Cảm nhận Eat Drink Man Woman (1994) - Tinh túy ẩm thực Trung Hoa

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi vivu, 22/6/19.

Lượt xem: 4,274

  1. vivu

    vivu Moderator


    [​IMG]

    Là một trong những tác phẩm đầu tay của đạo diễn tên tuổi Lý An, “Eat Drink Man Woman” hay “Ẩm thực nam nữ” đã sớm thể hiện tài năng bậc thầy của ông trong việc tạo ra những câu chuyện độc nhất vô nhị. Đây chính là bộ phim không thể bỏ qua của các tín đồ ẩm thực, đặc biệt với những ai yêu thích ẩm thực Trung Hoa. Dung dị, gần gũi nhưng vô cùng tinh tế và mãn nhãn, “Ẩm thực nam nữ” chẳng khác nào một bàn mỹ thực ngon miệng đủ hương đủ sắc làm no nê mọi thực khách ghé qua.

    Giới thiệu nội dung:

    “Ẩm thực nam nữ” kể về ông Chu (Lang Hùng thủ vai), một đầu bếp già nổi tiếng Đài Bắc, hiện đã nghỉ hưu để chăm sóc cho 3 cô con gái. Ba cô đều đã đến tuổi trưởng thành và ai cũng đối diện với nhiều vấn đề : cô chị cả (có vẻ) ế chồng, cô hai quá ham mê công việc và cô em út vẫn còn đang đi học.

    Ông Chu là một đầu bếp già trầm tính đã dần mất đi khẩu vị, nhưng vẫn luôn muốn tự nấu ăn và chăm sóc các con. Ông thường nấu những bữa cơm rất thịnh soạn vào mỗi tối chủ nhật cho cả nhà. Cuộc sống thường ngày cứ thế diễn ra, lần lượt những khúc mắc dần lộ diện cũng như xuất hiện những sự thay đổi bất ngờ. “Ẩm thực nam nữ” là một câu chuyện rất đỗi đời thường với đầy gút thắt, cộng thêm cách mở nút thông minh dễ khiến người ta sửng sốt mà hào hứng.

    Linh hồn ẩm thực Trung Hoa

    Sự tinh tế và đặc sắc của ẩm thực truyền thống Trung Hoa là điều không còn phải bàn cãi. Trong “Ẩm thực nam nữ”, nhiều khía cạnh khác nhau của nền ẩm thực ấy được thể hiện một cách hài hòa và tự nhiên. Đi từ phong cách chế biến, tới các món ăn và nhấn mạnh vào tính kết nối sâu sắc của ẩm thực và cuộc sống. Nói không ngoa khi khẳng định “Ẩm thực nam nữ” có những thước phim về nghệ thuật nấu ăn vô cùng ấn tượng và đạt đến độ mẫu mực trong cách diễn đạt điện ảnh.

    Điều đầu tiên và ấn tượng nhất chính là những phân đoạn nấu ăn. Ngay từ đầu phim, những cảnh chế biến bữa ăn của ông Chu đã tạo ra một sức hấp dẫn kì lạ. Ít khi thấy được những thước phim có thể mang tới cảm giác thỏa mãn đến thế. Cách lựa chọn góc máy cùng cách chuyển cảnh theo sát từng cử động của người đầu bếp. Thức ăn được đặt vào trung tâm khung hình, như chủ thể chính, diễn viên chính của toàn bộ cảnh quay. Nhịp độ thay đổi nhanh chậm đều đặn nhuần nhuyễn theo từng thao tác đưa dao. Kết hợp với sự hòa hợp tuyệt vời của cả âm thanh làm bếp và âm nhạc truyền thống Trung Hoa. Một phân đoạn nấu ăn cuốn hút đến độ có thể hình dung ra được cả sức nóng và mùi vị của đồ ăn đang được chế biến.

