Cảm nhận Dead Poets Society (1989) - Sống hết mình

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi vivu, 4/8/19.

Lượt xem: 18,396

  1. vivu

    vivu Moderator

    Có rất nhiều bộ phim về giáo dục truyền cảm hứng đổi mới cả trong giảng dạy và học tập. Khi vừa mới xem “Dead Poets Society”, nó cũng mang lại sự hào hứng như thế, nhưng càng về sau, cái trần trụi của hiện thực mới khiến bộ phim trở nên nổi bật và đáng suy ngẫm hơn bao giờ hết.

    “Dead Poets Society” có lẽ không giống với bất kỳ bộ phim cảm hứng hay trưởng thành nào khác. Nó không chỉ đưa tới một giấc mơ, nó còn tát người xem cho tỉnh dậy với hiện thực. Người ta có thể bàn thảo hàng chục năm nữa về ý nghĩa của sự đổi mới trong phim, nhưng một điều không thể phủ nhận chính là cái sắc sảo và hấp dẫn của một câu chuyện đạt giải Oscar cho Kịch bản gốc hay nhất. Thông qua văn học và những câu chữ truyền đời đầy bay bổng, bộ phim đã khéo léo tạo ra những nét chấm phá khơi dậy nguồn cảm hứng vĩ đại cho cải cách, cho thay đổi. Một bộ phim đáng xem cho những thầy giáo, những học trò và cả cha mẹ của chúng.

    Chuyện phim của “Dead Poets Society” kể về một nhóm học sinh trong trường dự bị đại học Welton, nơi còn bị chúng gọi là Hell-ton. Với tôn chỉ bốn chữ “Truyền thống. Danh dự. Kỷ luật. Ưu tú”, Welton đã nổi tiếng hàng trăm năm là ngôi trường tốt nhất trải bước cho học sinh vào đại học. Khắc họa với lối giảng dạy kỉ luật và giáo điều, với sự nghiêm khắc và đanh thép của ban giám hiệu, đáng buồn thay ngôi trường lại như một chiếc lồng khóa chặt học sinh của nó. Chỉ cho đến khi một thầy giáo Anh văn mới xuất hiện, những dấu hiệu của thay đổi mới dần lộ ra. Thầy John Keating vốn là học sinh cũ của trường Welton, thế nhưng đã hình thành một tư duy giảng dạy hoàn toàn khác biệt. Cách truyền tải của người thầy giáo mới như thổi một luồng gió đầy tân tiến vào suy nghĩ của những học sinh này, đưa họ đến quyết định thành lập nhóm “Dead Poets Society” với phương châm sống hết mình cho hiện tại. Giữa chừng của những tận hưởng tuổi thanh xuân, đột nhiên bị đứt gánh giữa đường bởi cái chết của một học trò. Điều này đã đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp của thầy Keating tại Welton, nhưng may mắn thay vẫn không dập tắt đi tinh thần thay đổi của những học sinh còn lại.

    Nhận xét chung mà nói thì “Dead Poets Society” chính là một câu chuyện không lấy gì làm dễ chịu về cải cách trong giáo dục, hay có thể nói là một câu chuyện buồn. Cái kết đến với bộ phim theo một cách hiện thực tới trần trụi, có chút xót xa. Một ánh lửa chẳng thể nào đốt cháy cả một thành trì vững chắc cả trăm năm. Thế nhưng vượt lên trên tất cả, nó vẫn nhóm lên những tia hy vọng dù là mong manh nhất. Trong “Dead Poets Society” chứa đựng nhiều triết lý giáo dục được thể hiện theo một cách rất thơ, ấy là mượn lời những tác phẩm thi ca bay bổng. Ngược lại, nó cũng khắc họa những bài học nhân sinh sâu sắc, thể hiện một cách đầy thẳng thắn mà không hề ẩn dụ vòng vo.

    Có thể nói, làm nên thành công cho “Dead Poets Society” không chỉ là diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên trẻ tài năng và khả năng ứng diễn của huyền thoại Robin William. Cốt lõi của nó chính là một kịch bản (screenplay) hợp lý, nhuần nhuyễn mang đầy hiện thực nhưng cũng không thiếu sự lãng mạn và ẩn dụ tinh tế. Nhờ thế, bộ phim mang lại cho người xem không chỉ những cảm xúc nhất thời, mà còn là ngổn ngang những suy nghĩ về giáo dục và con người. Cộng thêm vào đó, nó gây được sự đồng cảm sâu sắc cho khán giả thời nay, đặc biệt tại một nơi hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập như chính nước ta.

