Nhân vật trong tác phẩm điện ảnh Việt Nam

Thảo luận trong 'Điện ảnh Việt Nam' bắt đầu bởi Hitchcock, 6/5/17.

Lượt xem: 7,015

  1. Hitchcock

    Hitchcock Cinematographer

    [​IMG]
    Nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm nghệ thuật. Ở bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, việc xây dựng nhân vật luôn được xem trọng và cần sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Đặc biệt với nghệ thuật điện ảnh, nhân vật lại cần có sức cộng hưởng lớn với những yếu tố khác trong phim, và có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào tâm huyết, sự cẩn trọng cùng khả năng sáng tạo của những người tạo ra nó (biên kịch, đạo diễn, diễn viên).

    Xây dựng thành công một nhân vật điện ảnh điển hình, khái quát với tính thẩm mỹ cao và có tầm ảnh hưởng sâu sắc, tác động đến người xem, thực sự không đơn giản đối với bất kỳ một nhà sáng tác nào. Công việc này đòi hỏi người nghệ sĩ phải suy nghĩ, trăn trở, dám đi đến tận cùng của sự sáng tạo.

    Là đối tượng cơ bản và quan trọng trong lý luận văn học nghệ thuật, nhân vật được phản ánh, mô tả với những nét cá tính, đặc điểm tính cách cụ thể.

    Người ta thường cho rằng nhân vật điện ảnh là con người được phản ánh trong tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên cũng có nhiều tác phẩm mà nhân vật lại không là con người. Có thể chỉ ra những ví dụ: phim Lion King nhân vật trung tâm là con sư tử con; Tom and Jerry 2 nhân vật ngộ nghĩnh là con mèo Tom và chuột Jerry. Cũng có những bộ phim mà nhân vật được xây dựng lại là cây cỏ hay đồ vật, Toy storylà tác phẩm điện ảnh như thế… Vì vậy, có thể quan niệm rằng nhân vật là đối tượng được phản ánh trong văn học nghệ thuật với tính cách, đời sống tâm lý, số phận nhất định và có thể là con người, con vật hay đồ vật, cây cỏ đã được nhân cách hóa (gọi chung là nhân xưng). Nhân vật có vai trò làm cho câu chuyện phát triển theo tính cách và hoạt động của nó…

    Xây dựng nhân vật là yếu tố cần thiết và quan trọng, có ảnh hưởng nhiều đến sự thành công hay thất bại của tác phẩm. Tác phẩm có sống động, tồn tại lâu dài hay không tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ, và xây dựng nhân vật của tác phẩm. Xem một tác phẩm điện ảnh đã khá lâu, có thể quên tác phẩm ở nhiều điểm, đôi khi quên cả ý nghĩa của tác phẩm, nhưng với nhân vật thì ta khó lòng quên được, nếu nhân vật đó có tính cách, cá tính ấn tượng, đời sống tâm lý riêng biệt.

    Là môn nghệ thuật đặc biệt khắt khe trong việc xây dựng nhân vật, điện ảnh có những đòi hỏi cũng như kỹ thuật trong công việc này.

    Người đọc văn học nhìn thấy vật qua những mô tả của tác giả bằng mắt đọc và nhận thức nhân vật bằng hình dung, trí tưởng tượng. Nhiều khi, người ta còn mặc định cho nhân vật những nét nọ, nét kia, tính cách này, tính cách khác vốn không có trong ý đồ sáng tác của tác giả, tùy theo tình cảm của mình đối với nhân vật. Khán giả yêu thích sân khấu thì nhìn thấy và nhận thức nhân vật của vở diễn từ con người thật bằng tai, bằng mắt nhưng lại trên một không gian ước lệ với những hành động diễn ước lệ của diễn viên. Các nhân vật trong một số loại hình nghệ thuật khác, như trong nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc…, chỉ mãi mãi đứng ở một tư thế trong một không gian tĩnh. Trong khi đó, nhân vật của điện ảnh luôn luôn vận động và thể hiện tính cách từ việc đối mặt với các sự kiện diễn ra trong không gian, thời gian thật. Đây là điểm mạnh hơn hẳn của nhân vật điện ảnh so với nhân vật của các loại hình nghệ thuật khác. Chính khả năng vận động trên nền bối cảnh thật của hoàn cảnh, của tự nhiên mà người xem trực tiếp cảm nhận nhân vật bằng mọi giác quan như khi họ đối diện với những con người thật trong cuộc sống hàng ngày. Trong bối cảnh thật đó, nhân vật điện ảnh xuất hiện với những hành vi, cử chỉ, hoạt động đánh ngay vào mắt người xem và họ có thể hiểu hoặc ít nhất là cảm nhận thấy nhân vật trong phim như thế nào. Nói chính xác hơn, nhân vật trong điện ảnh giúp người xem thưởng thức chân thực nhất so với nhân vật trong các loại hình nghệ thuật khác.

