Cảm nhận The curious case of Benjamin Button - Cả một đời ngược gió

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi vivu, 8/4/19.

Lượt xem: 4,826

  1. vivu

    vivu Moderator

    [​IMG]
    Sẽ thế nào nếu ta bắt đầu cuộc đời như một người già, sau đó dần trẻ trung trở lại ?
    Ý tưởng thú vị này chính là trọng tâm của bộ phim “The curious case of Benjamin Button”, đạo diễn bởi David Fincher. Xoay quanh cuộc đời “đi ngược” của nhân vật chính Benjamin, bộ phim không chỉ là một bài học sâu sắc về cuộc đời mà còn là câu chuyện tình yêu thật đẹp và kì diệu.

    Gói gọn trong 2 tiếng 46 phút phim là những gì quan trọng nhất cho cả đời người : hoài bão, tình yêu, ý chí sống và cả việc đối diện với cái chết. Theo chân Benjamin nhờ cuốn hồi ký của anh, người xem được trải nghiệm cả một cuộc đời trọn vẹn với nhiều cung bậc cảm xúc qua những thước phim đẹp trầm lắng và đầy phong vị xưa cũ.

    Một điều thú vị là tuy được kể như một cuốn tự truyện, tình tiết phim lại được dẫn dắt phần nhiều theo lối khách quan, tập trung vào từng cuộc gặp gỡ, từng sự tương tác của Benjamin với mọi người. Mỗi trường đoạn, tuy là một phần cuộc đời Benjamin, nhưng cũng khắc họa nên một nhân vật đã định nghĩa nên chính con người anh.

    Giống như câu nói nổi tiếng của F. Scott Fitzgerald, cha đẻ của truyện ngắn cùng tên đã truyền cảm hứng cho bộ phim :

    “Cuộc đời ta được định nghĩa bởi những cơ hội, kể cả những cơ hội ta đánh mất”

    Một cách nhìn về câu chuyện cuộc đời của Benjamin Button

    Ngay từ khi chào đời, Benjamin đã vuột mất cơ hội được sống hạnh phúc cùng gia đình. Mẹ chết vì sinh khó, và cha cậu, quá sợ hãi khi có một đứa con khác biệt, đã đem đứa trẻ bỏ lại trước bậc thềm một trại dưỡng lão. Nhưng chính vì thế, Benjamin mới có cơ hội được bắt đầu sống và viết nên cuộc đời kì lạ của chính mình.

    Benjamin trải qua những năm tháng tuổi thơ như một ông già, và ở tại một nơi không thể nào phù hợp hơn, đó là một trại dưỡng lão. Ngoại hình luôn lụ khụ yếu ớt và mệt mỏi, nhưng bên trong vẫn là linh hồn của một đứa trẻ, tò mò và ưa khám phá. Có lẽ việc già nua lại tốt cho những năm tháng thơ ấu của cậu hơn, vì toàn bộ sự chú tâm của Benjamin đã không thể đặt vào rong chơi vô ích như trẻ con khác, mà tập trung quanh trải nghiệm cuộc đời phong phú của rất nhiều người già cả. Đồng thời, do được tiếp cận rất sớm với cái chết, dường như với cậu việc chấp nhận nó là điều tự nhiên. Sự gặp gỡ một người bạn già quan trọng mà thậm chí cậu không nhớ được tên đã mang lại một bài học thật đắt giá: Chúng ta không ngăn được sự ra đi của những người ta yêu quí, nhưng luôn có thể trân trọng họ khi thời gian bên nhau vẫn còn.

