Ngành nghệ thuật thứ bảy chính thức chào đời vào những ngày mùa đông của năm 1895 tại Pháp bởi hai anh em nhà Lumière. Không lâu sau đó, tức chỉ ba năm sau, điện ảnh đã được người Pháp du nhập vào cái xứ Đông Pháp tức Việt Nam một cách nhanh chóng phục vụ cho giới quý tộc và công chức Pháp. Ngày 6/10/1898, tuần báo Nam Kỳ đã quảng cáo giới thiệu “cuộc hát hình máy” bộ phim truyện Yêu Râu Xanh (Barbe bleu) chiếu đầu tiên ở Châu Thành – Chợ Lớn, phía trước dinh Tổng đốc Chợ Lớn. Thời ấy, người ta gọi những buổi trình chiếu phim là buổi trình diễn “trò chớp bóng”… Những thước phim của anh em nhà Lumiere cuối thế kỉ 19 quay tại Việt Nam là những thước phim tài liệu đầu tiên ghi lại những cảnh sinh hoạt của dân An Nam và giai cấp cai trị Pháp. Kinh doanh điện ảnh được xem là một lĩnh vực kinh doanh vô cùng béo bở, từ những năm 20 đầu thế kỷ XX. Tại Việt Nam, các nhà doanh nghiệp Pháp không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào điện ảnh, họ đã bỏ vốn xây rạp ở ba miền Nam, Trung, Bắc Việt Nam (trong đó rạp chiếu phim ở Sài Gòn bao giờ cũng chiếm tỷ số cao nhất: 9 rạp; Hà Nội: 4 rạp; Huế: 2 rạp. Có kinh doanh phát hành các sản phẩm điện ảnh, tức sẽ có tham vọng sản xuất phim. Ngày 11 tháng 9 năm 1923, công ty Phim và Chiếu bóng Ðông Dương thành lập, liền bắt tay sản xuất phim tại Việt Nam. Từ 1923 đến 1938, người Pháp đã sản xuất được 10 phim (trong đó có 3 phim truyện). Trong giai đoạn này có hai bộ phim câm do Pháp thực hiện còn tồn tại mà Việt Nam vừa được Viện Tư Liệu Phim Ảnh Pháp gởi tặng, đó là: Bộ phim truyện câm Dưới Mắt Của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sous I”ceil de Bouddaha) sản xuất năm 1923, dài 45 phút gồm năm phần kể về câu chuyện của chàng trai trẻ tên Lý – một người say mê sân khấu đã phải trải qua trăm nghìn bất trắc để trinh phục trái tim con gái ngài Quận trưởng Trần. Bộ phim Dưới Mắt Của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni theo tài liệu lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam là do công ty Dịch vụ Điện ảnh Đông Dương sản xuất, người làm ra bộ phim là một họa sĩ được coi là người Đông Dương mang tên A.Joyeux thực hiện. Bộ phim thứ hai là Phim tài liệu Các Miền Phụ Cận Của Hà Nội (Aux environs de Hanoi: à travers la campagne Tonkinoise, Bouddhas et génies) sản xuất năm 1910 được giới thiệu qua 12 chủ đề về các công trình kiến trúc văn hóa một thời của Hà Nội như các ngôi đền do các hoàng tử An Nam xây dựng, chùa Một cột có hình một bông hoa báo tin vui, chùa Tứ Trụ, chùa Trấn Quốc, chùa Từ Đạo Hạnh và nhiều những danh thắng nổi tiếng của Hà Nội. Ngoài ra còn một số hình ảnh mầu và phim của nhà sưu tập tư nhân Albert Kahn – một chủ nhà băng triệu phú – cũng là một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng người Pháp, bắt đầu tiến hành một dự án đầy