Hãy cùng xem một vài lời khuyên từ nhiều nhà làm phim để trở thành một đạo diễn thành công mà tôi đã chép vào sổ tay nhé. Đúng vậy, tôi có một quyển sổ tay. Mà thật ra thì tôi có rất nhiều sổ tay. Trong những quyển sổ ấy, tôi đã ghi chép tất cả những chi tiết đáng giá nhất mà tôi học hỏi được trong suốt những năm tháng làm phim và làm đạo diễn. Vài chi tiết tôi lấy được từ những lớp học mình đã tham gia, số khác từ các hội nghị hay các cuộc diễn thuyết mà tôi được tham dự hay được xem. Cũng có một số tôi được học trực tiếp từ thực tế hay chứng kiến tại nơi làm việc. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ hé lộ những ghi chép này và chia sẻ với các bạn những điều then chốt nhất để trở thành một đạo diễn thành công mà tôi đã học được trong những năm qua. Hãy nghe lời mẹ bạn – và cả Spielberg nữa. Một trong những lời khuyên hay nhất tôi từng được nghe là nếu toàn tâm toàn ý, bạn có thể làm được tất cả và bạn nên luôn có những giấc mơ lớn. Lời khuyên vàng này không phải của một đạo diễn nổi tiếng hay một chuyên gia, mà là từ mẹ tôi. Từ nhỏ, tôi đã luôn được nghe đi nghe lại lời khuyên ấy. Giấc mơ có ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta và thúc đẩy chúng ta vươn đến mục tiêu lớn của cuộc đời mình, nhưng bạn cần mở lòng để nghe và nhận biết giấc mơ của mình. Steven Spielberg đã nói trong một bài phát biểu nổi tiếng: “Khi bạn có một giấc mơ, không phải lúc nào giấc mơ ấy cũng rõ ràng dõng dạc, đôi khi nó chỉ như lời thầm thì bên tai.” Ông ấy hoàn toàn đúng. Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi thường chơi với những nhân vật mô hình của mình và dựng lại những cảnh phim mà tôi đã xem. Tôi nằm xuống đất và nhắm một mắt lại để có thể tập trung vào cảnh diễn. Nhưng lúc ấy tôi không nhận ra rằng giấc mơ của tôi đang thầm thì với mình…”Này, cậu nên làm phim đi”. Tôi mất một thời gian dài để nghe thấy giấc mơ của mình, nhưng từ ngày tôi nghỉ việc ở công ty và trở về với phim ảnh, tôi chưa bao giờ quay trở lại công việc trước kia. Hãy ước mơ. Hãy mơ những giấc mơ lớn. Đây là lời phát biểu của Spielberg mà tôi vừa đề cập ở trên. Cố gắng xem tất cả những gì bạn có thể. Spielberg từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng ông xem tất cả các bộ phim bom tấn mùa hè tại rạp phim địa phương gần nhà ông. Đây cũng là đặc điểm của rất nhiều nhà làm phim thành công mà tôi được gặp gỡ hay nghe từ các bài phát biểu của họ. Chẳng hạn, Martin Scorsese đã từng nói nhiều lần rằng suốt thời niên thiếu, ông chỉ có “rạp chiếu bóng và nhà thờ.” Đến ngày nay, ông ấy (và rất nhiều đạo diễn khác, mà nổi tiếng nhất là Quentin Tarantino) vẫn xem tất cả các bộ phim mà ông có thể xem được. Thật ra thì trước khi trở thành đạo diễn, Tarantino đã làm việc tại một cửa hàng băng đĩa, nơi ông nổi tiếng viết một danh sách những bộ phim yêu thích của mình. Cũng như một nhà văn sẽ đọc sách thường xuyên, hay một họa sĩ nghiền ngẫm và nghiên cứu các bức tranh, thì chúng ta là những nhà làm phim, những đạo diễn - cần xem phim và chú ý học hỏi từ các tác phẩm của các đạo diễn khác. Hãy là một lãnh đạo và biết trao đổi thông tin. Đây