The Avengers: Endgame - Tạm biệt một kỷ nguyên Đã 11 năm kể từ bộ phim đầu tiên trong vũ trụ điện ảnh Marvel (Marvel Cinematic Universe) ra đời. 11 năm, thế giới đã có nhiều đổi thay về nhận thức, xu thế và công nghệ. Vào năm 2008, một dấu mốc son của dòng phim siêu anh hùng của Marvel Studios đã được ra mắt công chúng khán giả. Iron Man là một bộ phim tuyệt hảo phô diễn được mọi mặt từ khâu âm thanh cho đến kỹ xảo và vực dậy được sự nghiệp tưởng chừng như đã chấm dứt của Robert Downey Jr. Quan trọng hơn hết, Iron Man đã đặt ra cho nền điện ảnh Hollywood một kỷ nguyên xem phim hoàn toàn mới. Kể từ after-credit đầu tiên là cảnh Nick Fury (Samuel L Jackson) bước ra từ bóng tối để chiêu mộ Tony Stark vào “biệt đội báo thù” (Avengers), thì việc khán giả nán lại để xem after-credit một bộ phim đã trở thành thông lệ, một luật bất thành văn cứ mỗi khi ta đến rạp để thưởng thức phim siêu anh hùng. Cái thông lệ ấy dần dà đã thành tiêu chuẩn mà nhiều hãng phim đã cố bắt chước. Một số đã thành công (có thể kể đến dòng phim X-Men của vũ trụ điện ảnh Fox), số còn lại thì “chết dần chết mòn” vì sức cạnh tranh và ảnh hưởng quá lớn lao của Marvel đối với công chúng fan comic. The Avengers ra mắt năm 2012 cũng là một bước tiến quan trọng nữa của hãng phim. Lần đầu tiên trong lịch sử, fan comic được thấy các nhân vật đã quá ngưỡng mộ từ thuở nhỏ Iron Man, Hulk, Captain America, Black Widow, Thor và Hawkeye bước từ truyện tranh lên màn ảnh. Tầm quan trọng của sự kiện ra mắt The Avengers có thể được ví như việc Star Wars ra mắt công chúng Mỹ năm 1977. Sau nhiều thời gian chờ đợi đằng đẵng, thì cuối cùng đã có một tác phẩm phản ánh trọn vẹn và tuyệt mỹ tư duy tập thể của một nhóm người với cùng suy nghĩ, cùng đam mê và cùng sở thích. Không quan tâm bạn là ai, bao nhiêu tuổi và đến từ đâu, chỉ cần bạn là fan với một vốn kiến thức nhất định thì cộng đồng fan Marvel luôn chào đón bạn nồng nhiệt. Hàng giây, hàng phút, luôn có một nhóm bạn ngồi quây quần tán phét về sức mạnh đặc tính của từng nhân vật truyện tranh, những giả thuyết về thời gian và không gian “quá sức tầm phào” phi logic mà người ngoài nhìn vào chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm “cái bọn này...nói bá láp ba xàm cái gì thế không biết”. Và, cái thứ “bá láp ba xàm” ấy đã trở thành một món ăn tinh thần được nhiều người say mê cuồng nhiệt sau những giờ phút căng thẳng bon chen, được đắm mình dù chỉ là một vài khoảnh khắc trong những sáng tạo vô biên nằm tại giao lộ giữa trí tưởng tượng bay bổng của trẻ thơ và những khát vọng, viễn cảnh một tương lai không xa khi khoa học đã đạt đến trình độ thượng thừa. Ta có thể lấy phép so sánh những phim Marvel của thập niên 2010 với những phim cao bồi những năm 1960 khi nói về sức phủ sóng và lan toả của dòng phim đối với văn hoá đại chúng. Những nhân vật đã trở thành biểu tượng như hình ảnh người cao bồi do John Wayne, Clint Eastwood thủ vai tương tự như Tony Stark, Captain America thời