Tôi không phải là một kẻ thích xê dịch, hay nói đúng hơn, tôi chưa bao giờ rời khỏi “vùng an toàn” của chính mình để dấn thân vào bất cứ một cuộc xê dịch nào, chứ đừng nói đến việc đằm mình trong chuyến đi chinh phục nóc nhà thế giới. Vì thế tôi sẽ chẳng thể nào bình phẩm về một thứ cảm giác mà tôi chưa từng trải qua. Tôi sẽ chỉ biết rằng, đó là cảm giác khi bạn mang cả tâm hồn và sức lực cho một chuyến đi dài như Doug, là cảm giác đứng trên vẻ đẹp hùng vĩ của tạo hóa và mừng vui đến phát khóc vì đó là ngọn núi thứ 7 cô đã đi qua như Yasuko hay cảm giác cô đơn đến tuyệt vọng khi một mình đối diện với cơn bão trên đỉnh Everest như Rob hay Beck. Từng ấy thôi, tôi sẽ chỉ biết và chẳng thể nào thấu hiểu được những điều mà những con người đó đã làm. Nhưng tôi vẫn sẽ dành tặng Everest 2015 những lời khen ngợi mà tôi muốn nói. Thực ra là tôi muốn cảm ơn những người đã làm lại bộ phim này, mặc dù nó đã được chiếu trên sóng truyền hình từ năm 1997 với tựa đề Into Thin Air: Death on Everest. Một bộ phim dựa trên câu chuyện có thật được viết bởi nhà báo Jon Krakauer. Một bộ phim dành cho những kẻ thích xê dịch. Chẳng có những khung cảnh xa hoa tráng lệ hay dàn diễn viên xuất hiện hàng ngày trên các mặt báo, nói ngắn gọn thì nó chỉ đơn thuần mô tả chuyến đi của “một đám người” trèo lên một ngọn núi, kịp đứng đó vài giây rồi lại rồng rắn kéo nhau xuống núi. Nghe thật kỳ cục và buồn cười. Ấy vậy mà, bộ phim vẫn khiến tôi xúc động. Tôi đã khóc khi xem Everest, bởi đây đích thực là một cuộc “hành xác”. Họ có thể chết vì thiếu oxy, vì giá lạnh hay vì những cơn phù phổi cấp. Họ hoàn toàn ý thức được điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong chuyến hành trình chinh phục ngọn núi đó. Và khi họ ngồi nói cho nhau nghe cái lý do họ leo lên Everest, có người nói rằng anh muốn truyền cảm hứng cho những đứa trẻ ở một ngôi trường mà anh có dịp giúp đỡ rằng một người bình thường có thể làm được những điều phi thường, nhưng cũng có những người chỉ cười và nói rằng “Bởi vì ngọn núi ở đó”. Cái đam mê đến sâu sắc ấy, lý do thôi thúc những con người đó bước ra, chỉ có họ mới hiểu được. Và Everest, ở một mặt nào đó, đã truyền tải câu chuyện về “con người” đến với con người thông qua việc tái hiện một câu chuyện có thật. Nó bắt đầu bằng thứ âm nhạc đậm vẻ cô đơn xen lẫn nỗi sợ hãi.Trong suốt quá trình bộ phim diễn ra, hình ảnh ngọn núi sừng sững và những tiếng rít gào của cơn bão khiến tôi cảm thấy cái khung cảnh ánh nắng chiếu rọi đẹp đẽ trên đỉnh Everest thật “đáng sợ” khi chỉ mới hôm qua, cơn bão đó đã cuốn đi sinh mệnh của nhiều con người. Họ nằm lại đâu đó, giữa những kè đá lởm chởm và tuyết phủ trắng ngọn núi. Nhưng có lẽ, khi bạn xem Everest, bạn sẽ chẳng thể nào quên được nhân vật Rob Hall (Jason Clarke). Câu chuyện về Rob được kể chi tiết và hoàn chỉnh. Anh là người dẫn đường và cũng là người kết thúc chuyến hành trình trong Everest. Cái kết của Rob không hề bất ngờ nhưng nó vẫn khiến người xem thổn thức. Không phải chỉ bởi hành động nghĩa hiệp của Rob hay ý chí của con người có thể mạnh mẽ đến phút chót mà còn bởi vì, những con người trực tiếp tham gia vào chuyến hành trình hay những người đang đợi họ trở về, họ lặng lẽ chấp nhận cái rủi ro sau cùng có thể xảy ra đó Dù cho có nhiều ý kiến trái chiều về Everest 2015 bao gồm cả chính tác giả của Into Thin Air, Jon Krakauer. Và sự thực thì, nó không phải là bộ phim mà nhiều người chọn khi ra rạp để xem. Nhưng nếu như ai đã từng xem nó, tôi nghĩ rằng cảm nhận mà Everest mang đến cho khán giả, vẫn rất chân thực và sống động. Thông tin Đạo diễn: Baltasar Kormakur Kịch bản: William Nicholson, Simon Beaufoy Diễn viên: Jason Clarke, Ang Phula Sherpa, Thomas M.Wright.... Thời lượng: 110 phút Hãng phim: Universal Picture Đánh giá: 7,5/10