Tổng quan lịch sử điện ảnh Trung Quốc

Thảo luận trong 'Điện ảnh thế giới' bắt đầu bởi Hitchcock, 20/12/17.

Lượt xem: 7,360

  1. Hitchcock

    Hitchcock Cinematographer

    Lịch sử phim Hoa ngữ được chia thành ba dòng phát triển riêng biệt: điện ảnh Hong Kong, điện ảnh Trung Quốc và điện ảnh Đài Loan. Sau năm 1949 và cho đến tận bây giờ, điện ảnh Trung Quốc đại lục phát triển dưới sự kìm hãm phần nào của Cộng Sản đảng, mặc dù một số lượng nhất định phim ảnh, tuy được phép trình chiếu tại nước ngoài, vẫn chịu sự kiểm duyệt thường xuyên hoặc bị cấm phát sóng.

    [​IMG]
    Những ngày sơ khai: Thượng Hải – Trung tâm điện ảnh

    [​IMG]
    Năm 1896, phim điện ảnh bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc. Những thước phim đầu tiên được ghi lại tại Thượng Hải vào ngày 11 tháng 8 năm 1896, dưới dạng một cảnh trong chương trình tạp kĩ. Bộ phim đầu tiên, “Định Quân Sơn”( 定军山), một vở kinh kịch quay lại bằng kĩ thuật điện ảnh, ra đời vào tháng 11 năm 1905. Trong thập kỉ tiếp theo, các công ti sản xuất phim phần lớn nằm trong tay người nước ngoài, phải đến tận năm 1916, điện ảnh quốc nội mới thực sự khởi sắc, tập trung quanh Thượng Hải – trung tâm thương nghiệp và thành phố lớn nhất Viễn Đông lúc bấy giờ.

    Trong những năm 1920, các nhà làm phim Trung Quốc được học hỏi kinh nghiệm và kĩ thuật điện ảnh từ Mĩ, vì vậy ảnh hưởng từ phim Mĩ còn kéo dài rõ rệt trong hai thập kỉ tiếp theo. Phải từ những năm 1930, những bộ phim mang màu sắc Trung Quốc mới thực sự ra đời, cùng với trào lưu nghệ thuật “cấp tiến” của những người “cánh tả” (xu hướng chính trị hướng tới sự bình đẳng cho tất cả mọi người). Những bộ phim tiêu biểu có thể kể đến: Xuân tằm (春蚕 – 1933), Đại lộ (大路 – 1935), Thần nữ (神女- 1934). Trong giai đoạn này, Quốc Dân đảng đang nắm quyền, kiểm soát các xưởng phim lớn. Giai đoạn sau 1930 có thể coi là giai đoạn hoàng kim thứ nhất của điện ảnh Trung Hoa, cùng với sự xuất hiện của những ngôi sao điện ảnh đầu tiên: Nguyễn Linh Ngọc, Chu Tuyền, Triệu Đan.

    Chiến tranh Trung – Nhật bùng nổ đã kết thúc thời kì hoàng kim đầu tiên của điện ảnh Trung Quốc. Ngoại trừ Tân Hoa, tất cả các hãng phim đều ngừng hoạt động. Nhiều hãng phim chạy đến lánh nạn tại Hong Kong, các vùng thuộc quyền kiểm soát của Cộng Sản đảng và Quốc Dân đảng.

    Giai đoạn hoàng kim thứ hai: cuối thập niên 1940 và thời kì Cộng Sản

    [​IMG]
    Nền công nghiệp điện ảnh tiếp tục phát triển sau năm 1945. Chiến tranh kết thúc, Liên Hoa, một hãng phim lớn của điện ảnh Trung Quốc, tái thành lập tại Thượng Hải và một lần nữa trở thành căn cứ địa của các đạo diễn cánh tả. Sự bất bình với chế độ áp bức của chính quyền Tưởng Giới Thạch trở thành chủ đề chính được khai thác. Những bộ phim kinh điển của giai đoạn này phải kể đến: Vạn gia đăng hỏa (万家灯火- 1948), Con quạ và chim sẻ (乌鸦与麻雀 – 1949), Tam Mao(三毛 – 1949), và tiêu biểu nhất, Nhất giang xuân thủy hướng đông lưu (一江春水向东流 – 1947). Bộ phim dài 3 tiếng, gồm hai phần, khắc họa cuộc sống cực khổ của một gia đình người Hoa trước, trong và sau chiến tranh Trung – Nhật, trở thành tư liệu tham khảo cả về chính trị và xã hội lúc bấy giờ.

    Hãng phim Văn Hóa, một trong hai hãng phim lớn nhất thuộc phái cánh tả, cũng đóng góp một số tác phẩm tiêu biểu. Tiểu thành chi xuân (小城之春 – 1948), một tác phẩm của đạo diễn người Thượng Hải, Phí Mục, được đánh giá là một trong những bộ phim xuất sắc nhất Trung Quốc mọi thời đại.

