Dustin Hoffman là một trong những diễn viên được đánh giá cao nhất mọi thời đại. Bằng lối diễn xuất method, Hoffman đã hóa thân vào nhiều loại nhân vật khác nhau: Từ vai diễn đặt tiền đề cho sự nghiệp là Benjamin trong The Graduate, đến anh chàng què trong Midnight Cowboy, người đàn ông ly thân trong Kramer vs Kramer, hay là...người đóng giả gái trong Tootsie. Với Rain Man sản xuất năm 1988 của đạo diễn Barry Levinson, Hoffman vào vai một người bị tự kỷ - Raymond, song sở hữu một bộ óc với khả năng tính toán siêu việt dựa trên câu chuyện có thật của Kim Peek vào những năm 1980. Cùng với Tom Cruise, bộ đôi đã tạo nên một tác phẩm điện ảnh thấm đẫm tính nhân văn về tình cảm gia đình giành tới bốn giải Oscar vào năm 1988, tạo tiếng vang trên thị trường phim Hollywood cũng như đánh dấu bước chuyển biến của Tom Cruise từ một diễn viên thuần hành động đến vai diễn cần sự bộc lộ nội tâm sâu sắc. Tom Cruise vào vai người em trai Charlie thành đạt mà lại ích kỷ, quan tâm đến tiền bạc hơn là việc gặp lại người anh trai tự kỷ sau hơn 20 năm xa cách. Số tiền ba triệu đô mà người cha để lại cho Raymond thừa kế đã khiến cho Charlie phải bày ra nhiều mưu kế để lừa người anh chiếm đoạt số tài sản thay vì chấp nhận tình cảm máu mủ ruột thịt với Raymond - hay “Rain Man” (Người trong mưa), người anh trai tự kỷ từng hát cho anh những giai điệu của The Beatles, che chở và săn sóc cho anh từ thuở bé thơ. Charlie quyết định “bắt cóc” Raymond khỏi viện tâm thần để tìm cách thuyết phục Raymond đưa số gia tài cho anh - đưa anh đi dọc nước Mỹ trên chiếc xe hơi đến Los Angeles để gặp luật sư và làm mọi chuyện cho ra lẽ. Trên đường đi, Charlie qua một nhà bác sĩ tâm lý sớm phát hiện ra rằng dù tự kỷ, Raymond lại có một trí tuệ với khả năng tính toán bậc thầy, tính được những phép tính hóc búa nhất chỉ trong tích tắc. Ban đầu, Charlie cảm thấy có phần khó chịu với khả năng này của Raymond - thậm chí có phần nghi ngờ rằng Raymond đang cố tỏ vẻ rằng mình tự kỷ để chiếm lấy số tiền. Mạch phim của Rain Man luôn giữ được ở mức ổn định, có sự lôi cuốn cho khán giả từ trường đoạn này sang trường đoạn khác; Đến những đoạn cao trào nhất của phim, khi Charlie mang Raymond đến casino ở Las Vegas để dùng anh như một phương tiện để đánh thắng những canh bạc bằng cách đếm bài trong trò Blackjack (Xì dách). Hình ảnh nhân vật Charlie bên cạnh người anh trai tự kỷ tại sòng bạc đã trở thành một phần của văn hóa điện ảnh nước Mỹ thập niên 80, một hiện thân của sự đối nghịch giữa thế giới xa hoa vật chất và sự thiếu sót tình cảm giữa người và người của văn hóa phương Tây. Bộ phim cũng không thiếu hụt những khoảnh khắc “dở khóc dở cười” phát sinh từ những mẩu đối thoại giữa Charlie và Raymond, những tình huống được ứng tác bởi Tom Cruise và Dustin Hoffman để khiến cho bộ phim có thêm sức sống và thoát khỏi sự gò bó - đặc biệt, đó là cũng là những phân cảnh cần thiết nhất để bộc lộ khả năng diễn xuất của hai diễn viên xuất chúng thuộc hai thế hệ khác nhau. Đến cuối phim, Rain Man lại gợi nhiều cảm xúc u buồn, rõ nhất thông qua những bản nhạc nền của phim. Soundtrack của Rain Man do Hans Zimmer đảm nhiệm, một trong những nhà soạn nhạc cho phim điện ảnh Hollywood vĩ đại nhất mọi thời đại (nổi tiếng với The Last Samurai, Inception, Interstellar hay gần đây nhất là Dunkirk). Với Rain Man, Zimmer đã vẽ lên được không khí trầm mặc thanh tĩnh đầy vị nhân sinh mà cũng rất giản đơn, như một bức tranh sơn dầu một ngôi nhà mộc mạc trong giấc mơ của một tâm hồn cô độc xa cách với xã hội. Nhân vật Raymond chính là chủ thể của toàn bộ viễn cảnh trong phần âm nhạc mà Zimmer muốn nhắm tới, một chủ thể lạ lẫm với một góc nhìn thế giới chủ quan độc đáo và cá tính. Rain Man là một tác phẩm hàm chứa nhiều cảm xúc sâu sắc với toàn bộ sự ấm lòng và gần gũi đến từ một bộ phim của đạo diễn Barry Levinson (người đã cho ta thấy cái chân khiết của tình cảm bạn bè trong Diner, hay sự bất công của chiến tranh trong Good Morning Vietnam). Rain Man, trên hết, là một bộ phim đề cao tình cảm anh em - “giọt máu đào hơn ao nước lã”, cũng như cho một xã hội nước Mỹ cái nhìn khách quan về căn bệnh tự kỷ trong thời kỳ ngành tâm lý học vẫn còn non yếu, một tác phẩm kinh điển bậc nhất trong nghiệp diễn của cả Tom Cruise lẫn Dustin Hoffman. Minh Tu Le - 24hinh.vn