Cảm nhận I am Sam (2001) - Mỗi người trong chúng ta

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi vivu, 9/5/19.

Lượt xem: 2,358

  1. vivu

    vivu Moderator

    And when the broken hearted people living in the world agree
    There will be an answer, let it be
    For though they may be parted, there is still a chance that they will see
    There will be an answer, let it be


    - Let it be (The Beatles) -​

    Có những thứ, chỉ cần thay đổi góc nhìn là đã có những cảm nhận cực kì khác biệt, “I am Sam (được viết cách điệu là i am sam) là một bộ phim như thế. Ra mắt vào năm 2001, sau gần 2 thập kỷ, bộ phim vẫn không ngừng làm lay động trái tim của mọi người xem theo những cách thật khác nhau.

    [​IMG]

    “I am Sam” kể về hành trình giành quyền nuôi con của Sam Dawson, một người chậm phát triển trí tuệ. Gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và học hỏi, anh phải cố gắng rất nhiều để sống một cách “gần như” bình thường. Câu chuyện của “i am sam” bắt đầu khi cô con gái Lucy của Sam ra đời. Anh phải đơn độc vật lộn để nuôi nấng đứa trẻ từ những ngày còn đỏ hỏn. Rồi Lucy càng ngày càng lớn, khó khăn càng trở nên rõ ràng hơn. Sam, với trí tuệ ngang bằng đứa trẻ 7 tuổi, dần không bắt kịp được sự phát triển của con gái mình. Anh bị tước quyền nuôi con sau những cáo buộc vô căn cứ. Tuy thế, anh vẫn không từ bỏ việc được sống cùng con gái và chấp nhận theo đuổi những phiên tòa mệt mỏi và đầy tính công kích. Với sự giúp đỡ của luật sư Rita (Michelle Pfeiffer thủ vai) và mọi người khác, trải qua một hành trình dài đầy khó khăn, Sam cuối cùng cũng nhận được hạnh phúc xứng đáng.

    Câu chuyện của Sam có phần đáng yêu, nhẹ nhàng và đơn giản như cổ tích. Một kì tích của tình yêu gia đình, của sự gắn kết đầy thiêng liêng giữa cha và con. Nhưng bộ phim cũng nặng trĩu những góc nhìn đầy suy tư về cuộc sống của những “con người không toàn vẹn” hay “không bình thường” trong xã hội.

    Bài viết này sẽ không nói về hành trình đến với con đầy kì diệu và cảm xúc của Sam, mà sẽ dành từng góc nhỏ viết riêng cho những cuộc đời trong “I am Sam”. Giữa hai bên thái cực, "bình thường" và "thiểu năng", giữa áp lực xã hội và động lực từ bên trong, tưởng chừng như đối nghịch nhưng đều định hình cuộc đời của mỗi chúng ta theo những cách thật khác biệt.
    1. Rita Harrison Williams : Khủng hoảng stress

      [​IMG]

    Tuy không phải là nhân vật chính, nhưng câu chuyện của Rita cũng đóng một vai trò quan trọng tạo nên sự đối xứng cho cả bộ phim. Cuộc đời cô là sự phản chiếu rõ ràng và trần trụi về những áp lực của cuộc sống hiện đại lên mỗi con người.

    Rita là một luật sư cực kì nổi tiếng và thành công. Cô có một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ, chưa từng thất bại trong một vụ kiện nào và có tên mình trong ô to nhất trên một trang vàng quảng cáo. Nhưng cuộc sống của Rita lại vô cùng khổ sở. Thường xuyên giận dữ, bị đồng nghiệp và cấp dưới cười nhạo và đời sống gia đình là một mớ lộn xộn. Cô cứ quay cuồng cả ngày trong nỗi bực dọc và bất lực cùng cực khi không thể khiến mọi việc diễn ra theo ý mình.

    Dưới góc nhìn của Rita, cả thế giới như quay cuồng, gấp gáp. Cô lúc nào cũng vội vàng, nói liên tục, không kịp lắng nghe và rồi lại tức giận vì mọi thứ. Và khi đạt đến đỉnh điểm của chịu đựng, Rita ăn đồ ngọt như điên, thường xuyên nhặt kẹo bỏ túi hay ăn tối bằng cả túi marshmallow. Cuộc sống bình thường và thành đạt của cô hóa ra lại là chuỗi những bất lực và stress, khiến cô cho rằng mình chẳng thể nào hạnh phúc.