    Chúng ta có thể hình dung, tác phẩm điện ảnh là một khu vườn với đầy đủ cỏ cây, hoa lá, chim muông..., nếu nhân vật của phim chỉ đứng dựa vào một cái cây và suy nghĩ, không có hành vi, hành động, không biểu lộ cảm xúc, cũng chẳng cho người xem thấy đời sống tâm lý của mình và cứ đứng như vậy thì chẳng mấy chốc, trong tâm trí người xem, nhân vật này cũng giống như những cái cây trong khu vườn và không để lại cảm xúc gì. Vì thế, bắt buộc người sáng tác phải tạo ra được hoàn cảnh, điều kiện để nhân vật chuyển động, biểu lộ tính cách, cảm xúc, đời sống tâm lý qua hành vi, hành động… Vì vậy muốn tạo được sự chú ý, lấy được cảm xúc của người xem thì nhân vật trong tác phẩm điện ảnh không thể đứng yên, thiên về suy nghĩ, kém về hành động, mà phải luôn vận động và biến đổi. Từ hành động nhân vật mới bộc lộ tính cách và đời sống tâm lý. Trong bộ phim Tướng về hưu (1) của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, nhân vật tướng Thuấn đã có sự biến chuyển chuẩn xác phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh. Trong tác phẩm văn học, tướng Thuấn là một người thiên về quan sát và suy nghĩ. Ông nhìn cuộc sống đang biến động từng ngày trong gia đình lẫn ngoài xã hội thời kỳ mới và thường buồn phiền suy nghĩ, hay hồi tưởng về quá khứ, thời đại, vị trí của mình. Người đọc thấy được tính cách của nhân vật này thông qua suy nghĩ và cảm nhận của ông chứ không phải những hành động. Nhưng tác phẩm điện ảnh không để nhân vật ông Thuấn chỉ biết ngồi yên quan sát sự biến đổi của cuộc sống, mà được thay đổi để phù hợp với đặc điểm đặc trưng của điện ảnh. Ông Thuấn trong phim đã có sự biến đổi rõ rệt, có hành động liên tục. Từ hành động ấy mà ông Thuấn đã tự bộc lộ tính cách, tâm lý của mình. Ví dụ cho thấy nhân vật ở mỗi loại hình nghệ thuật có những điểm khác nhau và nghệ thuật điện ảnh xây dựng nhân vật có đặc thù riêng của nó.

    Xây dựng nhân vật trong tác phẩm điện ảnh có những đặc thù riêng, nhưng chưa phải bất cứ người làm sáng tác điện ảnh nào cũng nắm bắt được. Một điều rất căn bản là, nhân vật được người sáng tác làm ra, nhưng nó lại không tuân theo mong muốn chủ quan của người sáng tạo ra nó mà có quy luật, một đời sống riêng. Không thể bắt nó phải làm như thế này và nghĩ như thế kia. Cũng không thể bắt nhân vật của mình phải suy nghĩ gì và hành động ra sao nếu không theo quy luật phát triển tự nhiên nằm ngay trong bản thân nhân vật đó. Nhân vật trong phim luôn phải tuân theo một cách chặt chẽ quy luật khách quan của chính nó, nghĩa là tuân theo tiến trình phát triển của tính cách và tâm lý của bản thân, hoàn cảnh tạo ra nhân vật đó và nhiều yếu tố nhỏ lẻ nhưng quan trọng khác nữa. Nếu như người sáng tác bằng ý chí của mình ép nhân vật phải có những suy nghĩ hành động và đưa ra tuyên ngôn không phù hợp với hoàn cảnh, không đúng quy luật của cuộc sống, thì nhân vật ấy cùng với tác phẩm của người sáng tạo sẽ rủ nhau đi vào quên lãng của người xem. Nhân vật trong phim thực sự chỉ tồn tại lâu bền khi nó được sống, chết, nghĩ và hành động… theo quy luật phát triển tự nhiên hợp logic.

    Trong cuốn Những vấn đề lý luận kịch bản phim(2), tác giả Đoàn Minh Tuấn đã nêu ra yếu tố cơ bản nhất cho việc xây dựng nhân vật trong một bộ phim, và đó chính là hành động cũng như sự biến đổi của nhân vật. Cũng trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra ý kiến của Syd Field (được xem là chuẩn mực trong xây dựng nhân vật điện ảnh) với 4 yếu tố làm nên một nhân vật điện ảnh sống động (3). Đó là: nhân vật phải có quan điểm sống, nhân vật phải có thái độ với những người xung quanh, nhân vật phải có hành động, nhân vật phải có sự thay đổi. Đây là những yếu tố quan trọng và cần thiết khi xây dựng và hình thành nhân vật trong tác phẩm điện ảnh. Xây dựng được nhân vật có 4 yếu tố trên đồng nghĩa với việc để người xem có thể cảm nhận đầy đủ bên ngoài cũng như bên trong của nhân vật.

    Trong cuốn tiểu thuyết Rừng Nauy (4), nhân vật chính Toru Wantanabe thiếu tới 2 trong 4 yếu tố trên. Anh ta có quan điểm sống rõ ràng, có thái độ riêng biệt với từng người, tuy nhiên anh ta lại là nhân vật không có biến chuyển và đặc biệt không có nhiều hành động. Những điều này thể hiện khá rõ ràng suốt từ đầu tới cuối của cuốn tiểu thuyết. Với một tác phẩm văn học như vậy là có thể đủ để nhân vật Toru gây được ấn tượng với trí nhớ của người đọc, nhưng với tác phẩm điện ảnh thì anh ta sẽ chết yểu trong tâm trí của người xem.

