Tiếp tục series MỖI TUẦN MỘT PHIM HAY, tuần này xin giới thiệu đến các bạn bộ phim Điện ảnh Việt Nam: MÙA ỔI Đạo diễn: Đặng Nhật Minh Soạn nhạc: Đặng Hữu Phúc Quay phim: Vũ Đức Tùng Diễn viên: Bùi Bài Bình, Nguyễn Lan Hương, Pham Khac Lam, Hua Do, Huong Thao, Phạm Thu Thủy,--------------------------------------------------------------------- Hơi thất vọng với bản thân khi xem phim Mùa ổi, bởi khá nhiều lần mình nhìn thấy phim trên Youtube nhưng không một lần nán lại xem. Chắc vì do lười, thích xem thứ gì đấy sôi động và nhanh chóng. Với mình, Mùa ổi là một bộ phim khá đặc biệt. Nó nhẹ nhàng và sâu lắng, len lỏi giữa đủ thứ phim linh tinh, ồn ào, náo nhiệt mà mình xem dạo gần đây. Nhân vật Hòa trong phim khiến mình liên tưởng đến một người thân trong gia đình mình. Còn nhớ mình đã mất hàng tiếng đồng hồ, mỗi ngày cùng chú mình làm những công việc nhỏ nhặt để giúp chú ấy hòa nhập với cuộc sống. Tình trạng của nhân vật Hòa, thậm chí còn tốt hơn so với tình trạng của chú mình rất nhiều, không đánh nhau, không gây lộn, không tự nhốt mình vào một thế giới khác. Thế nên nhìn cảnh “chú Hòa” đứng một mình, nhìn xuống dưới đường phố qua khung cửa sổ nhà cô em gái của chú ấy là Thủy, mình có cảm giác khá đau lòng. Ngôi nhà gắn với tuổi thơ cùa nhân vật Hòa Một cây ổi cũng có câu chuyện riêng của nóRất may là khi xem Mùa ổi, mình không phải nghĩ xem tại sao đạo diễn lại lấy tên phim như thế. Nhân vật em gái chú Hòa, do diễn viên Nguyễn Lan Hương thủ vai đã kể về tuổi thơ mà cô đã trải qua cùng gia đình mình, với cha mẹ và hai người anh trai là Hòa và Hân. Ngôi nhà do chính cha Thủy thiết kế và xây dựng, một luật sư đã được cho “về hưu”. Trước nhà có trồng một cây ổi. Trong một lần trèo lên cây, Hòa không may bị ngã. Từ đó, trí óc của anh trở nên “không bình thường”. Khi thời gian cứ đưa đẩy mọi thứ xung quanh thay đổi từng ngày, thì dưới con mắt của Hòa, cuộc sống vẫn cứ “dừng lại” với những ký ức khi anh ở trong căn nhà đó. Kể cả chỉ đơn thuần là một người xem “bình thường”, cũng có thể nhận ra phần âm thanh trong Mùa ổi được là vô cùng xuất sắc. Nó chân thật đến từng chi tiết , những tiếng ồn ã của khu chợ, tiếng xe máy ga đều đều, tiếng nói chuyện của những gian phòng trong bệnh viện khi Hòa đến thăm mẹ của Huệ... Đó là những âm thanh của cuộc sống. Và chúng được phản chiếu qua cái nhìn của một người đàn ông có trí óc của một đứa trẻ 13 tuổi. Cái mình thích ở Bùi Bài Bình khi thể hiện nhân vật Hòa đó là từng động tác nhỏ phản ánh con người chú ấy được làm rất tinh tế. Mình là đứa thích quan tâm đến những cái “lặt vặt” vì thế, chi tiết “chú Hòa” cẩn thận rửa sạch con cá được người hàng xóm nhờ mua hộ làm nổi lên rất nhiều nét tính cách ở nhân vật ấy. Còn những chi tiết về sau đó, cách “chú Hòa”ứng xử với mọi người, có lẽ nó là lẽ đương nhiên với Hòa, nhưng liệu có mấy ai lại tốt bụng một cách “thuần khiết” như thế. Nhân vật Hòa với sự thể hiện của diễn viên Bùi Bài Bình Khi ngồi xem Mùa ổi, mình cố đoán xem những con phố mà bộ phim đã quay ngày ấy, bây giờ nó là con phố nào của Hà Nội. Đây có thể được coi là việc làm dở hơi và chẳng đi đến đâu nhất của mình. Nhưng cuối cùng thì “Chịu, mình không tài nào nhìn ra nổi!” Thời gian cách nhau mười mấy năm, bây giờ thì có khi tối đường xá một kiểu, mai đã thành thế