    Nhân vật Rita trong “I am Sam” có thể được xây dựng một cách cường điệu, có thể không. Nhưng những áp lực do stress gây ra trong cuộc sống hiện đại là không thể phủ nhận. Khi chúng ta có quá nhiều kì vọng, quá nhiều thứ phải hoàn thành, mọi thứ trở thành gánh nặng khiến chính cuộc sống mất đi ý nghĩa.

    Có thể nói, việc gặp và nhận lời giúp Sam đã thay đổi cả cuộc đời Rita, có tác động như một liệu pháp tâm lý thật sự. Sam cùng với lối sống chân thành không vị kỉ là một thái cực đối lập với những quan điểm sống của Rita, và điều đáng nói là trông anh thực sự hạnh phúc. Dưới sự ảnh hưởng của Sam, Rita cũng bắt đầu muốn thay đổi, cô sống chậm lại, ăn chậm hơn, suy nghĩ sâu hơn, lắng nghe nhiều hơn, nói ít đi. Xuyên suốt bộ phim, ta dần nhận ra sự thay đổi của Rita, từ cách cô ăn mặc, cách nói chuyện, cách biểu cảm đã dần có sự buông thư, thả lỏng hơn rất nhiều. Chỉ cần có vậy cuộc sống của cô đã bước sang một trang khác, rũ bỏ những gánh nặng và stress, cô tự do đi tìm hạnh phúc cho chính mình.

    2. Annie Cassell : hội chứng sợ xã hội

    [​IMG]
    Annie là một nhân vật hiếm thấy trong văn hóa phương Tây, nhưng lại vô cùng phổ biến tại một đất nước ở phía bên kia của thế giới. Đó chính là Nhật Bản với hình ảnh những “người ở trong nhà cả đời”.

    Annie không chỉ hoàn toàn bình thường về trí tuệ và thể chất, thậm chí còn có tài năng âm nhạc đặc biệt. Tuy nhiên từ năm 28 tuổi đã lựa chọn cuộc sống không gặp ai, không ra khỏi nhà. Bà tự cắt đứt mọi mối quan hệ với xung quanh, chấp nhận cuộc sống đơn độc tận cùng. Thế nên Sam đã phải khá cố gắng mới nhờ Annie trông Lucy trong khi anh đi làm.

    Hình ảnh khe cửa hé rất hẹp, những bước đi run rẩy cùng cặp kính mắt của Annie khi ra hầu tòa phản ánh một nỗi sợ đặc biệt với cái nhìn của những người xung quanh. Và nhờ sự lạnh lùng của ngài luật sư, ta biết được Annie bối rối và khủng hoảng như thế nào khi bị chất vấn, đồng thời hé lộ một quá khứ không mấy vui vẻ của chính bà.

    Annie gặp hội chứng sợ xã hội, thật sự có một cái tên chính thống như thế. Đó là tình trạng lo lắng, sợ hãi, hồi hộp vã mồ hôi, thậm chí nôn mửa hay ngất đi khi phải tiếp xúc với đông người hay với người lạ. Ở Nhật, hội chứng này cực kì phổ biến, và hikikomori là từ dùng để chỉ những người không ra khỏi phòng trong một thời gian rất dài.

    Với một nền văn hóa cởi mở như ở Mỹ, chứng bệnh này có vẻ hiếm thấy, nhưng không phải không tồn tại. Điều này là dễ hiểu khi người ta phải chịu đựng những tổn thương tâm lý nhất định từ phía xã hội. Annie hẳn là cũng rơi vào tình huống như thế, với một tuổi thơ có lẽ không được vui vẻ. Tuy nhiên bà đã chấp nhận ra làm chứng cho Sam bất chấp một nỗi sợ cực lớn đè nặng lên mình. Annie đã rất dũng cảm, hẳn là nhờ tình yêu của bà với Lucy và Sam. Bà đã thay đổi bản thân được một chút, nhưng lại chịu thêm những tổn thương nặng nề dưới sự công kích lạnh lùng của vị luật sư, đến mức sau đó trở nên hoảng loạn.

