Cảm nhận Cây vĩ cầm đỏ (The red violin 1998)

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi putu, 23/6/15.

Lượt xem: 5,000

  1. putu

    putu Moderator


    [​IMG]
    The red violin công chiếu năm 1998 là một bộ phim thuộc thể loại tâm lý, tình cảm của điện ảnh Canada, dưới bàn tay của đạo diễn François Girard. Câu chuyện về một chuyến hành trình dài qua nhiều thế kỷ và qua nhiều quốc gia của một cây đàn violin được làm bởi nghệ nhân tài ba Nicolò Bussotti. Ban đầu, chiếc đàn cũng chỉ là một cây đàn được làm với kỹ thuật và chất lượng tốt mà Nicolò dành cho cậu con trai của mình. Tuy nhiên, sau cái chết của người vợ Anna Rudolfi Bussotti và đứa con trai chỉ vừa mới chào đời, cây đàn do Nicolò thiết kế bỗng trở nên vô cùng kỳ lạ. Nó trở thành nỗi hiếu kỳ, ý chí muốn chiếm hữu đến khát khao và cuối cùng là nỗi ám ảnh của những ai đã từng được sở hữu nó.
    Bản thân xem phim xong, mình có cảm giác hơi “rợn rợn”. Nó không hoàn toàn là nỗi sợ. Phim chẳng có cảnh gì đáng sợ. Nhưng cái “đáng sợ” của nó là cách dẫn dắt người xem, đan xen giữa quá khứ và hiện tại và sự thay đổi chủ sở hữu của cây đàn violin vượt qua nhiều thời gian và không gian. Người xem sẽ được đằm mình qua nhiều nền văn hóa, từ những năm 1681 khi Nicolò bắt đầu làm ra cây đàn, cho đến Vienna-thủ đô của nước Ý năm 1793. Cuối thế kỷ 19, cây đàn đến với nước Anh, được sở hữu bởi Frederick Pope. Anh ta đã mang thành công đến với cây đàn. Nhưng biến cố xảy ra sau đó khiến cây đàn lại tiếp tục chu du đến Trung Quốc, dừng chân khá lâu tại đây đến tận cuối thể kỷ 20 (khoảng năm 1960) và được gìn giữ bởi Xiang từ khi cô còn bé. Nó vấp phải cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc. Cây đàn đứng trước nguy cơ bị tiêu hủy. Nhưng may mắn thay, nó đã “thoát chết”. Cuối cùng, cách mạng Trung Quốc thành công, cây đàn được gửi đến chính quê hương mà nó đã sinh ra, Montreal-thành phố lớn nhất của Quebec, 1 thành phố đông dân thứ nhì của Canada và phần lớn những người dân ở đây, thì lại nói tiếng Pháp. Tại sao mình lại nói điều này, sẽ lý giải ở ngay phần sau nhé.

    [​IMG]
    Những lá bài định mệnh
    Trước khi nói tiếp về phim, sẽ dành mấy dòng để nói về bài tarrot !!! Tại vì xem phim có hơi thắc mắc. Thực ra có thể là do mình không am hiểu lịch sử phương Tây cho lắm và tại sao lại chọn Trung Quốc mà không phải một quốc gia nào khác. Liên quan đến lịch sử và nguồn gốc của bài tarrot, đến nay người ta vẫn chưa xác định được nó bắt nguồn từ đâu. Có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra, có thể là do người Do thái, hay nền văn minh các nước phương Tây như Anh, Pháp,Ý. Thực ra đúng là không thể khẳng định được điều này, vì sự phát triển của tarrot trải qua một thời gian rất dài. Nhưng có thể khẳng định được tarrot là xuyên văn hóa, xuyên không gian và thời gian. Vì thế, quay trở lại với The red violin, khi Anna Rudolfi Bussotti- vợ của Nicolò đã trò chuyện với Cesca-một bà lão làm công trong nhà để bà nói cho mình về tương lai của đứa con, Cesca đã nói bà không thể nói về đứa con khi Anna và đứa bé còn là một, nhưng bà có thể nói về tương lai của Anna. Cô bắt đầu chọn cho mình từng lá bài tarrot ( thứ tự câu chuyện diễn ra theo sự sắp xếp từ trái sang phải ở hình trên) và mạch phim cũng diễn ra mỗi khi Cesca lật mở từng lá bài và giải thích ý nghĩa của chúng.

    [​IMG]
    Phân tích sâu thêm về từng chủ sở hữu của cây đàn, nếu ai đã từng xem thì chắc cũng hiểu phần nào rồi, còn nếu ai chưa xem, mình sẽ chỉ nói qua một vài cảm nhận của cá nhân mình thôi. Vì thể loại phim thiên về yếu tố tâm lý thì mỗi người lại có một cảm nhận khác. Đầu tiên là cậu bé Kaspar Weiss-chủ sở hữu đầu tiên của vĩ cầm đỏ. Kaspar trông khá mỏng manh và yếu ớt. Cây đàn giống như một người bạn, một người mẹ bảo vệ linh hồn của Kaspar. Đối với Kaspar, chỉ cần chơi đàn là đủ. Tâm hồn cậu bé trong sáng và dễ vỡ. Cậu bị ốm ngay sau khi bắt không được ngủ cùng cây đàn. Rồi chỉ với sự ve vuốt đơn giản biểu thị cho lòng tham của những kẻ quyền thế, Kaspar đã chết. Cái chết biểu thị cho việc buộc phải xa rời cây đàn và cũng giống như sự tai ương, bệnh tật mà Cesca đã nói ở lá bài treo cổ. Tiếp theo là anh chàng tài tử Frederick. Nhân vật này mình dành cảm nhận cho các bạn vì phim đã nói quá rõ rồi, không cần thêm lời nhận xét nào nữa.
    [​IMG]

