Lại một bộ phim nữa liên quan đến chủ đề gia đình mà mình tiếp tục review. Bản thân sau khi xem phim xong, trong đầu hiện ra rất nhiều từ như tình yêu, tình thân, gia đình, nỗi đau, chiến tranh, sốc văn hóa.... Có quá nhiều thứ có thể nghĩ đến sau một bộ phim tài liệu chân thực như thế này. Bắt đầu bằng những hình ảnh trong chiến tranh Việt Nam cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến những hình ảnh ở thời điểm hiện tại trên đất nước Việt Nam và Mỹ mà bộ phim đề cập đến, sẽ thấy rằng bộ phim gây xúc động không phải bởi tiếng súng nổ, tiếng bom đạn trong chiến tranh hay muôn vàn những hình ảnh của trận chiến. Chủ đề mà bộ phim muốn nói đến chính là những vết thương còn day dứt mãi trong tâm hồn con người sau 1 cuộc chiến tranh, những vết thương mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ lành dù có trải qua sự càn quét của thời gian đi chăng nữa. Bộ phim kể về một cô gái Heidi, tên tiếng Việt là Mai Thị Hiệp. cô sinh ngày 10/12/1968 tại Đà Nẵng, mẹ Heidi là bà Mai Thị Kim. Heidi được đưa sang Mỹ trong chiến dịch không vận trẻ em của chính phủ Mỹ (Operation Babylift), là đứa con của bà Kim với một người lính Mỹ. Bà Kim lúc đó hay được tin rằng “Ai mà có con lai, con lai, làm cho Mỹ, là họ đốt xăng, họ đổ dồn cái họ đốt” và theo lời của luật sư Tom Miler cũng như hàng trăm trẻ em khác trên những chiếc máy bay đến đất Mỹ, Heidi giống như những cố gắng cuối cùng của chính phủ Mỹ nhằm tranh thủ sự ủng hộ và ngân sách cho chiến tranh. Heidi đến California, được nhận nuôi bởi 1 phụ nữ độc thân tên là Anne, sau đó họ chuyển về sống tại Pulaski. Thế nhưng, trong hồi ức của Heidi, cô luôn nhớ về mẹ đẻ và muốn quay trở về để tìm mẹ. Cùng lúc đó, sau nhiều năm kiếm tìm đứa con gái, bà Kim đã gặp được một phóng viên trong chương trình “Ra đi có trật tự” nhờ đó thông qua nhà báo Trần Tương Như là vợ của Tom Miler, Heidi và mẹ đẻ cô đã chính thức có một cuộc gặp gỡ sau 22 năm dài xa cách. Bản thân bộ phim dường như đã gây nên một “cú sốc” tâm lý đối với người xem. Một bộ phim tài liệu được làm một cách chân thực đến đau đớn bởi 2 đạo diễn là Gail Dolgin và Vicente Franco. Tất cả đoàn làm phim chỉ có 3 người, họ tối giản hóa những gì có thể nhất cho chuyến đi. Và cũng chẳng hề có một lời bình nào của người làm phim mà toàn bộ là những suy nghĩ và tâm tư của nhân vật chính. Khi câu nói “We’re going home” mà Heidi đã nói trong chuyến bay sau 22 năm trở về Việt Nam và nhìn nụ cười hạnh phúc của cô ấy, mình mường tượng đến một khung cảnh đoàn viên ấm áp, một cái kết “happy ending” cho tất cả, vì cả Heidi và bà Kim đều luôn kiếm tìm nhau và nhớ về nhau. Thế nhưng chẳng ai có thể ngờ được rằng, sau cuộc gặp gỡ đó, họ lại dần dần không liên lạc với nhau nữa. Cái kết đọng lại bằng câu nói của Heidi “Tôi nghĩ mình đã khép cánh cửa lại với họ, nhưng không khóa. Cánh cửa đóng nhưng không khóa”. Vậy chuyện gì đã xảy ra trong chuyến hành trình trở về ấy của Heidi Bà Kim và Heidi Các thành viên trong gia đình bà KimTrong thời gian này, chắc hẳn bạn sẽ chẳng còn xa lạ gì với cụm từ “sốc văn hóa”. Sự thay đổi dẫn đến cái kết không đẹp như trong phim, yếu tố văn hóa chiếm một phần rất lớn. Nhưng cái sâu xa hơn, ẩn chứa trong đó vẫn là tình cảm. Thật đáng buồn là cái tình cảm ấy lại được biểu hiện thông qua yếu tố văn hóa. Heidi nói “Tôi luôn muốn nhận tình yêu thương từ ai đó một cách vô điều kiện”. Câu nói này là câu khiến mình suy nghĩ nhiều nhất trong phim. Vậy thế nào là một thứ tình yêu không điều kiện, và nó có tồn tại hay không? Heidi lớn lên trên đất Mỹ. Cô đi học và nhận sự giáo dục của Mỹ. Cô sống với Anne (mẹ nuôi) nhưng lại không hề có được sự yêu chiều như những đứa trẻ khác. Bà dạy cô theo cách của mình và nói cô nợ bà cuộc sống và những tháng năm mà họ đã cùng nhau đi qua. Nếu như Heidi sống cùng bà, cô phải tuân