Thập niên 80 có lẽ là kỷ nguyên hoàn hảo nhất trong lịch sử Hollywood. Là giai đoạn bùng phát của kỹ xảo điện ảnh, những năm 1980 tại kinh đô đã cho ra đời nhiều tác phẩm với các nội dung phong phú, đa dạng. Từ các phim tận dụng hết cỡ những tình tiết gay cấn cháy nổ như Aliens, Indiana Jones, Die Hard, đến những phim khoa học viễn tưởng như E.T., Ghostbusters, Back to the Future, hay các tác phẩm dành cho thanh thiếu niên trong độ tuổi mới lớn như The Breakfast Club, The Goonies, Ferris Bueller’s Day Off… Mỗi bộ phim ở thời kỳ này đều có phong vị riêng, in dấu mình lên văn hóa đại chúng lịch sử cũng như thúc đẩy sự phát triển của công nghệ kỹ thuật làm phim. Một trong số đó có thể kể đến bộ phim The Karate Kid năm 1984 của đạo diễn John G. Avildsen (từng giành giải Oscar với bộ phim kinh điển Rocky năm 1976). The Karate Kid là một bộ phim võ thuật-hài hoàn hảo dành cho thanh thiếu niên, với các nhân vật gần gũi với giới trẻ cũng như motif nay đã trở thành quen thuộc trong các phim xoay quanh các nhân vật bị lép vế vươn lên vị thế đỉnh cao. Ralph Macchio (từng thủ vai Johnny trong The Outsiders) vào vai cậu nhóc Daniel LaRusso chuyển từ New Jersey đến sống tại thành phố Reseda tại Los Angeles cùng mẹ. Khó hòa nhập được với chúng bạn do thường xuyên bị bắt nạt bởi một nhóm các học sinh trong trường, đặc biệt là có hiềm khích với tên trưởng nhóm Johnny Lawrence (William Zabka) khi cậu có qua lại người bạn gái của hắn là Ali. Tức tối, cậu liền đi học võ để cải thiện thể chất và không may...vào đúng lớp học mà Johnny cùng đồng bọn đang theo học. Cobra Kai là một võ đường Karate dẫn đầu bởi một võ sư với cách giảng dạy học trò vô cùng tàn bạo - triết lý của võ đường là “strike first, strike hard, no mercy” (tấn công trước, tấn công mạnh mẽ, không nhân từ). Những học trò tại Cobra Kai luôn nghe lời thầy (sensei) một cách răm rắp và sẽ bị phạt nếu như tỏ ra dù là một chút của sự yếu đuối. Nản chí, Daniel quyết định tự học Karate ở nhà qua sách vở. Sau khi chứng kiến một trận đánh nhau giữa hội của Johnny với Daniel, một thợ sửa chữa người Nhật tại khu nhà của cậu quyết định bảo vệ cậu và hứa sẽ dạy võ cho cậu - ông Miyagi (thủ vai bởi Pat Morita), người với thú vui tao nhã là tỉa tót cây bonsai. Ông Miyagi đến gặp với người thầy của võ đường Cobra Kai và hai bên quyết định sẽ làm cho ra nhẽ bằng việc cả hai sẽ tham gia giải đấu Karate của khu vực - All Valley Tournament. Trước khi được thầy Miyagi dạy dỗ, thầy đã bắt Daniel vượt qua cửa ải đầu tiên bằng cách cho cậu...việc nhà cho thầy trước! Cậu phải học cách rửa xe, cách sơn tường, lau sàn nhà theo đúng “chuẩn” của thầy Miyagi. Cậu làm việc cật lực cho đến lúc nản chí và đột nhiên những bài học của thầy trở nên có ý nghĩa - mọi cử chỉ, mọi hành động khi cậu làm việc nhà cho ông Miyagi đều góp phần tạo thành những đòn đánh karate. Từ những đòn cơ bản nhất, cho đến những món đòn “cao cấp”, Daniel tập luyện rất chăm chỉ để chuẩn bị cho giải đấu một cách kỹ càng nhất. Những triết lý mà thầy Miyagi truyền đạt lại cho Daniel như thông qua màn ảnh rộng, được truyền lại cho một thế hệ những con người trẻ của thập niên 80: Đó là những giá trị, phẩm chất, đạo lý không chỉ áp dụng được vào võ thuật mà còn trong cuộc sống. Tôi, người viết, vẫn còn rất ấn tượng với một câu nói của thầy Miyagi đối với Daniel: “Whole life have balance” Dịch sang tiếng Việt, nôm na ta có thể hiểu: “Mọi thứ trong cuộc sống đều có sự cân bằng” Món đòn “cần cẩu” mà thầy Miyagi đã dạy cho Daniel ở cuối phim là minh chứng rõ nhất cho triết lý này. Theo triết học phương Đông, mọi thứ trong cuộc sống chúng ta đều cần có sự cân bằng giữa hai thái cực khác nhau; nếu ta dồn hết năng lượng và sự tập trung vào việc dung hòa giữa hai yếu tố âm và dương thì ắt hẳn điều lành sẽ đến. Trận đánh ở cuối phim vẫn là một trong những cảnh quay ấn tượng nhất trong lịch sử điện ảnh đương đại, với hình ảnh Daniel đứng ở vị trí “cần cẩu” và Johnny chuẩn bị xông vào tấn công đã trở thành một biểu tượng của văn hóa đại chúng. The Karate Kid trên hết một trong những bộ phim tuổi teen hay nhất trong lịch sử, với những thông điệp sống gần gũi mà bất kỳ ai trong chúng ta - từ trẻ đến lớn, đều có thể liên hệ được.The Karate Kid khi ra mắt đã được đón nhận vô cùng nồng nhiệt và giúp cho Pat Morita đạt được giải Oscar năm 1985 cho Vai diễn viên phụ thầy Miyagi. Phần hai của bộ phim lấy bối cảnh ở Nhật Bản ra mắt năm 1986, và phần ba năm 1989. Năm 2010, bản remake với sự góp mặt của Thành Long và Jaden Smith cũng nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả. Hay là vừa qua vào năm 2018, series phim Cobra Kai về võ đường Cobra Kai (khi được dẫn dắt bởi Johnny) cũng đã tiếp nối câu chuyện trong Karate Kid kể về Johnny, Daniel vào 34 năm sau cùng với sự góp mặt của nhiều diễn viên thế hệ mới bao gồm sự trở lại của Ralph Macchio và William Zabka. The Karate Kid xứng đáng là một tượng đài, một bộ phim ý nghĩa hàm súc nhiều giá trị nhân đạo mà đồng thời vừa là một tác phẩm có thể thưởng thức được bởi mọi lứa tuổi.