Từ khi điện ảnh ra đời, độ dài trung bình của cảnh quay (ASL) trong phim ngày càng ngắn hơn, và khi nói về ASL (nếu bạn chưa biết về thuật ngữ này), nghĩa là chúng tôi đang đề cập đến độ dài của một cảnh quay trước khi chúng được cắt dựng. ASL càng thấp, bộ phim càng có nhiều cảnh quay rời. Để rõ ràng hơn, chúng tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể, Spun (Jonas Åkerlund, 2002) có chỉ số ASL khoảng 1.2, nghĩa là độ dài trung bình của một cảnh quay trước khi được cắt dựng dài khoảng 1.2 giây, trong khi Some Like it Hot (Billy Wilder, 1959) có chỉ số ASL khoảng 12.4. Như một nguyên tắc phổ biến, trước đây số ASL trong các bộ phim luôn dài hơn, và qua nhiều thập kỷ, những người như Barry Salt đã tạo nên những điều khác biệt để theo kịp sự thay đổi của điện ảnh, và tìm cách để có thể thêm nhiều cắt ghép hơn vào các bộ phim, và những cảnh quay ngắn từ đó ngày càng gia tăng. Ngày nay, chúng ta ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với việc dựng phim: chúng ta nhận biết sự vật, hiện tượng, thể hiện ý nghĩa của chúng, rồi nhanh chóng chuyển sang sự vật, hiện tượng khác. Và đây là điều chúng ta được dạy: “làm súc tích vào”, “cắt, cắt, cắt”, vân vân. Nhưng có một điều thú vị cần được quan tâm là những tác động khi giới thiệu đến khán giả một đoạn phim dài, đoạn phim mà khán giả tự hình dung bằng mắt khi họ được tự chọn điểm nhìn của mình. 1. Workers Leaving the Lumiere Factory (Anh em Lumiere, 1985) Hãy cùng bắt đầu từ những phút đầu tiên của bộ phim. Tất cả các bộ phim của Lumiere đều thể hiện những trải nghiệm này bằng cách này hay cách khác, nhưng bắt đầu tại đây là thoải mái nhất, và là một nơi đơn giản để giới thiệu khái niệm này. Lần sử dụng camera đầu tiên của anh em Lumiere không liên quan đến độ dài của đoạn phim hay việc đem lại những trải nghiệm thị giác mới, họ chỉ đơn thuần đang thử thứ đồ chơi mới của mình mà thôi. Thế nhưng, việc thử camera lần đầu này lại tạo ra một cảnh quay không có nhân vật chính, cảnh quay này cho phép khán giả rảo mắt khắp màn hình và chọn nhân vật mình muốn xem trong đám đông. Những khán giả khác nhau sẽ nhìn vào những điểm khác nhau. Đúng là hầu hết mọi người sẽ chú ý đến chú chó xuất hiện trên khung hình, nhưng họ không bị buộc phải làm thế. Họ được xem kĩ cảnh quay trong suốt thời gian nó được chiếu. Bạn có thể xem bộ phim nhiều lần (và tôi rất khuyến khích điều này) và mỗi lần xem bạn sẽ tìm ra một điều mới lạ. Đây là cách dựng phim động cho thị giác, cũng như một vở kịch, việc ít sử dụng kỹ thuật dựng phim và sử dụng cảnh quay dài đồng nghĩa với việc bạn sẽ tự chọn điểm nhìn cho mình. 2. Freaks ( Tod Browning, 1932) Thời đại của anh em Lumiere chưa có khái niệm về dựng phim, nhưng đến những năm 1930, khái niệm này phát triển vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta không chỉ có kỹ thuật dựng phim, mà còn có những thuật ngữ chuyên ngành của những nhà làm phim: toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh, ..vv. Các nhà làm phim ngày nay có rất nhiều công cụ để tạo nên những cảnh phim khác nhau, từ đó thể hiện những hiệu ứng khác nhau. Khi Tod Browning bắt đầu thực hiện bộ phim, ông