    Trong suốt những năm tháng êm đềm tuổi thơ, người ảnh hưởng lớn nhất tới Benjamin chính là Queenie. Queenie là một cô gái Mỹ gốc Phi hoạt bát và ngoan đạo, đức tin sâu sắc vào sự lương thiện của cô đã cứu rỗi cả cuộc đời của Benjamin. Vì không thể có con, Queenie không ngần ngại bảo vệ và nhận nuôi một đứa trẻ kì quái, ngay cả khi đứa trẻ đáng thương có thể không còn sống được bao lâu. Queenie bao dung và quí trọng sự sống, cũng không ngừng tin tưởng vào tương lai. Một con người nồng nhiệt đã mang tới cho Benjamin tinh thần lạc quan để tiếp tục sống. Dù có khác biệt như thế nào, dù có khó khăn đến đâu, ta vẫn thấy được Benjamin không hề lùi bước, cũng chưa từng nghĩ tới việc kết thúc cuộc đời mình. Câu nói gây ảnh hưởng nhất tới Benjamin của Queenie chính là:

    “Chẳng ai biết điều gì sẽ đến”

    [​IMG]
    Lớn dần lên, với một tâm hồn nhiệt huyết và thích khám phá, Benjamin không hề quản ngại thể chất già nua mà sẵn sàng trải nghiệm cuộc sống. Người dẫn lối cho tuổi trẻ của anh lần này là thuyền trưởng Mike.

    Tay thuyền trưởng xuồng xã, lè nhè và nát rượu hóa ra lại là người tốt bụng, quả quyết và sống có chí hướng. Mặc cho lời đồn “gã chẳng bao giờ trả tiền cho người làm công”, thuyền trưởng Mike đối xử thân tình và sẵn sàng giúp đỡ Benjamin. Thuyền trưởng là người giúp Benjamin “vào đời”, cho anh cơ hội đi và trải nghiệm, và đánh dấu ngưỡng cửa tuổi thanh niên của anh.

    Trong phim, một đoạn hội thoại giữa thuyền trưởng và Benjamin khá thú vị. Gã thuyền trưởng vỗ ngực và nói rằng mình đã chống lại số phận trở thành thuyền trưởng từ đời cha truyền lại. Hơn nữa đã theo đuổi thành công đam mê xăm mình. Trong khi Benjamin lại chỉ ra “nhưng anh vẫn là một thuyền trưởng đấy thôi”. Điều này không hề làm thuyền trưởng Mike cảm thấy thất bại, trái lại còn tự hào sâu sắc. Bằng chứng là gã tuy vẫn là thuyền trưởng nhưng cũng có thể xăm được những hình xăm chân chính. Trái với cách mơ mộng ngông cuồng của tuổi trẻ, thuyền trưởng Mike dạy cho Benjamin “nhìn nhận giấc mơ một cách hiện thực”. Khi thay đổi góc nhìn về những hoài bão tuổi trẻ, ta sẽ cảm thấy nó không còn là điều gì quá đỗi xa vời nữa, sống với ước mơ không phải là thứ cầu kì bóng bẩy mà thực tế và rất giản đơn.

    Thuyền trưởng Mike còn được nhớ đến với hình ảnh con chim ruồi. Với gã, chim ruồi là loài chim có tốc độ đập cánh nhanh nhất thế giới, một trái tim điên cuồng và nếu ngừng chuyển động thì nó sẽ chết. Giống như cuộc đời của chính gã, mạnh mẽ, nhiệt huyết sôi trào và không ngừng tận hưởng từng giây cuộc sống. Gã chết đi trong trận chiến duy nhất cũng anh dũng nhất và để lại những lời cuối cùng là sự đúc kết cho cả một đời : “Mày có thể điên cuồng như một con chó điên với cách mọi thứ diễn ra. Mày có thể thề thốt, nguyền rủa số phận, nhưng khi nó đi tới điểm cuối, mày cũng phải buông tay”. Như vậy sau khi có được bài học nắm lấy yêu thương, Benjamin lại có thêm trải nghiệm về sự buông bỏ.