là một lưu ý quan trọng trong sổ tay mà tôi học hỏi được từ đạo diễn thắng Giải thưởng của Viện hàn lâm (Academy Award) Barbara Kopple: Lãnh đạo và trao đổi thông tin, cả hai đều được tô sáng và gạch dưới. Trong bài phát biểu của mình, bà nhắc đi nhắc lại về việc đạo diễn cần thiết là một lãnh đạo đầy sáng tạo trong ekip sản xuất. Nhưng bà nói họ cũng cần biết cách trao đổi ý tưởng rõ ràng và hiệu quả với tất cả các bộ phận hợp tác khác. Tôi đã từng làm việc với các bộ phim mà nhà đạo diễn không quyết đoán và không chắc chắn về sản phẩm của mình, cuối cùng cho ra một sản phẩm kém chất lượng. Tôi cũng đã làm việc với bộ phim mà đạo diễn không trao đổi ý tưởng một cách rõ ràng với các thành viên trong đội, dẫn đến cãi vã và bất đồng sâu sắc. Một điều tôi khuyến khích các bạn làm đạo diễn là hãy học các thuật ngữ để nói chuyện phù hợp với từng thành viên trong đội của mình. IMDb có một kho danh sách thuật ngữ cho bạn. Khuyến khích các cuộc tranh luận mở. Chấp nhận các chỉ trích. Xem bài phê bình như bài học quý. Đây là yếu tố quan trọng không kém lời khuyên về lãnh đạo và trao đổi thông tin. Là đạo diễn, đừng suy diễn. Đừng suy diễn rằng từng thành viên trong đội của bạn đều đồng quan điểm với cách làm việc của bạn. Tôi đã từng làm việc với nhiều đạo diễn nói rằng “Tôi không quan tâm họ nghĩ gì cả.” Tôi là một trong những người cho rằng cách làm việc này điên rồ và tiêu cực. Tôi luôn được nhắc nhở rằng…hãy lắng nghe ekip của mình, khuyến khích các cuộc tranh luận mở. Đây không phải công việc một người có thể làm được,và có rất nhiều con người tài năng đã gắn được tên lên tác phẩm của mình. Và, cũng hãy sẵn sàng đón nhận chỉ trích và các bài phê bình. Đây là sai lầm mà tôi thấy được qua nhiều năm từ rất nhiều đạo diễn và nó khiến tôi phát điên. Trong những năm đầu chập chững vào đời, tôi đã từng là một nhà vẽ tranh minh họa và là một nghệ sĩ concept artist, và dù tôi học tại trường nghệ thuật hay làm việc, nếu tôi không nhận được những lời chỉ trích hay phê bình về tác phẩm của mình, nghĩa là tác phẩm của tôi chưa đạt. Không ai có thể làm việc gì một cách hoàn hảo cả, vì thế hãy mở lòng và sẵn sàng đón nhận ý kiến của người khác. Hiểu về tư duy hình ảnh. Với một đạo diễn, khả năng hiểu về tư duy hình ảnh là vấn đề tối quan trọng. Nếu bạn không chắc tư duy hình ảnh là gì, vậy chúng ta hãy xử lý nó trước. Định nghĩa cơ bản nhất: tư duy hình ảnh là khả năng biến thông tin hoặc hiểu thông tin nhận được qua hình ảnh. Nghĩa là chúng ta cố gắng tạo ý nghĩa cho những thứ ta nhìn thấy. Với đạo diễn, không có gì quan trọng hơn điều này. Để có cái nhìn sâu hơn về tư duy hình ảnh và hiệu ứng của nó trong điện ảnh, hãy xem 2 video phỏng vấn Martin Scorsese và George Lucas sau đây. Phần bắt đầu, phần kết thúc và phần giữa. Lời khuyên hài hước nhất tôi được nghe là từ một đạo diễn phim tài liệu thắng Giải thưởng của Viện Hàn lâm (Academy Award), ông bảo tôi rằng để có một bộ phim thành công, bạn cần “có một mở đầu và một kết thúc tuyệt vời, những thứ ở giữa chẳng quan trọng gì đâu”. Đây không hẳn là một lời khuyên tiêu cực, mà đúng hơn là một lời nhắc nhở. Ông