Nữ diễn viên Thảo Sương Năm 1958- 1961 là giai đoạn bi kịch của điện ảnh thương mại miền Nam. Phim làm ra thua lỗ, mọi sản xuất bị đình trệ, không ai dám làm phim. Đỉnh cao của sự tê liệt là vào cuối năm 1960. Mọi sản xuất bị ngưng hẳn, thiếu vốn, phim Việt không cạnh tranh lại phim ngoại nhập. Báo chí thời kỳ này không còn mặn mà ủng hộ phim Việt. Vì cạnh tranh hoặc để bán báo, các tạp chí như Kịch Ảnh, Màn Ảnh Sân Khấu ( thời cũ ) , Điện Ảnh…đua nhau đăng bìa hình các ngôi sao Mỹ, Nhật, Hoa hoặc Anh, Pháp, Ý. Kiều Chinh đóng phim Mỹ năm 1964 Ngày 11 tháng 11 năm1960, phe quân đội nhảy dù bao vây Dinh Độc Lập, nổ súng vào chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi không thành công nhưng nó báo hiệu ngày tàn của chế độ gia đình trị. Thời gian này, chỉ có bộ máy chính quyền là vẫn sản xuất phim. Chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây dựng Trung tâm Điện ảnh và ít nhiều đây cũng là nơi đào tạo ra những chuyên viên điện ảnh đầu tiên của miền Nam. Trung tâm này phần lớn sản xuất những cuốn phim thời sự, phim tài liệu, làm công cụ cho việc tuyên truyền của chính quyền họ Ngô. Trong khi đó, các nhà sản xuất tư nhân thiếu vốn lớn để trang trải các món chi tiêu khổng lồ, nên người yêu phim Việt bị thiệt thòi lớn. Không chịu ngủ yên, một nhóm tâm huyết có tên là “Bọn trẻ” của Nguyễn Long và Hoàng Anh Tuấn, đã hô hào bạn bè cùng góp vốn làm phim. Và Nguyễn Long với Mưa lạnh hoàng hôn đã ra đời. Bộ phim dài 100 phút này đã giới thiệu gương mặt diễn viên Mai Ly, Hoàng Anh Tuấn thì có Trời không muốn sáng… Để cạnh tranh với làn sóng phim Ấn độ, phim Nhật và phim ca nhạc Hoa. Một nhà làm phim khác là Thái Thúc Nha đã điện ảnh hóa cải lương bằng những bộ phim như Oan ơi ông Địa (Thẩm Thúy Hằng đóng chính), Bẽ bàng (Kim Cương đóng)…Nhưng cũng do làm vội và trình độ kỹ thuật yếu kém, nên 2 bộ phim này lại cũng bị các nhà phê bình và báo chí chê bai. Năm 1962- 1963, nền điện ảnh miền Nam có dấu hiệu “hồi sinh” trở lại với nhiều hãng phim mới và những dự án làm phim. Các phim thời kỳ này bắt đầu áp dụng kỹ thuật phim màu đơn. Tiên phong trình chiếu trong dịp Xuân như Mưa Rừng của hãng Alpha (do Kim Cương, Kiều Chinh đóng chính), tiếp đến là Đôi mắt người xưa (do Thanh Nga, Xuân Dung, Lê Quỳnh đóng chính). Kịch sĩ Năm Châu và đạo diễn Lê Mộng Hoàng làm phim Tơ tình do hãng Mỹ Vân sản xuất (Thẩm Thúy Hằng, Mai Ly và nữ ca sĩ Thanh Thúy diễn chính). Sau thành công mạnh về doanh thu của Tơ tình, hãng Mỹ Vân bắt tay vào sản xuất tiếp phim Bóng người đi (Đoạn Tuyệt). Phim Bóng người đi do Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Thành Được, Út Bạch Lan. Nhân đây, có vài dòng nhắc đến bộ phim Đôi mắt người xưa. Phim này được làm rất tốn kém, kéo dài đến hơn 3 năm (1962-1964), với việc thay đổi vai diễn, diễn viên, thu âm tại nước ngoài. Đây là bộ phim đầu tiên mà Thanh Nga bước chân vào điện ảnh. Tuy nhiên phim mà cô trình làng đầu tiên với khán giả lại là Hai chuyến xe hoa trình chiếu đầu năm 1963. Những bộ phim đáng chú ý trong giai đoạn này là: Loạn, Yêu (1964), Dang dở(1965), Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ (hợp tác Đài Loan – 1966), Giã từ bóng tối (1969), Trai thời loạn (1969), Loan mắt nhung (1969)…Ngoài Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh, Thanh Nga…Thời kỳ này, điện ảnh miền Nam ghi nhận thêm những tên tuổi như :Kim Vui, Mộng Tuyền, Thảo Sương, Kim Xuân, Thanh Lan, Thiên Trang, Ngọc Minh… Vào năm 1963, những hãng phim muốn có những nhạc cảnh hoặc các bài ca để cho vào phim của họ thì họ tìm đến Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Huỳnh Anh… Cho tới lúc này, Phạm Duy, Huỳnh Anh là những gương mặt nhạc sĩ đã liên tục soạn nhạc cho phim khá thành công. Hãng Mỹ Vân tại Saigon mời Phạm Duy soạn hai nhạc cảnh với kịch bản của Năm Châu, đó là nhạc cảnh Chức Nữ về Trời, và Tấm Cám… Phần hát của hai nhạc cảnh này do các ca sĩ Hoài Trung, Thái Thanh trong ban Thăng Long thu giọng, để cho các tài tử La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng diễn trong phim với kỹ thuật ”nhép miệng” Túy Hồng Năm 1966, tại Đại hội điện ảnh Á Châu lần thứ 13, nữ diễn viên Xuân Dung đã được trao tặng giải thưởng nữ Diễn viên Xuất sắc nhất với vai diễn trong phim Đôi mắt người xưado hãng Liêm Phim sản xuất. Đây là một vinh dự lớn vì Xuân Dung là diễn viên điện ảnh miền Nam đầu tiên đoạt được giải thưởng lớn về điện ảnh trên trường quốc tế. Đạo diễn làm phim nhiều và sung sức nhất của giai đoạn này là đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Chỉ tính từ bộ phim đầu tay của ông là Bụi đời, cho đến năm 1964, ông đã liên tục có: Vụ án tình, Con gái chị Hằng, Đò chiều, Đôi mắt huyền, Quê Mẹ, Nhạc lòng năm cũ, Tơ tình…sau đó phải kể đến tên các đạo diễn như Tôn Thất Cảnh, Thân Trọng Kỳ, Nguyễn Văn Liêm, Lưu Bạch Đàn…