Cảm nhận The Wizard of Oz - Phù Thủy Xứ Oz

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi Minh Tu Le, 17/5/19.

Lượt xem: 14,385

  1. Minh Tu Le

    Minh Tu Le Moderator


    [​IMG]

    Đứng thứ 6 trong danh sách của Viện Phim Mỹ là The Wizard of Oz (Tạm dịch: Phù thủy xứ Oz). Cùng với Gone With The Wind, The Wizard of Oz sản xuất năm 1939 là một trong hai bộ phim màn ảnh rộng có màu đầu tiên trong lịch sử và đã giành nhiều giải thưởng danh giá của Viện hàn lâm một năm sau đó, bao gồm giải Oscar cho Phim xuất sắc nhất của năm 1939.


    Đồng xưởng sản xuất và những người chỉ đạo nội dung với Gone With The Wind, bộ phim mang phong vị trẻ thơ The Wizard of Oz đã đầu tư vận dụng nhiều kỹ thuật tối tân nhất thời bấy giờ để chuyển thể tác phẩm The Wonderful Wizard of Oz xuất bản năm 1900 lên màn ảnh một cách chân thành nhất. The Wizard of Oz là một trong những bộ phim nổi tiếng nhất mọi thời đại; theo Thư Viện Quốc Hội Mỹ thì Wizard of Oz là bộ phim được xem nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ và cũng là một trong số ít những phim trẻ em thuộc hạng top những phim được đánh giá cao nhất. Câu chuyện giản dị bay bổng về cô bé mồ côi Dorothy sống trên một trang trại nghèo nàn ở Kansas cùng người bạn đồng hành là chú chó Toto đến thế giới phép màu sau khi bị một cơn lốc cuốn phăng đi đã trở thành một biểu tượng khó quên của lịch sử văn hóa đại chúng, đặc biệt là thế hệ lớn lên sau thời kỳ Đại Khủng Hoảng (The Great Depression) những năm 1930. Cốt truyện gần gũi mà tạo được nhiều cảm xúc dâng trào cho các khán giả đương thời sau thời điểm có lẽ là đen tối nhất về phương diện kinh tế của lịch sử nước Mỹ.


    Về mảng kỹ thuật, phim đã tận dụng vô cùng hiệu quả kỹ thuật Technicolor để giới thiệu màu sắc cho khán giả thời ấy, khi phân chia rõ ràng thế giới thực tại - trắng đen và xứ Oz - sắc màu. Khi Dorothy bước vào xứ Oz thì khán giả trong rạp vào năm 1939 như được bước vào trong thế giới thần tiên của chú bù nhìn rơm, người thiếc sắt, chú sư tử nhát cáy, hay đặc biệt nhất là nhân vật mụ phù thủy xứ phương Tây dữ tợn do diễn viên Margaret Hamilton thủ vai đã được khắc sâu trong trí nhớ của nhiều thế hệ trẻ em và trở thành hình mẫu của nhiều nhân vật phản diện Disney về sau. Khoảnh khắc Dorothy bước vào xứ Oz, điện ảnh đã thay đổi mãi mãi.



    [​IMG]



    Nhà quay phim Harold Rosson không ngần ngại trong việc sử dụng những hiệu ứng đi trước thời đại (đặc biệt là màu sắc và focus) để khiến cho những phân cảnh thực tế có chiều sâu hơn và những phân cảnh mộng mị ảo diệu kỳ thú hơn. Những cảnh quay bối cảnh tại nông trại ở Kansas được phủ một lớp màu vàng nhạt để cho thấy không khí hẩm hiu của vùng đồng quê nghèo của nước Mỹ.


    The Wizard of Oz cũng là một bộ phim nhạc kịch, sử dụng âm nhạc để dẫn dắt người xem vào cốt truyện gần gũi với trẻ thơ cùng các nhân vật đáng nhớ. Mỗi phân cảnh đều tạo được sự hào khởi vui nhộn cho các khán giả nhí trong những cảnh quay màu sắc ảo diệu được dàn dựng một cách công phu và phong phú đa dạng về dàn diễn viên.


    Như đã nói ở trên, tầm ảnh hưởng của The Wizard of Oz, lên điện ảnh và tâm trí của người yêu điệu ảnh lớn lao và vĩ đại. Nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, kịch hay âm nhạc đều một phần tri ân bộ phim The Wizard of Oz cũng như lấy cảm hứng ý tưởng để sáng tạo với những đường nét huyền ảo mộng mị mà Wizard of Oz đã đặt nền móng vững chắc. Hình ảnh con đường gạch vàng dẫn đến xứ sở Oz đã in sâu vào tâm trí của nhiều đứa trẻ, cũng như được tri ân và kính trọng; tiêu biểu như album Goodbye Yellow Brick Road của danh ca nhạc rock lừng danh Elton John, hay gần đây là bộ phim kinh dị YellowBrickRoad năm 2010.



    The Wizard of Oz vừa được lòng giới chuyên môn vì có tầm ảnh hưởng sâu về nghệ thuật, vừa chứa đựng những bài học ý nghĩa gần gũi với trẻ em. Với người lớn, đó là sự chiêm nghiệm và được kết nối với đứa trẻ sâu thẳm bên trong mà không quá nhiều nỗi suy tư triết lý có thể chạm đến được như cách mà giọng hát trong trẻo của diễn viên chính thủ vai Dorothy - Judy Garland chạm đến tâm hồn của người xem.