    Năm 1949, sau chiến thắng của Cộng Sản đảng trước Quốc Dân đảng, chính quyền Cộng Sản không chỉ coi điện ảnh là một loại hình nghệ thuật mà còn là công cụ tuyên truyền quan trọng. Số lượng khán giả đến rạp đã tăng một cách chóng mặt, từ 47 triệu năm 1949 lên 4,15 tỉ lượt năm 1959. Trong vòng 17 năm kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập đến thời kì Cách Mạng Văn Hóa, 603 bộ phim, 8342 thước phim tài liệu và tin tức đã được sản xuất, đa phần là phim tuyên truyền. Các nhà làm phim Trung Quốc được cử đi học làm phim tại Liên Xô. Năm 1956, Học viện điện ảnh Bắc Kinh được thành lập. Bộ phim màn ảnh rộng đầu tiên của Trung Quốc ra đời năm 1960. Các bộ phim hoạt họa, sử dụng các loại hình nghệ thuật truyền thống, như cắt giấy, múa rối, rối bóng, vẽ tranh, cũng rất phổ biến đối với trẻ em. Từ năm 1956 đến đầu những năm 1960, các bộ phim mang đậm nét Trung Quốc hơn, thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào Xô Viết. Nhà sản xuất phim tiêu biểu nhất của thời kì này, có lẽ là Tạ Tấn, với hai tác phẩm nổi tiếng: The Red Detachment of Women – Hồng sắc nương tử quân (红色娘子军 – 1961), Two Stage Sisters – Vũ đài tỉ muội (舞台姐妹 – 1965).

    Cách Mạng Văn Hóa và tàn dư

    [​IMG]
    Trong suốt thời kì Cách Mạng Văn Hóa, ngành công nghiệp điện ảnh bị ảnh hưởng nặng nề. Hầu hết các tác phẩm phim bị cấm lưu hành, chỉ có một số rất ít được sản xuất, trong đó có bản ba-lê của vở opera Hồng sắc nương tử quân. Các hoạt động sản xuất phim gần như bị đình trệ trong khoảng từ năm 1966 đến 1972.

    Ngay trong những năm sau thời kì Cách Mạng Văn Hóa, ngành công nghiệp điện ảnh bắt đầu khởi sắc trở lại. Các bộ phim quốc nội phục vụ một lượng lớn khán giả, các lễ hội phim quốc tế luôn cháy vé. Để kéo khán giả trở lại rạp, các nhà sản xuất phim khai thác những đề tài mang tính sáng tạo và “khám phá” cao bắt nguồn từ Tây phương.

    Những năm 1980, nền công nghiệp phim rơi vào khủng hoảng, vừa phải cạnh tranh với các loại hình giải trí khác, vừa phải đau đầu giải quyết vấn đề kiểm duyệt của chính quyền với những đề tài ăn khách như kinh dị hay võ thuật. Tháng 1 năm 1986, nền công nghiệp phim không còn chịu sự quản lí của bộ Văn hóa, mà dưới quyền của bộ Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, một bộ mới thành lập, nhằm “thắt chặt kiểm soát và quản lí”, “nâng cao giám sát sản xuất”.

    Sự kết thúc của Cách Mạng Văn Hóa dẫn tới sự ra đời của dòng phim bi kịch (伤痕 – vết sẹo), khắc họa những đau khổ, chấn thương tâm lí còn sót lại của thời kì lịch sử vừa trôi qua. Một trong những bộ phim nổi tiếng nhất, có lẽ là Phù Dung trấn (芙蓉镇 – 1986) của đạo diễn Tạ Tấn.

    Sự trỗi dậy của thế hệ thứ năm

    [​IMG]
    Đầu những năm cuối thập niên 1980, sự trỗi dậy của thế hệ các nhà làm phim Trung Quốc thứ năm đã mang tên tuổi điện ảnh Trung Hoa đến trường quốc tế. Là những nhà sản xuất phim thuộc thế hệ đầu tiên sau Cách Mạng Văn Hóa, họ bỏ qua phương thức dựng phim truyền thống – kể chuyện – và tìm tòi những cách làm tự do hơn, phóng khoáng hơn. Hoàng thổ (黄土地 – 1984), đạo diễn Trần Khải Ca, quay phim Trương Nghệ Mưu, đánh dấu sự bắt đầu của thế hệ thứ năm. Trần Khải Ca và Trương Nghệ Mưu, sau đó tiếp tục cho ra đời các tác phẩm như Hài tử Vương (孩子王 – 1987), Bá Vương biệt cơ (/霸王别姬 – 1993), Cúc đậu (菊豆 – 1989), Đèn lồng đỏ treo cao (大红灯笼高高挂 – 1991). Những bộ phim này không chỉ nhận được sự yêu mến từ khán giả trong nước mà còn từ cả người hâm mộ điện ảnh phương Tây. Các bộ phim của Điền Tráng Tráng, mặc dù ít được biết đến hơn với khán giá nước ngoài, nhưng lại nhận được nhiều sự chú ý từ giới chuyên môn, như Martin Scorsese (từng đoạt giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim The Departed – Điệp vụ Boston, 2006). Mang những khác biệt rõ nét từ nội dung đến phong cách thể hiện, các tác phẩm của thể hệ thứ năm trải dài từ bi hài kịch (The Black Cannon Incident – 黑炮事件 của Hoàng Kiến Tân) đến phim có yếu tố huyền bí (Đời tựa sợi đàn – 边走边唱 của Trần Khải Ca). Một số các đạo diễn nổi tiếng khác: Ngô Tử Ngưu, Hồ Mai, Châu Hiểu Văn.