tham vọng: xây dựng kho tư liệu ảnh màu về (và cho) tất cả các dân tộc trên thế giới nhờ kỹ thuật chụp ảnh màu tiên tiến nhất thời đó do hai anh em Auguste và Louis Lumière phát minh năm 1907, các phim và hình ảnh về Việt Nam giai đoạn 1915 thật sống động và đẹp còn tồn tại đến ngày nay. Toàn bộ ảnh về Việt Nam có 1382 tấm ảnh màu autochromes hầu như đều do nhà nhiếp ảnh Léon Busy chụp Léon Busy (1874-1950), một sĩ quan công binh trong quân đội viễn chinh Pháp, đồng thời là một nhà quay phim tài tình và một người thành thạo kỹ thuật ảnh màu autochrome.Cùng với các thiết bị, ông rời cảng Marseille để đến Hà Nội vào tháng 7-1914. và số ảnh được chụp chủ yếu ở Bắc Kỳ tập trung vào những năm từ 1915 đến 1921. Ông đã ghi lại được những bức ảnh rất đẹp và đã đề nghị làm việc cho Albert Kahn, lúc đó đang tập hợp tài liệu cho “Thư khố Hành tinh” của ông. Một cách chính xác, “Thư khố Hành tinh” có tổng cộng tất cả 1382 đơn vị tài liệu về Việt Nam, phần lớn là những tấm ảnh màu trong đó có khoảng hơn mười đơn vị là những đoạn phim ngắn trắng đen (trong số này có phim quay Hội Gióng vào năm 1915, một di sản văn hoá phi vật thể đang được trình duyệt lên UNESCO). Tính theo giai đoạn từ năm 1920-1945 đã có một số bộ phim do Việt Nam làm hoặc do Pháp sản xuất với diễn viên là người Việt Nam như: Kim Vân Kiều, Huyền Thoại Bà Đế, Một Đồng Kẽm Tậu Được Ngựa, , Săn Cọp Ở An Nam, Cánh Đồng Ma, Trận Phong Ba, Một Buổi Chiều Trên Sông Cửu Long, Thầy Pháp Râu Đỏ, Trọn Với Tình, Toét Sợ Ma… Kim Vân Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được hãng phim của Pháp- Indochine Films et Cinema (IFEC) đưa lên màn bạc, với các diễn viên là các đào kép tuồng của ban Quảng Lạc, Hà Nội. Phim mắc phải nhiều sai lầm về nội dung, phần diễn xuất cũng chẳng có gì khác hơn hát trên sân khấu, đào kép thì ăn mặc và cử chỉ như hát tuồng…nên không nhận được sự hưởng ứng của công chúng. Sau thất bại của phim Kim Vân Kiều, hãng IFEC lại thực hiện hai cuốn phim hài do tài tử người Tàu lai tên Tou Fou đóng vai chính. Hai phim này cũng thất bại luôn! Vẫn không nản lòng, IFEC cố gắng làm một phim dài về Việt Nam, đó là phim Huyền Thoại Bà Ðế do Paul Numier viết kịch bản, dựa theo câu chuyện đau thương của một cô gái được truyền tụng trong dân gian. Vai chính do cô đầm lai Georges Spesct thủ diễn, các tài tử Việt chỉ đóng vai phụ và phim này cũng không được hoan nghênh, bởi có nhiều cái ngớ ngẩn, sai lạc. Kế đó chẳng bao lâu thì ông Nguyễn Lan Hương, ông chủ của tiệm chụp ảnh Hương Ký đình đám ở Hà Nội- một người rất say mê với nghệ thuật thứ bảy đã thuê một chuyên viên người Pháp dạy và hỗ trợ ông sản xuất phim. Và phim đầu tiên là cuốn phim hài Một Ðồng Tiền Kẽm Tậu Ðược Ngựa, phỏng theo tác phẩm Perrette Et Le Pot De Lait, truyện ngụ ngôn của La Fontaine đã ra đời. Phim thứ hai của