theo những nguyên tắc của bà. Có lẽ đó chính là cái gọi là “điều kiện” cho một tình yêu. Heidi luôn nhớ về mẹ đẻ (bà Kim) và chuyến đi trở về Việt Nam giống như một sự bù đắp cho những nhớ nhung, tình cảm mà cô không có được trong quãng thời gian từ ấu thơ cho đến khi đã lập gia đình. Nhưng với bà Kim, sau tình yêu và nỗi nhớ sẽ đi kèm với những trách nhiệm. Giống như bà Kim, suy nghĩ của những thành viên khác trong gia đình bà bây giờ cũng là như thế. Chị của Heidi-Hiền đã nói rằng “Mặc dù bản thân tôi là đứa con nghèo nhất trong gia đình, tôi không có của nhưng tôi có công. Những khi ba mẹ tôi đau ốm thì tôi về giặt được cái ó, cái quần, nấu được miếng cơm, miếng nước thôi” Xin mạo muội suy ra theo ý hiểu của mình sau câu nói này là Giờ Heidi đã trở về, cô ấy không góp được công thì phải góp của. Vậy còn bà Kim! Có thể nhận thấy điều này qua những ước mong của bà ở cuối phim. Khi thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, bà mong muốn Heidi và con cháu về xây dựng phần mộ cho dòng họ. Mình hoàn toàn có thể hiểu được phần nào suy nghĩ này của bà Kim (nhưng không đồng cảm được với cách ứng xử của gia đình bà ) Nếu như bạn là người Việt Nam, nếu như bạn sống cùng ông, cùng bà hay cha mẹ đã đến cái tuổi gần đất xa trời. Bạn hoàn toàn sẽ hiểu được suy nghĩ này. Nhưng với Heidi, chuyến đi chỉ đơn thuần chỉ là một sự đoàn tụ, một sự nhận lại một thứ tình cảm thiêng liêng trong cuộc sống, tình mẹ-con mà đáng ra cô ấy phải nhận được từ khi còn bé nhưng lại không có được bởi sự chia cắt của chiến tranh, và lại không cảm nhận được khi cô ấy sống trong một đất nước hòa bình, trước và sau cuộc chiến. Cô ấy đã bị tổn thương từ khi còn bé mà theo mình, nó đã trở thành sự khuyết thiếu khó mà bù đắp trong tâm hồn Heidi. Tình cảm đối với Heidi chỉ đơn thuần là tình cảm, không kèm theo một điều gì nữa. Cuối cùng, sau 2 năm bước ra từ bộ phim về chính cuộc đời mình, khi trả lời phỏng vấn, cô ấy nói rằng “Nhìn lại, tôi thấy mình ứng xử không được hay, nhưng tôi không biết họ, họ xa lạ với tôi”. Và Heidi cũng nói với mẹ đẻ của Anne rằng “Bà mới là người thân của con”. Cô ấy đã chọn về với thế giới của mình, với những con người đã gắn bó 22 năm, chứ không phải là hồi ức của 22 năm xa cách. Còn bà Kim, sau 2 năm ấy, vẫn không ngừng nguôi ngoai “Cháu Hiệp, mẹ mất cháu Hiệp rồi, đi rồi”. Bộ phim đã đạt đươc nhiều giải thưởng. Theo Wikipedia, nó nằm ở vị trí thứ 5 trong danh sách phim đề cử giải Oscar năm 2003. Tuy không nhận được giải Oscar, nhưng phim đã nhận được nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan phim khác như giải của ban giám khảo tại LHP Sundance, giải Cổng Vàng tại LHP Quốc tế San Francisco, giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại LHP Ojai, LHP Texas, LHP Quốc tế New Jersey… Khi xem phim, bạn sẽ có đôi chút cảm giác tiếc nuối. Nhưng đây vẫn là một bộ phim nên xem, nó không đơn thuần chỉ là một bộ phim về một hành trình trở về mà giống như một bắt đầu của một sự ra đi, sau những tình cảm, những hồi ức và nỗi đau. Đó là một phần mà cuộc chiến tranh Mỹ-Việt đã “đem lại”. [Âm nhạc trong phim] Nghệ sĩ Vân Ánh Nói thêm một chút về người làm nhạc chính của Người con gái Đà Nẵng-Nghệ sĩ Vân Ánh Vanessa Võ là một người Việt Nam. Trong phim, bạn sẽ nghe thấy thứ âm thanh quen thuộc của âm nhạc truyền thống Việt Nam-tiếng đàn tranh. Cùng với thành công của Người con gái Đà Nẵng, âm nhạc trong phim cũng được đề cử giải Oscar năm 2003. Tiếng đàn tranh xuyên suốt nhiều đoạn trong phim cùng với những khung cảnh làng quê Việt Nam thời hậu chiến, bộ phim đã miêu tả một phần nào đó văn hóa Việt Nam với thế giới. Dẫu rằng, nó đã để lại những nỗi đau sẽ không bao giờ thôi nhức nhối của những nhân vật trong phim như Heidi, bà Kim, hay những con người khác đã đi qua cuộc chiến. MỜI CÁC BẠN XEM BỘ PHIM NÀY