Trương Nghệ Mưu là một cái tên không còn xa lạ đối với điện ảnh Việt Nam. Những cái tên mình được nghe đến nhiều, sau năm 2000 là Thập diện mai phục, Hoàng Kim Giáp. Những ai là tín đồ của thể loại phim võ thuật, hẳn là không thể bỏ qua 2 phim này. Còn những phim trước năm 2000, cái tên mình nhớ đến nhiều nhất là Đèn lồng đỏ treo cao-với nữ diễn viên nổi tiếng như Củng Lợi, vì sau này mình có xem một phim cũng nội dung gần giống, nhưng là phiên bản truyền hình, chứ phim của Củng Lợi thì vẫn chưa xem. Thú thực, Đường về nhà mình được nghe đến ít hơn. Có lẽ, vì sau năm 2000, người ta hay quảng cáo rầm rộ mấy phim mới. Lên youtube có nghía qua mấy cái video nói về phim (có cả một cái của VTV1) mới biết phim này nổi tiếng một thời và dành được nhiều giải thưởng đến vậy. Đề tài tình yêu là một đề tài muôn thuở của các nhà làm phim. Mà có khai thác đi khai thác lại thì nó cũng chẳng bao giờ cũ. Bởi vì trong đời sống của con người, ai cũng có cái tình cảm ấy. Trải qua bao năm tháng nó thay đổi cùng sự thay đổi của mọi người và của môi trường mà ta đang sống. Dạo này xem nhiều phim tình cảm, phần lớn là khoảng 2012 đổ lại, mới nhận ra sau khi xem Đường về nhà, thì tự hỏi trong lòng: Làm sao trên đời lại có một tình yêu giản dị và đẹp đẽ đến thế? Có lẽ, chính cái cách làm phim, quay phim một cách chân thực, khiến mình thấy bộ phim rất “thực”. Mối tình của một cô gái miền quê hẻo lánh, tên Di (do Chương Tử Di đóng khi cô ấy mới chỉ 20 tuổi), còn trong phim cô gái tên Di 18 tuổi và người thầy giáo từ trên thành phố về quê dạy học, hơn Di 2 tuổi. Đó là lứa tuổi đẹp nhất của tình yêu. Cả bộ phim là mạch hồi tưởng của người con trai tên Vũ Thăng-kết tinh của mối tình đó, bắt đầu từ khi anh về nhà, tiễn đưa cha lần cuối, cho đến câu chuyện tình yêu-là nội dung chính của bộ phim, và cuối cùng kết thúc khi anh trở về với hiện tại, cùng người mẹ đối mặt với hiện thực. Hóa ra con đường trong Đường về nhà của Trương Nghệ Mưu chính là con đường bắt đầu của tình yêu, dẫn lối của tình yêu, chứng kiến diễn biến của tình yêu ấy và cũng là kết thúc của tình yêu ấy. Con đường đã đưa người thầy giáo đến với người con gái anh yêu. Con đường cũng là nơi cô gái ấy đã chờ đợi chàng trai nhiều ngày trong lạnh giá. Vì thế, Di-của nhiều năm về sau, một phụ nữ hơn 60 tuổi, một người đã làm mẹ vẫn muốn đi cùng người chồng của mình trên con đường ấy một lần cuối, như là để lưu giữ những kỷ niệm bình dị mà đẹp đẽ, của một tuổi trẻ đáng ghi nhớ suốt đời. Chủ đề chính của phim là câu chuyện tình yêu của Di và thầy giáo, vậy nên Trương Nghệ Mưu đã cố tình để mạch hồi tưởng ấy là những thước phim màu, còn màu sắc của hiện tại cùng người con trai, lại là gam màu đen trắng. Tình yêu ấy được tô điểm bởi màu sắc của khung cảnh thảo nguyên Bá Thượng thuộc huyện Phong Ninh (huyện tự trị dân tộc Mãn), địa khu Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Với màu vàng lấp lánh dưới nắng của chiếc lá trong những ngày