Hương Ký cũng là phim hài với tựa phim là Cả Lố, nhưng đang quay dở dang lại phải bỏ, vì có sự bất đồng giữa Hương Ký và tài tử đóng phim. Sau đó, Hương Ký còn quay phim tài liệu về đám tang Vua Khải Ðịnh và lễ Tấn phong Hoàng Ðế Bảo Ðại. Tuy được hoan nghênh, nhưng vì không có thị trường phát hành nên không đủ bù đắp vào số vốn đã bỏ ra thực hiện phim. Phim chiếu ở Hà Nội được 27 ngày, doanh thu khoảng 5.000 đồng tiền Ðông Dương, trong khi chi phí sản xuất gần 30.000. Nhờ có tiếng vang, ông được Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung quốc) đặt hàng làm hai phim phóng sự quay tại Trung Quốc (một trong hai phim là Ðám Tang Tướng Ðường Kế Nghiêu, năm 1929). Nhưng sau đó người ta không thấy ông Nguyễn Lan Hương làm phim tiếp, mà lặng lẽ trở về với nghề nhiếp ảnh của mình. Có người cho rằng chính quyền Thực dân Pháp không muốn có một công ty Việt Nam cạnh tranh với Công ty Phim và Chiếu bóng của người Pháp đang bị thua lỗ nặng nề sau khi làm ba phim thất bại. Hãng phim đầu tiên của người bản xứ – hãng Hương Ký – tự xóa sổ sau vài năm tồn tại. Từ đó, hoạt động sản xuất phim của người Việt Nam ngưng suốt 7 năm liền (1930-1936). Dầu sao, ông Nguyễn Lan Hương cùng hãng phim Hương Ký của mình đã chứng minh được một điều: Người Việt Nam có thể làm phim và đã từng làm được phim của mình vào những năm cuối thời kỳ phim câm của điện ảnh thế giới. Dù bước đầu của điện ảnh Việt còn quá nhiều khó khăn và gặp thất bại, nhưng ma lực của điện ảnh vẫn khiến nhiều nhóm bạn trẻ khác hăng hái theo đuổi. Nhóm Nguyễn Tấn Giàu (Antoine Giàu) vào cuộc với hai phim Một Buổi Chiều Trên Sông Cửu Long, và Thầy Pháp Râu Ðỏ. Kế tiếp là ông Richard Nguyên với phim Huế Ðẹp Và Thơ, các phim trên đều quay bằng phim 16 ly… Những năm 30 của thế kỷ XX đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong đời sống của nhân dân Việt Nam: Ðảng Cộng Sản Ðông Dương ra đời (3-2-1930), và đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của nông dân, thợ thuyền chống lại chính sách hà khắc của thực dân Pháp. Một mặt, do nước Pháp phải bận tâm dồn sức đối phó với thế lực phát xít đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mặt khác, nhờ Mặt trận Bình dân ở Pháp thắng lợi trong cuộc bầu cử, lập chính phủ mới vào năm 1936, nới lỏng ách cai trị đối với các thuộc địa. Tại Việt Nam, hình thành một lớp trí thức, văn nghệ sỹ, nhà báo, thanh niên thành thị đã nhanh nhạy tiếp thu những tinh hoa của văn hóa Pháp. Một cao trào sáng tác văn học, sân khấu, âm nhạc nở rộ. Trong bối cảnh đó, từ năm 1936 đã xuất hiện nhiều nhóm thanh niên Việt Nam có ý định làm phim. Những người trẻ tuổi này tập hợp nhau lại trong một tổ chức có tên là An Nam nghệ sỹ đoàn (An Nam là tên gọi trước đây của Việt Nam). Họ say mê nghệ thuật Thứ Bảy, tự học hỏi về nghề nghiệp mới mẻ này qua sách