Mỗi bộ phim là những bức tranh khác nhau về cuộc sống, về con người và những ý tưởng. Với mục đích chia sẻ những cảm nhận của mọi người sau mỗi bộ phim, topic Mỗi tuần một phim hay hy vọng sẽ là nơi giới thiệu cho các bạn những bộ phim có ý nghĩa, là nơi để các bạn nói lên những cảm xúc của mình về những cái nhìn khác nhau thông qua những bộ phim ấy. --------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Mở đầu cho seriel Mỗi tuần một phim hay xin giới thiệu đến các bạn bộ phim: Apocalypse Now (Ngày tận thế) Năm phát hành: 1979 (USA) Đạo diễn: Francis Ford Coppola Thể loại: chiến tranh Apocalypse Now (Ngày tận thế) - Một bức tranh khác ở bên kia chiến tuyến. Khi xem Apocalypse Now tôi đã cho rằng nó là một bộ phim tài liệu. Thật ra nó là bộ phim về chiến tranh hay nhất mà tôi đã xem (tính cho đến thời điểm hiện tại). Đất nước Việt Nam nhỏ bé giống như những người bị hại, bị chịu thiệt thòi trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ. Và những bộ phim mà tôi đã xem về chiến tranh Việt Nam luôn là một bản anh hùng ca chói sáng về những người lính đã hy sinh trên chiến trường. Tôi không bao giờ phủ nhận những công lao đó hay cái gì tương tự mà những thế hệ đi trước đã làm. Tôi chỉ nghĩ là tôi thích “sự thật” trong Apocalypse Now. Tôi không cho rằng tất cả trong đó đều là sự thật. Chỉ là nó cho tôi một cảm giác rất thật. Giờ thì tôi có thể cảm nhận một cách rõ ràng hơn, vì sao mà sau cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam, nhiều lính Mỹ lại trở về trong tình trạng tâm thần và điên loạn. Họ không bao giờ quên những hình ảnh trong cuộc chiến tranh ấy. Và phải chăng đại tá Kurtz trong Apocalypse Now cũng như vậy. Trong suốt quá trình xem phim, tôi luôn tự hỏi “Tại sao, điều gì đã biến một vị tướng tài ba như vậy của chính phủ Mỹ bị rơi vào cái cảnh sẽ bị giết hại bởi chính những con người đã từng một thời là đồng đội, là chỉ huy, là bạn bè của ông?” Martin Sheen trong vai đại úy WillardĐược làm bởi đạo diễn Francis Coppola, Apocalypse Now thật sự là một bộ phim tràn đầy tính ẩn dụ và biểu tượng, những hình ảnh, phân đoạn và ca từ đối lập, bạn có thể bắt gặp nó ở bất cứ đâu. Khi giai điệu bản The End của The Doors mở đầu cho bộ phim vang lên trong căn phòng tại Sài Gòn, nơi Willard đang sống trong những chuỗi ngày cô đơn, chờ đợi một nhiệm vụ mới như báo trước một thứ gì đó tuyệt vọng đến cùng cực. Hay đó là khi Willard lần đầu tiên được nghe giọng của đại tá Kurtz trong cuộn băng ghi âm mà người ta đã thu thập được bên ngoài Campuchia “Tôi thấy một con ốc sên đang bò, cạnh một lưỡi dao cạo. Ác mộng của tôi. Bò...lết...cạnh sắc của lưỡi dao cạo. Và sống sót” Nó khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh Kurtz nằm cô đơn ở đâu đó trên đất nước Việt Nam, những vùng đất mà ông đã đi qua, mơ những giấc mơ về những con người Việt Nam nhỏ bé đang chạy giữa những cơn mưa bom đạn. Và chính vì những ác mộng không ngừng ấy, vì cái mác “kẻ sát nhân” dán vào vị tướng tài ba này, người ta cho rằng ông đã bị điên. Ông hành động một mình, dẫn theo một đám tàn quân tôn thờ ông giống như một vị thần, qua đất Campuchia, gần biên giới Việt Nam, tạo dựng một “quốc gia” của riêng mình. Và nhiệm vụ của Willard là đi ngược dòng sông Nung, tìm và thủ tiêu Kurtz. Bill Kilgore (Robert Duvall) giữa đám lính của anh ta Trên chuyến hành trình ấy, Willard đã gặp Bill Kilgore. Kil được lệnh hộ tống Willard trên sông Nung. Thật sự thì tôi không hiểu tính cách của nhân vật này lắm, đôi lúc tôi thấy anh ta nhân từ, đôi lúc thấy anh ta chém giết giống như một thằng điên. Đúng ra là tôi ghét Kil. Anh ta bắt lính của mình lướt sóng trong khi đang chiến đấu. Thật là điên! Chẳng có ai làm như thế cả! Anh ta bật bản Fox trot trong trạng thái vui vẻ-cái mà anh ta gọi là chiến tranh tâm lý khi sả súng vào một ngôi làng của Việt Nam. Và có một câu nói của Kilgore làm tôi cực kỳ ấn tượng “Tôi yêu mùi Napalm vào buổi sáng...Có lần chúng tôi dội bom vào một ngọn đồi 12 lần. Khi xong hết. Tôi đi lên. Chẳng thấy một xác Việt Cộng. Nhưng mùi... Mùi xăng cháy. Cả ngọn đồi. Nghe mùi.. Chiến thắng! Một ngày nào đó cuộc chiến này sẽ kết thúc” Tôi đã rất muốn nói với Kil là “Chiến thắng à? Anh thấy mình chiến thắng cái gì ở lúc ấy?