Cách dùng âm nhạc trong phim Kill Bill Vol 1 (2003)

Thảo luận trong 'Âm thanh' bắt đầu bởi Hitchcock, 22/12/17.

Lượt xem: 12,089

  1. Hitchcock

    Hitchcock Cinematographer

    [​IMG]
    Khác với những tác phẩm trước đó của Quentin Tarantino, Kill Bill (2003) chịu ảnh hưởng xuyên suốt bởi những dòng phim cụ thể cả từ phương Đông lẫn phương Tây: phim dòng phim võ thuật Hồng Kông thập niên 60-70, dòng phim Samurai của Nhật Bản và dòng phim Cao bồi Ý cùng thời kì. Chỉ riêng cách sử dụng nhạc phim trong Kill Bill cũng đủ là một minh chứng cho sự kết hợp Đông-Tây độc đáo này. Kill Bill được tách ra thành 2 phần Volume 1 và Volume 2. Ở bài báo kỳ 1 này, chúng ta sẽ nói về cách dùng nhạc phim trong Kill Bill Vol.1.

    Từ những ảnh hưởng của nhạc nền phim võ thuật…

    Trước hết, nhạc phim Kill Bill chịu ảnh hưởng bởi dòng phim võ thuật Hồng Kông những năm 60-70, nhất là các bộ phim của hãng Thiệu thị Huynh đệ (Shaw Brothers) – lúc này là hãng phim tư nhân lớn nhất trên thế giới.

    Theo Bright Lights Film Journal, những bộ phim này phản ánh di sản văn hóa Kung Fu của Trung Hoa ở nhiều mức độ, một nền văn hóa được cấu thành bởi văn chương, hội họa cổ, lẫn các giai thoại và tín điều huyền bí. Chúng diễn ra ở một bối cảnh lịch sử đầy trừu tượng nhưng lại có gia vị của hiện thực. Cốt truyện thường nói về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác. Kết phim thường sẽ là kẻ thủ ác phải trả giá và người anh hùng được tôn vinh.

    Một ví dụ điển hình cho ảnh hưởng của dòng phim này lên Kill Bill là việc sử dụng bản nhạc nền trong phim The Green Hornet (1966), dịch tiếng Việt là Chiến binh Bí ẩn, một phim truyền hình dài tập thuộc dòng phim võ thuật Hồng Kông gắn liền với tên tuổi của Lý Tiểu Long. Bản nhạc do Al Hirt biên soạn này được phát ra trong cảnh nhân vật Cô Dâu đến Tokyo để báo thù. Nhịp điệu kèn trumpet dồn dập nổi lên khi hiện lên trên màn hình là cảnh chuyến bay của Cô Dâu đến Tokyo, rồi tiếp đó là cảnh băng đảng Yakuza với tên gọi Crazy 88 chạy xe trên đường cao tốc. Mối liên hệ này còn được thể hiện ở một chi tiết nữa về mặt hình ảnh. Trong phim truyền hình The Green Hornet, những đồng minh của Kato, nhân vật chính do Lý Tiểu Long thủ vai, mang áo vest đen ngoài, sơ mi bên trong, thắt cà vạt mỏng và đeo mặt nạ. Băng đảng Yakyza trong Kill Bill cũng ăn mặc tương tự như vậy.

    Tuy âm nhạc của dòng phim Samurai của Nhật không được biết đến nhiều, nhưng Tarantino đã thành công khi tái sử dụng chúng trong Kill Bill. Chẳng hạn trong cảnh Cô Dâu đối đầu với O-Ren Ishii, bản nhạc “The Flower Carnage”, trình bày bởi ngôi sao điện ảnh Meiko Kaji được dùng làm nhạc nền. Bản nhạc này được dùng trong phim Lady Snowblood (1973). Khi mảng đầu của O-Ren Ishii bị Cô Dâu chém rơi ra, O-Ren Ishii khụy xuống và chết trên nền tuyết trắng, giai điệu của bài hát bắt đầu vang lên, tạo cho cảnh này một cảm giác vừa lãng mạn một cách quái đản, vừa cô độc lạnh lẽo khi Cô Dâu bước xa khỏi cái xác của đối thủ và rã rời ngồi phịch xuống một băng ghế. Lời nhạc bằng tiếng Nhật không được phụ đề tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản dịch của lời bài hát, sẽ thấy rằng ngôn từ của nó hàn toàn tương thích với trạng thái hiện thời của Cô Dâu cũng như nhiệm vụ trả thù của cô.
    I’m a woman who walks at the brink of life and death
    Tôi là một người đàn bà bước đi giữa lằn ranh của sự sống và cái chết