khác! Không biết xác suất ai đó đoán được đúng là bao nhiêu phần trăm. Nhưng có lẽ mà vì thế, phim lại càng gợi lên cái gì đó buồn buồn, tiếc nuối cho những kỷ niệm đẹp đã đi qua một thời. Chẳng ai lại không muốn nhớ lại những ký ức hồn nhiên của tuổi thơ. Nhưng chỉ có với tư cách của một người “không bình thường” như nhân vật Hòa-chú ấy mới thoải mái và vui vẻ với những hoài niệm ấy đến thế. Sợi dây tình cảm vô hình gắn bó giữa “chú Hòa” và cô em gái là Thủy chính là những kỷ niệm. Trái ngược với những ký ức về ngôi nhà của người anh trai, cô đau đớn khi nghĩ về tuổi thơ với những mất mát: cha cô “tình nguyện” giao lại căn nhà cho Nhà nước. Một căn nhà rộng hơn 120 mét vuông nên thuộc diện cải tạo. Người anh thứ hai là Hòa là người có vấn đề về thần kinh. Người anh cả là Hân đi ra nước ngoài. Và việc cô giao lại tập sách về luật đã ố vàng mà cha cô dày công dịch trước khi qua đời, với mong muốn “để hương hồn ba được yên lòng” đã cho thấy những suy nghĩ về tuổi thơ cứ luôn đau đáu trong tim cô mặc dù Thủy đã phủ nhận rất nhiều lần với Hòa về điều này. Mùa ổi nói chung và cây ổi nói riêng giống như một thứ gì đó gắn kết 2 khoảng thời gian của xã hội với những đổi thay của đất nước, trong những năm từ 1954 đến những năm 1980. Hòa và Thủy với những ký ức về một thời xưa cũ, cô gái tên Loan-người hiện đang sinh sống trong căn nhà của gia đình Hòa ngày trước, và một cô gái tên Huệ, người cũng làm người mẫu đứng vẽ cho trường Mỹ thuật giống như Hòa. Thực ra, cuộc sống của Huệ là một cuộc sống hoàn toàn khác, và nó hơi lạc lõng so với logic của phim. Huệ kể một câu chuyện về cuộc sống mưu sinh khó khăn khi cô ở trên thành phố, số tiền ít ỏi mà cô kiếm được dồn vào tiền chữa bệnh cho mẹ. Chỉ đến cuối phim, Huệ mới có một chút gì đó liên quan đến cây ổi, đó là khi cô đưa túi ổi cho một người sinh viên học trường Mỹ thuật để gửi cho Hòa. Mình có cảm giác thứ gì đó đã mất đi khi cô gái ấy cho đi túi ổi. Hay giả là cô ấy muốn tìm lại một thứ gì đó đã mất đi nhưng không thể tìm lại được nữa. Cô ấy đang bị quên lãng, và cuốn trôi giống như trái ổi chỉ còn là ký ức trong tâm hồn của nhiều con người. Thủy quay trở lại Ngôi nhà xưa Những âm thanh của cuộc sống hiện tại Và những khoảng trống không bao giờ được lấp đầyKhi nghe tin cây ổi bị chặt, thế giới xung quanh Thủy đã chỉ còn là tiếng xòe xòe của chiếc máy cưa. Thủy-với trí óc của một người bình thường, cô ấy đau đớn, còn Hòa- giờ đây với thần trí của một người không bình thường “thực sự”, chú ấy cũng chẳng biết đau đớn nữa. Và phiên chợ chiều họp bên cạnh cây cầu, vẫn cứ tiếp tục. Nó là minh chứng cho việc cuộc sống vẫn cứ chảy trôi và thay đổi từng ngày, cho dù cuộc sống của Hòa hay Thủy, Loan hay Huệ có dừng lại hay tiếp tục ở một điểm nào đó. Một cái kết không mấy vui vẻ nhưng là tất yếu. Và chúng ta đều phải chấp nhận. Mùa ổi là bộ phim khá nhẹ nhàng, không lên gân lên cốt, không quá nặng nề khi nói về những chính sách đổi mới. Nó chỉ là những hoài niệm về một thời mà thôi. Tốc độ của phim trong Mùa ổi cũng rất bình thản và chậm rãi, giống như câu chuyện trong đó có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu. Nhưng thực ra, dưới “cái nhìn” của NSND Đặng Nhật Minh, nó đẹp và buồn một cách kỳ lạ, truyền tải một thông điệp nối liền quá khứ và hiện tại.