    Thứ được nhấn mạnh trước tiên chính là môi trường học tập.


    Qua lăng kính của “Dead Poets Society” trường Welton hiện ra trong những cảnh quay đối lập. Một bên là khung cảnh thiên nhiên rộng lớn và tuyệt đẹp với những đàn chim sải cánh bay đi, một bên là những cầu thang gò bó chật chội trong cảnh quay xoay vòng đầy dụng ý. Tất cả gián tiếp hướng đến hình ảnh một cái lồng kín mít khó thấy đường ra mà học sinh ngày ngày chỉ có quanh quẩn bên trong. Qua từng thước phim lớp học, lối giảng dạy truyền thống nặng tính giáo điều và thành tích cũng chậm rãi được thể hiện, càng làm tăng thêm cái ngột ngạt và gò bó.

    [​IMG]

    Thêm vào đó là những kì vọng của bậc cha mẹ đặt nặng lên đôi vai con trẻ. Ta sẽ bắt gặp một Todd Anderson khép nép dưới cái bóng của anh trai tài giỏi, một Neil Perry hòa đồng và phóng khoáng bỗng chốc nghiêm cẩn khiêm cung khi nói chuyện với cha mình, một hai xưng hô là “Vâng, thưa ngài”. Chỉ khi đã từng trải qua, hoặc đặt chính mình vào hoàn cảnh của những cậu trai ấy mới hiểu được những gánh nặng và sự thúc ép mà chúng đang mang. Ai cũng được định sẵn một sự nghiệp vẻ vang như giám đốc ngân hàng, luật sư, bác sĩ, chỉ cần cật lực bước đi trên con đường đã được vạch sẵn mà thôi, dù có muốn hay không.

    Nhìn nhận một cách thực tế thì không có gì khó hiểu khi tư duy cam chịu lại hằn sâu đến thế trong tâm trí những cậu trai trường Welton. Gần 20 năm cuộc đời các cậu, gần như từ tấm bé đã “được” (hay “bị”) thúc ép và định hướng sẵn để thành công. Giống như nhận xét trong bộ phim “Shawshark Redemption”, nó tương tự hiện tượng “thể chế hóa”, con người ta dần đi đến chấp nhận sự kìm kẹp như một chân lý hiển nhiên sau khi bị bó buộc quá lâu.

    Chính trong sự ngột ngạt kì lạ ấy, sự xuất hiện của thầy John Keating như thổi một làn gió mới vào những giờ học ở trường Welton. Trong “Dead Poets Society”, thầy chính là biểu tượng của sự đổi mới và cải cách. Cách thầy Keating yêu cầu học trò gọi mình là “O captain, my captain” như tựa đề một bài thơ của Walt Whitman cũng mang một ý nghĩa biểu tượng. “Captain” trong bài thơ này chính là tổng thống Abraham Lincoln, nổi danh là “người giải phóng vĩ đại” khi đã chấm dứt chế độ nô lệ ở nước Mỹ. Dường như thầy Keating cũng mang hy vọng sẽ trở thành người dẫn dắt những học trò của mình vượt qua rào cản và phá bỏ lề lối cũ để được tự do.

    Tuy còn tồn tại rất nhiều ý kiến khen chê về cách thầy Keating vận dụng văn học để dẫn dắt học trò, thế nhưng thầy vẫn là người phát ngôn đầy thuyết phục cho những tư tưởng cấp tiến trong giảng dạy. Thông qua văn chương, với những cách nhìn thời thế gắn với hiện thực (không phải theo cách đào bới và mổ xẻ nhân phẩm tác giả để định giá văn học), bộ phim tinh tế lèo lái người xem đến những điểm mấu chốt trong ý nghĩa của giáo dục.

    Điểm thứ nhất, chính là tư tưởng “sống hết mình cho ngày hôm nay”. Lấy đại ý từ một câu thơ, tư tưởng Carpe diem (Seize the day) đã trở thành khẩu hiệu xuyên suốt dẫn lối cho mọi hành động của những cậu trai trong nhóm “Dead Poets Society”. Ngay từ ngày đầu nhận lớp, thầy Keating đã nói về việc sống hết mình cho hiện tại, không hối tiếc quá khứ và không bám víu vào tương lai. “Carpe diem” thúc giục người trẻ dấn thân và chấp nhận thử thách, nếu không đạt thành quả, cũng sẽ nhận lại những bài học giá trị.