phải đương đầu với một câu hỏi lớn: làm thế nào đề quay “những kẻ quái dị”? Bộ phim phải trung hòa hai yếu tố: một mặt, không thể phủ nhận phản ứng thông thường của mọi người khi đề cập đến những buổi diễn đường phố khi thực hiện bộ phim về những kẻ quái dị trong gánh xiếc và khiến khán giả phải bất ngờ, mặt khác, Browing chủ ý muốn khán giả hoàn toàn đồng cảm với những nhân vật này. Ông thực hiện điều này chủ yếu bằng cách đưa yếu tố duy cảm của bộ phim (“những kẻ quái dị” và bộ phim cùng tên) trong những cảnh quay rộng trữ tình, không khai thác những nhân vật này, và cho khán giả thời gian (và không gian) để tìm hiểu cảnh quay và để hiểu được những gì họ đang nhìn thấy. Phải công nhận, một nhà phê bình sẽ nói thêm rằng kỹ thuật này cho phép khán giả nhận thấy không có thủ thuật quay phim trong bộ phim và nhờ đó mà những “kẻ quái dị” ấy càng trở nên chân thật, nhưng tình yêu của Browing dành cho những nhân vật này có vẻ chân thành. Càng về sau, khán giả càng được tiếp cận gần hơn với các nhân vật, cho đến khi từng nhân vật trong gánh xiếc được đặc tả trong những cảnh cận, nhưng những cảnh quay rộng vẫn được sử dụng xuyên suốt bộ phim. Và chúng ta luôn được đạo diễn cho cơ hội lựa chọn những nhân vật mình muốn xem, chứ không bị buộc phải nhìn vào một nhân vật nào cả. 3. Citizen Kane (Orson Welles, 1941) Freaks là một bộ phim hư cấu, còn bộ phim ngắn của anh em Lumiere thì không. Nhưng phim của Browning có rất nhiều nhân vật và tự chính bộ phim cũng có rất nhiều không gian để thể hiện nhiều chi tiết khác nhau. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chỉ có một nhân vật trung tâm? Một nhân vật có ảnh hưởng đến tất cả những nhân vật khác trong phim? Chắc chắc chúng ta sẽ để mắt theo dõi nhân vật chính, cho dù cảnh quay có rộng đến đâu? Cũng có thể không phải thế. Có một khoảnh khắc trong Citizen Kane chúng ta có thời gian và không gian cụ thể để hình dung cảnh quay bằng chính đôi mắt chúng ta. Ông Thatcher tìm đến nhà trọ của bà Kane để nhờ bà ký giấy tờ đồng ý đặt con trai bà dưới sự giám sát của Thatcher và ngân hàng của ông. Có 4 nhân vật trong cảnh quay ấy: ông Thatcher, bà Kane, ông Kane, và cậu bé Charles Foster Kane. Charles chỉ xuất hiện lấp ló bên ngoài cửa sổ: cậu bé đang ở bên ngoài, chơi đùa trên chiếc xe trượt tuyết , ném những quả bóng tuyết và ca hát “the union forever!”. Trong khi đó, một cuộc đối thoại đang diễn ra bên trong sẽ hoàn toàn thay đổi tương lai của Charles, và cậu bé không biết gì về điều này. Chúng ta được xem những việc xảy ra cả bên trong và bên ngoài, chúng ta được biết về kế hoạch của bà Kane, và cũng được biết về sự vô tư của Charles khi không biết gì về những việc đang diễn ra. Yếu tố làm nên sự thú vị của cảnh quay này là việc sử dụng trục Z, khoảng cách từ ống kính đến điểm xa nhất trên đường chân trời. Có rất nhiều điều có thể được bàn đến khi sử dụng trục X và Y (lên-xuống, trái-phải) trong việc sắp xếp bố cục, nhưng rất thú vị khi sử dụng trục Z, và chính những trải nghiệm sắp xếp bố cục này (cũng như rất nhiều phương diện khác) đã khiến người ta còn nói đến Citizen cho đến ngày hôm nay. 4. Rope (Alfred Hitchcock, 1948) Tự cảm