Anh em nhà Coen là một trong những cặp đạo diễn nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh Hollywood. Từ những tác phẩm như Raising Arizona, Barton Fink, The Big Lebowski, Fargo, No Country For Old Men,... với những chất liệu hiện sinh vô lý qua cách làm hài châm biếm rất riêng của cặp đạo diễn người Mỹ, anh em nhà Coen đã luôn là cái tên được nhắc đến thường xuyên khi ta bàn luận về phim nghệ thuật. Đến 2013, tác phẩm Inside Llewyn Davis của cặp đôi được ra mắt, nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và khán giả. Với sự xuất hiện của các diễn viên nổi tiếng như Oscar Isaac, Justin Timberlake và Adam Driver, Inside Llewyn Davis đã được đề cử Giải Quả Cầu Vàng và Giải Oscar vào năm 2014. Bộ phim khắc họa chân thật cuộc sống của những nghệ sĩ nhạc folk trong những quán bar đầu những năm 1960 tại nước Mỹ - ngay trước khi tên tuổi của Bob Dylan được biết đến hay cuộc xâm lăng của các ban nhạc pop/rock Anh như The Beatles và The Rolling Stones. Nền âm nhạc thuở bấy giờ vẫn còn chưa có sự nhất quán, những nghệ sĩ muốn nổi tiếng phải rất chân chuyên và cực khổ để có thể tạo dựng tên tuổi cho bản thân, và ngay cả thế, việc sống với đam mê dường như đã bị biến chất thành một thứ mà tiền bạc trở thành trung tâm thay vì là âm nhạc. Không khí tổng thể của phim nhuốm một tuyệt vọng. Cái lạnh tàn đông của mùa đông tại Greenwich Village, New York như cắt vào tâm can của nhân vật chính, Llewyn Davis, trong tình cảnh sống lay lắt ở nhờ từ nhà người này sang người khác. Tiền kiếm được không đủ để trả tiền thuê nhà, song do chính bản tính cố chấp của Davis - một cựu thủ thủy tàu buôn, đã khiến anh lao đao từ thất vọng này đến thất vọng khác. Anh có một tài thiên phú đối với dòng nhạc folk và đã từng ở trong một dàn song ca cho đến lúc mọi chuyện xuống dốc khi người đồng nghiệp Mike, tự vẫn tại cây cầu George Washington. Kể từ khi ấy, anh không chấp nhận bất cứ lời đề nghị tham gia một dàn hợp xướng nào: Anh quyết định sẽ theo đuổi sự nghiệp đơn ca. Với Davis, chất nghệ của bản thân không thể bị thị trường hóa, điều đó đồng nghĩa với việc anh sẽ phải tự hạ thấp danh dự của bản thân. Trong lúc đó, anh cũng hay tin là Jean, người bạn gái cũ của anh, vợ của Jim Berkley đang mang thai và khả năng cao đứa con là của mình. Chán nản và khánh kiệt, Davis dùng số tiền còn lại để lên đường đến Chicago quyết đi tìm vận may trong sự nghiệp ca sĩ. Nhà quay phim Bruno Delbonnel (nổi tiếng với đóng góp cho bộ phim Amelie) dùng gam màu xám nhợt nhạt để khắc họa rõ nét cái lạnh mùa đông cắt da cắt thịt và đặc tả sự tuyệt vọng của nhân vật chính. Bộ phim có chất thơ và có phần siêu thực với những góc máy tận dụng ánh sáng tại những nơi tăm tối để làm tôn lên phần hồn của những người nghệ sĩ lam lũ từng miếng cơm manh áo. Thứ đặc biệt làm nên bộ phim mà ta có dễ dàng nhận thấy chính là mảng âm nhạc, với những giai điệu nhạc folk vang mang một vẻ sâu tâm hồn rõ nét trong các màn trình diễn của các diễn viên thủ vai, lôi cuốn người xem với không khí đầy quyến rũ song ma mị của những giấc mơ tưởng chừng như không bao giờ trở thành hiện thực. Giai điệu của bài hát nổi tiếng 500 Miles qua phần trình bày của bộ ba Justin Timberlake, Carey Mulligan và Stark Sands cũng là một trong những cảnh quay nổi bật nhất trong phim. Bài hát Hang Me, Oh Hang Me được viết riêng cho Inside Llewyn Davis và được trình bày bởi Oscar Isaac ngay đoạn đầu phim ám ảnh và báo hiệu được cảm xúc xuyên suốt toàn bộ phim đầy rẫy những bất trắc, hiểm trở. Inside Llewyn Davis không lãng mạn hóa nghiệp ca sĩ. Trái lại, phim là lời nhắc nhở cay đắng, một cú “tát” để quay trở lại thực tại với những giấc mộng mà xã hội đánh giá là hão huyền thông qua nhân vật Llewyn Davis - dựa trên ca sĩ nhạc folk với số phận không kém phần hẩm hiu ngoài đời là Dave Van Ronk. Davis là bản sao của Ronk trong phim, với những tình tiết như tái hiện lại những gì mà Ronk đã thực sự trải qua ngoài đời vào đầu thập niên 1960. Inside Llewyn Davis là một sự khắc họa chân thật nhất, một lá thư tình đầy sự thương cảm với những điều đáng lẽ đã có thể. Đáng lẽ Dave Van Ronk đã có thể được thành danh như Bob Dylan - xét cho cùng, cả hai đều đã diễn ở cùng một quán rượu, đều có tài năng và tài trí cũng như cơ hội. Song, vũ trụ dường như vận hành trên duyên phận; kẻ đạt được danh vọng còn kẻ ra về tay trắng, mọi thứ chỉ ngăn cách bởi một khoảnh khắc, một lựa chọn, một quyết định tưởng chừng như chẳng hề quan trọng. Inside Llewyn Davis là một bộ phim mà trong đó dường như cốt truyện chỉ chiếm yếu tố phụ, vì phần hồn của bộ phim, nơi anh em nhà Coen nở rộ qua cách xây dựng mỗi cảnh quay như một bức tranh sơn dầu mà người xem như chỉ muốn pause lại và chiêm nghiệm một cách kỹ lưỡng; chứa đựng trong đó là bao nhiêu nỗi đau khổ dằn vặt của người nghệ sĩ không thể nào có thể bày tỏ hết chỉ qua 110 phút thời lượng phim. Inside Llewyn Davis, xứng đáng nằm trong top những bộ phim vĩ đại nhất của thập niên 2010 và là tác phẩm phim ca nhạc không thể nào bỏ qua trong lịch sử điện ảnh. Minh Tu Le - 24hinh.vn