2001: A Space Odyssey - Sử Thi Thời Tương Lai

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi Minh Tu Le, 4/10/19.

Lượt xem: 15,840

  1. Minh Tu Le

    Minh Tu Le Moderator


    [​IMG]

    Trong suốt qua hơn sáu mươi năm lịch sử điện ảnh, điều đã được minh chứng rõ ràng nhất hết lần này đến lần khác là hiếm có một nhân vật nào có thể so bì được với bậc thầy auteur Stanley Kubrick.

    Với cách tiếp cận điện ảnh độc đáo, trí tuệ, hàm chứa nhiều ý nghĩa ẩn dụ nhiều tầng về mặt mỹ học, triết học hay cả chính trị, ta có thể ví Kubrick như một Leonardo da Vinci của thời hiện đại, là một tượng đài mà bất cứ ai đam mê điện ảnh cũng phải dành lấy một sự kính trọng nhất định đối với ông. Kubrick, đối với giới nghệ thuật, là một hiện thân của sự vĩ đại và trù phú trong từng đường nét chấm phá, với những món sơn hào hải vị đòi hỏi người thưởng thức phải có một trình độ và tư tưởng, cách suy nghĩ nhất định đối với từng món ăn được bày ra thịnh soạn.


    [​IMG]

    Kubrick là một đạo diễn người Mỹ nhưng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phong cách làm phim của các vị đạo diễn Châu u; từ phong trào Làn Sóng Mới Pháp cuối những năm 1950, Andrei Tarkovsky, cho đến cả những phim của Ingmar Bergman. Điều đó được phản ánh rõ nhất qua những tác phẩm như hài đen Dr Strangelove, Ben-Hur, Barry Lyndon, và nổi bật nhất, có tầm ảnh hưởng nhất trong số đó chính là 2001: A Space Odyssey.


    [​IMG]

    Luôn đứng đầu trong danh sách những bộ phim khoa học viễn tưởng có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử, 2001 là kết tinh của sự sáng tạo vô biên của loài người, của nền khoa học kỹ thuật, khoa học vũ trụ phát triển như vũ bão vào bối cảnh bộ phim ra đời: Những năm 1960.

    Được viết song song với cuốn sách cùng tên của Arthur C Clarke, 2001 hoạt động dựa trên nhiều tầng lớp có sự gắn kết mật thiết và chặt chẽ với nhau. Đó là những góc máy quay như xuất phát từ tiềm thức của người xem, là những kỹ xảo practical đi trước thời đại nửa thập kỷ, sự pha trộn giữa cái nghệ thuật và sự tính toán tỉ mỉ của một nhà toán học. Đó là những phép ẩn dụ, hoán dụ, nghịch đảo cho quá trình tiến hóa của nhân loại, vũ trụ, chủ nghĩa nhân sinh. Đó là tương lai, là những suy đoán về số mệnh của con người với sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo. Là tư tưởng của Nietzsche, là dấu vân tay của Picasso, là một cái gật đầu đồng tình trong sự đột phá nghệ thuật làm phim của Orson Welles, kết tinh của mọi tư tưởng triết học, tâm linh, tình huống tiến thoái lưỡng nan trong những vấn đề cấp bách của nhân loại thế kỷ XXI.


    [​IMG]

    2001 là một trải nghiệm, không khác biệt với những trải nghiệm tâm linh, khai mở tâm trí của khán giả và mở ra những cánh cửa của góc nhìn.

    Quả thật, khó có thể dùng từ ngữ để lột tả trọn vẹn hết điều làm nên cái hay của Kubrick, của 2001. Suốt nhiều thập kỷ qua, bộ phim đã được phân tích đến từng chân tơ kẽ tóc, với nhiều những giả thuyết xoay quanh nội dung: điên rồ có, siêu hình có, “giả thuyết âm mưu” cũng không nằm ngoài những dự đoán của các fan bộ phim.

    2001: A Space Odyssey lấy bối cảnh năm 2001 (33 năm sau khi bộ phim được sản xuất) về một nhóm các phi hành gia lên đường tìm kiếm và nghiên cứu một vật thể tảng đá monolith (tảng nguyên khối). Khối monolith là một vật thể kỳ bí, công dụng không ai biết rõ nhưng điều mà các nhà khoa học có thể nhận thấy rằng nó là một sản phẩm trí tuệ ngoài hành tinh. Nhìn ở một khía cạnh vượt khỏi nội dung bộ phim, nó đại diện cho sự thúc đẩy, bước tiến vượt bậc trong quá trình tiến hóa của loài người; với hình dáng như được mài dũa thật tỉ mỉ bởi những công nghệ cấp tiến, khối monolith là một trong những tâm điểm chính đáng để bàn luận trong 2001, bên cạnh cỗ máy trí tuệ nhân tạo HAL 9000.


