Đứng thứ tư trong danh sách 100 phim của Viện Phim Mỹ là Gone With The Wind (tạm dịch: Cuốn theo chiều gió). Gone With The Wind là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Margaret Mitchell, thuộc một trong những phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại (cùng với Titanic và Avatar của James Cameron. Khi điều chỉnh lạm phát thì Gone With The Wind vẫn là cao nhất với $3.44 tỷ đô). Gone With The Wind cũng là một trong 2 phim màu đầu tiên, cùng với Wizard of Oz ra đời năm 1939 đồng đạo diễn Victor Flaming, lấy bối cảnh miền Nam nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX trong thời điểm cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra cam go. Có thời lượng gần 4 tiếng, Gone With The Wind là bộ phim có tiếng dài nhất vào thời bấy giờ. Việc đưa một tác phẩm chi tiết về nội tâm như Gone With The Wind lên màn ảnh là một việc tưởng chừng như không thể, song nhà biên kịch Sidney Howard đã tóm gọn xuất sắc cuốn tiểu thuyết dài hơn 455 ngàn từ thành hai phần phim tách biệt (bao gồm 4 phút nghỉ giữa hai phần) và nhận được giải thưởng Hàn Lâm cho kịch bản của phim vào năm 1940. Như bước từ trong truyện cổ tích thần thoại, Scarlett (Vivien Leigh) sở hữu một vẻ đẹp hoàn mỹ toàn diện về mọi mặt. Khỏe khoắn, cứng cáp, kinh định, quyến rũ nhưng trong những giây yếu lòng, nét mặt của Vivien bộc lộ được sự nữ tính và duyên dáng của người phụ nữ. Vivien Leigh hóa thân xuất thần vào Scarlett ‘O Hara, gần như đã thực sự trở thành nhân vật để bộc lộ hình tượng một người phụ nữ mạnh mẽ, chín chắn, không dựa dẫm và không một chút “bánh bèo”. Scarlett đã muốn cái gì phải được cái đó, dù có phải “lay trời chuyển đất”. Cô đã quá quen với việc bị kẻ ghanh người ghét do cái tính cách có phần ngạo nghễ khó đổi. Điều đó Scarlett đã phó mặc và chấp nhận lấy một phần của cuộc sống cho đến khi gặp Rhett Butler. Clark Gable vào thời điểm ra mắt đã là một ngôi sao mà công chúng không mấy làm lạ. Ông đã thủ vai nam chính Peter Warne trong It Happened One Night (Đại thắng 5 giải Oscar năm 1935) và khi Gone With The Wind ra mắt, “thần thái” cùng khí chất phái mạnh của Clark Gable đã đạt đến mức chuẩn mực của màn bạc khi ông vào vai Rhett Butler, con người nghênh ngang không kiêng sợ nói ra sự thật về cuộc chiến đang diễn ra ngoài kia. Hơn hết, chỉ có một người như Rhett Butler mới có thể “thuần hóa” và thấu hiểu tâm can được Scarlett ‘O Hara. Tưởng chừng như là cuộc tình trái khoáy, xuyên suốt bộ phim Rhett và Scarlett trở nên càng ngày càng gắn kết hơn, với tình cảm nồng cháy không thể nào dứt bỏ... Mối tình vĩnh cửu giữa Scarlett ‘O Hara (nữ minh tinh Vivien Leigh thủ vai) và Rhett Butler (Clark Gable) đã mang tính biểu tượng và được đánh giá là vĩ đại bậc nhất lịch sử Hollywood. Tại vùng đất Tara ấy vào Tháng Tư năm 1861, Người con gái Scarlett đem lòng yêu Ashley Wilkes. Tại một bữa tiếc, cô giãi bày hết tần tật với Ashley rằng cô yêu anh đến chừng nào và muốn cưới Ashley. Chuyện tình ngang trái, Ashley cũng lại sắp sửa cưới người em họ của mình đó là Melanie Hamilton. Melanie do Olivia De Havilland thủ vai sẵn sàng đứng lên vì người mình yêu thương, ngăn cản cho Scarlett tiến tới cuộc hôn nhân đáng lẽ là dành cho cô và Ashley. Melanie là một con người chín chắn, hiền hậu với vẻ đẹp chuẩn mực đức hậu đối lập hoàn toàn với cái kiêu kỳ chanh chua của Scarlett. Hệ thống nhân vật trong Gone With The Wind sinh động, hấp dẫn. Mỗi nhân vật đều có cá tính và nội tâm được thể hiện hoàn hảo trọn vẹn nhất có thể bởi dàn diễn viên nhờ sự tâm đầu ý hợp.Đặc biệt hơn cả là nhân vật Mammy do Hattie McDaniel thủ vai nhận được giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Hattie McDaniel là người phụ nữ Mỹ gốc Phi nhận được vinh dự tại giải của Viện Hàn lâm. Sự thật đáng buồn đã xảy ra tại buổi lễ trao giải Oscar, bà đã không có cơ hội được ngồi cùng những người người bạn đồng diễn chỉ vì là người da đen và phải ngồi ở khu vực riêng tách biệt. Điều này đã dấy lên tranh cãi vào năm 1940 và cho đến tận nay vẫn được đưa ra bàn tán vì sự phân biệt đối xử rõ rành rành của giới Hollywood khi ấy. Có một điều ta rút ra được đó là, dầu bị chia cắt bởi chiến tranh hay hòa bình, bởi những thành kiến xã hội, vấn nạn chia rẽ dân tộc, tôn giáo hay màu