    who has emptied my tears many moons ago.
    người khóc cạn nước mắt những tháng ngày qua.

    All the compassion tears and dreams
    Mọi trắc ẩn, thương hại đã vụn vỡ và ngủ vùi

    The snowy nights and tomorrow hold no meaning
    Những đêm phủ đầy tuyết trắng và cả ngày mai đều không còn ý nghĩa gì nữa.

    I’ve immersed my body in the river of vengeance
    Cơ thể tôi đã dắm chìm trong dòng sông thù hận.

    Cách dùng nhạc của Tarantino ở đây cho thấy Cô Dâu có một mối liên hệ đầy triết lý với nhân vật chính trong bộ phim Lady Snowblood. Sự tương đồng này rất khó lờ đi, bởi cả hai nhân vật, như nhiều nhân vật phim võ thuật khác, bị biến đổi, méo mó đi vì thù hận và không ngần ngại thủ ác với kẻ đã hại mình.

    Không phải bản nhạc nền nào Tarantino tái sử dụng từ dòng phim võ thuật cũng có tính biểu tượng phức tạp như Lady Snowblood, nhưng ông luôn dùng chúng một cách có cân nhắc và có mục đích rõ ràng. Chẳng hạn, ông có dùng nhạc nền có tên “Champions of Death”từ bộ phim Female Convict Scorpion Jailhouse 41 (1972) cho cảnh Cô Dâu chiến đấu với băng đảng Yakuza với thanh kiếm trong tay. Khi bản nhạc vang lên, Cô Dâu xông thẳng vào những căn phòng của một nhà hàng Nhật, thẳng tay hạ sát bất cứ kẻ nào cản đường. Bản nhạc này trong phim chỉ kéo dài 24 giây, nhưng đã liên hệ một cách tinh tế đến sự trả thù của nhân vật nữ trong bộ phim nói trên.

    Một ví dụ khác là việc dùng tiếng còi báo động từ phim truyền hình Ironside (scored by Quincy Jones). Tiếng còi này được dùng trong phim võ thuật Five Fingers of Death (1973) của đạo diễn Chang-hwa Jeong. Trong phim này, đôi bàn tay của những vật chính bị nghiền nát bởi kẻ thù trong một cuộc tấn công đẫm máu. Tuy nhiên, anh ta vẫn tự trui rèn chính mình và biến đôi bàn tay ấy trở thành một thứ vũ khí quyền năng. Bất cứ lúc nào bị tấn công, đôi bàn tay đỏ lên để chuẩn bị chiến đấu. Khi ấy, tiếng còi vang lên. Hoàn cảnh của nhân vật trên rất giống với của Cô Dâu. Tarantino đã tái hiện những hiệu ứng thị giác và âm thanh tương tự một cách đầy lý tính. Mỗi lần Cô Dâu gặp lại một kẻ thù của mình, tiếng còi ấy lại vang lên trong lúc camera quay cận cảnh đôi mắt của cô và sau đó là hình ảnh hồi tưởng về hành vi thủ ác của kẻ thù trước đây với mình qua một lăng kính màu đỏ mờ ảo. Tarantino sử dụng hiệu ứng này liên tục trong Kill Bill Vol.1 như một báo hiệu là khoảnh khắc trả thù đã đến.

    Đến những ảnh hưởng của phim Cao Bồi Ý

    Phim Cao Bồi Ý (Spaghetti Western) là phim về những câu chuyện diễn ra ở miền Viễn Tây nước Mỹ nhưng được sản xuất, dàn dựng bởi những nhà làm phim người Ý và tiến hành quay chủ yếu ở sa mạc Tabernas, Almería – Andalusia, Tây Ban Nha, nơi có phong cảnh rất giống với miền Tây Nam Mĩ (nhưng ít tốn kinh phí hơn).