    Giai điệu bài hát “Somewhere Over The Rainbow” được cất tiếng ca bởi cô bé đáng yêu Judy Garland khi ấy mới 15 tuổi, trở thành một trong những cảnh đắt giá nhất bộ phim để cho thấy sự ngây thơ trong sáng của một đứa trẻ và những khát vọng được sống trong thế giới mộng ảo tươi đẹp như lời bài hát.

    Ta có thể thấy mối liên hệ tương đồng giữa hành trình mà cô bé Dorothy trải qua với nhân vật Alice trong câu truyện Alice in Wonderland (Alice ở xứ sở thần tiên). Cả hai đều là những cô gái tuổi thiếu niên trong tâm thế áp lực từ phía gia đình/xã hội, cả hai đều muốn được giải thoát và khám phá những miền đất mới lạ trong những xứ sở màu sắc kỳ thú. Đến cả quần áo đang mặc của hai cô bé cũng có nét giống nhau, như là lời tri ân từ sự ảnh hưởng của văn học Anh Quốc đối với những sáng tạo tư tưởng của nước Mỹ.



    [​IMG]


    Ở trong những giấc mộng nhỏ bé (mà vĩ đại cao cả) của Dorothy ngập tràn niềm hy vọng và khát vọng sống; cô bé muốn được đến những mảnh đất “phía bên kia cầu vồng” nơi không còn chiến tranh hay hận thù, nơi những đứa trẻ được mãi làm những đứa trẻ thay vì phải theo một nguyên tắc hay quy củ mà người lớn đặt ra. Thế giới của Dorothy được thể hiện qua xứ sở Oz mà cô bé tưởng tượng ra trong một giấc ngủ trưa thật nhiệm màu và đẹp đẽ; thế giới ấy tồn tại trong tâm trí của cô bé, trong “vùng đất linh hồn” của những đứa trẻ không bao giờ lớn.

    Không có nơi nào bằng nhà (“There’s no place like home”) là những lời nói thốt lên của Dorothy trước khi cô gõ đôi guốc đỏ keng keng ba lần và thế giới mộng ảo lại trở về đời thật. Bộ phim kết thúc như những bộ phim trẻ thơ khác: để lại nhiều bài học trong một sự vô tư lự và nhẹ nhàng trong lòng người xem.



    [​IMG]


    Câu chuyện đằng sau cánh gà của bộ phim dành cho gia đình, ngược lại, chứa đựng đầy ắp những giọt nước mắt bi thương. Diễn viên thủ vai Dorothy là Judy Garland đã phải trải qua nhiều chấn động về tâm lý lẫn thể chất để có thể duy trì bộ phim. Trên phim trường, Garland bị bạo hành thường xuyên bởi các nhà sản xuất và đối xử một cách tệ bạc. Garland đã phải ăn uống điều độ hết sức có thể để kiểm soát cân nặng của mình. Thậm chí có giai đoạn Garland đã phải hút đến 80 điếu thuốc một ngày (!) hay dùng amphetamine và thuốc ngủ từ khi còn bé để thử vai. Có tin đồn, Judy Garland còn bị lạm dụng tình dục trên phim trường bởi chính các diễn viên đóng những vai phụ của bộ phim.

    Nổi tiếng và giàu có từ khi sớm, Judy Garland đã phải đối mặt với nhiều áp lực từ phía dư luân công chúng, cũng như bị các nhà sản xuất phim Hollywood lợi dụng, bạo hành và đối xử một cách rẻ mạt. Đằng sau ánh hào quang của một cô bé mới lớn là sự đau thương tột cùng cùng sự tủi nhục đi theo thứ ảo vọng mà tiền bạc từ những show diễn và các phim của bà mang lại.

    bà đã miêu tả cái chết của người cha bà là điều tồi tệ nhất từng xảy ra trong cuộc đời. Điều ấy đã dẫn đến việc Garland sử dụng các chất kích thích một cách triền miên và bà đã cố tự tử nhiều lần không thành vì có quá nhiều thảm kịch xảy ra. Giấc mơ của nhân vật mà Judy Garland thủ vai, Dorothy ấp ủ đã vĩnh viễn không trở thành sự thật khi Judy Garland năm 1969 đã qua đời do sử dụng thuốc quá liều ở độ tuổi 47.



    [​IMG]


    Đến nay, chuyện đời của Judy Garland vẫn luôn được xem là một trong những bi kịch ảm đạm và đau buồn nhất lịch sử điện ảnh Hollywood. Tột cùng là nỗi phẫn nộ và khóc than cho một kiếp người không thể nào vun đắp được những gì mà Judy Garland trải qua trong suốt cuộc đời đầy rẫy là bi thương và khổ đau tại xứ sở điện ảnh. Hãy an nghỉ, Judy Garland, con người quá đẹp đẽ so với thế gian này. Linh hồn của bà sẽ sống mãi trong lòng những người yêu điện ảnh và từng thế hệ trôi qua thưởng thức một trong những tác phẩm vĩ đại nhất lịch sử - Phù Thủy Xứ Oz.



    [​IMG]



    Minh Tu Le - 24hinh.vn