Những đạo diễn nghiệp dư thường cố bù đắp vào sự thiếu kinh nghiệm của mình bằng cách chỉ đạo diễn viên quá mức cần thiết. Sau đây là một số cách tiếp cận tinh tế hơn. Đạo diễn làm việc với những diễn viên tài năng không phải là công việc dễ dàng. Thậm chí với cả những đạo diễn dày dạn kinh nghiệm thì việc phải đối mặt với những tính cách khác nhau, những nguyên tắc diễn xuất, và những nhân tố khác khiến việc giao tiếp của họ gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, nhưng những đạo diễn nhiều kinh nghiệm hơn thường ít đưa ra chỉ đạo với với diễn viên hơn các đạo diễn ít kinh nghiệm vì những lý do sau: 1. Hiểu phản ứng dây chuyền Những đạo diễn nhiều kinh nghiệm hiểu rằng chỉ cần một chỉ đạo sẽ làm thay đổi rất nhiều yếu tố của màn biểu diễn. Chẳng hạn như, nếu một đạo diễn định bảo diễn viên phải diễn xuất “buồn hơn”, thì diễn viên thường sẽ thay đổi thêm cả những chi tiết khác nữa. Có thể họ sẽ bước chậm hơn, nói khác đi, thõng vai xuống…Những đạo diễn nghiệp dư thường quản lý đến từng chi tiết của diễn viên, trong khi một đạo diễn nhiều kinh nghiệm hơn hiểu rằng với chỉ một chỉ đạo hợp lý thì mọi thứ sẽ vào đúng vị trí của nó. 2. Giữ cho diễn viên tập trung Việc diễn xuất trước ống kính và trước một đội ngũ đông người đã đủ khó khăn rồi, vì thế thật dễ hiểu khi quá nhiều chỉ đạo có thể khiến diễn viên bị choáng ngợp, khiến họ mất tập trung. Nếu đạo diễn nhồi nhét vào diễn viên khoảng 10 đến 15 chỉ đạo ngay trước cảnh quay, diễn viên ấy thường sẽ mất tập trung vào cảnh quay và trở nên quá bận tâm vào những chi tiết chuyên môn mà đạo diễn bảo họ làm. Bằng cách chỉ đưa ra một vài chỉ đạo thật sự cần thiết hay ít hơn, diễn viên sẽ có thể tập trung vào diễn xuất của mình. 3. Tránh những ám chỉ tiêu cực Một số diễn viên, đặc biệt là những người thiếu kinh nghiệm, có thể hiểu nhầm những chỉ đạo là một dấu hiệu cho thấy họ diễn xuất không đủ tốt. Thực ra thì có thể diễn xuất của họ không tồi, nhưng có lẽ không phù hợp với kịch bản. Bạn cũng có thể hình dung ra đấy, khi nhồi nhét hàng tá chỉ đạo vào một diễn viên vốn không tự tin vào khả năng của bản thân sau một cảnh quay có thể tạo ra những phản ứng tiêu cực từ họ, và hậu quả là làm hỏng cả phần diễn xuất của họ. Hãy luôn nhớ rằng công việc của một diễn viên là vô cùng khó khăn, và họ cũng chỉ là con người mà thôi. Hãy khích lệ họ mạo hiểm và thay đổi diễn xuất của họ theo một cách tích cực bằng cách đưa ra những chỉ đạo rõ ràng và đơn giản – và chỉ khi thật sự cần thiết mà thôi. 24hinh.vn dịch và tổng hợp