    [​IMG]

    Với ngoại hình của một thủy thủ trung niên phong sương và trông có vẻ từng trải, Benjamin gặp bà Abbott. Tất nhiên người phụ nữ đã có chồng này không biết về cuộc đời kì lạ của anh, nhưng thứ họ bị thu hút ở người kia có lẽ là một sự cô độc bí ẩn. Từ khi sinh ra, Benjamin đã luôn cảm thấy mình là một người đơn độc. Đơn độc đương đầu với những khác biệt của bản thân, đơn độc trải qua một cuộc đời chưa từng có tiền lệ. Còn bà Abbott lại cô độc trong cuộc hôn nhân với một điệp viên, bị chính tuổi trẻ của mình bỏ rơi. Bà hối hận vì đã ngừng cố gắng, đã bỏ lại giấc mơ tuổi trẻ. Giờ đây lại cảm thấy bản thân đang chờ đợi một điều gì đó xảy ra. Tình yêu với bà Abbott có lẽ là do hoàn cảnh đưa đẩy, cùng sự thấu hiểu và sẻ chia, tìm đến với nhau để khỏa lấp những nỗi không thể giãi bày. Benjamin nhìn vào bà Abbott với một sự tiếc nuối, người này chính là tấm gương nhạt nhòa phản chiếu kết quả của sự sợ hãi thay đổi.
    [​IMG]


    “Người ta thường tiếc nuối việc mình không làm hơn là những gì mình đã làm”

    Sau những năm tháng bôn ba, Benjamin trở về đối diện với điều có ý nghĩa và quan trọng nhất của đời mình, đó chính là tình yêu với Daisy Fuller. Có thể nói Daisy chính là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc đời của Benjamin ngay từ giây phút đầu tiên cô xuất hiện. Những đoạn phim có sự tương tác giữa Daisy và Benjamin đem lại một sức sống khác lạ và tươi mới cho những khung hình nhuốm màu đơn độc và trầm lắng của bộ phim.

    Từ lần đầu gặp gỡ khi Daisy 5 tuổi và Benjamin chẳng khác nào một ông khọm già, điều gì đã kéo họ đến gần với nhau ? Cứ như thể trong cả một ngôi nhà dưỡng lão toàn những người lớn, chỉ có duy nhất Daisy nhận thấy Benjamin vẫn là một đứa trẻ. Trẻ con luôn có bản tính đơn thuần và trong sáng. Trong khi người lớn phán xét bằng đôi mắt, trẻ em lại cảm nhận bằng trái tim. Trường đoạn nói chuyện dưới gầm bàn của Benjamin và Daisy không khác nào những câu chuyện đầy hiếu kì mà bọn trẻ thường kể với nhau nơi căn cứ bí mật của riêng chúng. Sự tồn tại của Daisy lúc ấy như ánh sáng soi tỏ con người thật sự của Benjamin, đến nỗi có thể chính cậu còn cảm thấy ngỡ ngàng.


    [​IMG]

    Nhưng điều ngày ngay lập tức bị dập tắt bởi định kiến của người bà, là đại diện cho cái nhìn của cả xã hội về “sự khác thường” của Benjamin. Đoạn đối thoại ngắn ngủi giữa Queenie và Benjamin thật sự khiến người xem đau lòng.

    “Con là một đứa bé khác thường, với diện mạo của một người lớn. Và con yêu, mọi người sẽ không biết con khác biệt như thế nào”

    “Con khác như thế nào hả mẹ?”


    Sự “lão hóa ngược” của Benjamin mang tính ẩn dụ cho sự khác biệt so với số đông. Như một đứa trẻ sinh ra khác người, khiếm khuyết hay có những tư tưởng giới tính khác biệt bị coi thường khi là chính bản thân con người nó, đau lòng hơn, nó thậm chí còn không hiểu được lý do vì sao. Hậu quả của việc này ảnh hưởng đến cả cuộc đời đứa trẻ ấy về sau, khi Benjamin dần thu mình và sống đơn độc, coi sự bất thường của mình chính là gánh nặng cho mọi người.


    Sự mặc cảm có lẽ chính là nguyên nhân anh từ chối đến với Daisy ở lần hai người gặp lại sau đó, khi cô đã trở thành một người phụ nữ. Anh hẳn đã cho rằng mình không xứng đáng, và cũng không thể cho cô một hạnh phúc bình thường. Nhưng khi người cha thật sự của anh mất, sau khi giúp ông hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của mình, anh đã tự đến tìm cô. Daisy với Benjamin còn hơn cả tình yêu, cô như sự cứu rỗi cho cuộc đời anh, người duy nhất hiểu thấu và đồng cảm với nỗi cô đơn đằng đẵng. Tuy trải qua nhiều mâu thuẫn và khó khăn, nhưng tới cuối cùng, hai người họ vẫn đến với nhau như một lẽ tự nhiên. Hai con người xuất phát từ hai đầu cuộc đời, cứ mải miết tìm nhau rồi cuối cùng cũng gặp được nhau ở khoảng trung niên. Benjamin sống những ngày tháng hạnh phúc và đẹp nhất của cuộc đời mình trong tình yêu bất tận với Daisy.


    Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Benjamin một lần nữa phải đối diện với điểm thay đổi của cuộc đời khi anh trở thành một người cha. Lúc này việc càng nhiều tuổi càng trẻ ra với nhiều người là một điều tuyệt vời, thì với anh đang dần trở thành nỗi lo lắng. Lựa chọn ra đi một mình, có thể là ích kỉ, nhưng cũng là dễ hiểu với một người luôn sợ hãi trở thành gánh nặng như Benjamin. Bỏ lại hai mẹ con, không chỉ là mất mát cho đứa trẻ, mà còn là nỗi day dứt không nguôi của người cha. Những tấm bưu thiếp đều đặn gửi vào ngày sinh nhật của con thể hiện sự đau đáu dằn vặt chưa bao giờ vơi đi khi một người cha không thể nhìn thấy con mình trưởng thành.

    “Cho một điều đáng giá: không bao giờ là quá muộn để trở thành người mà con muốn. Bố mong con sống một cuộc đời mà con thấy tự hào, và nếu con không thấy vậy, bố hy vọng con có sức mạnh để bắt đầu lại một lần nữa”

    Benjamin ra đi đúng như một thanh niên lên đường khám phá, đi bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì để sống.

    “Tôi để lại tất cả và chỉ ra đi với bộ quần áo trên người”

    Chỉ có khác là tâm hồn anh đã già nua và héo úa. Những thước phim anh tới Ấn Độ, tới Nepal, tới những nơi không người không hề cho ta cảm giác háo hức của tuổi trẻ, mà lại nhuốm một màu cô độc và bi thương.


    [​IMG]

    Điều an ủi cuối cùng, có lẽ là những năm tháng cuối đời, Benjamin đã được ở cạnh người mình yêu thương. Trở lại với Daisy, sống trong viện dưỡng lão thân thuộc, nhưng giờ mọi thứ đã đảo ngược. Benjamin đã là một đứa trẻ mang tâm hồn già nua quên dần về chính cuộc đời mình.

    Ở đây bộ phim đưa lại một cái nhìn khá thú vị, khi về cơ bản thì cách nhận thức của người già và trẻ em không có sự khác nhau nhiều lắm. Ở hai đầu của cuộc đời, người ta chưa thể biết hay đã quên mất nhiều thứ, nên thường hành xử gàn dở và khó hiểu như nhau. Trong trường hợp của Benjamin, “đứa trẻ” này cứ bé dần đi, mất dần những liên kết với thế giới, và nhắm mắt thanh thản trên tay Daisy.

    “Và vào mùa xuân năm 2003, anh ấy nhìn tôi. và tôi biết rằng anh biết tôi là ai. Sau đó anh ấy nhắm mắt lại, như thể chìm vào giấc ngủ”

    [​IMG]

    III. Kết lại

    Dài như một cuộc đời, “The curious case of Benjamin Button”, với lối kể chuyện đầy hình ảnh và đậm tính nghệ thuật, để lại nhiều dư âm khiến người xem đi từ cảm thông tới suy ngẫm về những điều ý nghĩa trong cuộc sống. Hơn tất cả, bộ phim đề cao bản sắc cá nhân và sống thành thật với chính mình; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của cả sự sống và cái chết với cuộc đời mỗi con người.

    “Một vài người sinh ra để ngồi bên sông. Vài người khác bị sét đánh. Vài người có tài năng âm nhạc. Vài người là nghệ sĩ. Vài người bơi. Vài người làm khuy áo. Vài người biết Shakespeare. Vài người là người mẹ. Và một vài người - họ nhảy”


    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/4/19