Kể từ những ngày đầu của điện ảnh, khán giả đại chúng đã không còn mấy xa lạ với dòng phim nhạc kịch. Qua suốt nhiều thập kỷ, Hollywood đã cho ra đời nhiều tác phẩm nhạc kịch với nhiều giá trị về cả mặt thương mại lẫn nghệ thuật. Từ giai đoạn đầu với The Wizard of Oz, Singin’ In The Rain đã làm mưa làm gió những năm 1950, đến The Sound of Music năm 1965 làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nền điện ảnh điện ảnh âm nhạc. Mỗi tác phẩm đều có chất “nghệ” riêng với những phong cách làm phim đa dạng để thể hiện chất của người đạo diễn qua nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Với La La Land, một tác phẩm dành được tới mười hai đề cử Oscar, đạo diễn Damien Chazelle đã tạo nên một tuyệt tác của không chỉ dòng nhạc kịch nói riêng mà còn là điện ảnh đại chúng nói chung. La La Land, nếu ví không ngoa, là một bức thư tình chân thành nhất của Chazelle đối với điện ảnh Hollywood thời đại cũ trước làn sóng mới của một người cuồng si với môn nghệ thuật thứ bảy, trong đó anh gửi gắm nhiều công sức tạc dựng một trải nghiệm đáng nhớ dành cho khán giả. Từ giây phút đầu tiên trong phân cảnh mọi người trên đường phố L.A. nhảy múa ca hát trên điệu nhảy Another Day of Sun, người xem như biết được mình đang chứng kiến một kiệt tác âm nhạc thời hiện đại với sự nhuần nhuyễn ăn ý trong từng điệu nhảy mà các vũ công đã thực hiện xuyên suốt bộ phim. Những điệu nhảy như lôi cuốn người xem vào một thế giới màu nhiệm Technicolor, của một Los Angeles với những kẻ khờ cùng những giấc mộng người đời cho là viển vông. Hai nhân vật chính Sebastian và Mia do Ryan Gosling và Emma Stone thủ vai đã làm toát lên cái hồn của bộ phim một cách trọn vẹn. Hai linh hồn lạc lối gặp được nhau như thể là định mệnh. Chàng nghệ sĩ piano phải lòng một cô gái với mong ước trở thành một diễn viên là motif dường như đã quá quen thuộc với bất kỳ ai từng có khoảng thời gian đắm đuối với phim thể loại tình cảm. Với La La Land, motif đã được đạo diễn Chazelle biến tấu một cách tài tình, tạo thành một bộ phim phóng túng về mặt hình ảnh, âm thanh mà lại tô điểm thêm cho cốt truyện có phần vừa đẹp đẽ, vừa ảm đạm. Ở những giây phút ban đầu phim, Sebastian và Mia đến với nhau bằng những câu bông đùa. Tình yêu đến với cặp đôi nhẹ nhàng như một cơn gió đầu mùa, không hề có sự tính toán nhưng lại như sắp đặt. Dở dở ương ương là thế, càng về sau tình yêu của cả hai lại càng sâu đậm. Cả hai có những sở thích ngược ngạo và tách biệt với nhau (là hiện thân cho những đam mê của đạo diễn Chazelle): Mia là môt con mọt đích thực đối với điện ảnh, còn Sebastian thì lại hết mình cháy bỏng với nhạc jazz. Cuộc sống đối với Mia là cảm xúc sâu lắng lãng mạn của hai kẻ si tình nhìn vào mắt nhau dưới ánh đèn sân khấu; đó là những buổi tối lãng mạn đi qua những khu phố thị và các ánh đèn mờ phảng phấp qua tâm hồn lứa đôi. Còn với Sebastian, âm nhạc jazz là tất cả. Những màn trình diễn ứng biến ngẫu hứng đan quyện vào nhau tạo nên kết cấu cho các giai điệu đi vào lòng người. Tất nhiên, hi vọng của cả hai chỉ là những giấc mơ chóng tàn. Xen lẫn giữa giấc mơ của những người nghệ sĩ là thực tế. Hiện thực là xa cách, là chia ly, là sự hi sinh những giấc mơ viển vông để đạt được đến tiền tài và danh vọng. Hiện thực là cái đã ngăn cách cho tình yêu chớm nở của lứa đôi Về mảng âm nhạc, các giai điệu nổi bật nhất trong La La Land bao gồm City of Stars, What Waste Of A Lovely Night đều gây ấn tượng lớn đối với khán giả, với màn trình diễn xuất sắc của Ryan Gosling và Emma Stone ở các cảnh ở ngay giữa phim để giúp phim không bị thiếu hụt những khoảnh khắc sâu lắng và nhẹ nhàng. Đặc biệt là sự xuất hiện với tư cách khách mời của ca sĩ John Legend cũng không phụ lòng sự trông đợi của các fan hâm mộ. Với gam màu xanh u buồn phảng phất xuyên suốt bộ phim, La La Land là một bộ phim đẹp “cả gỗ lẫn nước sơn”. Cách sử dụng màu sắc của phim như gợi lại những ký ức điện ảnh nhạc kịch đối với khán giả Hollywood: Những màu như đỏ đậm, xanh lá rất được chú trọng bởi nhà quay phim Linus Sandgren, phần nào phản ánh được cái giả tạo của một “Los Angeles phồn vinh”. Thật đẹp làm sao tại vùng đất của những kẻ khờ cứ mãi mộng mơ trong một thực tại khắc nghiệt. La La Land là một bức tranh đẹp đẽ ẩn dưới bên đó là nỗi niềm của những số mệnh khắc khổ chật vật tìm kiếm cho mình cái hạnh phúc được tô vẽ trong tiềm thức của những đứa trẻ mãi không bao giờ lớn, bởi một thành phố tràn ngập ánh sao mà chẳng thể soi sáng cho những kẻ lầm đường lạc lối. La La Land, nói không ngoa, xứng đáng nằm trong số những tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất trong hai thập kỷ trở lại đây, là “đứa con” được cưng quý giá trong kho tàng của Damien Chazelle. Năm 2017, giải Oscar đã chứng kiến một sự kiện mà chưa từng có trong lịch sử Viện Hàn Lâm: Oscar cho Phim Xuất Sắc Nhất đã bị trao...nhầm cho La La Land, thay vì là bộ phim dành được đề cử năm đó là Moonlight. Điều đó không hề được thay đổi được tầm ảnh hưởng của La La Land lên văn hóa đại chúng cũng như điện ảnh nói chung; Chazelle đã tạo nên một tiêu chuẩn mới, một sự kết hợp hoàn hảo giữa chất nghệ và thị trường. La La Land ẵm về năm giải Oscar, bảy giải Quả Cầu Vàng, bốn giải BAFTA cùng hàng chục giải thưởng lớn nhỏ khác nhau năm 2017. Minh Tu Le - 24hinh.vn