    Tuyên ngôn của hội “Dead Poets Society”, được đọc lên mỗi khi mở đầu cuộc hội họp trích từ một đoạn trong “Walden” của nhà thơ Henry D. Thoreau, cũng chính là kim chỉ nam hành động của tuổi trẻ:

    “Tôi đi vào rừng sâu vì tôi muốn sống thong thả.
    Tôi muốn sống sâu sắc và hấp thu hết cốt tủy của cuộc sống.
    Để đẩy lùi những thảm hại trong cuộc sống
    Để không phải đến khi tôi chết mới nhận ra rằng tôi chưa từng sống”

    [​IMG]

    Điểm thứ hai, khuyến khích tự học và tự tìm lấy con đường của chính mình.


    Có một hành động mang tính biểu trưng cao trong “Dead poets society”, đó chính là việc thầy Keating yêu cầu học sinh xé sách. Xé bỏ toàn bộ phần dẫn nhập văn chương qui việc cảm nhận văn học theo cách lượng giá toán học, với điểm nhận xét và những con số. Đây là một hành động mang tính kịch thể hiện một tuyên ngôn rất mạnh mẽ về việc học sinh cần phải tự tìm lấy lối đi cho riêng mình.

    “ Các em sẽ học cách suy nghĩ cho chính mình.
    Các em sẽ được học để thưởng thức từ ngữ và ngôn ngữ”


    Nó gây tác động rất lớn về tầm quan trọng của tự chủ trong suy nghĩ. Nó có thể phù hợp với giáo dục nói chung, tuy nhiên đặt vào văn học lại có phần hơi thiếu khôn ngoan. Cảm nhận văn chương có tính chủ quan và ước lệ, nên thực tế không có ý kiến nào là đúng hay là sai hoàn toàn. Việc tôn trọng quan điểm của người khác cũng là một cách tăng khả năng tự đánh giá của bản thân mình.

    Tuy thế không thể phủ nhận tác động của chỉ một hành động nhỏ này lên các cậu học trò, khi họ bị thuyết phục hoàn toàn và chấp nhận vứt bỏ ra khỏi đầu những tư duy cũ kĩ để mở lối đầu óc cho những tư tưởng khác hơn.


    “Tôi muốn các em tìm ra cách bước đi của riêng mình, một cách riêng các em sẽ sải bước theo bất kỳ hướng nào”

    [​IMG]

    Chỉ với một giờ ngoại khóa, thầy Keating đã truyền đạt những tư tưởng sâu sắc đến từng học sinh theo một cách vô cùng gần gũi và dễ hiểu. Điều này có được chính nhờ cốt lõi giáo dục mà thầy hướng tới, có thể được đánh giá là quan trọng và cấp tiến nhất trong phim.

    “Tôi luôn luôn nghĩ rằng ý tưởng của giáo dục chính là học cách tự suy nghĩ/ nghĩ cho bản thân mình”

    Câu nói kinh điển thường hay được nhắc lại “Đại học chính là tự học” . Tuy nhiên càng biết cách tự học sớm bao nhiêu, học sinh càng chủ động và nhanh nhạy trong tìm kiếm kiến thức bấy nhiêu. Nên có thể nói, câu nói này là triết lý giáo dục đi trước thời đại và đúng đắn nhất trong cả bộ phim. Nó là điểm mấu chốt cho toàn bộ tư duy cải cách của thầy Keating muốn mang đến cho học trò.


    Điểm thứ ba, khi nhắc tới chuyên môn Anh văn, thứ học sinh nhận ra được chính là giá trị của văn chương.

    “Chúng ta không đọc và viết thơ vì nó dễ thương.
    Chúng ta đọc và viết thơ vì chúng ta là thành viên của nhân loại, và nhân loại được phủ đầy bằng niềm đam mê.
    Y học, pháp luật, kỹ thuật, kinh doanh, những sự theo đuổi này đầy cao quí và cần thiết để duy trì sự sống. Nhưng thi ca, cái đẹp, lãng mạn, tình yêu là những gì chúng ta sống vì nó.”


