Ngày 23/10/1927, lần đầu tiên hãng Warner Bros - một trong những hãng phim lớn của điện ảnh Mỹ thời đó - ra mắt bộ phim The Jazz Singer, bộ phim có tiếng nói và tiếng nhạc đầu tiên trong lịch sử điện ảnh. Đầu thế kỷ XX là giai đoạn vươn lên của nhiều nền điện ảnh trên thế giới như Liên Xô, Mỹ, Đức… Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các bộ phim được sản xuất ra mới chỉ dừng ở thể loại phim câm, nghĩa là chỉ có hình ảnh mà không có tiếng động. Phải đến năm 1926, hãng Warner Bros của Hollywood mới cho ra đời bộ phim Don Juan và lần đầu tiên phần nhạc được ghép trực tiếp vào cuộn phim. Hệ thống Vitaphone (dùng âm thanh ghi trên các đĩa tiếng riêng) cho phép gắn kèm âm thanh vào một số đoạn phim ngắn mà hãng Warner Bros đưa ra đã bắt đầu gây được sự chú ý của khán giả. Và đến năm 1927, Warner Bros đã ra mắt công chúng bộ phim The Jazz Singer,được coi là khúc dạo đầu đẹp đẽ của thể loại phim có âm thanh, dù phần thoại và nhạc chỉ được đưa vào một số phút cảnh trong phim. The Jazz Singer trở thành bộ phim có âm thanh đầu tiên trong lịch sử điện ảnh. Bộ phim The Jazz Singer được sản xuất với công nghệ âm thanh Vitaphone đã thu hút rất đông khán giả đến rạp xem. Thành công của The Jazz Singer được tiếp nối bằng một bộ phim khác của Warner Bros. The Lights of New York (1928) là bộ phim đầu tiên mà toàn bộ phần hình ảnh và âm thành được đồng bộ hóa. Hệ thống Vitaphonecũng nhanh chóng bị thay thế bằng các hệ thống ghi âm thanh trực tiếp trên phim như Movietone của hãng Fox Pictures, Phonofilm của DeForest hay RCA Photophone. Năm 1929, hãng Warner Bros đã không tiếc tiền của và công sức khi cho ra đời bộ phim màu với phần tiếng xuyên suốt đầu tiên là On With The Show. Nhưng thực sự gây được tiếng vang lại là bộ phim thứ hai Gold Diggers Of Broadwaykhi nó thống lĩnh mọi bảng xếp hạng và giữ vị trí cao cho đến tận năm 1939. Cho đến cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, hầu như tất cả các bộ phim của Hollywood đều đã có tiếng. Âm thanh nhanh chóng giúp các bộ phim trở nên hấp dẫn và lôi cuốn khán giả hơn, đồng thời cũng đưa các hãng phim nhỏ tới chỗ phải đóng cửa vì không đủ vốn chi phí cho hệ thống thu âm cho các bộ phim. Âm thanh cũng là một trong các lý do giúp điện ảnh Mỹ vượt qua cuộc đại suy thoái và bước vào thời kỳ hoàng kim. Tính trong thập niên 20 của thế kỷ XX, mỗi năm các hãng phim Mỹ (phần lớn tập trung ở Hollywood và tiểu bang California) đã cho ra đời chừng 800 bộ phim điện ảnh, chiếm 82% sản lượng phim toàn cầu. Cùng với những bộ phim lớn là sự xuất hiện của hàng loạt siêu sao như Greta Garbo, Clark Gable, Katharine Hepburn hay Humphrey Bogart… Họ nổi danh không chỉ ở trong phạm vi nước Mỹ mà còn được hâm mộ trên khắp các châu lục. Âm thanh đã khiến quá trình sản xuất phim phải thay đổi về cơ bản, phần thoại trong các kịch bản phim được trau chuốt hơn, các diễn viên cũng phải làm quen với việc vừa diễn xuất hình thể vừa đọc thoại, dẫn đến nhiều ngôi sao của thời kỳ phim câm phải chấm dứt sự nghiệp vì không thể thay đổi kịp với xu thế này. Sự ra đời của nhạc và tiếng động cũng dẫn đến việc hình thành các thể loại phim mới, tiêu biểu là phim ca nhạc với các bộ phim The Broadway Melody(1929) của điện ảnh Mỹ hay Le Million (1931) của đạo diễn Pháp thuộc trường phái siêu thực René Clair. Ngày nay, điện ảnh đã chuyển từ một loại hình giải trí mới lạ đơn thuần trở thành một nghệ thuật và công cụ truyền thông đại chúng, giải trí quan trọng của xã hội hiện đại. Công nghệ thông tin đã mang lại bước đột phá lớn cho điện ảnh thế giới cả về kỹ xảo và phong cách thực hiện phim. Kỹ thuật số mang lại cho các bộ phim bom tấn những kỹ xảo mang tính cách mạng như hình ảnh những con khủng long trong Công viên kỷ Jurra (1993) hay một con tàu khổng lồ gặp nạn trong Titanic (1997). Cả hai bộ phim này đều lần lượt phá kỷ lục về doanh thu trong đó Titanic vẫn đang giữ vị trí bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới với tổng doanh số ước tính khoảng 1,8 tỷ USD… Có thể thấy, điện ảnh luôn không ngừng quyến rũ con người, với các thể loại như tình cảm lãng mạn, kinh dị, phiêu lưu mạo hiểm, chiến tranh, dã sử và rất nhiều hình ảnh về một miền đất hoang dã đã thuộc về dĩ vãng… Tự thân, những cuốn phim đã ghi lại sự thay đổi đến chóng mặt của hành tinh chúng ta, có thể làm chúng ta thích thú, say mê cũng có thể làm người xem hoảng sợ, kinh động hoặc thất thần. Nhưng có một điều sẽ không bao giờ thay đổi, đó là những thế hệ khán giả suốt một thế kỷ qua đều làm cùng một việc giống nhau là ngồi nhìn say mê trên những hình ảnh và bị thu hút mê hoặc trong bóng tối mờ ảo của rạp chiếu bóng. Đã 87 năm trôi qua kể từ bộ phim có tiếng đầu tiên được trình chiếu, đến nay, kỹ xảo âm thanh và hình ảnh trong điện ảnh đã đạt được đến trình độ rất cao mà trước đó con người khó có thể hình dung được.