vở gửi mua từ Pháp. Họ có đủ nhiệt tình, duy chỉ thiếu tiền và phương tiện máy móc. Chuyến thăm Hà Nội, Huế và Sài Gòn của thiên tài điện ảnh Charlie Chaplin cùng vợ là Paulette Godart vào năm 1937 lại càng thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình trong tim họ. Bộ phim tài liệu câm dài 52 phút Săn Cọp Ở An Nam (tên gốc là Kliou the Killer) được hoàn thành vào năm 1936 của đạo diễn Henri de la Falaise được xem là tư liệu rất sớm về xứ An Nam, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên với câu chuyện về những người săn cọp tại đây. Bộ phim là một câu chuyện ly kỳ và lãng mạn, kể về một ngôi làng ở vùng Tây Nguyên thập niên 30 của thế kỷ trước bị một con hổ ăn thịt người luôn luôn rình rập. Để chống lại hổ dữ, người dân trong làng đã phải cùng nhau đắp thành, xây lũy, đặt bẫy để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân nhưng không có tác dụng gì trước sức mạnh của con hổ. Ông trưởng làng có một cô con gái xinh đẹp đến tuổi kén chồng, được rất nhiều chàng trai muốn lấy làm vợ nhưng chẳng ai nhận được sự “tín nhiệm” của cha cô gái. Ông trưởng làng, vì sự an nguy của người dân trong làng đã đích thân đi săn hổ, nhưng đã bị hổ ăn thịt. Người dân trong làng vô cùng đau khổ trước cái chết của ông và quyết phải giết bằng được con hổ để trả thù cho ông. Trong số những chàng trai trẻ từng “ứng cử” làm con rể trưởng làng có một chàng – người yêu con gái trưởng làng từ lâu đã tình nguyện vào cuộc tìm giết hổ để trả thù cho trưởng làng – cha người yêu mình. Chàng trai đã lựa chọn cách săn hổ khác với những người đi trước. Anh không đặt bẫy mà dùng cung tên bắn hổ bằng những mũi tên tẩm độc và nhờ vào sự hỗ trợ của chính người em trai của người yêu, cuối cùng chàng trai đã giết được con hổ. Và lẽ dĩ nhiên, với công trạng vô cùng to lớn đó, chàng trai không những được lòng tất cả dân làng mà còn lấy được người con gái mình yêu… Đây là bộ phim câm cuối cùng sử dụng công nghệ Two-strip Technicolor. Bộ phim được đạo diễn Henri de la Falaise thực hiện từ năm 1935 nhưng sau đó lại bị thất lạc gần 60 năm. Chỉ đến khoảng những năm 2000, người ta mới tìm lại được những thước phim 16mm đen trắng của bộ phim này. Henri de la Falaise (1898-1972), sinh ra tại Pháp nhưng trưởng thành tại Mỹ. Ông đã thực hiện khoảng 5 phim (tài liệu và phim truyện), trong đó nổi bật nhất là những phim tài liệu tập trung khai thác các vùng đất mới với nhiều phong tục cổ truyền mang màu sắc bản địa. Ðầu năm 1937, một thương gia người Hoa giàu có ở Hải Phòng tên Trịnh Lâm Ký đã tiếp xúc với An Nam Nghệ sỹ đoàn, bàn việc đưa một đoàn diễn viên Việt Nam sang Hong Kong quay phim. Nhưng việc không thành vì xảy ra cuộc chiến Trung – Nhật. An Nam Nghệ sỹ đoàn tiếp tục vận động những người giàu có ở Hà Nội bỏ tiền ra làm phim, nhưng không có kết quả. Cuối tháng 