    Ở đây, giá trị của văn thơ được nhấn mạnh không phải ở tính thời đại, nghĩa là sinh ra phù hợp với thời điểm chúng được viết, mà là ở giá trị vượt thời gian. Dù trong bất kì thời đại nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, văn chương luôn là thứ gần gũi nhất với tình cảm của con người.

    Việc “Dead Poets Society” lấy Shakespeare ra làm ví dụ cho tính thiết thực của văn chương cũng là một lựa chọn thú vị. Ai cũng biết những vở kịch tuyệt tác của ông là những áng văn bất hủ, nhưng không có nghĩa nó phải được diễn trên sân khấu lớn, theo một lối diễn hàn lâm chuyên nghiệp hay những cách thoại mẫu mực thì mới là kịch Shakespeare. Chính vì nó là kịch bản, nên khả năng biến ảo trong tiết tấu và cách biểu hiện của diễn viên là không giới hạn. Nó dành cho mọi thời đại, mọi đối tượng chính là cách nó thể hiện nhiều niềm tin và khát vọng khác nhau tùy theo cảm nhận của từng người. Giống như cách thầy Keating đọc một đoạn kịch làm cho tất cả học trò phải cười ồ lên, hay như cách Neil mượn lời thoại của Puck để nói với cha mình.

    Vậy nên học văn không phải là phân tích rồi để đó, văn học chính là trải nghiệm. Nó làm cho cuộc sống phong phú hơn, làm cho cái nhìn rộng mở và đa chiều hơn. Song song với đó, cuộc đời cũng chính là một vở kịch.

    “Đó là vở kịch đầy sức mạnh đang diễn ra và bạn có thể góp vào một đoạn.
    Vậy đoạn của các em là gì?”

    Minh họa cho tư tưởng này còn có một phân cảnh vô cùng đáng nhớ nữa trong “Dead Poets Society”. Đó là cảnh thầy Keating gần như ép buộc Todd làm thơ. Chỉ một cảnh quay xoay tròn đầy căng thẳng và dồn ép, với một cậu bé Todd lúc này bị đẩy tới cực hạn của chịu đựng, đã bộc phát toàn bộ bản thân mình. Một giây phút như bừng tỉnh của nhân cách trong Todd, khi cậu lần đầu đối diện được với cảm xúc của chính mình. Nó thật sự là một cảnh quay ấn tượng và đầy cảm hứng đến nghẹt thở, khi người xem nhận ra được sự bừng nở của một điều gì đó thật mới mẻ xuất phát từ bên trong con người cậu bé trầm lặng ấy.

    [​IMG]

    Điểm thứ tư, cũng là cuối cùng, luôn cần nhìn mọi thứ theo nhiều cách khác nhau, mà hành động đứng trên bàn là một biểu tượng vô cùng đặc biệt. Việc ẩn dụ một tư tưởng vào một hành động luôn là một bước đi vô cùng khôn ngoan trong điện ảnh.


    Hành động khi thầy Keating đứng trên bàn giúp học trò nhận ra được giá trị của việc nhìn nhận mọi thứ theo những cách khác nhau. Và để đáp lại người thầy tận tụy, các cậu học trò đứng lên bàn chào tạm biệt thầy như một lời tri ân. Nó là biểu trưng cho việc các cậu sẽ luôn nhớ lời thầy dạy, nhìn mọi thứ theo những cách khác đi.

    Nhờ tính gợi hình và liên tưởng cao, hành động "đứng lên bàn" đã trở thành biểu tượng vô cùng nổi tiếng. Nó thậm chí còn được người hâm mộ sử dụng như một hình thức tri ân với Robin William khi ông mất.

    [​IMG]

    Ngay trong cảnh vô cùng xúc động này, với diễn xuất rất tuyệt vời của Robin William trong vai một người thầy vừa hối tiếc vừa hạnh phúc tự hào, một nhân vật có vai trò quan trọng không kém chính là Todd Anderson. Góc quay về Todd vẫn bó hẹp cậu trong một khuôn hình chật chội, thế nhưng Ethan Hawke đã làm rất tròn vai một cậu học sinh rụt rè nhưng đang bùng nổ, trở thành một nhân tố tiên phong. Dụng ý này có thể đang ngầm ám chỉ, tuy còn nhiều bó buộc, nhưng Todd đã nhen lên ánh lửa của hy vọng và thay đổi.