    Ở đây ta có thể thấy được, bệnh lý thân thể có thể dễ dàng nhận ra, nhưng tổn thương tâm lý thường bị vô tâm bỏ mặc. Một số trong chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được hay cảm thông với người khác khi chỉ vô tâm và vị kỉ chỉ nghĩ tới công việc của bản thân.

    Số phận của Annie đã chẳng bao giờ được làm rõ khi bộ phim kết thúc, bà có chút nào cảm thấy an lòng khi bố con Sam được hạnh phúc, hay bà quá trầm uất đến mức tự kết thúc cuộc đời mình. Dù cho thế nào, tuy chỉ là một nhân vật phụ nhưng sự có mặt của Annie cũng là vô cùng quí giá. Nó như lời khẳng định mỗi con người dù có khác biệt ra sao cũng có thể trở nên hữu ích với một ai đó, cũng có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

    3. Sam Dawson: thiểu năng trí tuệ và sống thật như bản năng

    [​IMG]
    Người quan trọng nhất để dành nói tới cuối cùng. Sam là nhân vật chính của phim, thế nên hầu hết thời lượng của phim chúng ta được nhìn ngắm thế giới dưới con mắt của Sam. Hãy nhớ, đó là cách nhìn thế giới của Sam - một người đàn ông chậm phát triển trí tuệ, với tầm trí óc chỉ ngang mức đứa trẻ 7 tuổi.

    Nói về chậm phát triển trí tuệ, nó không đơn thuần là “chậm” là “ngu dốt” hay “lố bịch”. Nó phải được xem xét một cách đầy đủ thông qua chỉ số IQ và đánh giá hành vi, thậm chí được phân mức độ nhẹ đến nặng tùy theo khả năng hòa nhập với xã hội của đối tượng. Đây là một dạng dị tật, bẩm sinh hay mắc phải, và những người mắc phải chẳng có lỗi lầm gì với xã hội hay với cuộc đời cả.

    Trong “I am Sam”, Sam được xây dựng là một hình mẫu người chậm phát triển trí tuệ điển hình. Với ngoại hình và cách ăn mặc trông có vẻ ngốc nghếch, những cử chỉ chậm chạp và kém linh hoạt, cách nói chuyện rất chậm và dài dòng. Những biểu hiện bên ngoài của anh cho thấy rõ một sự khác biệt lớn so với những người xung quanh. Ở đây, bộ phim đã có phần duy ý chí, khi gán ghép cho Sam cái hình tượng mặc định hiển nhiên rất kệch cỡm của “hội thiểu năng”. Nhưng may thay cách xây dựng thế giới nội tâm đã thể hiện được những cái nhìn đa chiều hơn. Bộ phim kể câu chuyện theo cách của Sam, nhẹ nhàng và tinh tế, bộc lộ những suy nghĩ đầy màu sắc và một tâm hồn thật đẹp bên trong.
    • Mỗi chúng ta đều thông minh theo một cách khác nhau.
    Đầu phim, Sam thể hiện một sự cẩn thận, gần như là ám ảnh về việc sắp xếp: xếp các túi cho đúng màu, xếp các lọ với khoảng cách đều nhau hay quay quai cốc sao cho cùng chiều. Bù lại cho một trí óc chậm phát triển, Sam có cảm giác rất nhạy cảm. Anh rất bị ảnh hưởng bởi sự đồng bộ, của sự nhất quán màu sắc mà đỉnh cao của biểu hiện này ở Sam là khi anh yêu cầu bỏ riêng đậu màu xanh và ngô màu vàng trong món rau trộn trên khay thức ăn của Rita. Điều này có vẻ khá kì dị với mọi người bình thường, nhưng lại hoàn toàn dễ hiểu theo qui luật bù trừ của tạo hóa. Giống như thể khi bị mù thì đôi tai trở nên rất tinh và cái mũi rất thính.

