Cảm nhận Groundhog Day - Nếu cuộc đời này có nút "Reset"

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi vivu, 27/4/19.

Lượt xem: 2,715

  1. vivu

    vivu Moderator

    Trong một ngày buồn chán, nếu thấy bản thân đang lãng phí thời gian một cách vô ích, hãy cùng dành một vài tiếng để thưởng thức “Groundhog Day”. Tuy đã ra mắt gần 30 năm, bộ phim vẫn vô cùng được yêu thích nhờ sự hài hước thông minh và tiếng cười nhiều ý nghĩa của nó. “Groundhog Day” chắc chắn sẽ làm một ngày của bất cứ ai trở nên thú vị hơn.

    [​IMG]

    Groundhog Day (Ngày chuột chũi) là câu chuyện kể về biên tập viên thời tiết - Phil Connors trong một lần tới thị trấn Punxsutawney đưa tin về lễ hội ngày Chuột chũi, một hoạt động thường niên dùng chuột chũi để dự đoán mùa đông. Anh đã rơi vào vòng lặp thời gian khi cứ tiếp tục sống đi sống lại ngày Chuột chũi mùng 2 tháng 2. Cứ vào 6 giờ sáng khi mở mắt thức dậy anh sẽ bắt đầu ngày Chuột chũi lại từ đầu. Điều kì lạ này mở ra những trải nghiệm độc nhất và vô cùng hài hước cho Phil trong suốt gần 2 tiếng phim, cũng như trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và hiểu ra nhiều bài học ý nghĩa.

    [​IMG]
    Thời khắc "ma quái" báo hiệu bắt đầu một ngày của Phil

    Trước và sau “Groundhog Day” có không ít bộ phim nói về việc bị mắc kẹt trong dòng thời gian, nhưng bộ phim này vẫn tạo được những dấu ấn riêng. Không quá nghiêm túc hay không quá tăm tối, cũng không hài nhảm quá đà, ở “Groundhog Day” tuy yếu tố hài hước đóng vai trò chủ đạo nhưng bộ phim vẫn đạt được sự cân bằng với những lớp ý nghĩa sâu hơn của nội dung. Thậm chí nhiều phân cảnh còn mang lại cho người xem cảm giác rất đáng suy ngẫm. Điều đó có được là nhờ một kịch bản hài hước, châm biếm với nhiều tình huống thú vị nhưng vẫn giàu ý nghĩa nhân văn. Dù xây dựng xung quanh ý tưởng vòng lặp thời gian, nhưng “Groundhog Day” lại có cách triển khai khá khác biệt, biến một ngày lặp đi lặp lại trở thành một cuộc hành trình thật sự để thay đổi nhận thức và hoàn thiện bản thân của nhân vật chính.

    Thêm vào đó, diễn xuất của Bill Murray (trong vai Phil Connors) đã tạo nên một nhân vật tuyệt vời. Phil Connors của Murray vừa hài hước ngấm ngầm với những biểu cảm rất duyên, lại vừa tinh tế thể hiện những biến hóa tâm trạng thay đổi liên tục mà vẫn tự nhiên và giàu sức truyền cảm. Xem “Groundhog Day”, chúng ta không chỉ được thưởng thức một bộ phim hài xuất sắc, mà còn mỉm cười nhận ra những thông điệp nhẹ nhàng mà đáng trân trọng về giá trị của thời gian.

    Nói về nhân vật chính Phil Connors, anh ta là một biên tập viên thời tiết khá bình thường. Khó tính, chán ghét công việc, không thân thiện với người khác và sống có phần cá nhân. Khi nhận ra mình đang mắc kẹt trong ngày Chuột chũi, và cứ tới 6 giờ sáng mọi chuyện sẽ “reset” lại từ đầu, lẽ tự nhiên Phil đầu tiên là cảm thấy hoảng sợ và hoang mang. Nhưng rồi việc cứ phải sống đi sống lại ngày Chuột chũi vớ vẩn mà anh căm ghét đã khiến Phil cho rằng cuộc sống đã thực sự bế tắc. Cách nhìn đời bằng thái độ bi quan, cứng nhắc và coi bản thân là trung tâm sẽ dẫn đến chỉ nhìn thấy mặt không tốt của mọi sự việc. Trong phim, câu chuyện về một nửa chiếc cốc cũng là một bài học rất nổi tiếng về lạc quan và bi quan. Người bi quan luôn lo lắng “chiếc cốc đã hết một nửa” thì người lạc quan lại vui sướng “chiếc cốc vẫn còn một nửa cơ mà”.