    Kịch bản của những bộ phim này bao giờ cũng có một kẻ phản bội với động cơ chính là vì tiền. Theo cuốn Spaghetti Western – the Good, the Bad and the Violent, nhân vật chính thường là những gã đàn ông cứng cựa, như mọi sinh vật ở cảnh quan địa lý nơi đây, phải đấu tranh để sinh tồn. Gương mặt của họ bị thiêu đốt bởi ánh mặt trời, có khi mất răng hoặc một con mắt. Những gã này chỉ có thể bị kiềm chế bởi những sức mạnh bạo lực hơn và cương mãnh hơn. Thường thì trong dòng phim này, kẻ phản diện sẽ phải chịu đựng những hình phạt tương tự như những gì mà hắn đã gây ra cho người khác. (Weisser, xi)

    Sergio Leone là tên tuổi lớn gắn liền với dòng phim này. Một nắm Đô-la (A Fistful of Dollars, 1964), Thêm vài Đô-la nữa (For a Few Dollars More, 1965) và Thiện, ác, tà (The Good, the Bad and the Ugly, 1966) là một những bộ phim nổi tiếng mà ông đạo diễn. Lee Van Cleef và Clint Eastwood là một số ít những gương mặt quen thuộc của Hollywood đóng các phim này. Phim Cao Bồi Ý đã không còn từ cuối thập niên 70 nhưng được giành một vị trí nhất định trong lịch sử điện ảnh nhờ tính giải trí của nó, không chỉ vì kỹ thuật điện ảnh đặc biệt mà còn vì những bản nhạc phim đặc trưng.

    Ennio Morricone là một trong những nhà soạn nhạc phim nổi tiếng của dòng phim Cao Bồi Ý. Nhạc phim của ông đã mở ra một chiều mới cho cho không gian thị giác cô đặc sẵn có của phim Sergio Leone – chiều âm thanh. Theo www.imagesjournal.com, “tiếng vó ngựa, tiếng huýt sáo và cách sử dụng tiếng người như các chất liệu âm nhạc đã trở thành chuẩn mực cho nhạc phim Cao bồi Mỹ. Những giai điệu đầy ám ảnh của Ennio Morricone đã nâng tầm kịch tính của một cảnh đuổi bắt và góp phần đẩy những cuộc thách đấu cuối cùng đến hồi kết. Một tiếng chuông, một tiếng huýt sáo và cả tiếng quật roi da cũng có đầy đủ tính cáo chung cho số phận của một tên cướp hay một tiếng kèn trumpet đơn độc cũng đủ cốt cách làm bản nhạc truy điệu cho những kẻ thua cuộc”.

    Theo chuyên gia về nhạc phim Jeff Smith, Morricone khi làm việc với Sergio đã tận dụng những màn đấu tay đôi căng thẳng như một cơ hội trình diễn về âm thanh (Jeff Smith, p.131). Tarantino trong Kill Bill Vol.1 cũng đã làm điều tương tự. Chẳng hạn, ông dùng bản “I Giorni Dell’Ira” của Morricone trong phim Death Rides a Horse(1968), Tử thần cưỡi ngựa, cho cảnh đấu giữa Cô Dâu với O-Ren IShii và băng đảng Yakuza.

    Tarantino không giới hạn chính mình ở những sáng tác của Morricone, ông còn dùng bản “The Grand Duel (Parte Prima)” của Luis Bacalov từ bộ phim Big Showndown (1972) cho cảnh hồi tưởng quá khứ của O-Ren IShii khi gia đình cô ta bị sát hại bởi một băng Yakuza. Tiếng harmonica, tiếng đàn dây nhẹ và tiếng than van đầy âm điệu của nữ giới truyền tải xúc cảm về sự bất lực và mất mát cho cảnh phim.

