Cảm nhận Pulp Fiction - Chuyện Tào Lao

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi Minh Tu Le, 21/6/19.

Lượt xem: 7,596

  1. Minh Tu Le

    Minh Tu Le Moderator


    Một trong những bộ phim thuộc hàng kinh điển của thập niên 1990, cũng như tác phẩm tiêu biểu nhất của đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino là Pulp Fiction sản xuất năm 1994.




    [​IMG]



    Pulp Fiction là một trong nhiều tác phẩm hiếm hoi của lịch sử điện ảnh nước Mỹ, là sự phá cách thiên tài những chuẩn mực thông thường đến từ con “mọt” điện ảnh Quentin Tarantino, giành chiến thắng tại Cannes năm 1994 và tạo nên tên tuổi một huyền thoại dòng phim hài tội phạm châm biếm, chứa đựng những chất liệu rất đặc trưng của vị đạo diễn trẻ tuổi này.


    Bộ phim kết thúc cũng như cách mà nó bắt đầu: Hai vợ chồng nọ thực hiện một vụ cướp trong một quán cà phê. Số phận định đoạt thế nào, cũng là lúc mà hai tên mafia (Jules và Vincent) đang ăn bữa sáng của mình. Hai tên mafia thực hiện những việc cần làm để lấy lại tiền cho ông chủ Marcellus Wallace, kéo theo nhiều sự việc rắc rối. Một trong hai tên, Vincent, dẫn vợ của Marcellus Wallace đi chơi và chẳng may bị...sốc thuốc. Võ sĩ quyền anh Butch nhận tiền của Wallace để thua ở ván đấu thứ năm. Nhưng không, vì danh dự của chính bản thân anh mà đã đánh tên võ sĩ kia đến chết. Cũng vì vậy, anh có nhiều rắc rối đeo đuổi khi biết Wallace sẽ giết mình bằng cách này hay cách khác. Và có lẽ chỉ khi xem phim ta mới biết tại sao sự tình lại được trải ra một cách ngắt đoạn như thế. Pulp Fiction được kể theo lối phi tuyến tính về những chuyện tưởng chừng chẳng liên quan đến nhau nhưng lại có sự gắn kết chặt chẽ bằng cách này hay cách khác thông qua những tình tiết hài hước, cùng những màn đối thoại chân thật nặng về phong cách hơn là nội dung, với sự xuất hiện của “bộ sậu” John Travolta, Samuel L Jackson, Uma Thurman, Bruce Willis, Tim Roth và Harvey Keitel.


    [​IMG]


    Được dịch sang tiếng Việt với tên gọi phù hợp, “Chuyện Tào Lao”, quả thật để giải thích tại sao Pulp Fiction lại được yêu thích đến vậy là điều không hề dễ dàng. Bộ phim không có những chủ đề đao to búa lớn cần “căng não” để hiểu; trái lại, Pulp Fiction là tổng hợp những câu chuyện “tào lao”, đủ tào lao để để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về tầng cảm xúc cho người xem, đặc biệt là khi đã quá ngán ngẩm những bộ phim “mỳ ăn liền” với cốt truyện được xào đi xào lại, hay tệ hơn là cố gò ép tính kịch sến sẩm trong một phương tiện mà theo quan điểm của Quentin, quan trọng là sự vui thú. Chưa bao giờ khán giả lại được “thỏa mãn” một bộ phim nhiều phong vị màu sắc đến như vậy. Pulp Fiction vừa mang sự phá cách trong phong cách làm phim, vừa đáp ứng được mức độ giải trí và quan trọng hơn hết là có tầm ảnh hưởng lên văn hóa đại chúng. Chịu âm hưởng không nhỏ từ Làn Sóng Mới Pháp (French New Wave) những năm 1960 và các phim cao bồi những năm 1970, Pulp Fiction có sự tri ân thường thấy trong những phim của Tarantino về các bộ phim ông lớn lên cùng, thể hiện qua những sáng tạo cá tính mới mẻ, chất riêng mà về sau trở thành đặc sản của vị đạo diễn “DJ”.