    Nhưng rồi Phil cũng nhận ra việc “được làm lại” mà không phải chịu hậu quả gì thật sự tuyệt vời. Không có điều gì ràng buộc, không luật pháp, không công lý, không có quan hệ nhân - quả nào phải chịu trách nhiệm, anh ta dần trở nên liều lĩnh, và thoải mái tận hưởng tất cả mọi thứ mình có thể nghĩ ra. Phil đã dùng quỹ thời gian vô hạn của mình để thỏa mãn bản thân, để sửa chữa mọi sai lầm và làm lại nó cho đúng vào ngày hôm sau. Đặc quyền được làm lại thật sự là một thứ đáng ao ước với tất cả mọi người, cứ sai là được phép bỏ đi làm lại từ đầu. Giống như chơi đi chơi lại một game cả chục lần đến nỗi nhớ hết tất cả các chi tiết của nó, Phil càng ngày càng khiến cho ngày Chuột chũi của mình trở nên hoàn hảo. Tuy vậy dù cố gắng đến mức nào Phil cũng bị Rita - nhà sản xuất chương trình mà anh đã để ý từ lâu - từ chối bằng cái bạt tai hết lần này đến lần khác. Lẽ dĩ nhiên, vui vẻ lặp lại được thì nỗi hổ thẹn vì bị từ chối cũng lặp lại được.

    Hoàn cảnh éo le mà hài hước của Phil mang lại một suy nghĩ khác nữa về hạnh phúc. Rằng hạnh phúc không đến từ những sắp đặt hoàn hảo, và tình yêu luôn cần thời gian để bồi đắp, không thể nào chỉ đến trong một sớm một chiều.

    Sau quá nhiều những lặp lại của thời gian, cộng thêm với việc "vẫn còn nhớ hết tất cả mọi chuyện" dần khiến Phil cảm thấy mệt mỏi về cuộc sống không có điểm dừng. Việc luẩn quẩn mãi trong một vòng lặp anh đã nắm rõ như lòng bàn tay khiến anh ta cảm thấy bế tắc, anh hy vọng tự tử sẽ chấm dứt được nó. Anh ta thử chết hàng chục lần để rồi phát hiện lại thức dậy như thường lệ vào 6 giờ sáng ngày hôm sau. Không bị thời gian ràng buộc, giờ còn không bị cái chết đe dọa, đúng như Phil nói anh đã trở thành “một vị thần”.

    [​IMG]
    Những nỗ lực tự tử của Phil

    Nhưng cái cảm giác chết hết lần này đến lần khác mà không thành công cũng thật khủng khiếp. Phil luôn muốn tìm kiếm sự đồng cảm và giúp đỡ, nhưng đáng buồn là chẳng ai có thể hiểu được, và dù có kể thế nào họ cũng sẽ quên hết khi anh thức dậy vào hôm sau. Việc này gây ra một cảm giác đơn độc và một cuộc sống cực kì vô nghĩa. Đánh mất khái niệm “ngày mai”, sống bất tử trong “hiện tại” mà lại chẳng thể thay đổi được gì, chúng ta sẽ chẳng còn sức lực nào để cố gắng.

    Mệt mỏi với số phận bản thân, Phil có lẽ cũng đã một lần nữa nghĩ tới câu chuyện cái cốc một nửa. Anh ta dần tiến tới thái độ thỏa hiệp, bình thản đón nhận sự kì lạ của thời gian và biến nó thành lợi thế. Anh có mọi thời gian trên đời để trau dồi bản thân mình. Không chỉ nghĩ tới việc làm cho mình tốt lên, Phil còn bắt đầu có suy nghĩ muốn thế giới tốt đẹp hơn bằng cách giúp đỡ mọi người. Khi mọi thứ chỉ tồn tại trong một ngày (và biến mất vào ngày hôm sau), việc trải qua nó một cách vui vẻ bao giờ cũng tốt hơn là cáu bẳn và bực dọc.

    Nhìn vào Phil trong những ngày rực rỡ này, không chỉ thấy một con người chăm chỉ, nỗ lực và yêu thích nghệ thuật mà còn tốt bụng và không ngại giúp đỡ mọi người. Chỉ khi bớt đi suy nghĩ vị kỉ và hướng mắt nhìn tới thế giới xung quanh, mới thấy được một ngày tưởng như vô vị nhưng với hàng tỉ người trên thế giới, nó lại chảy trôi không ngừng nghỉ.

    Hơn thế, câu chuyện về ngày "Groundhog Day" của ông lão vô gia cư cũng gợi lên lòng trắc ẩn cho người xem. Trong thời gian đầu, ông lão chỉ là một kẻ xa lạ đứng đường, nhưng khi dừng lại và giúp đỡ ông, Phil đã thấy được cả một cuộc đời cũng như một cái chết. Cái chết không thể thay đổi được, nhưng phải chứng kiến một người chết đi hết lần này đến lần khác cũng là một dạng dằn vặt. Thử hỏi nếu không sống chậm lại và quan tâm tới người khác hơn, liệu ta có nhận ra những điều ý nghĩa ấy hay không.

    [​IMG]
    Phil chăm sóc ông lão vô gia cư
    Ở đây, bằng lối diễn biến hài hước và trào phúng, cũng như cách tiếp cận nhẹ nhàng, ý tưởng cốt lõi về giá trị của thời gian trong “Groundhog Day” dần đi vào lòng người xem như những lời thủ thỉ của Phil. Không đau đớn dằn vặt, hay buồn khổ não nề, Phil tới cuối cùng đã bình thản chấp nhận : nếu không có ngày mai, tại sao không sống hạnh phúc cho hôm nay?

    Một câu hỏi tu từ thật đơn giản mà phải mất rất nhiều thời gian, cũng như trải qua rất nhiều chuyện Phil mới rút ra được. một bài học tưởng chừng quá đỗi đơn giản nhưng đã đánh thức điều gì đó trong mỗi người. Tại sao chúng ta không dành từng phút mỗi ngày để “hạnh phúc” hay “tạo ra hạnh phúc” thay vì vô vị lãng phí thời gian ? Dù không thể vẽ ra một tương lai rực rỡ hay nỗ lực vì một chí hướng nào đó, sao ta không đơn giản là tận hưởng từng ngày một cách trọn vẹn ? Dành thời gian rầu rĩ hay buồn chán quả là lãng phí nhất trên đời, khi mà ta chẳng có được cơ hội làm lại hàng ngàn lần như Phil.

    Nhưng nói gì thì nói, chỉ sống trong từng ngày vẫn là chưa đủ với cuộc đời mỗi con người. Vì chúng ta không ngừng lớn lên, không ngừng trưởng thành và không ngừng già đi, một thứ gọi là “ngày mai” luôn hiện hữu ở phía trước. Những gì ta làm hôm nay chính là những viên gạch lát đường đi tới “tương lai” của chính mình. Bằng chứng là nhìn vào Phil khi anh trở lại dòng thời gian bình thường mà xem, sau khi vứt bỏ cái cáu bẳn khó tính và vị kỉ, anh hướng tới một tương lai hạnh phúc và chắc chắn là thành công hơn vì tất cả những gì mình đã học được trong từng ngày trôi qua.

    Cuối cùng, nếu như không chỉ dành thời gian xem phim, mà còn kiên nhẫn đọc tới dòng này thì chắc chắn bạn đã không hề lãng phí một giây quí báu nào cả. Hy vọng "Groundhog Day" sẽ truyền cảm hứng cho bạn đứng lên và làm điều gì đó để bản thân cảm thấy hạnh phúc ngay trong ngày hôm nay, và cả những ngày về sau nữa.