường mọi thứ đều được trình bày rõ như nhau, như thể trên một mặt phẳng. Điều này phải chăng do ảnh hưởng của thẩm mỹ tranh dân gian Việt Nam: tất cả đều được triển khai trên một mặt phẳng bẹt mang tính quy ước chứ không theo luật xa gần (điều kiện quyết định tính tả thực cổ
    theo thegioidienanh​