hiện đại đều được ngưỡng mộ không chỉ vì họ “chất lừ” như nước cất, mà họ còn là đại diện cho tiếng nói của một lý tưởng trong sự áp chế của bộ máy xã hội. Họ là tiếng nói cho hàng triệu cá thể có chung một khát vọng, dòng hơi thở chung được kết nối thông qua các thước phim trên màn ảnh. Thoạt bên ngoài, các phim của Marvel thường bị gán cái mác “sáo rỗng” thiếu tính nghệ thuật mà dòng phim arthouse nắm đằng chuôi, đi ngược lại với cái gọi là tiêu chuẩn nghệ thuật điện ảnh chân chính mà các nhà phê bình đã tự đặt ra một cách có phần cổ hủ và thiếu tính phóng khoáng trong thời đại mà việc xem phim gắn liền với mạng xã hội như ngày nay. Độ ảnh hưởng phủ sóng của một bộ phim trong thời đại công nghệ số được đo đạc bằng số lượt share, thích và “thả tim”. Mỗi trailer, promo ra mắt trên các trang Youtube hay Twitter đều tạo ra một “chấn động” tiếng vang theo cách riêng và đều một bước nữa thu hút thêm người xem tò mò. Thậm chí, một bộ phim được hâm nóng hàng ngày hàng giờ lại quan trọng và có ý nghĩa hơn về văn hóa đại chúng hơn cả việc bộ phim ấy hay dở như thế nào. Như trong phần phim Avengers: Civil War, trào lưu để hashtag #TeamCap hay #TeamIronMan có thể được xem là chiến lược marketing khôn ngoan từ phía Marvel, nhưng nó cũng là sự phản ánh có phần châm biếm sâu cay của tình hình chính trị lúc bấy giờ (Phe dân chủ và phe cộng hòa của Mỹ). Cụ thể hơn, dù đều đứng về phe chính nghĩa những “kẻ báo thù”, triết lý trái ngược của Iron Man và Captain America đã tạo nên một sự xung đột trong chính nội bộ của những siêu anh hùng và từ đó đặt ra được nhiều câu hỏi về sự đấu tranh cho cái gọi là lẽ phải. Tỷ phú Tony Stark kiêu ngạo, ranh mãnh trong từng câu nói. Anh đại diện cho sự phát triển không ngừng của thành tựu khoa học công nghệ. Đó là khoa học tên lửa, là trí tuệ nhân tạo JARVIS và bộ áo giáp sắt. Đó là logic, là lý trí cá nhân, là tận dụng và phát huy hết những tiềm năng sáng tạo của loài người. Đội trưởng Mỹ, đúng như tên gọi của anh, đại diện cho lòng yêu nước và có một lòng tin tưởng vào một nước Mỹ. Đó là tinh thần đồng đội, “tình đồng chí”, là trái tim. Ngoài ra, mọi nhân vật khác trong vũ trụ điện ảnh Marvel đều có chiều sâu mà người xem đã nắm rõ qua các phần phim riêng biệt. Thế giới mộng ảo thức thần của Dr Strange lồng ghép những chủ đề về tôn giáo và đạo lý làm người. Star-Lord vô tư lo nghĩ nhảy trên các giai điệu nhạc những thập niên 70-80, một lời nhắc nhở những kẻ luôn đặt sự quy củ quy tắc lên trên đầu mà quên bẵng đi những khoảnh khắc nhí nhố hồn nhiên trong cuộc sống. Bruce Banner/Hulk là sự chấp nhận thân phận thật sự của bản thân cho dù thân phận ấy bị cho là xấu xí đến nhường nào. Spider-man là một cậu nhóc đúng nghĩa vẫn đang ở độ tuổi dở dở ương nhất của cuộc đời mình, như đại diện cho sự ngây thơ và thuần khiết đứng trước cuộc chiến ở ngoài kia. Thor là lời tri ân chân thành nhất đối với các tác phẩm Bắc Âu cổ đại cùng những sáng tạo nghệ thuật của một nền