giải thích thêm rằng những đạo diễn như bạn cần nhận thức rằng phần đầu của bộ phim là một mồi câu. Nếu bạn không câu được khán giả trong vài phút mở đầu, bạn sẽ không bao giờ câu được họ. Thực tế thì khả năng cao là bạn sẽ mất đi khán giả. Và phần kết thúc cũng quan trọng như phần mở đầu. Là đạo diễn, bạn cần khiến khán giả muốn thấy điều mà họ được xem ở phần mở đầu…một lời giải thích hay một kết luận. Mọi thứ ở giữa chỉ là cách chúng ta dẫn dắt họ từ khi câu được họ ở phần mở đầu đến kết luận hay lời giải thích sau cùng. Luôn nhìn qua ống kính trước khi quay. Giữ cái nhìn toàn cục. Tôi nghe được lời khuyên này trong một hội thảo vài năm về trước. Tôi không ghi lại tên tác giả của nó, nhưng dù sao thì đây là một câu nói ngắn bổ ích. “Luôn kiểm tra ống kính trước khi bắt đầu quay.” Đây là một câu nói đơn giản và dễ nhớ. Tôi chưa bao giờ nghĩ việc này là một vấn đề cả, và nó không phải vấn đề tôi từng gặp phải, nhưng tôi có những người bạn thân tham gia làm những bộ phim kinh phí lớn, và nói rằng họ bất ngờ vì rất nhiều lần đạo diễn không thấy cách sắp xếp bố cục cho đến khi xem lại. Tôi phải nói lại rằng việc này thật điên rồ. Là một đạo diễn, bạn cần tin tưởng đạo diễn hình ảnh của mình – nếu không, bạn có họ để làm gì? Để làm việc một cách hiệu quả - trước khi bạn bắt đầu quay bất cứ cảnh nào – nhìn qua ống kính và đảm bảo rằng cảnh quay bạn thấy chính là cảnh quay bạn muốn. Đừng chờ đến khi xem lại cảnh quay mới thấy rằng nó không đúng ý bạn. Lúc đó bạn đang phí phạm thời gian và tiền bạc của người khác. Và bạn không thể lãng phí chúng như vậy. Hãy kiên nhẫn. Làm việc thông minh và bình tĩnh trước mọi vấn đề. Hãy nhớ rằng vấn đề sẽ luôn nảy sinh. Là lãnh đạo ekip sản xuất của mình, bạn cần giải quyết các vấn đề ấy một cách thông minh và bình tĩnh. Chỉ vài lần hiếm hoi tôi thấy một đạo diễn giải quyết vấn đề một cách trễ nải và chủ quan. Thật ra, phần lớn rất nhiều đạo diễn tôi gặp có thể giữ bình tĩnh (thay vì nổi nóng) khi gặp vấn đề. Đây là đặc trưng của một đạo diễn thành công. Khi nổi nóng lúc gặp phải vấn đề, bạn không giúp được ai cả. Chẳng hạn như, vài năm trước tôi đang quay một bộ phim ngắn và hôm ấy nhân viên thu âm của tôi đang có chuyện không vui. Trong một cảnh quan trọng, anh ta cứ nhấn nhầm nút dừng thay vì nút ghi âm. Sau khi cảnh quay hoàn thành, anh ta nhận ra lỗi của mình và đến nói chuyện với tôi. Tôi nhớ đã rất tức giận…sao anh ta có thể quên một việc như thế được chứ? Và rồi tôi nhớ lại những lần tôi phải nhận lời phê bình hay chỉ đơn giản là làm hỏng việc. Tôi nói với các thành viên còn lại trong đội rằng chúng tôi cần quay lại cảnh phim. Tôi cũng nhận lỗi về mình. Không cần phải đưa anh chàng này ra để nhận chỉ trích. Nếu lúc đó tôi mất bình tĩnh và nổi nóng với anh ta, mọi thứ chỉ tệ hơn mà thôi. Nếu vấn đề vô cùng nghiêm trọng thì hãy có cuộc họp kín với cá nhân đó (cùng với nhà sản xuất) để tranh luận chi tiết. Không ai thích làm việc cho một kẻ gàn dở cả, nên đừng trở thành kẻ gàn dở. Hãy thể hiện sự vị tha với các cộng sự và ekip của bạn như sự vị tha bạn được nhận lúc mới vào nghề. 24hinh.vn tổng hợp và dịch