Cảm nhận I am Sam (2001)- IQ, EQ and Love

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi putu, 16/6/15.

Lượt xem: 4,259

  1. putu

    putu Moderator

    Nhân dịp sắp đến ngày gia đình Việt Nam 28/6, mình sẽ chọn một bộ phim về tình cảm gia đình để review. I am Sam là một bộ phim mà mình rất thích và mỗi lần xem nó thì mình đều thấy xúc động. Lần đầu tiên xem phim, mình đã khóc và lần thứ 2 xem phim, cũng là khóc nốt. Suy cho cùng thì tình cảm gia đình là thứ tình cảm mà người ta sẽ chẳng bao giờ định nghĩa được, vì với mỗi người nó là cả một thể giới, một góc nào đó trong tâm hồn. Bạn có thể lớn lên cùng nó hay không lớn lên cùng nó, có thể hạnh phúc hay đau buồn Dù thứ tình cảm ấy có màu đen hay màu hồng, xám xịt hay tươi sáng thì có một câu khẳng định cuối cùng là “ bạn sẽ chẳng bao giờ bỏ nó đi được”.

    [​IMG]
    I am Sam là câu chuyện về người đàn ông tên Sam (Sam Dawson) do Sean Penn thủ vai. Có một thông tin rất thú vị về Sean, bộ phim đầu tiên mà anh đóng chính là một tập trong seris phim truyền hình Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên- tên phim có lẽ khá quen thuộc với thời thơ ấu của thế hệ 8x, còn trong I am Sam, anh hóa thân vào vai một người cha và gia đình của anh chính là cô con gái bé nhỏ Lucy do Dakota Fanning đóng. Cuộc sống của 2 cha con sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như Sam-một người đã làm cha nhưng chỉ có trí tuệ của một đứa trẻ 7 tuổi. Và những khó khăn cứ liên tiếp xảy ra khi Lucy dần lớn lên theo thời gian, Lucy cũng ý thức được rằng cha mình không giống những ông bố khác. Vào lần sinh nhật lần thứ 6 tuổi của Lucy, biến cố đã xảy ra với 2 bố con khi vấn đề về trí tuệ và khả năng làm cha của Sam có liên quan đến tòa án và pháp luật. Họ cho rằng anh không còn đủ khả năng để nuôi Lucy nữa. Sam buộc phải tìm cho mình một luật sư để giúp anh giành quyền nuôi con gái. Và cái trách nhiệm tưởng chừng như khó khăn ấy đã được giao cho nữ luật sư Rita Harrison ( Michelle Pfeiffer). Như bao câu chuyện về gia đình khác, phim kết thúc với một kết thúc đẹp và nhẹ nhàng, bằng một khung cảnh bình dị trong cuộc sống.Nó đã chỉ ra một thông điệp sâu sắc rằng “ tình yêu thương đối với một người thì không thể chỉ được quyết định bởi trí tuệ của họ”
    Phim là sự góp nhặt của vô vàn những tình tiết giản dị của cuộc sống, mà một cách vô tình hay cố ý, đôi khi chúng ta đã để nó ngủ quên ở một góc trong tâm hồn, đến nỗi ta chẳng buồn nhớ đến. Có lẽ I am Sam thành công vì nó đã đưa những chi tiết tưởng chừng như rất bình thường ấy lên màn ảnh, nhưng lại làm cho chùng trở nên gần gũi và đầy cảm xúc. Ta có thể bắt gặp những hình ảnh ấy ở bất cứ đâu: một con đường với những dòng xe cộ hối hả qua lại, một quán Starbucks với những cốc cà phê thơm ngon xen giữa những ngôi nhà cao tầng trong thành phố, hay chỉ đơn giản là một công viên nhỏ cùng với chiếc xích đu... Và sẽ còn rất nhiều những điều những hình ảnh giản dị như thế mà bạn sẽ bắt gặp khi xem bộ phim này
    1.Sam ( Sean Penn)
    [​IMG]