    Nhân vật trong phim phải luôn vận động không ngừng. Vận động để tự bộc lộ, biến đổi mình và phát triển tính cách tâm lý. Nhân vật phải có những biến cố thăng trầm ở cuộc sống bên ngoài (bao gồm các mối quan hệ với người thân, bạn bè, xã hội và những mối quan hệ đặc biệt khác) và cuộc sống bên trong (tính cách, tâm lý). Những biến cố này phải liên tục biến đổi theo chiều dài và theo từng phút của phim. Nếu không có hành động thì không có biến cố (hai yếu tố này hỗ trợ nhau liên tục), nhân vật không có điều kiện, khả năng bộc lộ tính cách.

    Trong bộ phim Người đàn bà mộng du của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nhân vật Quỳ là một dạng vai chưa phù hợp với điện ảnh. Quỳ trong phim rất ít những hành động để làm rõ tính cách, mà mới chỉ đi đi lại lại suy nghĩ và hầu như không thấy có sự biến đổi. Từ đầu đến cuối phim, Quỳ gần như là một, không có sự biến chuyển cần thiết như đòi hỏi của một nhân vật điện ảnh. Vì thế, người xem có cảm giác rối rắm, không hiểu rõ Quỳ bị làm sao, đạo diễn đang kể điều gì, dù diễn viên Hồng Ánh đã diễn xuất tốt để thể hiện nhân vật Quỳ, nhưng không thể bù lại những hạn chế do thiếu những nguyên tắc căn bản trong việc xây dựng nhân vật của phim. Trong bộ phim Bi, đừng sợ, nhân vật bé Bi được xây dựng không theo nguyên tắc xây dựng nhân vật như đã nói ở trên, khiến người ta cảm thấy hình như vai trò của nhân vật này là không rõ ràng.

    Những ví dụ này nhấn mạnh những điều căn bản nhất, cũng là quan trọng nhất trong xây dựng nhân vật điện ảnh, đó là nhân vật phải luôn hành động, có sự vận động liên tục để bộc lộ tính cách của mình, cũng như có sự biến chuyển thay đổi trong tâm lý. Sáng tạo nhân vật trong điện ảnh là của nghệ sĩ, nhưng xây dựng tính cách nhân vật, biến đổi nhân vật không thể là gượng ép, chủ quan của người sáng tạo mà phải là sản phẩm của quá trình phát triển khách quan ngay trong bản thân nó, hoàn cảnh của chính nhân vật đó và chỉ chịu sự kiểm soát hợp quy luật của người sáng tạo. Nếu không nhân vật đó sẽ chết. Đoàn Tuấn cho rằng: kịch bản là của nhà biên kịch, phim là của đạo diễn và câu chuyện là của nhân vật.Phải nói thêm rằng, các quy luật mà người sáng tạo nhân vật sử dụng để điều khiển nhân vật phải là khách quan và cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt. Vì thế, người sáng tạo nhân vật (biên kịch, đạo diễn) cũng là một nhân vật của phim.

    Điện ảnh cách mạng Việt Nam trong quá khứ đã gặt hái được những thành công trong việc xây dựng nhân vật. Đã có nhiều bộ phim hay, cảm động với nhiều nhân vật từ trong cuộc sống thường ngày lên màn ảnh, ít nhiều tạo nên những xúc cảm và ấn tượng đối với người xem. Những nhân vật như Tư Hậu (Chị Tư Hậu), bé Nga (Chim vành khuyên), Nết (Đến hẹn lại lên), Dịu (Vĩ tuyến 17 ngày và đêm),Duyên (Bao giờ cho đến tháng mười)... và nhiều nhân vật trong những bộ phim khác đã góp phần tạo nên ấn tượng với hương sắc riêng cho nhân vật điện ảnh thành công trên màn ảnh Việt một thời. Không thể phủ nhận tài năng diễn xuất của những tên tuổi như Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh, Phương Thanh, Minh Châu, Thanh Quý… Những gì họ để lại vẫn là những thước phim đẹp, tinh tế với một khả năng diễn xuất tài tình, cuốn hút và đặc biệt tình yêu, sự đam mê đối với nhân vật mình thể hiện trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Vì vậy mà những bộ phim ấy cho dù đã trải qua bao năm tháng, nhiều biến thiên, thăng trầm vẫn còn vẹn nguyên một sức sống bền bỉ trong lòng người xem nhiều thế hệ.

    _______________

    1. Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

    2. Đoàn Minh Tuấn, Những vấn đề lý luận kịch bản phim, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.

    3. Syd Field, Screenplay, Nxb MJF Books, New York, 1994.

    4. Haruki Murakami, Rừng Na Uy, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.


    Nguồn : Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012
    Tác giả : Hoàng Thủy Bảo Châu​