nhận bộ phim bằng mắt không phải là nhân tố duy nhất mà cảnh quay dài mang lại cho khán giả. Đôi khi máy quay di chuyển cận hoặc viễn, để khán giả biết được họ nên nhìn vào chi tiết nào. Gần cuối phim Rope có cảnh quay khi Jimmy Stewart, lúc này đang vô cùng nghi ngờ về hai người chủ bữa tiệc và cả nơi của vị khách mất tích tại bữa tiệc tối, chuẩn bị ra về và được người quản gia đưa lại chiếc mũ của mình; chỉ có điều đó không phải là mũ của anh, mà là chiếc mũ của người đàn ông mất tích. Chúng ta biết được điều này vì camera đã trượt lại gần chiếc mũ để cho khán giả thấy những từ viết tắt trên nhãn hiệu bên trong chiếc mũ. Sau đó camera lại được kéo ra xa để thể hiện vẻ mặt của Stewart, người đang lo lắng ghép những mảnh sự thật lại với nhau. Những cảnh quay như thế này không cho chúng ta nhiều không gian để tự do rảo mắt quanh màn hình. Ngoài vấn đề này ra, rất nhiều cảnh quay trong Rope thể hiện nhiều nhân vật trong khung hình, cung cấp cho khán giả nhiều không gian để quan sát nhiều chi tiết khác nhau và để họ tự thực hiện công việc quan sát của mình: lời nói của nhân vật, những phản ứng khác nhau, những cái nhìn và những đối đáp cùng tiết lộ tội lỗi và âm mưu. Đúng thế, Rope là một bộ phim áp dụng những cảnh quay dài, nhưng nó cũng cho bạn cơ hội để tự cảm nhận bộ phim bằng cách quan sát kỹ biểu hiện nét mặt của các nhân vật để biết được suy nghĩ bên trong của họ. 5. Screen Tests (Andy Warhol, 1964-66) Đã có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành để theo dõi chuyển động của mắt khi khán giả xem phim hay TV. Dự án DIEM đã thực hiện rất nhiều video về chủ đề này, và một điều chắc chắc rút ra từ dự án nghiên cứu của họ là: chúng ta thường nhìn vào khuôn mặt. Không những thế, chúng ta thường nhìn nhất vào đôi mắt. Thế nhưng đây là những nghiên cứu từ phim ảnh và TV, là những đối tượng khảo sát có những cốt truyện nhất định. Chúng ta thường có xu hướng nhìn vào người đang nói, phải không? Đó chính là điểm then chốt của lời thoại trong mỗi khuôn hình. Và cho dù chúng ta đang tập trung vào nét mặt nhân vật phản ứng như thế nào thay vì nhân vật đang đối thoại, thì chúng ta vẫn luôn tò mò về lời nói của nhân vật ấy để xem họ đang suy nghĩ gì. Dĩ nhiên, có lẽ đây chính là lý do, hoặc có lẽ điều này có liên quan đến tính thị dâm ngầm, hay nói đơn giản là niềm vui thích khi ngắm nhìn người khác. Không có ai đào sâu vấn đề này như Andy Warhol, và bộ phim Screen Tests của ông đã rất thành công vì không sử dụng lời thoại nào cả. Thay vào đó, khán giả được nhìn gương mặt của người khác trong suốt 16mm phim (có độ dài khoảng 00:04:30). Dù bạn luôn có xu hướng bắt đầu nhìn vào đôi mắt của họ, thì chắc chắn bạn cũng sẽ bắt đầu nhìn vào những nơi khác. Bạn ngồi trong phòng tối và không phải lo sợ gì khi bắt đầu nhìn khắp gương mặt họ. Có thể bạn sẽ lưu ý những chi tiết như độ dài móng tay của họ, hay một vật thể họ đang cầm hay đang tương tác. Có thể bạn sẽ tự hỏi chuyện gì đang xảy ra trong suy nghĩ của mình: rất nhiều gương mặt trông rất không thoải mái khi ống kính máy quay luôn hướng về mình. Những bộ phim này luôn bị chê bai là “chán”, nhưng chúng là những bài tập