    [​IMG]


    [​IMG]
    Không chỉ có thế, những kĩ nghệ làm bếp đặc trưng Trung Hoa cũng được khéo léo đưa vào và nhấn mạnh trong nhiều cảnh quay. Từ nghệ thuật dùng dao “xắt đậu phụ” cho tới những phương pháp chế biến “chiên, xào, rán, hấp” đều trở thành những điểm nhấn quan trọng của các cảnh làm bếp. Có thể nói, xem cách người đầu bếp “thi triển” kĩ thuật trong “Ẩm thực nam nữ” dễ khiến người ta liên tưởng đến những bộ phim tài liệu chuyên về ẩm thực, với sự nâng tầm kĩ năng nấu nướng lên thành một nghệ thuật.

    [​IMG]
    Một phần cũng vô cùng quan trọng làm nên linh hồn ẩm thực Trung Hoa chính là các món ăn. Giống như triết lý chung của nền văn hóa, ẩm thực cũng tuân theo nguyên lý cân bằng và bổ khuyết, như âm và dương. Một món ăn ngon cũng phải cân bằng giữa các hương vị, giữa chất lượng và hình thức, và thường tôn trọng tối đa hương vị ban đầu của nguyên liệu. Triết lý này không chỉ được thể hiện gián tiếp qua các món ăn, nó được định hình bằng lời thoại trong “Ẩm thực nam nữ”.

    “Một con vịt, hai món ăn. Nóng và lạnh. Một sự cân bằng hoàn hảo. Đấy là triết lý cổ truyền. Thức ăn cân bằng giữa năng lượng, hương vị và tự nhiên”

    Ngoài ra tính đa dạng và đặc sắc cũng là một yếu tố ẩm thực được mang lên bàn tiệc của phim. Thịt đông pha, vịt quay, gà hầm hay món bánh tiêu truyền thống của Đài Loan, đều được ưu ái làm nổi bật hơn hẳn. Bộ phim cứ không ngừng làm người xem mãn nhãn và thèm thuồng vì những bàn ăn tuyệt vời vô cùng ngon mắt.

    [​IMG]

    [​IMG]
    Ẩm thực và cuộc sống

    Dù có thế nào, cũng không thể tách rời ẩm thực với cuộc sống. Điều này càng đúng hơn trong “Ẩm thực nam nữ”, khi các sự kiện gia đình hầu hết đều gắn liền với mâm cơm. Cái cách mà bộ phim lựa chọn bàn ăn làm bối cảnh cho các bước chuyển quan trọng của nội dung vừa thú vị lại có phần hài hước.

    Những bữa cơm của gia đình ông Chu ở đầu phim đều cực kì thịnh soạn, nhưng người ăn lại chẳng có ai vui vẻ thưởng thức. Mỗi bữa ăn đến đều được hoàn thành như nghĩa vụ, các cô con gái đều có phần chán nản, ngay cả ông Chu cũng không thật sự trân trọng những món mình đã kì công nấu ra. Những lúc như thế, ông nấu chỉ để nấu, như một đầu bếp chuyên nghiệp chứ không thật sự giống như một người cha nấu ăn cho các con gái mình.

    Về sau, theo tiến trình thay đổi tình cảm và tình yêu của các cô con gái, hài hước là các cô luôn lựa chọn thông báo vào giữa bữa ăn. Và rồi vội vã (bỏ nhà) rời đi khi còn chưa xong bữa. Cô em út bỏ đi (theo trai) vì tuyên bố có bầu. Cô chị cả tuyên bố lấy chồng và dọn đi (theo giai) ngay khi chỉ vừa động đũa. Điều này tuy có vẻ khá gây cười, nhưng nó thể hiện rõ một điều rằng trong gia đình ông Chu, bữa ăn chính là thời điểm duy nhất các thành viên có sự kết nối và giao tiếp thật sự với nhau. Thế nên họ chỉ có thể “thông báo” những sự việc quan trọng ngay trong bữa ăn mà thôi. Ẩm thực ở đây trở thành sợi dây liên kết, có thể mong manh cũng có thể bền chặt, kết nối các thành viên của gia đình trong văn hóa Á Đông.

    Đỉnh điểm chính là lần cuối khi ông Chu có thông báo “gây sốc” tới mọi người trong gia đình. Cái chủ đích “thông báo” sau bữa ăn chính là nhằm có được một bữa ăn yên ả và ngon miệng. Nhưng rồi khi những sự thật được nói ra, một mâm cơm tưởng như đã rất vui vẻ, nay cũng không bình yên mà kết thúc được.

