Dựng phim Nghệ thuật dựng phim và video – Phần 4

Thảo luận trong 'Nghệ thuật dựng phim' bắt đầu bởi Son Kevin, 13/9/15.

Lượt xem: 2,644

  1. Son Kevin

    Son Kevin 23,97 hình/s


    [​IMG]
    Khi công nghệ âm thanh được đưa vào điện ảnh, có rất nhiều cơ hội để thể hiện tính sáng tạo trong việc thể hiện câu chuyện trong phim. Mỉa mai thay, sự xuất hiện của âm thanh lại khiến nhiều nhà dựng phim mất dần đi khả năng sáng tạo của mình. Chỉ riêng âm thanh cũng có thể dễ dàng chuyển tải câu chuyện, vì thế cả đạo diễn và nhà dựng phim đều không cần phải tốn nhiều công sức để thể hiện câu chuyện trong phim. Kịch nghệ trên truyền hình sử dụng rất nhiều kỹ thuật này. Ngay cả phim tài liệu cũng bị ảnh hưởng vì thuyết minh chiếm một phần rất lớn trong việc kể chuyện.

    [​IMG]
    Walter Murch – nhà dựng phim đồng thiết kế âm thanh – là nhà dựng phim duy nhất được nhận các đề cử giải thưởng Academy Award cho việc dựng phim trên 4 phương thức khác nhau:

    - “Julia” (1977) sử dụng máy Moviola đứng (một loại máy dựng phim)

    - “Apocalypse Now” (1979), “Ghost” (1990), và “The Godfather, phần III” (1990) sử dụng KEM đế bằng (một loại máy dựng phim).

    - “The English Patient” (1996) sử dụng Avid (một hệ thống dựng video)

    - “Cold Mountain” (2003) sử dụng Final Cut Pro (cũng là một hệ thống dựng video).

    Murch bắt đầu quá trình dựng phim của mình bằng cách tắt đi âm thanh. Như ông chia sẻ: “Nếu có âm thanh, tôi thường bị chú ý đến âm thanh ấy…Nó thường sẽ át đi những âm thanh khác, và chỉ sau khi cảnh phim đã được dựng xong tôi mới bật âm thanh lên trở lại. Thường sẽ có hai âm thanh hòa vào nhau, hai nguồn âm từ cuộc hội thoại và tôi nghĩ rằng thật tuyệt khi điều này xảy ra một cách ngẫu nhiên.”

    Thật ra sự im lặng là một trong những yếu tố quan trọng nhất với một đạo diễn âm thanh. Một khoảnh khắc im lặng có thể còn quan trọng hơn cả một cuộc hội thoại hay các âm thanh khác. Cũng như âm nhạc, những khoảng lặng thể hiện một sự sâu lắng, một trạng thái và một kết cấu. Tắt âm có thể là một phương pháp hiệu quả để nghiên cứu phim ảnh. Âm thanh không làm bạn xao nhãng hay thêm cảm xúc cho bạn. Việc nghiên cứu kết cấu và đặc biệt là kỹ thuật dựng phim sẽ dễ dàng hơn nếu không có âm thanh.

    Bạn muốn học hỏi một đoạn âm thanh hay tuyệt trong phim chứ? Hãy xem bộ phim “Nashville” của Robert Altman ra mắt năm 1975. Bộ phim được sản xuất để thể hiện sự tôn trong đối với nhạc đồng quê, nhưng cũng là một đóng góp vào kỹ thuật âm thanh 24 track thống trị nền công nghiệp âm nhạc. Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim xoay quanh 24 nhân vật, mỗi nhân vật có một mức âm riêng, như để ca ngợi bản phối âm thanh và cả đội ngũ kỹ thuật viên đằng sau bản phối ấy. Sự cách tân và thành thạo về âm thanh của Robert Altman chỉ là một phần trong tài năng làm phim của ông.

    Phong cách dựng phim Hollywood – Nhiệm vụ của ai?

    Trong những ngày đầu của ngành điện ảnh, việc dựng phim chỉ là quá trình cắt và ghép những mảnh phim lại với nhau bằng tay.

    [​IMG]
    Moviola - máy dựng phim đầu tiên
    Từ bản phim âm bản gốc, người ta làm một phiên bản copy phim dương gọi là bản phim nháp hay bản copy có cắt ghép. Đoạn phim này được đưa vào một chiếc máy có màn hình như chiếc Moviola phía trên. Nhà dựng phim và đạo diễn sẽ xem bản copy của đoạn phim hàng ngày gọi là “dailies” được cắt ra từ những đoạn phim hỏng và “nối” những đoạn phim dương lại với nhau để tạo thành một thành phẩm thô hoàn chỉnh. Đoạn phim cắt ghép này cũng chứa âm thanh thu được lúc quay phim, nhưng thường sau này sẽ được lồng tiếng. Bản phim thô này được gọi là Bản dựng của nhà dựng phim (Editor’s Cut).