    Có thể nói, trong I am Sam, Sean Penn đã đem đến cho người xem những cảm nhận hoàn toàn mới. Phim mở đầu bằng hình ảnh những chiếc túi nhỏ, những chiếc cốc trong quán Starbucks nơi Sam làm công việc phục vụ cà phê cho khách được anh sắp xếp một cách gọn gàng, tỷ mỷ. Và câu Sam nói thường xuyên nhất với khách hàng, mỗi lần anh mang đồ uống cho họ đó là “That’s a wonderful choice”. Anh xuất hiện trước mắt khán giả với một hình ảnh bình dị nhất của cuộc sống. Và cái khoảnh khắc Lucy đến với thế giới có lẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời Sam. Mặc dù Sam có chỉ có trí tuệ của một đứa trẻ lên 7, và anh chẳng có kinh nghiệm làm cha, thậm chí Sam còn chẳng được trải qua tuổi thơ của mình như nhiều đứa trẻ bình thường khác. Anh lớn lên với tình thương của một tổ chức từ thiện, và theo một cách vô tình, Lucy đã xuất hiện trong cuộc sống của Sam. Nhưng những điều đó chẳng là gì so với món quà là một cô bé như thiên thần mà cũng như một món quà mà anh đã nhận được. Sam chăm sóc cô bé, đưa cô bé đi làm cùng. Sam đọc những câu chuyện mà anh yêu thích hàng đêm cho Lucy nghe (Green Eggs and Harm của Seuss), mua giày cho cô bé khi bắt đầu đến tuổi đi học, đưa cô bé đi chơi công viên, tham dự buổi họp phụ huynh của cô bé. Thực ra trong quãng thời gian 6 năm của Lucy, Sam có mặt ở mọi thời điểm, trên mỗi chặng đường mà Lucy lớn lên
    Điều đặc biệt ở Sam, không phải chỉ là anh chỉ có tình yêu thương vô điều kiện dành cho Lucy (điều mà cha mẹ nào dường như cũng dành nó cho con cái của họ), mà anh còn hoàn toàn ý thức được trí tuệ của mình. Sean Penn đã lột tả hình ảnh của một người thiểu năng vô cùng thành công, với đôi bàn tay luôn nắm lại, run run và sự khó khăn trong phát âm, việc anh hay trích dẫn những điều trên phim ảnh, âm nhạc... được xem như là “thừa thãi” trong những cuộc đối thoại với mọi người. Nhưng anh luôn động viên Lucy hãy ước mơ. Anh vui khi cô bé làm những việc mà anh không làm được, như việc Lucy có thể đọc được những từ mà anh cảm thấy khó khăn trong quyển truyện mới. Vì điều đó khiến Sam hạnh phúc. Đó dường như là cảm giác tự hào về con cái. Liệu cha mẹ của chúng ta có bao giờ thẳng thắn nói với chúng ta rằng: bố/mẹ hạnh phúc khi thấy con làm được cái này, cái kia hay nói rằng hãy luôn luôn ước mơ con nhé? Bố/mẹ chúng ta làm như thế bao nhiêu lần khi họ ở bên chúng ta?

    [​IMG]

    Có một trích đoạn trong phim khiến mình phải suy nghĩ. Khi Sam nói về cách làm thế nào để trở thành một bậc cha mẹ tốt trong phiên tòa giành quyền nuôi Lucy. Sam nói rằng, anh đã nghĩ về điều đó rất nhiều và theo anh, đó chỉ là tình yêu thương, lòng kiên nhẫn và sự lắng nghe khi con cái cần. Tại sao mình lại dùng từ “chỉ”. Vì với những người có IQ của một người trưởng thành, đó là điều đương nhiên, thậm chí cha mẹ nghĩ rằng họ có thể cho chúng ta nhiều thứ tốt hơn thế. Nhưng với Sam, đó dường như là tất cả, và anh dùng từng giây phút trong cuộc đời mình để làm điều đó. Bạn có muốn nói rằng, trong một khoảnh khắc, một thời điểm nào đó trong đời, bạn chỉ cần cha mẹ lắng nghe bạn thôi, mà không cần gì hơn thế.
    [​IMG]