nhìn, là những bộ phim về cách nhìn người khác, và nếu bạn có cùng tư tưởng quan điểm với khái niệm này, bạn sẽ thấy chúng vô cùng đáng xem. 6. Edvard Munch (Peter Watkins, 1974) Vậy sẽ thế nào nếu phim có lời thoại lại tập trung vào trải nghiệm thị giác? Dù loại phim này không có ASL dài quá mức (chúng mang lại cho khán giả cảm giác của loại phim tài liệu với máy quay cầm tay, cách thể hiện rõ ràng, không sử dụng nhiều kỹ thuật dựng)nhưng chúng vẫn mang những hiệu ứng vô cùng lớn. Bộ phim Edvard Munch của Peter Watkin không những kể cho bạn câu chuyện cuộc đời lúc trẻ của một nghệ sĩ Na Uy, mà còn khiến bạn có cái nhìn đối với mọi người theo quan điểm của Munch. Những cảnh quay trong phim luôn rất đông đúc và lộn xộn, đòi hỏi khán giả phải có con mắt tò mò để quan sát qua tất cả những thông tin trên màn hình để tìm được tâm điểm chú ý cho mình. Càng về sau, những khuôn hình càng trở nên đơn giản, nhưng chúng ta đã tìm ra cách để xem bộ phim một cách chủ động. Kết quả là khán giả bắt đầu chú ý đến những điều mà nếu không sử dụng kỹ thuật này họ có thể sẽ không chú ý đến: ánh sáng trên gò má của Munch, đường cong trên cổ của bà Heiberg, một vết máu nhỏ trên miệng của Sophie, khói vương vất trong nhà hát ca múa nhạc. Những yếu tố này không quan trọng với lời thoại, nhưng quan sát là một phần thiết yếu trong cuộc sống của Munch. Bộ phim Edvard Munch không chú trọng nhiều đến việc cung cấp thông tin về những sự kiện xảy đến với người nghệ sĩ này, mà chủ yếu về cách Munch đã quan sát cuộc sống. Bộ phim khiến bạn có một cái nhìn khác đối với mọi người xung quanh, đối với cuộc sống, bằng cách cho phép bạn chọn điểm nhìn cho chính mình. 7. Heart of Glass (Werner Herzog, 1976) Khi làm một bộ phim để làm mê mẩn toàn bộ đoàn làm phim, bạn cần xem xét về những trải nghiệm mà bạn muốn đem lại cho khán giả. Có lẽ ý kiến phù hợp nhất là tạo ra một trạng thái mê mẩn tương tự cho khán giả, và Hezog thực hiện điều này bằng cách sử dụng rất ít hoặc hầu như không sử dụng những chuyển động của camera hay kỹ thuật dựng phim. Câu hỏi đặt ra là: bạn có thể mê mẩn những thứ bạn đang xem nhanh đến mức nào? Câu trả lời sẽ khác nhau với những người khác nhau, và nhịp độ chậm chạp của bộ phim chắc chắn sẽ không phù hợp với tất cả mọi người, nhưng nói một cách khách quan, trạng thái mê mẩn mà bộ phim mang lại sẽ xuất hiện gần như ngay lập tức. Phong cảnh hiện ra như những kỳ quan bị bao phủ trong màn sương, động vật và con người trong khuôn hình di chuyển chậm rãi, hoặc thậm chí đứng yên, và tất cả những điều này đóng vai trò như lời mời gọi khán giả tự khám phá khuôn hình. Dù phần lớn bộ phim là những nhân vật đơn điệu, nhưng bạn sẽ có được tất cả những thông tin bạn cần về nội dung của bộ phim từ những cảnh mở đầu: một người đàn ông ngồi trên cánh đồng mờ sương với đàn bò và chăm chú nhìn về phong cảnh hiện ra trước mắt ông, sau đó chúng ta cũng nhìn về phong cảnh này, ngắm những đám mây bay qua dãy núi bên dưới như dòng suối. Bạn dành thời gian để xem những cảnh quay này, để cẩn thận quan sát những chi tiết trên màn ảnh, hoặc để có những trải nghiệm cảm xúc trước những điều bạn nhìn thấy. Và một khi bạn