Cảm nhận Stand by Me (1986) - Mùa hè của tình bạn

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi vivu, 3/8/19.

Lượt xem: 17,053

  1. vivu

    vivu Moderator

    Giữa mùa hè nóng như đổ lửa, cuộc phiêu lưu của những đứa trẻ luôn là cái gì đầy hấp dẫn một cách tự nhiên. Với bộ phim “Stand by me” của đạo diễn Rob Reiner, chuyến đi mùa hè của những cậu trai sắp lớn còn là một tác phẩm coming-of-age truyền tải thông điệp có sức sống mãnh liệt vượt thời gian.

    “Stand by me” kể câu chuyện một nhóm bạn gồm 4 cậu bé 12 tuổi lên đường thực hiện cuộc hành trình đi tìm xác chết của một cậu bé cùng tuổi. Thực tế là nội dung chỉ có vậy, một cuộc hành trình có vẻ kì lạ, nhưng thật ra rất đỗi trẻ con và đời thường, cộng thêm cái kết chẳng có gì là giật gân kinh dị. Thế nhưng bộ phim vẫn thật quyến rũ trong từng cảnh phim. Với cái trong sáng và chân thật của những cậu bé và những góc nhìn gợi lên đầy hoài niệm về tuổi thơ của mỗi người. “Stand by me” không chỉ thể hiện một hành trình vật lý đơn thuần, nó còn là cuộc tìm kiếm lại tuổi thơ với tình bạn gắn kết và thấu hiểu lẫn nhau. Nó đồng thời cũng lần theo và phơi bày những nỗi đau trưởng thành in dấu lên cuộc đời mỗi đứa trẻ.

    Nhờ cách dựng phim đơn giản, không có yếu tố kinh dị hay kì ảo, bộ phim càng làm nổi bật diễn xuất tự nhiên và vô cùng chân thực của 4 diễn viên nhỏ tuổi Wil Wheaton (vai Gordie), River Phoenix (vai Chris), Corey Feldman (vai Teddy) và Jerry O’Connell (vai Vern). Sự tương tác của 4 đứa trẻ tạo nên những kết nối tuyệt vời xuyên suốt từng đoạn hội thoại trong phim, tạo ra không khí chân thật và đầy trong trẻo cho “Stand by me”.


    [​IMG]
    Thêm vào đó, do chuyển thể từ tiểu thuyết “The Body” của nhà văn nổi tiếng Stephen King, “Stand by me” nhờ thế có nền tảng cốt truyện vô cùng vững chắc và hệ thống nhân vật nhiều màu sắc. Điều này được chuyển hóa và hoàn thiện thành một kịch bản với những điểm nhấn trọng tâm hơn, xây dựng từng nhân vật đến chỗ biểu tượng một cách rõ ràng hơn. Tuy cả bộ phim chỉ đơn thuần là một cuộc hành trình hơn hai ngày của 4 đứa trẻ, nhưng lại được gài cắm nhiều chi tiết giàu tính ẩn dụ và mang đậm dấu ấn cuộc sống Mỹ vào thập niên 60.

    Hành trình của tuổi thơ

    Một trong những ý tưởng trung tâm của “Stand by me” chính là kí ức về tuổi thơ và sự gắn kết tình bạn. Điều này được thể hiện thông qua chuyến hành trình đi tìm xác đứa trẻ bị tàu hỏa đâm. Dưới những hồi tưởng của nhân vật chính Gordon “Gordie” Lachance, lúc này đã là một nhà văn lớn tuổi, cuộc hành trình của 4 cậu bé hiện lên một cách vô cùng sống động.

    Từ thị trấn nhỏ Castle Rock mà Gordie coi là “cả thế giới”, 4 cậu bé đã lên đường với những hành trang ít ỏi như một chuyến cắm trại xa. Đích đến của các cậu là nơi Vern nghe lỏm được có xác cậu bé bị tàu hỏa đâm chết. Xuyên suốt cuộc hành trình nhỏ bé ấy là những tranh cãi nhỏ bé và những câu chuyện cũng nhỏ bé nốt. Thế nhưng với riêng các cậu, đó chính là một cuộc trường chinh thật lớn lao, để đạt được ước mơ xuất hiện như những anh hùng trên mặt báo. Trải qua từng chặng đường, không chỉ không gian thiên nhiên làm người ta thấy bình yên, những cuộc nói chuyện của 4 cậu bé cũng gợi nhiều kí ức khó quên về tuổi thơ của mỗi người. Tuổi thơ với những chuyện không đầu không cuối, về bộ phim nổi tiếng, về trò chơi thịnh hành hay những câu chuyện phiêu lưu, đều là thứ thật thân thuộc với tất cả mọi người. Nó dung dị, mộc mạc và đáng yêu một cách đơn thuần. Dễ dàng khiến người ta mỉm cười vì những thứ thật là tào lao nhưng đầy ngây thơ và thuần khiết.