    2. Lucy (Dakota Fanning)
    [​IMG]

    Vẻ đẹp như thiên thần của Dakota có lẽ sẽ khiến người xem nhớ mãi. Đương nhiên, bây giờ thì cô bé đã lớn lên, có nhiều thành công hơn và có nhiều vai diễn sắc cạnh hơn. Nhưng không thể phủ nhận diễn xuất tự nhiên và tuyệt vời của Dakota trong vai Lucy đã lấy đi nước mắt và mang đến những nụ cười hạnh phúc cho hàng triệu khán giả.
    Lucy lớn lên bên cạnh một người cha giống như một đứa trẻ. Thậm chí chúng ta còn thấy Lucy trưởng thành hơn cả Sam. Cô bé bắt đầu hỏi bố về thế giới xung quanh “ Bố ơi, vì sao tuyết lại rơi”, “ bố ơi, vì sao mù tạt lại có màu xanh”, “ bố ơi vì sao mặt trăng lại theo con về nhà”, “ con giống mẹ hơn hay giống bố hơn”. Cô bé xinh đẹp, hiểu chuyện, vui vẻ, yêu đời. Cô bé nắm tay an ủi Sam “It’s ok, Daddy ” khi Sam nói lời xin lỗi về mình, xin lỗi vì ông không giống những người cha khác. Cô bé hét lên với những “người” được coi như đang mang đến cho cô bé một cuộc sống tốt hơn, rằng mình không muốn một ai khác làm bố mình mà không phải Sam. Và ngay cả khi được sống trong một gia đình đầy đủ về mọi thứ: có bố mẹ tốt, điều kiện đầy đủ, được bồi dưỡng cả về khả năng, thì với Lucy, tình cảm giành cho Sam là thứ tình cảm không bao giờ thay thế được. Cô bé trốn về từ nhà bố mẹ nuôi để gặp bố. Hình ảnh Lucy với thân hình bé nhỏ trên những con đường về nhà mỗi đêm là hình ảnh mà chúng ta không bao giờ có thể quên được

    [​IMG]
    Nói về tính cách của Lucy, có lúc chúng ta sẽ tự hỏi. Tại sao cô bé lại có thể lớn lên một cách bình thường trong khi cha của cô bé là một người thiểu năng? Thực ra có thể hiểu thế này, khi chúng ta là trẻ con, chúng ta sẽ lớn lên thông qua giao tiếp bằng cách quan sát cách ứng xử của người lớn. Lucy lớn lên với những chăm sóc bằng tình cảm của Sam, bằng cách ứng xử thân thiện của Sam khi anh đưa Lucy đi làm. Lớn thêm chút nữa, cô bé được nuôi dưỡng bằng âm nhạc của Annie do Dianne Wiest đóng, nhân vật giống như người bà của cô bé. Phải nói thêm rằng âm nhạc có vai trò quan trọng trong sự phát triển của con trẻ nhất là những dòng nhạc có “chất lượng” ( mình sẽ nói thêm ở phần sau). Và khi Lucy đến tuổi đi học, khi cô bé được “ trưng diện” bằng một đôi giày mới. Khi đến bàn thanh toán, Sam đã không đủ tiền để trả đôi giày đó và những người bạn đi cùng anh đã cùng góp tiền để mang được đôi giày về tặng cho Lucy. Mình đã cười khúc khích cảnh anh phục vụ ở quầy tính tiền cúi gằm mặt xuống khi Sam đếm từng đồng mà anh và các bạn có. Chắc có lẽ anh này đang xấu hổ vì đáng ra, anh ta không cần chi li đến thế. Ngưỡng mộ cách dựng phim kiểu này. Và với tất cả cách ứng xử tốt đẹp như thế mà cô bé thấy hàng ngày, so với cách cấm đoán cô bé được gặp bố mình và đưa cô bé vào một gia đình mà cô bé chẳng hề quen biết. Theo bạn, cách nào là tốt hơn đối với sự phát triển của một đứa trẻ?