đã có được sự đồng điệu thì phần còn lại của bộ phim sẽ trở nên vô cùng thú vị. 8. Opening Night (John Cassavetes, 1977) Nếu bạn chưa từng xem tác phẩm nào của Cassavetes và xem phim là sở thích của bạn, thì có lẽ bạn sẽ muốn thay đổi điều đó đấy. Đồng thời, nếu bạn chưa từng xem tác phẩm nào của Cassavetes và bạn muốn xem một vài tác phẩm của ông, thì bạn nên tìm hiểu trước khi xem để tránh việc có suy nghĩ rằng bạn đang xem một phần diễn tập của diễn viên. Điều khiến Cassavetes trở nên quan trọng đối với những nhà làm phim độc lập không nằm ở việc những cảnh quay ông muốn đưa vào ống kính, vì những cảnh quay ông đưa vào ống kính lại là những cảnh quay mà nhiều người khác muốn bỏ qua. Những bộ phim của Cassavetes rất hỗn độn: quá nhiều hình ảnh, quá nhiều âm thanh và quá nhiều thông tin. Và điều gây khó khăn cho một số khán giả là dường như những bộ phim của ông không có nhiều diễn biến. Tất nhiên có rất nhiều diễn biến trong phim, nhưng tất cả đều nằm trong sắc thái của diễn viên. Cuộc sống rất phức tạp, và những bộ phim của Cassavetes phản ánh khó khăn chúng ta gặp phải này khi phải quan sát kỹ để nhận biết ý nghĩa của chúng. Trong các cảnh quay, diễn viên phải thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc: chuyển từ tức giận, đến buồn bã, đến vui cười, rồi u sầu vô cùng nhanh chóng. Nhưng bộ phim này cũng cho bạn thời gian và không gian để quan sát kỹ khuôn mặt, bàn tay, chuyển động, và động lực của diễn viên. Opening Night của Cassavetes độc đáo vì bộ phim là một màn biểu diễn. Bộ phim có nội dung về một phụ nữ tham gia vở kịch cô không muốn tham gia, sống một cuộc sống cô không mong muốn. Những cảnh quay xuất hiện khiến khán giả bối rối không biết họ đang xem màn biểu diễn hay “cuộc đời thực” của cô. Và kỹ thuật quay phim cũng đóng góp rất nhiều trong bộ phim này, chúng tạo cho khán giả nhiều không gian để quan sát và phân tích khuôn hình hơn những bộ phim bình thường của Cassavetes; cách sử dụng kỹ thuật quay này rất thích hợp cho bộ phim vì chủ đề chính ở đây là rạp hát, và rạp hát là môi trường không sử dụng kỹ thuật dựng phim. Khi bộ phim kết thúc, dù quan sát kỹ đến thế nào đi nữa, bạn cũng sẽ không thể biết chính xác được liệu những nhân vật đang diễn theo kịch bản hay đang diễn theo ngẫu hứng với những màn biểu diễn bạn xem và cả những màn biểu diễn họ đóng trong phim. Sự mơ hồ chưa bao giờ thú vị đến thế. 9. Koyaanisqatsi (Godfrey Reggio, 1982) Kết hợp cả những phong cảnh đẹp mê hồn trong Heart of Glass và tính thị dâm trong Screen Tests của Andy Warhol chính là bộ phim thơ của Godfrey Reggio, Koyaanisqatsi. Chúng ta lại được trở lại với sự tự do phóng khoáng của anh em Lumiere: không cốt truyện, không nhân vật, chúng ta được tự do xem bất cứ điểm nào trên khuôn hình vào bất cứ thời điểm nào của bộ phim. Và, một lần nữa, bộ phim này mang lại cho mỗi khán giả một trải nghiệm khác nhau. Những người khác nhau sẽ tìm thấy cho mình những anh hùng khác nhau, đặc biệt là giữa vô số gương mặt cứ thay phiên nhau xuất hiện. Ai cũng có một nhân vật họ yêu thích, hay một ai đó không phải là nhân vật chính mà họ chọn giữa đám đông các nhân vật. Chẳng hạn như, khi