văn minh. Và nhân vật phản diện Thanos - kẻ đầu sỏ chốt hạ xuyên suốt 21 phần phim và 11 năm vun đắp cũng không phải là không có chiều sâu. Kẻ được mệnh danh là “Titan điên” có một mong ước, lý tưởng mà hắn cho là cần thiết để tái thiết lập lại trật tự của vũ trụ. Điều tạo nên sự khác biệt giữa Thanos và những kẻ phản diện khác ở trong vũ trụ điện ảnh Marvel chính là lý do cho sự tàn độc. Không chỉ “độc ác vì độc ác”, Thanos thật sự tin tưởng những gì mình làm là lẽ phải và sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để đạt được mục đích của bản thân, ngay cả việc hi sinh đứa con nuôi hắn yêu quý nhất trần đời để lấy viên đá Soul Stone vì điều đó là cần thiết cho kế hoạch xóa sổ một nửa sinh vật sống của vũ trụ. “Cân bằng tuyệt đối.. mọi thứ vốn nên như thế.” Sinh ra trong loạn lạc và mất mát, chỉ có Thanos là người có đủ trí tuệ, sức lực, tài năng, tầm nhìn, và bản lĩnh để đạt được quyền lực thống nhất và thống lĩnh vũ trụ. Có đủ găng tay với sáu viên đá vô cực trong phần Infinity War, không có gì là có thể ngăn cản được Thanos. Cái búng tay biểu tượng của Thanos không fan comic nào là không biết cuối cùng đã thành hiện thực trên màn ảnh. Đối diện với Thor, với đội Avengers, Thanos đã làm một việc hắn hằng mong ước và đã thành công một cách mĩ mãn. Ngồi trên chiến thắng vinh quang cùng một nửa dân số vũ trụ bị biến mất khỏi thực tại, Thanos ngạo nghễ nhìn về phía ánh sáng trên một hành tinh xa lạ. Cốt truyện dẫn ta thẳng đến đến Avengers: EndGame, một bộ phim với thời lượng kéo dài ba tiếng đồng hồ đúng với tinh thần một bộ phim sử thi, Avengers: EndGame là phần phim dài nhất của Marvel từ trước đến nay, xứng đáng với bao năm tháng chờ đợi mòn mỏi của các fan. Trong Avengers: EndGame, các nhân vật đều có thời khắc để tỏa sáng. Tôi sẽ không spoil bất cứ thứ gì cả, song chỉ muốn nói rằng 3 tiếng của Avengers: EndGame chứa đựng nhiều cảm xúc hơn bất cứ bộ phim siêu anh hùng nào tôi đã xem trong 5 năm trở lại đây. Nhịp phim trải dài 3 tiếng đồng hồ với tiết tấu khá đều đặn ở hai phần ba đầu bộ phim và chỉ đạt đến mức cao trào về mặt cảm xúc vào tiếng cuối cùng của bộ phim. Ngồi trong rạp cùng tất cả những fan Marvel khác, cảm xúc của tôi lẫn lộn. Ban đầu đó là sự nôn nao hồi hợp đón chờ tấm hạ màn đã được định sẵn kể từ khi tôi vẫn còn là một cậu nhóc 8 tuổi lúc phần phim đầu tiên Iron Man ra mắt. Tiếp đến là sự tột cùng phấn khởi vì những màn kỹ xảo mãn nhãn. Nhắc đến phim của Marvel, có lẽ không có bất cứ thứ gì đáng chê trách về mặt hình ảnh và âm thanh. Đội ngũ kỹ xảo tại Disney đã tiêu tốn hơn 200 triệu đô cho mảng kỹ xảo âm thanh và họ đã tận dụng tối đa nguồn nhân lực để mang lại trải nghiệm đỉnh cao “đã mắt” nhất cho người xem. Cũng như Infinity War, phim được quay bằng máy quay IMAX tối tân và để tận hưởng tối đa ý đồ của tác giả, tốt hơn hết các bạn nên đầu tư mua vé IMAX. Kỹ xảo trong Avengers: EndGame đã được đẩy đến mức giới hạn để tạo ra một thế giới không có chi