11 năm 1937, An Nam Nghệ sỹ đoàn ký được một hợp đồng làm phim với Công ty điện ảnh Nam Trung hoa (The South China Motion Pictures Co.) để sản xuất bộ phim truyện dài Cánh Đồng Ma. Theo hợp đồng, phía Việt Nam chịu trách nhiệm viết kịch bản, cung cấp 22 diễn viên cho các vai chính phụ trong phim, tự chi tiền vé khứ hồi bằng đường thủy Hải Phòng – Hong Kong – Hải Phòng, trả tiền thù lao cho các diễn viên và sẽ được hưởng 15% lợi nhuận sau khi trừ toàn bộ chi phí. Phía Công ty điện ảnh Nam Trung Hoa cử người làm đạo diễn, quay phim cùng các chuyên viên kỹ thuật, phương tiện máy móc, tổ chức sản xuất, in tráng, hậu kỳ, in hàng loạt các bản phim để chiếu ở các rạp, được hưởng 85% lợi nhuận. Kịch bản phim Cánh Đồng Ma do Ðàm Quang Thiện viết (bút danh trên phim là Nguyễn Văn Nam). Nhân vật chính là Hùng, một sinh viên trường Y, học hành rất thông minh, nhưng vì xuất thân trong một gia đình bất hảo (cha mẹ đều là dân ăn chơi) nên Hùng nhiễm cái gien của cha mẹ mình. Do vậy, càng hấp thu được nhiều kiến thức khoa học, Hùng càng có nhiều hành động dị thường. Ðàm Quang Thiện vốn là một sinh viên Y khoa, nên kịch bản của ông muốn chứng minh cho luận thuyết di truyền trong y học. Song, Công ty điện ảnh Nam Trung Hoa cùng Ðạo diễn Trần Phì, người Trung Hoa, đã tự ý sửa nội dung kịch bản, biến nó thành một phim trinh thám với nhiều máu và đàn bà. Các nghệ sỹ Việt Nam cực lực phản đối nhưng không kết quả. Họ đành phải uất ức mà diễn theo những nội dung không có từ trước trong kịch bản. Sau 13 ngày quay cật lực, phim Cánh Đồng Ma đã hoàn thành giai đoạn quay vào ngày 30-1-1938. Sau khi xong Cánh Đồng Ma, Công ty Nam Trung Hoa đã dụ dỗ 6 diễn viên người Việt ở lại Hong Kong để quay tiếp cho họ phim Trận Phong Ba, một phim 100% là phim Hong Kong tuy câu chuyện nói về người Việt và do người Việt đóng. Truyện phim kể về cuộc đời của một học sinh gốc nông thôn được cha mẹ cho ra thành phố ăn học, nhưng đã sa ngã trong “gió bụi kinh thành”. Cuối cùng chàng bị cha mẹ, vợ hiền từ bỏ, nên đã tự tử để thoát đời trần tục. Phim Trận Phong Ba khởi quay 6 ngày sau khi kết thúc cảnh quay cuối cùng của phim Cánh Đồng Ma. Công ty Nam Trung Hoa gấp rút hoàn thành phim này với âm mưu tung ra chiếu trước phim Cánh Đồng Ma. Do phim làm một cách cẩu thả, vội vã nên khi đưa sang chiếu ở Việt Nam bị người xem kịch liệt phản đối la ó ầm ĩ ngay trong rạp. Báo chí ở Việt Nam hồi ấy đều cho rằng đây là một thứ hàng giả dán nhãn hiệu Việt Nam, đồng thời cũng lên án 6 diễn viên người Việt ở lại Hong Kong để đóng phim này. Ðến đầu tháng 7 năm 1938, phim Cánh Đồng Ma mới được Công ty Nam Trung Hoa tung ra chiếu (sau Trận Phong Ba 1 tháng). Tuy có hơn Trận Phong Ba một chút, nhưng khán giả cũng như dư luận báo chí đều chê trách những yếu kém của phim. Sau Cánh Đồng Ma, các nghệ sỹ trong An