nhìn vào cảnh người lính cứu hỏa: những đám đông ở khắp mọi nơi, khung cảnh hỗn loạn, và một người lính cứu hỏa đơn độc có lẽ đang yêu cầu mọi người di chuyển, bạn sẽ nhìn vào đâu? Chúng ta thường nhìn vào những gì đang chuyển động trên khuôn hình, nhưng khi mọi thứ đều đang chuyển động và không có một người nào đặc biệt quan trọng hơn cả, thì chúng ta không thể nói trước được. Thật là một niềm vui khi có thể tạo ra câu chuyện của chính mình từ bộ phim, và khi tìm ra được những khoảnh khắc và những “nhân vật” yêu thích, cũng như khi thả hồn vào vô số những cảnh quan, máy móc và ánh sáng. Koyaanisqatsi đem lại cho bạn một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt mỗi lần xem, nhờ vào việc chúng ta được hoàn toàn tự do lựa chọn điểm nhìn cho mình. 10. Drowning by Numbers (Peter Greenaway, 1988) Bạn hoàn toàn có thể chọn bất kỳ bộ phim nào của Greenaway trong chủ đề này, tất cả các bộ phim của ông đều thể hiện cái nhìn nghệ sĩ của ông, những khuôn hình nhộn nhịp, và bố cục chặt chẽ. Điều khiến Drowning by Numbers đặc biệt phù hợp với khán giả là trò chơi được đưa ra trong bộ phim: khán giả có thể tìm thấy con số từ 1 đến 100 theo thứ tự xuyên suốt bộ phim. Để tìm ra những con số này, đôi khi khán giả phải nhìn, và đôi lúc phải lắng nghe. Greenaway đưa ra trò chơi này là vì ông muốn bạn phải nhìn thấy tất cả những khuôn hình được sắp đặt vô cùng khéo léo của ông. Như bạn cũng có thể đoán ra, bộ phim hầu như không sử dụng kỹ thuật dựng phim và hầu hết thời gian của bộ phim đều sử dụng những cảnh quay dài, với khung cảnh và những đoạn đối thoại vô cùng chi tiết. Chúng chi tiết đến nỗi rất khó để có thể thắng được trò chơi từ 1 đến 100. Nếu bạn chưa từng xem bộ phim nào của Greenaway (và hãy công nhận rằng người ta không còn nhắc đến ông ấy nữa, dù ông hiện vẫn đang làm việc và vẫn tạo ra những tác phẩm thú vị như trước đây), thì có lẽ đây chính là thời điểm thích hợp để bắt đầu đấy. Và nếu bạn không thích bộ phim này, thì lúc nào bạn cũng có thể tham gia trò chơi này. 11.Timecode (Mike Figgis, 2000) Từ bộ phim Chelsea Girls (Andy Warhol, 1966), không có bộ phim nào sử dụng màn ảnh phân chia xuyên suốt cả bộ phim, và Timecode đã đánh cược bằng cách chia màn hình làm 4. Cũng như Chelsea Girls, âm thanh thường chỉ phát ra từ một màn hình vào một thời điểm, và dù bạn thường có xu hướng đưa mắt đến khu vực có âm thanh, thì vẫn không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ luôn làm như thế. Bạn được tự do rảo mắt từ màn hình này sang màn hình khác, để xem một câu chuyện câm trong khi lắng nghe một câu chuyện khác. Bộ phim còn được giới thiệu với dòng chữ “bạn có muốn xem không?” để nhấn mạnh vào sự tự do của khán giả. Timecode bị nhận rất nhiều chỉ trích khi được công chiếu vì được làm theo ý kiến chủ quan ích kỷ của đạo diễn hoặc vì thiếu diễn biến, nhưng những phê phán này đều ngoài lề. Thử nghiệm trong điện ảnh là cách chúng ta có được nền điện ảnh ngày nay; vì thế sự “chủ quan ích kỷ” thật là vô lý. Bạn nên cảm thấy xấu hổ khi thốt ra những lời ấy. Ngược lại, Timecode là bộ phim nên được tôn vinh vì đã trả lời cho câu hỏi “sẽ thế nào nếu chúng ta liên tục trình