Chờ đợi nguyên cả một tháng hè để xem Inside out của Pixar và thực sự bộ phim đã không làm mình thất vọng. Phim trọn vẹn cả về nội dung và hình thức biểu hiện. Câu chuyện ngọt ngào đến mức không chỉ làm những đứa trẻ cảm thấy phấn khích mà còn khiến những người đã đi qua tuổi ấu thơ như mình có dịp được nhìn lại những cảm xúc mà chúng ta đã trải qua trong suốt quá trình trưởng thành. Khó mà tưởng tượng được những cảm xúc lại được tạo nên một cách đáng yêu giống như các nhà làm phim đã đề cập. Chúng có hẳn một khu điểu khiển trung tâm, một nơi lưu giữ trí nhớ dài hạn giống như một mê cung sáng lấp lánh những quả cầu đa màu sắc. Những đảo tính cách của một cô bé 11 tuổi Riley (Kaitlyn Dias). Đó là một thế giới đầy màu sắc mà chỉ có phim ảnh mới có. Joy là người chỉ huy chính của cảm xúc Mê cung với những “ký ức lõi” Mặc dù câu chuyện nói về sự thay đổi trong cảm xúc của Riley khi chuyển từ Minnesota đến San Franssico, nhưng thật ra nhân vật chính trong phim lại là Joy (Amy Poehler), cô nàng điều khiển cảm xúc vui của Riley. Đúng như tên gọi của cô ấy, Joy đóng vai trò trung tâm đối với những cảm xúc khác như Anger (giận giữ), Disgust (chảnh chọe), Fear (sợ hãi) và Sadness (nỗi buồn). Joy chi phối phần lớn cảm xúc của Riley trước năm 11 tuổi và những ký ức mà Riley lưu giữ ở phần ký ức dài hạn, nó chiếm khá nhiều màu vàng hạnh phúc của Joy. Ký ức lõi là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong phim. Nó được tạo ra bằng những trải nghiệm và suy nghĩ của Riley, được thổi hồn vào đó những trạng thái của Joy, Sadness, Anger, Fear hay Disgust. Chính những quả cầu ký ức này đồng hành xuyên suốt cùng Joy-người dẫn dắt chính câu chuyện. Nó bắt đầu khi Joy cố không cho Sadness chạm đến phần ký ức lõi và cả hai đã cùng rơi xuống một mê lộ rối rắm. Cả Joy và Sadness phải tìm cách trở về khu điều khiển trung tâm để những cảm xúc của cô bé Riley lại được tiếp tục một cách hoàn hảo như ban đầu. Và suốt cuộc hành trình tìm về khu điều khiển trung tâm ấy, câu chuyện trong Inside Out được chia thành hai thế giới phong phú khác biệt, một thế giới bên trong đầy màu sắc với Joy và Sadness, với Hãng phim giấc mơ, với Khu tưởng tượng hay với Hang tiềm thức và một thế giới bên ngoài ảm đạm, buồn chán tại San Fransico. Mạch cảm xúc vui vẻ của Riley mất đi trong bữa ăn đầu tiên cùng bố mẹ tại ngôi nhà mới cũng là khi Joy không còn đứng ở vị trí chỉ huy, và anh chàng Anger nóng nảy là người điều khiển chính lúc này. Hệ quả của nó kéo theo vô vàn những biểu hiện cảm xúc khác của Fear hay Disgust. Sadness (Phyllis Smith)-người bạn đồng hành của Joy Mình thích gọi câu chuyện trong Inside Out là chuyến hành trình đi tìm nỗi buồn của Joy. Cô ấy lúc nào cũng vui vẻ và luôn cố làm cho những người bạn xung quanh trở nên vui vẻ, vì thế Sadness luôn là người lạc lõng trong cả đội nhóm. Joy muốn tạo cho Riley những ký ức hạnh phúc nhất chứ không phải là màu blue mà Sadness mang đến. Lần đầu tiên, Joy có cái nhìn khác đi về Sadness là khi cô bé ngồi an ủi Bing Bong-một người bạn tưởng tượng lúc Riley còn bé khi chiếc máy bay mà “2 người” đã từng chơi bị chuyển đến “bãi rác”. Trong thế giới cảm xúc của Inside Out, tất cả những gì chuyển đến “bãi rác” sẽ mất đi mà không được khôi phục lại nữa. Bing Bong thì khóc rất nhiều. Trong khi Joy cố tạo ra niềm vui thì việc duy nhất Sadness làm lúc này là ngồi cạnh Bing Bong và lắng nghe cậu ấy giãi bày. Và bạn biết đấy, đó là việc mà chúng ta rất hay làm khi có ai đó cần bạn bên cạnh. Đôi khi bạn chỉ cần lắng nghe người đó mà không cần làm gì hơn thế. Đó là khi cảm xúc được giải tỏa, nỗi buồn được tan đi để nhường chỗ cho những cảm xúc khác. Ánh mắt ngạc nhiên của Joy khi cô ấy nhìn thấy Sadness làm đúng nhiệm vụ của mình. Cô bé không còn là một Sadness chậm chạp và ì ạch, hiền lành và nhút nhát. Sadness thực sự đã giúp cảm xúc của Bing Bong khá lên. Nút thắt cuối cùng trong phim được gỡ bỏ. Nó lý giải vai trò của Sadness đối với Riley. Khi bóng tối bao phủ Joy và Bing Bong trong lúc cả hai bị rơi xuống “bãi rác”, Joy đã bật khóc nức nở, cô ấy tìm thấy những hình ảnh trong một trận khúc côn cầu của Riley. Cô bé đang ngồi một mình và ngay lập tức bố mẹ và những người bạn đã đến bên cạnh. Điều thú vị nhất là, màu sắc bao phủ lên phần ký ức đó vẫn là màu vàng của Joy. Và người xem cũng chỉ nhìn thấy một kỷ niệm hạnh phúc. Nó không được Joy “định nghĩa” là một ký ức buồn, trong khi mỗi lần Sadness nhắc đến chuyện đó, cô bé luôn nói về những cảm xúc thất vọng mà Riley đã trải qua. Sadness chỉ xuất hiện rất ngắn ngủi trong khoảnh khắc đó, và không chiếm bất kỳ một góc xanh dương nào của quả cầu, nhưng nếu không có Sadness, hẳn đó sẽ là một ký ức không trọn vẹn. Cái kết đầy những giọt nước mắt của Riley khi trở về nhà, có những người mà cô bé thương yêu và yêu thương cô bé vô điều kiện. Lúc này Joy đã hoàn toàn thay đổi, cô ấy hiểu ra mình không còn có vai trò điểu khiển trong khoảnh khắc đáng ghi nhớ này của Riley nữa. Cô ấy trao quyền cho Sadness. Cái mà Riley cần lúc này chính là nỗi buồn, là sự ăn năn và hối hận. Vì khi những cảm xúc được đặt đúng chỗ, niềm vui sẽ đến theo một cách tự nhiên nhất. Khi Joy, Sadness, Fear, Anger và Disgust trờ lại với vai trò cảm xúc, mà không có ai làm chỉ huy. Có một thông điệp giản dị trong Inside Out đó là “Bạn không thể trưởng thành mà không khóc”. Nỗi buồn hiện hữu một cách thường trực đâu đó trong những giây phút của cuộc sống. Nhưng niềm vui mới là thứ đem đến sự hy vọng và tin tưởng. Không thể nói là nỗi buồn hay niềm vui, sợ hãi hay tức giận, cái nào quan trọng hơn. Chúng sẽ cùng bạn lớn lên và thay đổi. Vì một ký ức có thể là hạnh phúc khi bạn chỉ 2 tuổi nhưng lại có thể là nỗi buồn khi bạn 20. Có những câu chuyện nhỏ khác trong Inside Out... Mình thích cách mà những câu chuyện nhỏ bé ấy xen vào trong suốt quá trình Joy và Sadness tìm về khu điều khiển trung tâm. Với Inside Out, nó không chỉ là những câu chuyện về gia đình mà còn về những người bạn. Bing Bong không xuất hiện ngay từ đầu. Cậu bạn tưởng tượng ấy đến đúng vào lúc Đảo bạn bè trong số năm Đảo tính cách của Riley vỡ vụn. Và mờ dần đi cùng với những quả cầu trong “bãi rác”. Điều đó làm mình nhớ đến khi mình vẫn còn là một cô bé, và có vô vàn những “người bạn tưởng tượng”. Rồi khi mình lớn lên, những người bạn tưởng tượng ấy không còn nữa. Nó không phải là điều gì đáng buồn, nó chỉ cho thấy bạn đang lớn lên mà thôi. Bing bong có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi đứa trẻ khi chúng tự tạo cho mình những mối quan hệ giả tưởng, chìm đắm trong thế giới mà chỉ có chúng mới hiểu được. Từ đầu đến giờ, chắc mình đã càm ràm quá nhiều về những mảnh ghép trong Inside Out. Theo mình thì câu chuyện sẽ chẳng thể sinh động được nếu tạo hình của các nhân vật không được làm tốt đến thế. Ví dụ như phần ánh sáng của Joy. Cô bé lúc nào cũng phát sáng, ngay cả những lúc buồn bã nhất, hay tạo hình đáng yêu của Sadness. Vẻ ngoài là sản phẩm của trí tưởng tượng của Bing Bong hòa quyện vào một thế giới phong phú bên trong Riley. Thông tin (định dạng 2D) Loại phim:Hài, Phưu lưu, Hoạt hình Thời lượng: 90 phút Diễn viên: Amy Poehler, Bill Hader, Lewis Black, Mindy Kaling and Phyllis Smith. Đạo diễn: Pete Docter Khởi chiếu:21/08/2015 Xuất xứ:Mỹ Đánh giá: 8,5/10