    [​IMG]

    HAL 9000 là hiện thân của sức mạnh khoa học kỹ thuật, của những cái gì mà nhân loại chưa biết. Một sản phẩm nhân tạo song có đủ trí tuệ và sự biểu đạt cảm xúc đến mức thượng thừa, đủ để thậm chí còn trên cơ cả con người trong bộ môn cờ vua (Đến giữa những năm 1990, cỗ máy Deep Blue đã biến điều này thành sự thật khi đánh bại đại kiện tướng Garry Kasparov để chứng minh sức ảnh hưởng của máy tính trong cả những lĩnh vực cần sự khéo léo về tư duy). HAL 9000 trong tâm trí của Kubrick như thuộc một “chủng loài” với nhận thức tiến hóa hơn, hoàn hảo hơn con người về mọi mặt, đồng thời cũng là đại diện trở ngại lớn nhất của loài người: vấn đề hiện sinh.

    Tôi sẽ dừng review phần nội dung của bộ phim ở đây, và tiếp đến là nêu ra những quan điểm tôi đúc kết được sau khi đọc vô số những bài phân tích về tác phẩm này. Phần còn lại, hãy tự bạn trải nghiệm bộ phim và tự rút ra những ý kiến của bản thân. Ngay cả như vậy, việc thấu hiểu hoàn toàn 2001 gần như là điều không thể: Bộ phim được sản xuất dàn dựng quá chặt chẽ, mà bất cứ giả thuyết nào cũng sẽ gần như tự tin rằng nó là chính xác.

    Về mặt lý học, không có lý do gì để những con người yếu đuối về cả thể xác lẫn trí tuệ phải tồn tại. Những kẻ ngu dốt đi lạc trong màn đêm vũ trụ, luôn tò mò khát khao vươn tới những vì sao sau khi đã phá nát hành tinh quê nhà của chính họ. Những kẻ đi ngược lại chu trình tiến hóa, muốn chơi trò chơi của Thượng Đế dù rằng trí thông minh so với một cỗ máy như HAL 9000 không khác gì những con vượn. Khoa học càng phát triển ta càng hiểu ít đi về bản thân và chỗ đứng trong lịch sử hơn. Ta nghĩ quá nhiều mà ta lại cảm quá ít. Ta có cái nhìn một chiều về tất cả mọi thứ, ngay cả ở những điều ngoài tầm với.

    2001, với tôi, là cái nhìn của Kubrick đối với quá trình lịch sử khoa học và tâm linh nhân loại: quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa. Mỗi lần khối monolith xuất hiện, nhân loại lại có một bước tiến về mặt khoa học. Lần đầu tiên những con vượn nhìn thấy khối monolith, chúng đã biết thế nào là xung đột: chúng phân chia ra lãnh thổ; chúng đã đặt ra những ranh giới, hiểu về định nghĩa cái tôi, hiểu thế nào là sinh tồn và đấu tranh vì lẽ sống của bản thân.


    [​IMG]

    Hàng triệu năm sau, những chú vượn ấy đã tiến hóa thành loài người, và loài người lại tìm thấy khối monolith ở một hành tinh xa xôi. Lần thứ ba, khi mà khối monolith đứng trước một David Bowman già cỗi, con người đã “tiến hóa” (tái sinh) trở thành một đứa trẻ một lần nữa: một thực thể Starchild.

    Dưới góc nhìn của tôi, 2001 còn hoạt động trên một tầng lớp tâm linh: Quá trình tiến hóa về linh hồn. 2001 không khác gì hành trình của một kiếp sống trong vòng lặp samsara. Ta sinh ra, ta học hỏi về thế giới xung quanh, và rồi đến cuối đời ta vô tư, vô nghĩ, hồn nhiên như một đứa trẻ: Đi thật xa để trở về điểm xuất phát.

    2001: A Space Odyssey cũng là một bộ phim đẹp đến ngỡ ngàng. Mỗi cảnh quay tồn tại độc lập mà vẫn gắn kết với nhau, tạo thành một “slideshow” những bức tranh sơn dầu đẹp đẽ nhất từng được đưa lên màn ảnh, ngay cạnh Stalker của Tarkovsky, hay The Tree of Life của Malick. Lần đầu tiên ta xem 2001, mọi suy diễn của ta dường như trở nên vô nghĩa khi ta đi lạc trong thế giới hớp hồn của bộ phim. Kỹ xảo của bộ phim đi trước thời đại gần nửa thế kỷ và ngay cả khi chúng ta nhìn lại bây giờ, những nhà quay phim vẫn có thể học hỏi được từ Kubrick.

    2001: A Space Odyssey vừa đặt ra những câu hỏi, vừa trả lời chúng trong lúc đặt ra những câu hỏi khác. Bộ phim đã định nghĩa lại dòng phim khoa học viễn tưởng, ảnh hưởng đến một thế hệ những nhà làm phim (từ George Lucas cho đến Malick) khai phá một cộng đồng fan trung thành qua suốt nhiều thập kỷ mà vẫn giữ trong đó một chất rất Kubrick: ranh mãnh từng đường nét, tinh quái, cảm xúc đi trước lý trí và luôn làm người “xem” ngớ người với mỗi cảnh quay. 2001: A Space Odyssey là một trải nghiệm mà tôi nghĩ bất kỳ ai cũng phải có trong đời. Xem để nghĩ, để cảm nhận vẻ đẹp, cái trí tuệ của thiên tài điên Kubrick và để hiểu rằng chúng ta không thực sự hiểu gì cả.


    [​IMG]

    Minh Tu Le - 24hinh.vn