Nam Nghệ sỹ đoàn còn tham gia hai phim truyện nói tiếng Pháp do Hãng Franco Film thực hiện tại Việt Nam rồi không tiếp tục hoạt động nữa vì không có ai dám bỏ vốn ra làm phim tiếp. An Nam Nghệ sỹ đoàn chỉ tồn tại trong 2 năm nhưng họ đáng được ghi nhận như những người Việt Nam đầu tiên hợp tác làm phim với nước ngoài, tuy không đựơc thuận lợi như ta đã biết. Cuối năm 1937, chủ Hãng đĩa hát Asia tên là Nguyễn Văn Ðinh, vốn là một kỹ sư say mê nghệ thuật điện ảnh, đã cho ra đời Hãng phim Châu Á (Asia Film) tại Sài Gòn. Ông bỏ tiền mua máy móc thiết bị từ bên Pháp về để sản xuất phim có tiếng cỡ 35mm đầu tiên tại Việt Nam. Ðầu năm 1938, hãng Asia Film khởi quay bộ phim đen trắng 35mm Trọn Với Tình có độ dài 90 phút. Ðạo diễn là Nguyễn Văn Danh (tức Tám Danh), xuất thân từ nghệ sỹ sân khấu cải lương. Kịch bản, quay phim và dựng phim do Giám đốc hãng là Nguyễn Văn Ðinh thực hiện. Phim được quay và làm hậu kỳ hoàn toàn tại Việt Nam do các chuyên viên kỹ thuật Việt Nam đảm nhiệm mà lực lượng nồng cốt là các kỹ thuật viên của hãng đĩa Asia. Trình độ nghề nghiệp thấp, kỹ thuật non yếu không thể mang lại thành công cho phim Trọn Với Tình như mong đợi. Dầu sao, khi tung ra chiếu vào đầu năm 1939, người xem cũng tới rất đông để cổ vũ cho phim nước nhà, vì đây là một bộ phim “có tiếng nói” 35mm đầu tiên tại Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất. Sau Trọn Với Tình, Nguyễn Văn Ðinh còn cho ra tiếp 3 phim nữa do mình tự viết kịch bản, tự đạo diễn, tự quay phim, dựng phim v.v… Ðó là các phim: Cô Nga Dạo Thị Thành(1939), Khúc Khải Hoàn và Toét Sợ Ma (1940), nhưng nghệ thuật và kỹ thuật của cả 3 phim đều không hơn gì Trọn Với Tình. Từ năm 1940, hãng phim Châu Á ngừng hoạt động cho đến những năm 60, mới hoạt động trở lại tại Sài Gòn. Năm 1939, một hãng phim mới ra đời nữa tại Sài Gòn là hãng Việt Nam Phim với bộ phim truyện ra mắt có tên là Một Buổi Chiều Trên Sông Cửu Long. Phim được quay 16mm, có độ dài 90 phút với âm thanh ngoài phim (nhạc, lời, tiếng động được thu vào đĩa, khi chiếu được bật lên cùng hình ảnh). Thực sự đây là một phim “câm “do Nguyễn Tấn Giầu viết kịch bản, đạo diễn, quay phim, viết nhạc kiêm giám đốc sản xuất. Phim kể về một cô gái bất hạnh bị cha mẹ ép gả cho một trọc phú ít học, cục mịch và thô lỗ, nên đã cùng người yêu chạy trốn ngay trong đêm tân hôn. Không may, người yêu trượt chân ngã xuống thác nước chết. Cô gái chôn cất người yêu xong, cắt tóc đi tu. Phim Một Buổi Chiều Trên Sông Cửu Long chỉ ra mắt được vài buổi ở Sài gòn và Mỹ Tho rồi không thấy được chiếu ở đâu nữa. Cuối năm 1939, Nguyễn Tấn Giàu lại bắt tay làm tiếp phim truyện hài Lão Thầy Pháp Râu Đỏ và phim tài liệu Ðèo Ngang Tức Cảnh. Cả hai phim này đều chung số phận “chết yểu” như bộ phim trước. Dầu sao cũng cần ghi nhận rằng: Qua những bộ phim của mình, Nguyễn