chiếu 1 lời thoại trên 4 khuôn hình?” Có lẽ đây không phải là bộ phim phù hợp với tất cả mọi người, nhưng sự tồn tại của nó là một điều may mắn cho chúng ta. 12. Russian Ark (Aleksandr Sokurov, 2002) Khi nói về những thước quay liên tục, thì Russian Ark chính là Citizen Kane với những thước quay dài. Bộ phim là phép ẩn dụ dẫn dắt khán giả qua gian phòng lịch sử nước Nga, với những thời đại được trưng bày trong những căn phòng của Viện Bảo tàng Hermitage. Hơn nữa, bộ phim còn thể hiện quan điểm của bạn, và bạn- khán giả- cũng là một nhân vật trong mạch truyện: một nhân vật được nhắc đến và được dẫn dắt trong câu chuyện. Cũng có những thời điểm bạn được hướng dẫn điểm nhìn (cũng như trong Rope), nhưng không hoàn toàn, và bộ phim có rất nhiều cảnh quay rộng để bạn có thể nhìn vào nhiều chi tiết khác nhau trên khuôn hình, bộ phim cũng sử dụng kỹ thuật quay trục Z như tôi đã đề cập bên trên. Chẳng hạn như, khi người hướng dẫn cảnh báo bạn rằng số điệp viên và cảnh sát ngầm ngày càng tăng, bạn sẽ nhận thấy rằng những nhân vật ở gần và xa màn hình đang thầm thì với nhau và nhìn về phía bạn. Sau nửa phần đầu mờ ảo, nửa phần sau nguy nga tráng lệ được thể hiện bằng ống kính trong góc rộng, khiến khán giả hoàn toàn bị cuốn hút và kinh ngạc. Phải, Russian Ark không phải là bộ phim dễ xem, nhưng một ít kiến thức cổ điển kết hợp với vài hiểu biết về lịch sử của quốc gia này sẽ giúp bạn dễ dàng thưởng thức nó hơn. Nhưng với vai trò là một thử nghiệm điện ảnh cho phép khán giả tự do lựa chọn điểm nhìn cho mình thì đây quả là một bộ phim tuyệt vời. 13. Elephant (Gus Van Sant, 2003) Elephant xoay quanh nội dung về những thế giới khác nhau trong một trường học. Chúng ta có thế giới của mọt sách, vận động viên, nghệ sĩ, bọn nghiện hút,… và chúng đều như côn trùng bị nhốt trong hổ phách trong cuộc triển lãm tạm thời là trường học. Không lạ gì khi những người trẻ luôn đặt vẻ ngoài và việc được chú ý lên hàng đầu, và luôn muốn đảm bảo rằng mọi thứ “phải như thế”. Elephant lấy góc quay từ xa và thể hiện cách tất cả các thế giới ấy vận hành trong cùng một không gian, và thường lướt qua nhau nhưng có rất ít hoặc hầu như không có va chạm. Chẳng hạn như cảnh khi một nhiếp ảnh gia chụp hình một học sinh thì một cô gái chạy ngang qua, cô gái này đang trễ ca làm tại thư viện. Chúng ta thấy cảnh này xuất hiện 3 lần, và mỗi lần xem chúng ta lại có một quan điểm khác nhau. Ai là nhân vật chính trong phim? Dĩ nhiên là không có nhân vật chính, cũng như không có một nhân vật chính trong bất cứ trường học nào. Những trải nghiệm của bạn tại trường học đều do quan điểm của bạn mà ra. Nhưng một lần nữa bạn trải nghiệm những năm tháng ấy và đặt bạn vào góc nhìn của một đứa trẻ bạn chưa từng tiếp xúc: chính chúng là người hùng của những năm tháng học sinh của mình, không phải bạn. Và đây chính là thông điệp mạnh mẽ nhất của Elephant. Bộ phim cho phép chúng ta đọc “câu chuyện” được hé lộ theo nhiều cách khác nhau. Những cảnh quay đều bao gồm rất nhiều nhân vật mà chúng ta đã biết rất rõ, và khi mỗi cảnh thể hiện một nhân vật khác nhau, mọi người đều được tự do xuất hiện trên khuôn hình và trở thành nhân vật chính