    Sự hồn nhiên và trong trẻo của các cậu bé còn thể hiện ở tình bạn gắn kết không hề vụ lợi, luôn động viên, hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, chúng đều sát cánh bên bạn bè. Khi kéo bạn khỏi trò mạo hiểm tránh tàu chạy qua, khi canh gác cho nhau vào một đêm ngủ trong rừng, hay khi giúp đỡ nhau thoát khỏi những con đỉa bám trên người. Đầy những kí ức “đồng cam cộng khổ” được mang tới trong từng thước phim của “Stand by me”.

    Và rồi càng gần tới đích đến của cuộc hành trình, dường như mục đích cũng trở nên bớt quan trọng. Khi tìm thấy xác cậu bé mất tích, chẳng đứa nào cảm thấy vui sướng. Sau cuộc đụng độ với đám choai choai, chúng về nhà mà gần như chẳng đạt được thành tựu gì. Thế nhưng thứ tồn tại mãi mãi vẫn là chính cuộc hành trình ấy, đã đánh dấu điểm chốt của tuổi thơ. Với Gordie, cậu nhận ra: “Chúng tôi chỉ mới đi có hai ngày, nhưng dường như thị trấn trông có vẻ đổi khác, nó nhỏ hơn” Giống như thế giới đang mở ra trước mắt, 4 cậu bé đầy lưu luyến chia tay nhau trước khi bước đi trên con đường của riêng mình.


    [​IMG]

    Những gánh nặng tuổi thơ

    Tuy nhiên, ẩn sau những trong trẻo ấy, bộ phim cũng thể hiện những tác động độc hại của người lớn đến cuộc đời con trẻ. Không chỉ là hành động độc ác hay bạo hành, những đứa trẻ còn phải chịu đựng những chấn thương tâm lý khó lành do sự vô tâm của người lớn.

    Ở tuổi 12 và sắp bước sang 13, Gordie phải đối mặt với cái chết của “anh trai tài giỏi” mà cậu vẫn luôn ngưỡng mộ và rơi vào khủng hoảng khi trở thành đứa con thừa thãi trong gia đình. Nó giống như Gordie chẳng hề quan tâm nhiều đến cách đối xử của người trong gia đình với mình. Cậu dùng một cách tường thuật lạnh lùng cùng với biểu cảm rất trầm tĩnh so với cái tuổi 12 của cậu. Thế nhưng qua những cơn ác mộng, Gordie thực tế vẫn luôn bị ám ảnh bởi sự căm ghét mà chính cha ruột dành cho mình. Cậu tự ti và đầy mặc cảm về sự tồn tại của bản thân, về giá trị của mình trong mắt chính những bậc cha mẹ.

    Bạn thân của Gordie, Chris Chambers lại phải đối mặt với định kiến từ xã hội với ngay cả một đứa trẻ. Xuất thân từ một gia đình nghiện ngập, rượu chè khét tiếng, Chris không tránh khỏi bị qui chụp như một đứa cặn bã xã hội đầy tiềm năng. Thế nhưng cậu lại là một đứa trẻ ấm áp, quan tâm đến bạn bè, cũng rất thông minh và sống có nguyên tắc. Chris vẫn luôn nghiêm túc sống một cuộc đời lành mạnh, nhưng sự kiện trộm sữa và sự độc ác của người lớn khiến cậu chán ngán và hoài nghi vào giá trị của mình đến phát khóc. Dường như chẳng có tương lai nào cho một đứa trẻ như Chris sẽ được công nhận như một con người đứng đắn.

    Chính sự đồng cảm trong hoàn cảnh của hai đứa trẻ đã kéo Gordie và Chris đến gần nhau hơn, giữa chúng có sự gắn kết của thấu hiểu và động viên lẫn nhau. Những câu thoại có tính truyền cảm hứng nhất trong phim chính là những lời hai cậu bé.