da, thì tài năng nghệ thuật của một con người là không thể bị phủ nhận. Max Steiner là nhà soạn nhạc chính của bộ phim và ông đã diễn tả trọn vẹn thanh điệu không khí bối cảnh của Gone With The Wind. Phản ánh đúng cái vĩ đại và trù phú của bộ phim đắt nhất thời điểm bấy giờ, nhạc phim của Max Steiner từ những cảnh tráng lệ của thiên nhiên đến những cảnh tình tứ thơ mộng giữa Rhett và Scarlett chứa đựng vừa là sự sâu lắng của tình yêu, vừa là cái huyền bí dữ dội khốc liệt của chiến tranh. Âm nhạc trong từng phân cảnh đều gợi nên những cảm xúc nhất định trong lòng người xem, hoàn toàn đứng vững chãi độc lập ngoài bộ phim chứ không hề bị phụ thuộc vào một tác phẩm vĩ đại như Cuốn theo chiều gió. Gone With The Wind, cùng với The Wizard Of Oz ra mắt cùng năm 1939 là hai bộ phim Hollywood đầu tiên có màu trong lịch sử. Gone With The Wind lấy hình ảnh làm phương tiện cốt lõi để thể hiện cốt truyện. Bằng sự kết hợp của gam màu đỏ chủ đạo nhờ kỹ thuật Technicolor (kỹ thuật tiêu chuẩn cho phim Hollywood giữa thế kỷ XX) cũng như cách sử dụng ánh sáng đặc sắc thể hiện trọn vẹn không khí nước Mỹ trong giai đoạn nội chiến cuối thể kỷ XIX, Gone With The Wind là tác phẩm đột phá về mặt hình ảnh và đã giành giải Oscar cho Quay Phim Xuất Sắc Nhất trao tặng cho nhà quay phim Ernest Haller. Về tầng nghĩa bên dưới, nhân vật Scarlett O’ Hara là ẩn dụ cho sự Tái Thiết Lập của vùng Nam nước Mỹ. Scarlett là một nhân vật nữ song thay vì sống trong định kiến cũ kỹ lại có một trách nhiệm lớn lao, kèm với tinh thần luôn hướng về cái mới tương tự như một Atlanta mới mẻ không bó buộc vào cái hào hoa như mong đợi đã gắn liền trước khi cuộc nội chiến xảy đến. Atlanta đã thay đổi và con người Mỹ bắt buộc phải chấp nhận sự thay đổi ấy. Và Rhett, anh đại diện cho những người dân với những tư tưởng mới, dám đón nhận những cái mới, có thể là chông gai, là thử thách nhưng Rhett vẫn sẽ kiên định trong tư thế ngẩng cao đầu, trong cái ngạo nghễ kiêu hãng đậm tinh thần người Mỹ yêu nước. \ “Frankly my dear, I don’t give a damn” (Tạm dịch: Thật lòng mà nói, em yêu à, anh cũng đếch thèm quan tâm) Câu thoại thật lòng, chân thành nhất của Rhett, thuộc một trong những câu thoại đáng nhớ nhất lịch sử và đã gây sốc cho khán giả hiện thời. Nó gây sốc không chỉ vì là câu chửi thề được vang lên đầu tiên trong lịch sử điện ảnh mà còn có tầm ảnh hưởng đối với tình hình chính trị lúc ấy. Nó là một cú hích thật mạnh vào tiếng căn nhằn văng vẳng bên tai những người đã chịu quá đủ sự cũ kỹ bảo thủ kìm hãm những mong muốn được tự do và mong muốn một cuộc cách mạng. Sức nặng của câu thoại trong bộ phim vẫn có thể được cảm nhận đến tận ngày nay trong thời đại giao tranh quyết liệt giữa phe dân chủ và cộng hòa ở nước Mỹ, trong thời đại tổng thống Donald Trump với những phát ngôn gây sốc trên mạng Twitter khiến một thế hệ “quan tâm quá mức” vào những lời lẽ tiêu cực mà thiếu vắng sự bất cần và tinh thần thái độ lạc quan cần thiết trong thời đại nay. Là một trong những bộ phim sử thi vĩ đại với thời lượng dài nhất trong lịch sử, cuộc chiến ở trong Gone With The Wind chỉ là bước đệm nền để tôn vẻ đẹp mối tình như thơ giữa Rhett và Vivian. Dù ở bất cứ thời đại nào, thì cái không thể thiếu vắng là tình cảm cùng khát khao được sống một cuộc sống tự do tâm hồn và thể xác. Bộ phim là câu chuyện của người nghệ sĩ với khát vọng được yêu trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc của sự da diết về một nước Mỹ đã qua; khán giả dễ cảm thấy một sự hoài niệm với thập niên 30 của thế kỷ XX khi xem Gone With The Wind, tương tự cảm xúc của khán giả những năm 30 với thập niên 60 của thế kỷ XIX vậy. Ta không thể nào thôi nói về tầm ảnh hưởng của Cuốn theo chiều gió lên văn hoá đại chúng. Bộ phim luôn thuộc top những phim vĩ đại nhất mọi thời đại với ý nghĩa lớn lao trong lịch sử và trong điện ảnh. Đã tròn 80 năm kể từ khi Cuốn theo chiều gió ra đời; song tác phẩm đã ghi dấu mình lên lịch sử để trường tồn với thời gian. Mối tình giữa Scarlett và Rhett còn sống mãi trong lòng những người đam mê môn nghệ thuật thứ bảy và bất cứ những ai yêu sự vô màng điều kiện tình thế của tình yêu, bất chấp thái độ, hoàn cảnh hay tư tưởng để đến được với nhau, đơn giản vì tình yêu thật đẹp đẽ làm sao. Minh Tu Le - 24hinh.vn