    [​IMG]

    “Cuộc đời cuối cùng cũng không giống như nấu ăn. Tôi không thể đợi đến khi mọi nguyên liệu được chuẩn bị đầy đủ và đặt đó trước khi bắt đầu nấu nướng. Dù thế nào, sau miếng đầu tiên, điều duy nhất còn ý nghĩa chính là hương vị.”

    Điều duy nhất còn ý nghĩa chính là hương vị. Điều này giống như khi thành thật đối diện với một sự việc, không cái vỏ nào có thể che đậy được hương và vị của chính sự thật. Đó chính là thứ quan trọng cuối cùng, là cốt lõi của cuộc đời. Một triết lý sống vừa đơn giản lại vừa thâm thúy, nhiều khi chỉ nhận ra khi đã có thật nhiều kinh nghiệm.

    Không chỉ là yếu tố gắn kết cho câu chuyện đời thường trong “Ẩm thực nam nữ”, việc nấu ăn và thưởng thức bữa ăn được sử dụng như một ngôn ngữ đặc biệt nhằm bộc lộ cái tôi giấu kín của các nhân vật. Ông Chu có kĩ thuật nấu nướng tuyệt đỉnh, nhưng lại mất hương vị, ông không còn cảm thấy ngon với chính những món mình nấu ra. Ông không còn cảm thấy cuộc đời mình có hương hay có vị, cứ sống và nấu nướng như một thói quen mà không còn thấy được niềm vui. Cô chị hai Chu Gia Thiến được đào tạo và yêu thích nấu ăn từ nhỏ, nhưng sau những cấm đoán của bố đã từ bỏ trở thành một đầu bếp. Cô chỉ nấu ăn khi nào thấy vui, những món ăn của cô mang đậm màu sắc của hoài niệm và tiếc nuối của tuổi thơ. Cô em út Chu Gia Ninh tuy có bố là đầu bếp truyền thống lại lựa chọn làm thêm trong một tiệm ăn nhanh, cũng như ưa thích những quán xá dọc đường. Điều này thể hiện lối sống hiện đại chuộng sự nhanh chóng và sự hòa trộn văn hóa ẩm thực từ nhiều nơi tới một quốc gia. Người bạn thân của cô chị cả Chu Gia Trân là Lương Cẩm Vinh lại không hề giỏi nấu nướng nhưng vẫn cố gắng làm bữa trưa cho con mang tới trường. Một sự cố gắng vun vén vì con gái cũng như nỗ lực chăm sóc gia đình nhỏ bé của mình.

    Kết thúc bộ phim, phân cảnh khép màn cho cả một khoảng đời nhiều sóng gió của gia đình ông Chu cũng là bên mâm cơm, nhưng lần này nhiều vai trò đã đổi khác. Cô chị hai Chu Gia Thiến là người nấu ăn, có thể nói là cô đã rất vui vẻ và thoải mái. Cô chị cả và em út không trở về, khi họ đã tìm được bến đậu cho đời mình. Còn ông Chu, lần đầu tiên sau nhiều năm lại có thể nếm được hương vị. Vị mà ông cảm nhận được lại chính là vị gừng, đại diện cho cái cay nồng ấm nóng của tình cảm. Hương vị và thức ăn, như một nhân vật phụ âm thầm tham gia vào từng cảnh phim, làm nổi bật thêm sự gắn kết ẩm thực và cuộc sống, ẩm thực và gia đình.

    [​IMG]
    Kết lại

    Đạo diễn Lý An đã thể hiện một cái nhìn về ẩm thực Trung Hoa tuy rằng không mới nhưng được diễn đạt theo một cách rất riêng, rất cuốn hút. “Ẩm thực nam nữ” không chỉ là một bộ phim về ẩm thực vô cùng đáng xem, mà còn là một cách tiếp cận thú vị về mối quan hệ sâu sắc giữa ẩm thực và cuộc sống. Cuộc sống định hình các ta ăn uống, cũng như cách ta ăn uống thể hiện được con người.