thu, màu sắc của những thảm cỏ hay màu đỏ của chiếc áo mà người con gái hay mặc để đợi chờ người thầy giáo, sau những giờ học thầy đưa trẻ về nhà. Người con trai trong phim đã nói rằng “khi cha tôi nhìn thấy mẹ tôi mặc chiếc áo đỏ đứng đợi ở đó, cha không bao giờ đi nữa”. Màu đỏ, cũng là màu áo mà các cô dâu Trung Quốc ngày xưa hay mặc trong ngày cưới. Có thể nói cách sử dụng màu sắc trong bộ phim này là vô cùng đặc sắc, nó gợi lên những gì đẹp đẽ và tự nhiên nhất của thiên nhiên, giống như sự đâm chồi và nảy nở của tình yêu giữa hai con người. Trương Nghệ Mưu đã đưa những hình ảnh “thuần túy”, như là cái đẹp vốn có của tạo hóa, của cuộc sống đời thường lên phim, một cách bình dị mà gần gũi, sống động Nói tình yêu giữa người con gái tên Di và thầy giáo là tình yêu đẹp, có lẽ bởi vì nó được diễn tả theo một cách rất riêng. Đó bắt đầu bằng ánh mắt đầu tiên khi 2 người gặp mặt, bằng sự yêu thích giọng dạy học của Di với thầy giáo. Trong phim, Di luôn nhắc đi nhắc lại rằng, cô không bao giờ quên được giọng nói ấy, và “chẳng có người giáo viên nào có giọng đọc hay như cha con”. Giọng nói ấy cũng chính là nỗi nhớ, nỗi buồn khi thầy giáo đi xa. Giọng nói ấy cũng thức tỉnh Di khi cô ốm nặng sau khi trở về từ cơn bão tuyết. Ngay cả những câu tình cảm của đôi lứa yêu nhau, cũng là những câu mà sau khi hai người đã thành vợ thành chồng, nói với cậu con trai của họ, hoặc là câu nói của bà ngoại anh “Di, thầy giáo đã về đêm qua, cậu ấy ngồi cạnh con rất lâu”. Hay anh đã tường thuật lại rằng “Tối hôm đó cha tôi lại phải đi, ông ấy đã trốn từ thành phố để lẻn về làng. Ông ấy không kiềm nổi”. Thực ra, đây đích thực là một bộ phim dành cho Chương Tử Di, bộ phim đưa cô đến với ánh sáng của màn bạc, như là bệ phóng của một vai diễn.Trong Đường về nhà, hình ảnh người thầy giáo xuất hiện khá ít mà hầu như hiện lên đẹp đẽ qua suy nghĩ và tình cảm của Di. Lúc đầu, mình cứ nghĩ tình yêu của 2 người họ chỉ đẹp giản dị vậy thôi. Mình cũng cứ tưởng, cô gái thôn quê ấy sẽ chỉ đứng bên con đường và chờ đợi người con trai ấy thôi. Cảnh mình nhớ nhất trong phim, không phải là những khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, mà lại là hình ảnh Di đi trong bão tuyết lên thành phố để tìm thầy giáo. Mình hơi bất ngờ ở chi tiết này. Có lẽ, mình cứ tưởng một cô gái thôn quê, hiền lành, truyền thống như Di sẽ không có cái hành động ấy. Nếu là bây giờ, có lẽ tình yêu cần nhiều “sự đảm bảo” hơn thế. Hình như cách làm phim của những thập kỷ trước và bây giờ khá khác nhau (tất nhiên là không thể không khác được!!!) vì công nghệ đã thay đổi, xã hội và con người đã thay đổi. Vậy nên, tình yêu nhẹ nhàng mà sâu lắng của hai nhân vật chính thời Cách mạng văn hóa vô sản trong Đường về nhà chắc chỉ tồn tại trên phim. Nhưng phim thì vẫn là phim, cuộc sống thì vẫn là cuộc sống. Và con người thì luôn không ngừng vươn tới những lý tưởng, hoài bão của bản thân, những tình cảm thiêng liêng, đáng trân trọng của cuộc sống.