    [​IMG]

    Tưởng như những tư tưởng nhân văn đến thế sẽ tạo ra được thành quả đầy trái ngọt. Neil tham gia vở kịch và trình diễn một cách xuất sắc, Knox dẫn được cô bạn gái Chris đi chơi và Todd tìm thấy niềm vui ở trường học. Thế nhưng “Dead poets society” lại phơi bày một hiện thực không thể nào thẳng thắn và lạnh lùng hơn. Những nỗ lực trong vòng không đến một năm của thầy Keating chưa thể nào làm thay đổi ngay một nền giáo dục bảo thủ vững chắc như tường thành. Và nổi bật trên đó chính là bi kịch của Neil Perry.

    Càng phân tích sâu vào cái chết của Neil, người ta càng cảm thấy đầy tiếc nuối và đau buồn. Tại sao một cậu trai trẻ tự tin và xuất chúng với tương lai rộng mở lại sẵn sàng tự tử theo một cách dễ dàng như thế? Neil Perry tìm đến cái chết có đơn thuần chỉ vì cha mình không đồng ý cho cậu diễn kịch hay không? Câu trả lời chắc chắn là không, có thể cậu đã hơn một lần nghĩ tới cái chết như thế, và lần này chỉ là giọt nước làm tràn ly. Có một loại đau khổ cực điểm mà không phải ai cũng nắm bắt được, đó là khi chính những người thân yêu nhất như bố mẹ lại không bao giờ thấu hiểu bản thân mình.

    Sự dằn vặt trong Neil Perry xuất phát từ những mâu thuẫn nội tâm không thể hóa giải. Áp lực từ người cha cũng chỉ là một phần, nếu cậu không bị đè nặng bởi tấm lòng hiếu thảo.
    “Giấc mơ cha đè nát cuộc đời con” là khi cha cậu thốt lên một câu muôn thủa:


    “Con không hiểu Neil. Con có những cơ hội mà bố chưa bao giờ dám mơ ước”

    Nó quen thuộc đến chí mạng, và nó dễ khiến người con cảm thấy đầy hổ thẹn khi nhẫn tâm chống lại cha mẹ mình. Thế nhưng đối chọi lại với nó chính là khát vọng cá nhân, với niềm yêu thích diễn xuất làm cho cuộc sống của Neil trở nên tươi đẹp.

    Trong những giằng xé nội tâm ấy, có thể Neil không đủ dũng cảm để gạt bỏ tất cả mà chạy theo ước mơ của mình (cậu đã chịu sự áp đặt trong gần 20 năm cuộc đời, sợ hãi tự do cũng là một biểu hiện có thể hiểu được) nhưng đồng thời cũng đầy đau khổ khi nhìn về tương lai phía trước. Việc cậu đi đến cái chết không phải là phi lý, nhưng lại là cách giải quyết vô cùng cực đoan. Nó thể hiện sự tuyệt vọng sâu sắc và mệt mỏi đến tận cùng.

    Phân đoạn Neil tự tử trong đêm đông cũng để lại thật nhiều ám ảnh cho người xem. Ý nghĩa biểu tượng của việc cậu ở trần và mở cửa sổ, trong khi đội trên đầu vòng hoa của Puck thể hiện một khao khát tự do mãnh liệt. Puck trong vở “Giấc mộng đêm hè” của Shakespeare chính là một yêu tinh vô cùng phóng khoáng và tự do. Nó được đi khắp muôn nơi và làm mọi điều mà nó thích, tuy có gây ra rắc rối, nhưng mọi chuyện đều không gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chọn để Niel hóa thân vào Puck, “Dead poets society” ngấm ngầm thể hiện nỗi mong đợi được giải thoát của Neil, để được tự do và sống như mình mong muốn.

    [​IMG]

    “Tự do hay là chết” chỉ mang tính lý tưởng với những cậu trai lãng mạn, nhưng hiện thực lại tàn khốc và đau thương hơn nhiều. Không cần diễn giải gì thêm, sự ra của Neil chính là lời tuyên bố thất bại đầy cay đắng cho những luồng tư tưởng mới. Khi mà sức người còn quá nhỏ, thực tế sẽ chẳng khi nào tạo nên được phép màu.

    Thế nhưng một niềm an ủi vẫn còn đó, khi những đốm lửa hy vọng vẫn còn thắp lên trong những người ở lại. Kết phim là lời hứa hẹn, tuy yếu ớt nhưng đầy chắc chắn về nền móng cho những sự thay đổi mạnh mẽ hơn sẽ làm nên kì tích trong tương lai.