Đến lúc này thì tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra, rốt cuộc thì lính Mỹ đến Việt Nam để làm cái quái gì? Nếu bạn xem Apocalypse Now-tôi nghĩ là bạn nên xem nó. Bạn sẽ không bao giờ quên cảnh Willard và những người đi cùng anh ta trên chiếc tàu tuần tiễu hải quân đã xả súng giết hại vô cớ một con thuyền của dân Việt Nam. Tôi ghét cảnh này. Nếu như nó được làm bởi một đạo diễn Việt Nam, tôi sẽ thấy căm thù những tên này cực kỳ. Nhưng tôi ghét cảnh này vì nó được làm bởi Francis Coppola-nó làm tôi thấy vừa thương vừa hận những người đi cùng Willard, đó là Lance, Clean, Chef, Phillip. Bạn biết họ là ai không? Có người chỉ có 17 tuổi, người thì là một thợ máy, người thì là dân lướt sóng chuyên nghiệp, người thì được lôi lên từ một khu ổ chuột. Giữa những tiếng thúc giục không ngừng nghỉ của Phillip, tiếng súng của Clean bắn liên tục vào con thuyền bên cạnh. Chính phủ Mỹ thực sự là một lũ điên. Rốt cuộc thì chúng lôi những người này sang đây để làm gì? Khi mà họ không hề biết mình đang làm gì. Họ hỗn loạn, họ luống cuống và chém giết. Chẳng vì cái gì cả. “Cầu Do Lung-căn cứ cuối cùng trên sông Nung, Sau đó chỉ còn Kurtz”-Willard Lần đầu tiên tôi cảm nhận được, thiên nhiên và những cánh rừng của Việt Nam giống như mồ chôn đối với lính Mỹ. Những người lính lạc lối-một người đàn bà Pháp đã nói vậy khi Willard gặp họ. Những cơn mưa nhiều ngày, xăng và nhiên liệu đổi lấy những cô gái. Còn có thời gian để làm thế cơ đấy, trong khi đối với Việt Nam, người ta dốc sức hàng ngày, hàng giờ vì cuộc chiến? Liệu đó có phải là nguyên nhân Mỹ đã thua! Khi mà Việt Nam chiến đấu vì lý tưởng, chính phủ Mỹ chiến đấu vì giành lấy Việt Nam, còn những người lính Mỹ trực tiếp cầm súng họ chiến đấu để những viên đạn của Việt Cộng sẽ không giết hại họ trong những đêm tối trong hầm hào không hề có lấy một người chỉ huy, hay chiến đấu vì trong lúc hỗn loạn, họ chẳng biết làm gì và việc giết người giống như một sự giải tỏa. Chào mừng đến với Vương quốc của KurtzApocalypse Now thực sự đã khơi gợi được trong tâm trí người xem rất nhiều thứ. Bạn có thể nhìn thấy, ánh sáng được sử dụng ở những cảnh này. Cảnh này Và cảnh này Nó làm tôi nghĩ đến con người khi đứng giữa 2 khoảng sáng tối. Khi đứng giữa việc chiến đấu thì chính phủ, vì Tổ quốc hay từ bỏ vì những khung cảnh mà anh ta nhìn thấy. Kurtz đã kể cho Willard nghe. “Tôi nhớ khi tôi còn bên Lực lượng đặc biệt. Hình như đã cả ngàn thế kỷ trước...Bọn tôi vào một làng để tiêm chủng cho một số trẻ em. Chúng tôi vừa rời làng sau khi đã tiêm chủng chúng ngăn ngừa bệnh bại liệt...và có lão già kia chạy theo chúng tôi, ông ấy khóc, không nói một lời. Chúng tôi quay lại đó, và chúng đã đến và chặt từng cánh tay được tiêm chủng. Những cánh tay chất đống, một chồng những cánh tay bé nhỏ. Và tôi nhớ, tôi đã khóc...” “Và tôi ý thức được, họ mạnh hơn tôi. Họ không phải quái vật, họ là người. Những cán bộ đã được tập huấn. Họ chiến đấu bằng cả tấm lòng”. Kỳ lạ là, tôi tưởng Kurtz phải nhận ra điều đó từ trước, hay thực ra ông ấy cũng đã bị lừa gạt, bị che lấp bởi những lời nói dối. Về một mặt nào đó, tôi nghĩ ông ấy đã làm đúng. Cho đến khi ông ấy nhận ra mình đang đối mặt với điều gì. Khoảng mấy lần, tôi đã ước, giá như những người lính trực tiếp cầm súng ở 2 bên chiến tuyến, họ giao tiếp với nhau không phải bằng súng đạn thì đến bây giờ, có lẽ tôi sẽ được nghe một câu chuyện khác.Khi nhìn vào cảnh này, tôi thực sự đã sợ rằng sẽ lại xuất hiện một Kurtz thứ hai, tuyệt vọng và giằng xé trong đau đớn, tự tìm cho mình một cuộc đời rời xa tất cả. Nhưng cuối cùng tôi đã thở phào khi Willard dắt tay Lance ra khỏi đám tàn quân của Kurtz. Thật may mắn! Sau tất cả những đau khổ, ít nhất anh ấy cũng tìm được lối ra., để không dẫm lên vết xe đổ của Kurtz. Chiến tranh là phi nghĩa. Bạn biết đấy, người ta hay nói thế. Còn Apocalypse Now, nó cho tôi thấy bức tranh đặc sắc nhất về từ phi nghĩa ấy!