    Chris có sự thấu hiểu và không ngừng động viên để Gordie không tự hạ thấp giá trị của mình, để cậu có động lực tiếp tục theo đuổi tài năng.

    Gordie : Cậu có nghĩ tớ dị không?
    Chris : Chắc chắn rồi
    Gordie : Không, nghiêm túc đi. Tớ có dị không?
    Chris : Có, thì làm sao? Ai mà chả dị

    .

    Gordie : Viết lách cái gì, tớ không muốn trở thành nhà văn. Tớ ngu lắm. Thật là lãng phí thời gian.
    Chris : Đó là bố cậu nói thế
    Gordie : Vớ vẩn
    Chris : Tớ biết bố cậu nghĩ gì về cậu. Ông ta chẳng quan tâm gì đến cậu đâu. Denny mới là người được ông ta để ý tới và đừng cố nói khác đi. Cậu chỉ là một đứa trẻ thôi, Gordie ạ.
    Gordie : Ôi trời, cảm ơn bố.
    Chris : Tớ ước phát điên là tớ thành bố cậu. Cậu sẽ chẳng phải đi lòng vòng và nói về những khóa học nghề ngu ngốc nếu tớ là bố cậu. Giống như thể Chúa đã ban cho cậu cái gì đấy, tất cả những câu chuyện cậu tạo ra. Và Ngài nói, “Đây là thứ ta dành cho con, con trai ạ. Đừng đánh mất nó nhé”. Bọn trẻ con đánh mất tất cả mọi thứ trừ khi có ai đó trông nom chúng. Và nếu bố mẹ cậu quá thất bại trong việc ấy, có khi tớ mới là người nên làm thế.


    Ngược lại, Gordie luôn ủng hộ Chris trong việc vươn lên và khẳng định bản thân mình.

    Chris : Tớ chỉ ước có thể tới nơi nào đó không ai biết mình là ai. Tớ đoán tớ chính là một thằng yếu đuối.
    Gordie : [trấn an] Không đời nào đâu.

    Những phân đoạn này đều rất đơn giản, với bối cảnh không có nhiều điểm nhấn, như đi trên đường hay ngồi lại một gốc cây. Tuy thế những câu nói của Chris lại có sức lay động và lý trí một cách đáng ngạc nhiên. Nó không dễ dàng gì trôi qua như những hàng cây bên đường mà ghim mãi trong lòng người xem đến hết cả bộ phim. Khiến người ta càng xót xa khi thấy bóng dáng cậu biến mất nơi cuối đường.


    [​IMG]
    Trường hợp của Teddy Duchamp lại có đôi chút khác biệt. Cậu bé bị coi là điên rồ vì có một niềm hâm mộ gần như cuồng tín với người cha thậm chí đã bạo hành mình đến mức hỏng cả hai tai. Chẳng ai biết cảm xúc mạnh mẽ ấy từ đâu, nhưng nó khiến cậu ức đến phát điên khi người ta xúc phạm cha mình. Và người cuối cùng trong nhóm bộ tứ là Vern Tessio, đơn thuần là một cậu bé mập mạp và có phần ngây ngô. Tưởng như Vern là người hồn nhiên nhất nhóm, thế mà đôi khi cậu cũng thể hiện những mặc cảm về ngoại hình. Vern yếu đuối nhưng dịu dàng, lại trở thành tâm điểm bị coi thường không chỉ trong gia đình mình.

    Đến cuối cùng, cuộc đời mỗi người rẽ nhánh theo những hướng thật khác nhau. Người vượt qua được nỗi ám ảnh tuổi thơ thì trở nên thành công, người bị tác động tâm lý quá sâu sắc lại đưa đến một cuộc đời hòa vào cát bụi. Thế nhưng những kỉ niệm thời thơ ấu ấy luôn là điều đẹp nhất mỗi khi được nhắc lại, với những người bạn cùng vui cùng buồn và cùng trải qua những tháng ngày không thể quên được.

    Kết lại

    Với một câu chuyện thật đơn giản, “Stand by me” trở thành huyền thoại sống mãi với thời gian vì tính chân phương và trong trẻo trong cách nó khắc họa những cậu bé mới lớn. Một bộ phim viết về thời nhỏ dại, nhưng lại sinh ra để cho người lớn xem, với đầy những hoài niệm không thể nào quên về những chuyến phiêu lưu mùa hè.