    Tiếp đến là cảm nhận về Xiang. Xem phim thì thấy hơi bất ngờ về cách suy nghĩ của mấy chiến sĩ cộng sản Trung Quốc thời bấy giờ-đả đảo văn hóa ngoại lai. Nếu nói sự ảnh hưởng của cây đàn với các chủ sở hữu trước có phần hơi tiêu cực và gần như khống chế, thì Xiang dường như không hề lệ thuộc vào nó. Cô trân​
    trọng những giá trị của âm nhạc và quyết tâm bảo vệ cây đàn đến cùng và muốn mọi người cũng được thưởng thức âm thanh của nó. Theo mình thì sự bảo vệ này là chính đáng, dù cho nó vấp phải sự phản đối về văn hóa. Nhờ có những người như Xiang (trong phim còn có thêm một nhân vật nữa cũng quý trọng cây đàn, đó là một thầy giáo dạy nhạc), mà “linh hồn” của cây đàn mới được bảo vệ đến thời điểm hiện tại của bộ phim.​

    [​IMG]

    Nói về nhân vật Charles Morritz do Samuel L. Jackson thủ vai (tên anh này dài quá!). Morritz là một chuyên gia thẩm định về đàn vĩ cầm đến từ New York, đại khái công việc của anh là tìm các bằng chứng chứng minh xuất xứ, giá trị thực của các cây đàn, xem nó là đồ thật hay giả v...v...Anh được mời đến kiểm chứng đàn trong cuộc đấu giá tại Montreal-nơi vĩ cầm đỏ được đưa đến. Khi đã xác định được nguồn gốc đích thực của cây đàn, Morritz đã hỏi đồng nghiệp rằng nếu anh nhìn thấy một vật anh hằng mong ước quá hoàn hảo, ngay trong tầm tay anh, anh sẽ làm gì? Và câu hỏi này đã dẫn đến một kết quả tất yếu của phiên đấu giá. Morritz đã đánh tráo cây đàn, ngay trước mắt rất nhiều người, chỉ trong một tích tắc, trước khi nó được đem bán.
    Phân đoạn gần cuối của phim diễn ra khá hồi hộp. Người ta tò mò xem, anh có thể mang chiếc đàn đi an toàn không? Hình ảnh cuối cùng diễn ra trên một chiếc taxi, Morritz đang trên đường đến sân bay. Anh gọi một cú điện thoại cho vợ và nói rằng “Anh đã mang về cho con một thứ vô cùng đặc biệt​

    [​IMG]

    Thực ra ngay từ đầu, cái chi tiết mà Nicolò Bussotti ngồi quét tỉ mỉ từng lớp vecni lên cây đàn, cộng thêm với màu đỏ của nó thì mình đã đoán đây là máu rồi.Thế nên cái chi tiết mà Morritz nói anh mang về cho con gái một thứ vô cùng đặc biệt mình thấy hơi “ghê ghê”. Mà Morritz sau khi gửi xét nghiệm về mẫu vecni này cũng đã phát hiện ra sự thật rồi. Có nhận xét cho rằng, cây đàn cuối cùng đã được sử dụng với mục đích là tình yêu thương, nhưng theo mình nó thể hiện phần tham lam, tính chiếm giữ cố hữu đối với vật mình yêu thích trong tâm hồn con người nhiều hơn. Và rất có thể, cây đàn sẽ lại bắt đầu một hành trình mới, ở đâu đó, mặc dù hành trình của 5 lá bài tarrot, đã kết thúc.
    Thành công của The red violin không thể không kể đến phần âm nhạc. Âm nhạc trong phim đã đạt nhiều giải thưởng danh giá như giải Oscar về âm nhạc dành cho John Corigliano, hay những âm thanh nghe thê lương, ma mị và ám ảnh của tiếng violin trong phim do phần trình bày của nghệ sĩ Joshua Bell càng làm tăng thêm tính ly kỳ, hấp dẫn. Bình thường, mình hay nghe những bản violin trầm và ấm, nhưng âm thanh trong The red violin nhiều khi kéo theo sự cám dỗ kỳ lạ, buồn đau và chết chóc. Phim không phải là phim kinh dị, nhưng vẫn khiến mình cảm thấy hơi “đáng sợ”​
    Vĩ cầm đỏ là kết tinh của tình yêu thương, gửi gắm tình yêu thương. Hành động của Nicolò Bussotti nếu xét một phần nào đó trên góc độ tâm linh, như là sự gửi gắm và giữ gìn một phần của người đã chết, vào những sự vật hữu hình để linh hồn họ được sống mãi. Đồng thời thông qua đó, đạo diễn cũng muốn phản ánh cảm xúc nội tâm của mỗi con người, đứng trước những tác phẩm đáng quý, có lòng ngưỡng mộ, yếu ớt, mỏng manh, lệ thuộc, chiếm hữu, bảo vệ, trân trọng và giữ gìn.