    Thế hệ thứ tư cũng có sự trở lại ngoạn mục trong khoảng thời gian này. Họ là những đạo diễn vào nghề trước năm 1966, tuy nhiên sự nghiệp bị đình trệ bởi Cách Mạng Văn Hóa. Đặc biệt, Ngô Thiên Minh, thuộc hãng phim Tây An, đã có những đóng góp to lớn bằng cách giúp đỡ về tài chính cho các đạo diễn thuộc thế hệ thứ năm.

    Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 đã đánh dấu bước kết thúc của thế hệ thứ năm, mặc dù những đạo diễn nổi bật của giai đoạn này vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng. Một số các nhà sản xuất phim sống lưu vong tại nước ngoài: Ngô Thiên Minh ở Mĩ, Hoàng Kiến An đến Úc, trong khi những người khác chuyển sang các công việc liên quan đến truyền hình.
    Thế hệ thứ sáu và xa hơn nữa

    Khoảng giữa thập niên 90 chứng kiến sự trở lại của các nhà sản xuất phim nghiệp dư, một phần lớn do chính sách kiểm duyệt của chính phủ, gọi là thế hệ thứ sáu. Những bộ phim này được quay nhanh chóng, tiết kiệm, mang phong cách phim tài liệu: cảnh quay dài, máy quay cầm tay, âm thanh nhiễu xung quanh (ambient sound). Rất nhiều bộ phim được sản xuất dưới sự hợp tác có vốn đầu tư nước ngoài. Một số đạo diễn tiêu biểu của thế hệ thứ sáu là: Vương Tiểu Suất (Xe đạp Bắc Kinh – 十七岁的单车, Ngày đông xuân – 冬春的日子), Trương Nguyên (Đông Cung Tây Cung -东宫西宫, Bắc Kinh tạp chủng -北京杂种), Lâu Diệp (Sông Tô Châu -苏州河), Giả Chương Kha (Tiểu Võ -小武).

    Không giống với thế hệ thứ năm, thế hệ thứ sáu mang đến cho khán giả cái nhìn cá nhân, hiện thực hơn, tập trung vào cuộc sống đô thị đương thời, đặc biệt là sự mất phương phướng trong xã hội ấy.

    Ngành điện ảnh Trung Quốc mới mang tính chất quốc tế

    [​IMG]
    Vào năm 1999, Ngọa hổ tàng long đã đạt được những thành công vang dội tại phòng vé phương Tây, mặc dù vấp phải sự coi thường của một số khán giá Trung Quốc, cho rằng bộ phim có xu hướng nịnh nọt, thỏa mãn thị hiếu Tây phương. Tuy nhiên, bộ phim đã quảng bá điện ảnh Trung Quốc với thế giới và giới thiệu nhiều bộ phim khác đến khán giả phương Tây.
    Năm 2002, Anh Hùng được sản xuất, tiếp nối sự thành công của Ngọa hổ tàng long. Dàn diễn viên và nhà sản xuất qui tụ nhiều tên tuổi nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được công chúng phương Tây biết tới, như Lí Liên Kiệt, Chương Tử Di, Dương Tử Quỳnh, Lương Triều Vĩ, Trương Nghệ Mưu. Bộ phim đã trở thành một hiện tượng tại châu Á và lọt top phòng vé Mĩ trong 2 tuần. Doanh thu tại phòng vé Mĩ đã đủ hòa vốn kinh phí sản xuất bộ phim.

    Sự thành công của Ngọa hổ tàng long và Anh Hùng đã làm mờ đi rang giới giữa điện ảnh Trung Quốc đại lục và điện ảnh Hong Kong, Đài Loan. Bộ phim Ngọa hổ tàng long với đạo diễn Lí An người Đài Loan, có diễn viên nổi tiếng đến từ Hong Kong (Châu Nhuận Phát), Đại lục (Chương Tử Di) và Đài Loan (Trương Chấn). Sự kết hợp giữa các yếu tố con người, nguồn lực, chuyên gia từ ba khu vực (Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan) chứng tỏ điện ảnh Hoa ngữ đã nâng lên tầm đấu trường quốc tế.

    dịch TIỂU LANG NHI​