tiết nào là thừa thãi trong một bộ phim phóng túng về mặt hình ảnh, đề cao và phô trương hình tượng các siêu anh hùng. Avengers: EndGame vẫn giữ những phong vị cợt nhả hài hước để làm dịu bớt đi sự u ám căng thẳng. Kèm theo đó là cứ mỗi khi một cảnh quay ấn tượng xảy ra, tôi lại hòa mình với dòng hò reo của khán giả trong rạp vỗ tay rần rần một cách phấn khởi nhộn nhịp. Không khí của rạp phim thật sự choáng ngợp; khi đó tôi nhận ra, Avengers: EndGame không còn chỉ là một bộ phim đơn thuần mà đã trở thành một sự kiện có tính lịch sử, mà các khán giả của một suất chiếu trở thành các “bằng hữu” chia sẻ chung các phản ứng cung bậc cảm xúc khác nhau. Và là những tiếng cười. Và là những tiếng thút thít. Những khoảnh khắc im lặng xen giữa kéo dài bất tận để chiêm nghiệm hồi tưởng. Phim không có after-credit, song như một thói quen không thể bỏ, tôi nán lại cùng những khán giả khác để xem hết tên các diễn viên, nhà sản xuất và tất cả những người góp phần thực hiện bộ phim như là lời cảm ơn trân thành đối với những cống hiến hết mình của họ để đáp lại những lời kỳ vọng. Phim Marvel vẫn sẽ còn đây, khi mà từng thế hệ trôi qua vẫn còn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đại chúng. Vẫn sẽ có Spider-man: Far From Home, Black Panther 2 hay là Dr Strange 2. Và về sau có thể là các phase 5, phase 6...nữa. Và rất có thể, con cháu của bạn vẫn sẽ lớn lên cùng những phim của Marvel, thưởng thức qua bộ kính thực tế ảo của chúng chẳng hạn. Chúng sẽ có cơ hội được “trải nghiệm” làm những Iron Man, Hulk hay Black Widow thật sự qua sự phát triển lũy thừa của khoa học công nghệ. Thế nhưng bộ sậu team “The Avengers” gốc của thập kỷ 2010, suy cho cùng, đã trở thành một phần của tiềm thức tập thể fan điện ảnh và fan comic, một di sản văn hóa đại chúng trong lịch sử mà hàng ngàn con người đã làm việc cật lực suốt nhiều năm để đưa ra những tác phẩm điện ảnh thỏa mãn nhất có thể mà ai cũng có thể thưởng thức theo cách riêng của họ. Đừng buồn vì mọi sự kết thúc, hãy mỉm cười vì nó đã xảy ra. Mọi thứ đến rồi đi, tất cả rồi sẽ chỉ là những ký ức đẹp mà thi thoảng gợi nhớ lại, một sự nao nao hoài niệm thanh thản sẽ lại thoáng qua, và trong chốc lát ta lại được quay trở về. Hãy nhớ về bài học mà ngài Stan Lee để lại cho thế nhân “excelsior” (vươn lên không ngừng) và dũng cảm phủi hạt bụi quyến luyến để nhìn về phía tương lai. Bởi lẽ trong cuộc sống, không có gì là tồn tại mãi mãi. Cuối cùng, 24 hình/s chúc các bạn fan Marvel nói riêng và cộng đồng đam mê điện ảnh nói chung một kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vui vẻ bên bạn bè, gia đình, và trên hết là hãy luôn giữ cho ngọn lửa đam mê dù là điện ảnh, âm nhạc, truyện tranh hay thơ ca còn sống mãi khi ta vẫn còn đây để tận hưởng những gì tuyệt đẹp nhất mà cuộc sống ban tặng. Hãy nắm bắt từng phút giây trôi qua. Hãy mãi là những đứa trẻ không bao giờ lớn. Yên nghỉ nhé, ngài Stan Lee. Cảm ơn vì tất cả! EXCELSIOR. Minh Tu Le - 24hinh.vn