Bài viết sẽ cung cấp các thông tin về nguồn gốc của thuật ngữ Cinéma Vérité, nguyên tắc của phong cách vérité và một số hướng dẫn để sản xuất một bộ phim tài liệu cinéma vérité của riêng bạn. Trong thế giới phim ảnh, có lẽ không có phong cách phim nào mang nhiều giá trị như phim tài liệu. Nhưng trong nhiều thể loại nhỏ của phim tài liệu hiện nay, Cinéma Vérité (điện ảnh sự thật) là phong cách thể hiện chính xác nhất và thuần túy nhất các giá trị của phim tài liệu. Có nhiều những ý kiến khác nhau về ý nghĩa thực sự của cinéma vérité. Tuy nhiên, phong cách này là độc nhất và khi được thực hiện đúng cách, nó trở thành một trong những hình thức làm phim chân thực nhất. Dưới đây là cách khai thác phong cách cinéma vérité cho các dự án phim tài liệu của bạn. Cinéma Vérité là gì? Nhà làm phim người Pháp Jean Rouch được cho là một trong những người đầu tiên sử dụng thuật ngữ Cinéma Vérité, dịch ra là điện ảnh sự thật. Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ những ngày đầu tiên của công việc sản xuất và quay phim, khi các nguyên tắc làm phim tài liệu lần đầu tiên được xác định. Cinéma vérité còn được gọi là Observational cinema (điện ảnh quan sát) hoặc Direct cinema (điện ảnh trực tiếp). Một số nhà làm phim đầu tiên làm việc theo phong cách này là Robert Drew, Richard Leacock, DA Pennebaker và Jean Rouch đã nói ở trên. Mỗi người đã bắt đầu xác định các quy tắc và phong cách riêng của họ cho việc sản xuất phim tài liệu “thật sự” vào những năm 1960. Observational cinema hoặc Direct cinema Từ quan điểm làm phim hiện đại, điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa các thuật ngữ và các phong cách, xu hướng cá nhân liên quan đến lịch sử điện ảnh. Tuy nhiên, bên ngoài giới hàn lâm, thuật ngữ cinéma vérité thường được dùng chung cho vérité thuần túy, observational cinema và cả direct cinema khi nói về các dự án phim tài liệu. Từ các bộ phim vérité như Primary (1960), Dont Look Back (1967, quay năm 1965), Grey Gardens (1975), cho đến The War Room (1993), phong cách vérité đã phát triển rất nhiều khi nhiều nhà làm phim hợp tác với nhau để cải tiến kỹ xảo của họ và phát triển phương pháp riêng lấy cảm hứng từ vérité. Không có thuyết minh hoặc phụ đề Một trong những quy tắc ban đầu của phong cách Cinéma Vérité – Direct cinema hay Observation cinema - là loại bỏ lời thuyết minh hoặc tiêu đề kiểu thời sự và phụ đề ra khỏi các dự án phim tài liệu. Phong cách vérité phát triển đối lập trực tiếp với phong cách báo cáo chiến tranh và tin tức truyền hình đương thời. Thể loại báo cáo chiến tranh và tin tức truyền hình đều tập trung đưa ra những tin tức nóng hổi, giật gân hơn là cho phép khán giả thực sự nhìn thấy, nghe thấy và trải nghiệm các sự kiện để họ có thể tự đưa ra kết luận. Trong làm phim tài liệu hiện đại, hiếm khi thấy một tác phẩm nào hoàn toàn không có lồng tiếng và phụ đề (trái ngược với phim tài liệu kiểu Michael Moore nổi tiếng hiện nay, khi các đạo diễn xuất hiện trong câu chuyện). Tuy nhiên, phong cách vérité rất hữu ích cho một số dự án khi vérité cho phép người xem kết nối cảm xúc với những cảnh quay và tình huống nhất định. Phương pháp fly-on-the-wall Fly-on-the-wall là thành ngữ có nghĩa là quan sát người khác mà không ảnh hưởng đến họ hoặc họ không hề hay biết. Đây cũng là một phương pháp làm phim mà theo đó, các sự kiện được quan sát thực tế và hạn chế tối đa sự can thiệp của đạo diễn. Trong cinéma vérité, mục tiêu của người làm phim tài liệu sử dụng phương pháp fly-on-the-wall là chủ yếu là quan sát với càng ít quyết định chỉnh sửa càng tốt. Cách tiếp cận này thực sự là một trong những khó khăn nhất đối với các nhà làm phim bởi họ thường xen kẽ giữa các dự án phim tài liệu với và thương mại. Mong muốn được thể hiện trên “sân khấu”, sắp xếp các cuộc phỏng vấn và điều phối mọi thứ trước đó là bản chất của họ. Khi bạn buộc bản thân phải quan sát đơn giản, bạn có thể nhanh chóng khám phá có bao nhiêu ý tưởng và câu chuyện định sẵn mà bạn có thể đã mang theo. Thay vào đó, hãy để câu chuyện tự phát triển. Mục tiêu “điện ảnh thật sự” Điều cốt lõi của phong cách cinéma vérité là định nghĩa đơn giản về điện ảnh trung thực. Nếu bạn làm việc trong ngành phim và video đủ lâu, bạn sẽ phải thực hiện những cảnh quay mà khách hàng hoặc đạo diễn yêu cầu quay phim theo phong cách sự thật này. Những cảnh này thường làm theo phương pháp run-and-gun (phong cách làm phim với rất ít thiết bị sản xuất ngoài một chiếc camera) mà không có nhiều định hướng hay kế hoạch trước. Tuy nhiên, nếu bạn thấy hứng thú với nguồn gốc của việc sản xuất phim tài liệu, hãy đọc thêm về thể lọai này, xem các bộ phim kinh điển và thử thách bản thân để có thêm kiến thức, bạn có thể khám phá rất nhiều về nghệ thuật làm phim tài liệu.