Tấn Giầu có ý định phê phán xã hội Việt Nam đương thời như việc ép duyên, mê tín dị đoan v.v… Đầu thập niên 40 còn nổi lên nghệ sỹ Hoàng Vĩnh Lộc, ông là người rất nặng lòng với phim ảnh. Ông tên thật là Nguyễn Văn Bé, sinh năm 1926 tại Đức Nghĩa, Phan Thiết. Vì ưa thích tự do và ca hát nên dù 17 tuổi đã đậu Primaire, ông vẫn không thích vướng vào nghiệp quan trường. Thời đó, tại Phan Thiết hai cuốn phim trắng đen do vợ Phạm Ngọc Thìn là cô Bê đóng chung với các tài tử Duy Chánh, Mai Hiếu và Lê Quỳnh đã khiến công chúng say mê. Hai bộ phim này là sản phẩm của Hoàng Vĩnh Lộc sản xuất. Ðến đây có thể nói đã chấm dứt giai đoạn khởi đầu của điện ảnh Việt Nam, bắt đầu từ buổi chiếu phim tại Hà Nội ngày 28/4/1899, cho đến thời điểm 3 bộ phim chết yểu của hãng Việt Nam phim vào năm 1939. Ðiều đáng chú ý là đến năm 1940, số lượng rạp chiếu bóng ở Việt Nam đã vượt quá con số 60, trên dân số lúc đó là 20 triệu người, chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Huế. Ðiện ảnh không còn xa lạ với người dân đô thị Việt Nam. Lẽ ra trước sự hâm mộ của đông đảo khán giả đối với bộ môn nghệ thuật mới mẻ này, nền sản xuất phim Việt Nam đã có thể tiến bước mạnh mẽ hơn. Tiếc rằng điều đó đã không xảy ra. Một mặt vì sự non kém, thiếu học hỏi chuẩn bị đến nơi đến chốn của những người làm phim Việt Nam, một mặt do chính quyền thực dân Pháp cũng không khuyến khích, thậm chí còn kiềm chế để giành lợi thế cho các công ty kinh doanh phim, nhập khẩu phim mà chủ là những người Pháp. Một số rạp chiếu phim còn bị chính quyền thực dân đe doạ không cho nhập phim nước ngoài nếu chiếu phim do người Việt Nam sản xuất. Dầu sao trong quãng thời gian từ 1924 – 1939, người Việt Nam đã sản xuất được một số phim. Đó cũng là một nỗ lực trong việc muốn thể hiện mình, cho dù các hãng phim hay nói đúng hơn là các nhóm làm phim, chỉ hoạt động được một thời gian ngắn vì thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ thuật, bị các nhà tư sản Pháp độc quyền mạng lưới chiếu bóng và chính quyền thuộc địa gây nhiều khó khăn. Sau năm 1940, Nhật tiến vào Đông Dương, người Việt Nam không còn ai đứng ra làm phim. Các rạp chỉ chủ yếu chiếu phim Nhật và các nước đồng minh của Nhật mà thôi. Đó là những tư liệu quý thời điện ảnh Việt còn phôi thai, những người làm nghệ thuật cũng như tài tử đóng phim Việt Nam thời ấy còn rất non nớt trong chuyện làm nghề, họ làm phim bởi niềm say mê điện ảnh là chính, nhiều người còn chưa thuộc nổi những thuật ngữ cơ bản của nghệ thuật điện ảnh chuyên nghiệp. Có một câu hỏi, không biết những người làm công tác lưu trữ điện ảnh hiện nay có đặt ra : Những bộ phim nói trên hiện đang trôi nổi ở đâu? Và liệu có nên bắt tay vào công cuộc tìm kiếm và thu thập lại những tư liệu mang tính lịch sử ấy? Lê Quang Thanh Tâm Ảnh đa phần của: Albert Kahn – Vietnam 1910