    Khi việc quay phim đã hoàn tất, đạo diễn và nhà dựng phim sẽ cùng làm việc về bộ phim, lược bỏ và sắp xếp lại cảnh quay. Có 24 khung hình trong mỗi giây, và việc thêm hay bớt dù chỉ một khung hình cũng có thể tạo ra khác biệt rất lớn. Quá trình này được tiến hành đến khi đạo diễn hài lòng, và kết quả được gọi là Bản dựng của đạo diễn (Director’s Cut). Sau đó, quá trình cắt phim phi sáng tạo bắt đầu, đây là quá trình chuẩn bị bản phim âm bản gốc đã được xử lý bằng găng tay trong môi trường không có bụi bẩn. Người thực hiện công việc này gọi là trợ lý dựng phim âm bản (negative cutter) – một thuật ngữ ngày nay bạn vẫn có thể thấy trong danh sách công nhận những người tham gia vào quá trình sản xuất phim.

    Bản dựng phim chính thức (Final Cut) là sản phẩm đã hoàn thiện được đưa đến cho các nhà sản xuất hay công ty điện ảnh. Có thể có thêm những đề xuất thay đổi trong bộ phim và đôi khi có thể xảy ra bất đồng giữa công ty sản xuất và đạo diễn, khiến đạo diễn không muốn tiếp tục tham gia vào dự án làm phim nữa.

    Sự bất đồng khi lựa chọn phiên bản phim để trình chiếu cho khán giả là vấn đề thường thấy. Nhà sản xuất có thể muốn sử dụng phiên bản phim của mình và đề nghị đạo diễn bỏ tên mình ra khỏi danh sách những người tham gia vào quá trình sản xuất và thay vào đó sử dụng biệt hiệu “Alan Smithee” – cái tên được Hiệp hội Biên kịch chấp nhận trong những trường hợp như vậy. Vài đạo diễn được cho cơ hội để thể hiện quan điểm của họ về bộ phim trong Bản dựng của đạo diễn (Director’s Cut). Một số Bản dựng của đạo diễn được trình rạp đầu tiên như trường hợp của “Das Boot” và “Blade Runner”. Bộ phim “Blade Runner” (1982) có ảnh hưởng rất lớn đến cái nhìn và cảm xúc của dòng phim khoa học viễn tưởng. Đạo diễn Ridley Scott bị công ty điện ảnh buộc phải lồng tiếng của Harrison Ford vào và tạo một cái kết có hậu truyền thống thay vì những gì Scott muốn làm trong bộ phim. 10 năm sau, Scott cuối cùng cũng có thể ra mắt phiên bản phim của ông với tên gọi “Blade Runner: Director’s Cut”. Phiên bản này lược bỏ phần lồng tiếng và có kết thúc như ý muốn ban đầu của ông. Sự đối lập giữa bản dựng của đạo diễn và phiên bản của công ty điện ảnh không đơn thuần là sự đối lập giữa góc nhìn thẩm mỹ của đạo diễn với phiên bản sân khấu. Trong vài trường hợp, đó đơn giản chỉ là một mánh khóe marketing mà thôi. Trong một vài trường hợp khác, đó là một phiên bản phim dài hơn. Đừng nghĩ rằng cái gọi là Bản dựng của đạo diễn luôn là bộ phim mà đạo diễn muốn bạn xem.

    Terry Gilliam (dưới danh tiếng của nhóm kịch Monty Python) đã đạo diễn những bộ phim như “Time Bandits” (1981), “Fisher King” (1991), “Fear and Loathing in Las Vegas” (1998) và bộ phim yêu thích của tác giả-“Brazil” (1985). Phiên bản sân khấu của bộ phim này ngắn hơn Bản dựng của đạo diễn 12 phút. Đáng tiếc là nhiều phần phim dựng của phiên bản sân khấu này không thành công. Dù bộ phim vẫn mang lại niềm vui, nhưng nhiều người theo chủ nghĩa thuần túy cho rằng nó là một sự thất bại. Cuộc chiến giữa công ty sản xuất phim và Gilliam được kể lại chi tiết trong quyển sách The Battle of Brazil.

    Cuộc chiến không có điểm dừng giữa công ty sản xuất phim và đạo diễn này là chủ đề trong một bộ phim có tên gọi “An Alan Smithee Film Burn Hollywood Burn” (1998) (có cái tên trên màn ảnh là “Burn Hollywood Burn”). Nó được xem là một trong những bộ phim tệ nhất mọi thời đại. Kết quả là Hiệp hội Đạo diễn Mỹ quyết định chính thức ngưng sử dụng biệt hiệu Alan Smithee trong danh sách công nhận những người tham gia làm phim năm 2000. Nội dung bộ phim xoay quanh một đạo diễn cố gắng từ bỏ một bộ phim. Bộ phim trở nên tồi tệ đến nỗi đạo diễn thật sự của nó – Arthur Hiller – sau khi xem phiên bản của công ty sản xuất phim đã phải đề nghị lấy tên mình ra khỏi danh sách những người tham gia làm bộ phim!

    Mời các bạn tiếp tục chờ đón phần 5 của series học về Nghệ thuật dựng phim và video do 24hinh.vn tổng hợp và biên soạn.

    Tài liệu tham khảo:

    · Sách Kỹ thuật dựng phim – Tác giả: Karel Reisz và Gavin Milar

    · Sách Những bài học về dàn dựng – Tác giả : Sergei Mikhailovich Eisentein

    · Ebook The Technique Of Film and Video Editing - History, Theory, and Practice – Tác giả : Ken Dancyger