    Cách quay phim của Pulp Fiction do nhà quay phim Andrzej Sekuła (Hackers, Four Room, Reservoir Dogs) đảm nhiệm có một sự hoài niệm, lối phối màu được Tarantino chủ ý pha rất “cổ” sát với những phim của thập niên 70 hơn là một bộ phim năm 1994.


    [​IMG]


    Âm nhạc của Pulp Fiction cũng gợi phong vị những năm 50-60 cho người xem, với những bản nhạc của Chuck Berry, Elvis và The Beach Boys. Cách Tarantino vận dụng soundtrack vào bộ phim cũng đáng được lưu ý khi ông đã nhuần nhuyễn kết hợp nhiều thể loại âm nhạc khác nhau để tạo ra từng cảm xúc riêng cho từng phân đoạn trên màn ảnh. Bài hát “You Never Can Tell” của Chuck Berry trong cảnh quay nhảy điệu twist của Mia Wallace và Vincent là một ví dụ điển hình cho hồn phim phóng khoáng của Quentin Tarantino. Không có bất cứ rào cản nào trong cách ông sử dụng ngôn ngữ làm phim, như thể một nhà văn lỗi lạc chèn một phân đoạn tình cảm Shakespeare giữa một trang truyện trinh thám vậy.



    Quentin Tarantino được mệnh danh là ông vua của kịch bản và điều đó được thể hiện rõ hơn hết qua những màn đối thoại trong Pulp Fiction. Không dùng những từ ngữ văn hoa hay cố để ép những câu thoại để gia tăng cốt truyện; trái lại, Tarantino khai thác ngôn ngữ rất đời thường bình dị, được thể hiện có phần “tục tĩu” để diễn tả chân thật văn hóa Los Angeles những năm 90 với các chủ đề tán phét như bánh McDonald’s được gọi như thế nào ở Pháp hay việc có nên...ăn thịt heo hay không.


    [​IMG]



    Phim dài hơn hai tiếng rưỡi nhưng có lẽ không có bất cứ trường đoạn nào khiến bộ phim cảm giác dài hơi, luôn tạo được sự ấn tượng và thích thú cho người xem từ cảnh này sang cảnh khác, như một “con tàu lượn cảm xúc” vậy. Quentin Tarantino là một người yêu điện ảnh; ông yêu mỗi cảnh quay trong các tác phẩm của mình, đặt vị trí của mình vào vị trí người xem và luôn có sự chau chuốt tỉ mỉ, có “tâm” hơn hết vị đạo diễn auteur nào khác. Trên hết, Pulp Fiction là bệ đứng của nhiều diễn viên đã có tên tuổi của thời ấy, như Bruce Willis, John Travolta, Harvey Keitel và là bệ phóng cho các diễn viên trẻ như Tim Roth hay Uma Thurman, đã hợp tác với Quentin Tarantino trong một số phim tiếp theo về sau như Kill Bill (Vol. 1 và Vol. 2).


    Để giải thích cho thành công của Pulp Fiction đối với khán giả ngày nay dường như là điều không thể. Bộ phim là đứa con tinh thần, là kết tinh tuyệt hảo nhất từng được đưa lên màn ảnh của một vị đạo diễn có tình yêu lớn lao dành cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

    Bất cứ ai yêu thích điện ảnh chắc chắn không nên bỏ qua Pulp Fiction, “cửa ải” đầu tiên dành cho những ai muốn nghiên cứu chuyên sâu hơn những bộ phim nghệ thuật thông qua một bộ phim vừa “dễ nuốt” vừa có tính thử nghiệm thú vị để ta có thể mổ xẻ phân tích, xem đi xem lại một tác phẩm thuộc hàng bất hủ của văn hóa đại chúng Mỹ.


    [​IMG]


    Minh Tu Le - 24hinh.vn​