    George Burt (p.11) đã cho rằng “Đây là những bản nhạc phim kinh điển mà dù chỉ nghe thôi cũng đủ gợi lại những hình ảnh mà chúng gắn liền. Điều này phần nào có được nhờ quá trình liên kết giữa các yếu tố thị giác và thính giác. Khi đã quen việc nghe những âm thanh này với những hình ảnh trong phim, thì hình ảnh của câu chuyện sẽ tự động tái hiện trong mắt người nghe cả khi họ chỉ nghe nhạc mà không xem phim“. Tarantino đã tận dụng điều đó với bản “I Lunghi Giorni Della Vendetta” của Armando Trovajoli. Bản nhạc này từ bộ phim The Long Days of Vengeance (1966) của đạo diễn Florestano Vancini. Nó được sử dụng cho cảnh trả thù của ORen-IShii sau khi gia đình ả bị sát hại. Giữa cái nền là tiếng guitar và trumpet, camera chầm chậm lia lên trên thanh kiếm Samurai được dùng để đâm chết cha của ORen-Ishii. Sau đó, có một cận cảnh đến một trong những tên Yakuza cười khoái trá khi thủ ác và hình ảnh ấy lưu vào tròng mắt của O-Ren IShii lúc còn nhỏ. Cách thực hiện cảnh này gần với phim võ thuật hơn, nhưng khi nó được đặt cùng với nhạc phim Cao bồi Ý sẽ gợi nhớ cảnh một nhân vật phản diện trong phim Cao bồi giết chết một người đàn ông trước sự chứng kiến của gia đình nạn nhân. Nếu ai đã từng chứng kiến sự kết hợp giữa nhạc của Travjoli và cảnh phim của Vancini sẽ tự động liên tưởng đến điều đó. Ngay cả khi chưa xem phim đó, bản nhạc này cũng có thể khuếch trương được trạng huống bi thương của cảnh trả thù của O-Ren IShii trong phim Kill Bill.

    “The Lonely Shepherd” của Zamfir

    Một điển mẫu của tài năng làm sử dụng nhạc cho phim của Tanratino là cách dùng bản “The Lonely Shepherd” của Zamfir, dù không có sự gắn kết nào giữa bài này với phim võ thuật hay phim Cao Bồi Ý. Zamfir là một nghệ sĩ sáo quạt người Romani mà âm nhạc của ông gợi trạng thái yên bình của tâm hồn. Trong một phỏng vấn, Tarantino nói về bản nhạc này như sau: “Bản sáo quạt của Zamfir mà tôi sử dụng trong một cảnh phim quan trọng, cũng như trong đoạn phim credits cuối là một bản nhạc tuyệt mỹ. Khi nghe nó lần đầu, tôi đã thấy nó là cuộc gặp gỡ giữa nhạc phim Samurai của Nhật và nhạc phim của Sergio Leone. Sự kết hợp này cũng chính là tâm điểm của Kill Bill.”

    Tarantino dùng bản “The Lonely Shepherd” trong suốt cảnh Hattori Hanzo, một người làm kiếm, trao cho Cô Dâu một thanh gươm Samurai. Hiển nhiên tên bài hát của Zamfir có ý vị riêng của nó: cũng như Gã chăn cừu đơn độc, Cô Dâu đi một mình trên hành trình báo thù của riêng mình. Bản sáo này của Zamfir có đầy đủ sức gợi cảm xúc của một bản nhạc phim do Morricone biên soạn. Khi dùng nó trong một cảnh phim đặc trưng văn hóa Samurai, nó là một điểm gặp gỡ tuyệt vời giữa Đông và Tây.


    TƯ LIỆU THAM KHẢO:

    Burt, George. Art of Film Music. Boston: Northeastern University Press, 1994.

    Garcia, Roger. “Alive and Kicking: The Kung Fu Film is a Legend,” Bright Lights Film Journal 13 (1994)

    Smith, Jeff. The Sounds of Commerce. New York: Columbia University Press, 1998.

    Weisser, Thomas. Spaghetti Westerns –the Good, the Bad and the Violent: A Comprensive, Illustrated Filmography of 558 Eurowesterns and Their Personnel, 1961- 1977. Jefferson, North Carolina: McFarland & Company, Inc, 1992
    via blog trinhnhattuan​