vào bất cứ lúc nào, khiến cho cảnh quay cuối trở nên hỗn độn. 14.Caché (Michael Haneke, 2005) Caché là bộ phim nghiên cứu lạnh lùng về việc quan sát và che giấu trước tầm nhìn rõ ràng. Đề tài phụ của bộ phim xoay quanh những tội ác bị che giấu trong quá khứ (cả những tội ác cá nhân và tội ác của một quốc gia), và những thước quay trong phim của Haneke cho phép bạn nhìn vào cảnh quay một thời gian dài để tìm những chi tiết mà bạn có thể cho rằng là nhân tố quan trọng. Hơn nữa, nhân vật chính được yêu cầu làm điều tương tự, anh và khán giả ngồi trong yên lặng để theo dõi đoạn phim về ngôi nhà của anh. Tất cả những điều này khiến người ta ớn lạnh, và bộ phim khiến người xem phải sợ hãi trong những thước quay dài. Và như thể chừng ấy là chưa đủ, có những cảnh quay bạn được xem nhiều hơn 1 lần, chỉ có điều chúng không giống nhau, mục đích là để thể hiện sự không đáng tin cậy của người kể chuyện: yếu tố quan trọng trong Caché là những gì chúng ta nhìn thấy, và nhiều khi chúng ta thậm chí còn không chắc chắn liệu chúng ta đang xem phim hay đoạn băng được kể lại. Đỉnh điểm của bộ phim có lẽ là cảnh quay cuối, cảnh trường học vào cuối ngày: học sinh tỏa ra khắp mọi hướng và phụ huynh đón con em mình, vân vân. Có một sự kiện xảy ra trong cảnh quay này mà không phải ai cũng có thể nhận thấy (bạn có thể xem một kết thúc tương tự trong phim The Cure [Kiyoshi Kurosawa, 1997]), và không ai biết được chuyện gì xảy ra sau đó, nhờ đó khán giả không chỉ được tự quan sát cảnh quay, mà còn tự phân tích và đưa ra kết luận. 15. Paranormal Activity (Oren Peli, 2007) Chúng ta đã bắt đầu với anh em Lumiere, vì thế hãy có một kết thúc đồng điệu. Với thời đại của những ASL ngày càng được rút ngắn, sẽ rất an ủi khi biết rằng hàng triệu thanh thiếu niên sẵn sàng bỏ điện thoại xuống đủ lâu để xem nội dung và mục đích của một bộ phim kinh dị của Andy Warhol. Không chỉ dài, mà Paranormal Acticity có những cảnh quay không có diễn biến rất dài: những cảnh quay tĩnh thu cảnh mọi người trong nhà đang thực hiện những hoạt động bình thường, và chúng ta luôn dõi mắt để xem yếu tố kinh dị nằm ở đâu. Có lẽ việc máy quay là nhân chứng sống về những hiện tượng này đã khiến bộ phim thu hút được nhiều khán giả đến thế. Có thể điều này đã khiến yếu tố kinh dị tăng cao hơn. Chắc chắn có một so sánh thú vị giữa bộ phim này và bộ phim The Innkeepers (Ti West, 2011), bộ phim The Innkeepers cũng sử dụng những thước phim dài trong những cảnh quay dài, nhưng lại không đem đến những trải nghiệm thành công như Paranormal Activity. Có thể những thước phim ấy giúp phá vỡ giới hạn thứ 4 tốt hơn chúng ta nghĩ chăng? Dù thế nào đi nữa, Paranormal Activity lại là một bộ phim cho phép khán giả tự do rảo mắt trên khuôn hình. Thật ra thì, bạn càng nhìn vào nhiều chi tiết, bạn càng thưởng thức bộ phim trọn vẹn hơn. Bạn đang tham gia vào một trò chơi khi tìm kiếm những điều bất thường: màn cửa chuyển động, ánh sáng lập lòe, vân vân. Có nhiều lúc bạn sẽ tự hỏi liệu có phải bạn đã nhìn thấy một hiện tượng siêu nhiên, hay chỉ là một hiện tượng tự nhiên, và đây chính là yếu tố hiếm có trong phim kinh dị ngày nay. 24hinh.vn dịch theo tasteofcinema