    3. Rita Harrison (Michelle Pfeiffer)

    [​IMG]
    Đây là nhân vật khá điển hình cho cuộc sống của những ông bố, bà mẹ hiện nay. Một người thành công trong sự nghiệp, nhưng lại bế tắc trong vấn đề con cái. Rita suốt ngày bận bịu với công việc, cô bị cuốn theo nhịp điệu hối hả của cuộc sống, nhưng lúc nào cũng thiếu thời gian dành cho con, khiến cậu con trai của cô tức giận và chẳng còn muốn gần gũi cô nữa.
    Thực ra, tình yêu của Rita với con trai không hề thua kém Sam. Bản thân là cha mẹ thì ai cũng sẽ yêu thương con cái, chẳng qua là với những cách khác nhau mà thôi. Rita có thể dành hàng giờ đi lòng vòng để mua đồ chơi con con, nhưng cô quên rằng, cái cậu bé cần, chính là bản thân cô mà không phải ai khác hay thứ gì khác. Vì đến cả một cuộc điện thoại cho mẹ mà cậu bé còn phải chờ, thì có lẽ với cậu bé này, được chơi với Rita giống như Lucy là một ước mơ xa xỉ.
    Rita từ lúc vô tình vướng vào vụ kiện tụng của Sam, đau đầu với những nhân chứng “đặc biệt” của anh, đã dần nhận ra những thiếu sót của bản thân mình. Giống như Sam, cô nhận ra mình luôn phải gồng lên để chiến đấu, để đứng vững trong cuộc sống, để đến cuối cùng, thấy được tình yêu thương của Sam dành cho Lucy đã khiến cô thay đổi cách ứng xử của mình với cậu con trai bé nhỏ.

    [Âm nhạc]

    [​IMG]
    Như đã nói ở phần trên, phần cuối của bài review “dài dòng” này sẽ dành để nói về phần âm nhạc. Chắc ai xem phim rồi thì sẽ nhận ra ngay bức ảnh trên là mô phỏng hình tượng của ban nhạc đình đám nào. Phim sử dụng khá nhiều âm nhạc của The Beatles huyền thoại như Across the Universe, Lucy in the Sky with Diamonds... ( không biết có phải cái tên Lucy được lấy cảm hứng từ đây không?), hay trong phim, Sam thường hay trích dẫn câu nói của John Lenon; lấy dẫn chứng về Paul McCartney và nói liên tục câu “I love you, I love you” trong phiên tòa dành quyền nuôi Lucy (1 câu trong bài hát của The Beatles). Sam nói rằng vì câu nói đó mà cả thế giới đã khóc khi nghe The Beatles tan rã năm 1970
    Người ta đã dành riêng hẳn 1 ngành tại Anh, chỉ để nghiên cứu về âm nhạc của The Beatles. Và chỉ với việc cô bé Lucy của chúng ta với việc được nuôi dưỡng bằng tình yêu và thứ âm nhạc tuyệt vời như vậy cộng thêm việc cô bé có IQ bình thường thì cách ứng xử tuyệt vời như vậy, hẳn là điều có thể hiểu được
    Đôi khi chúng ta dùng quá nhiều cái goi là lý trí, trí tuệ hay trí thông minh để nhận xét và đánh giá một con người, mà quên đi cái gọi là tình cảm. nó là một thứ được hình thành và nuôi dưỡng không phải ngày một, ngày hai và đặc biệt lại là tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Việc tách Lucy ra khỏi Sam, giống như nhân vật Annie đã nói sẽ khoét 1 khoảng trống trong tâm hồn cô bé và Lucy sẽ phải mất cả quãng thời gian còn lại trong đời để tìm cách lấp đầy khoảng trống ấy. Nghe có vẻ trừu tượng nhưng thực sự là như thế. Liệu có tình yêu thương nào là vô điều kiện, có chăng chỉ là tình yêu thương một cách thật lòng của những bậc cha mẹ đối với con cái mà thôi.