    [​IMG]
    Sam đặc biệt nhạy cảm trong việc nhận ra cảm xúc của người khác. Anh thường rất nhanh cảm nhận được những niềm vui của người khác để hạnh phúc với họ cũng như nhận ra nỗi buồn để tới bên họ an ủi động viên. Điều này đơn thuần và chân phương giống như một dạng bản năng đồng loại của sinh vật.

    Trong cuốn sách “7 loại hình thông minh” của Thomas Armstrong, con người không chỉ có một loại thông minh thể hiện qua chỉ số IQ, mà còn có đến 6 loại hình khác cũng được công nhận. Như thế, không chỉ có IQ cao mới xứng đáng là người thông minh, mà những người có tài năng trong âm nhạc, ngôn ngữ hay cảm xúc cũng là người thông minh. Ở đây, Sam có thể là một người thiểu năng trí tuệ, nhưng anh không lạnh lùng và thui chột về cảm xúc. Anh nhạy cảm và đầy yêu thương. Trong phim, Sam đã nói : “ Tất cả chúng ta đều thông minh”. Điều này nghe có vẻ vô nghĩa, nhưng lại như lời nhắc nhở hãy tôn trọng và có những đánh giá đa chiều hơn về mỗi con người, không nên chỉ bó hẹp suy nghĩ bản thân. Chẳng khác nào không dạy được cá leo cây thì cho rằng nó không giỏi cả.
    • Lắng nghe bằng cả trái tim
    Lắng nghe người khác là nền tảng cho mọi mối quan hệ xã hội và lắng nghe chính bản thân mình là chìa khóa của hạnh phúc. Tự nhiên đã sinh ra con người chỉ một cái miệng để nói, nhưng tận hai tai để lắng nghe, để thấy việc lắng nghe quan trọng như thế nào với mỗi chúng ta. Nhưng trong xã hội hiện đại, càng ngày chúng ta càng nói nhiều , khiến thời gian để ta thật sự lắng nghe không còn nhiều nữa.

    Với Sam, mọi chuyện lại đi theo hướng khác. Chính vì Sam khác thường với năng lực ngôn ngữ hạn chế nên phần lớn thời gian anh dành để lắng nghe và học hỏi. Anh nghe rất chậm, và rất kỹ, rồi ứng xử một cách thật bản năng, nhưng lại vô cùng thuần khiết. Không khoa môi múa mép, không dùng lời nói để làm tổn thương người khác, bài học mà Sam dạy chúng ta, chính là giá trị của việc lắng nghe bằng cả trái tim.

    Lắng nghe mọi người là khi không phớt lờ cảm xúc của người khác. Giống như trong phiên tòa, Sam đã nhiều lần chia sẻ cảm xúc với người làm chứng, dù quen hay không quen, anh đều có phản ứng. Tuy cách thể hiện có phần không hợp lẽ, không được “bình thường”, khi anh đột nhiên đứng lên và ôm lấy người ta, hay nói chen ngang vào lời của luật sư, nhưng điều này thật sự thể hiện rằng anh rất quan tâm tới người khác. Sự lắng nghe này rất chân thành và không vụ lợi, và khiến cho rất nhiều người có cảm tình và muốn giúp đỡ anh.

    Còn với chính bản thân mình, Sam đã luôn nghe theo lời trái tim mách bảo. Anh sống đúng với những lý tưởng anh cho là quan trọng, đó là lạc quan, là trung thực và là yêu thương. Trí óc có thể không phát triển, nhưng những giá trị cốt lõi vẫn không hề bị vấy bẩn. Đặc biệt, tình yêu và gia đình với Lucy là thứ có ý nghĩa nhất trong cuộc đời bị coi thường của Sam, cũng là điều anh nhất định phải bảo vệ bằng được.

    [​IMG]
    Câu chuyện của Sam có thể thật kì lạ, có thể gây tranh cãi, nhưng ta sẽ chẳng bao giờ phủ nhận được những giá trị con người mà nó mang lại. Bất kể là ai, bình thường hay khuyết tật về tâm lý hay thể chất, đều có những giá trị cá nhân đáng được tôn trọng. Ai cũng xứng đáng được sống, ai cũng xứng đáng được hạnh phúc.