Cảm nhận The Motorcycle Diaries (2004) - Thao thức những cung đường

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi vivu, 18/6/19.

Lượt xem: 2,385

  1. vivu

    vivu Moderator


    [​IMG]
    Những bộ phim về hành trình liều lĩnh và hào sảng của tuổi trẻ luôn thật hấp dẫn. Chúng càng đặc biệt hơn khi không chỉ ghi lại những cung đường và những địa điểm đi qua, mà còn giúp con người ta nhận ra lý tưởng cuộc đời.

    Dung dị và thuần phác như một cuốn nhật ký hành trình, “The Motorcycle Diaries” phác họa lại chuyến hành trình quanh Nam Mỹ đầy cảm xúc của hai chàng trai. Một người là nhà sinh học chuẩn bị bước sang tuổi 30, Alberto “Mial” Granado. Một người là cậu sinh viên y khoa năm cuối, Ernesto “Fuser” Guevara, người sau này sẽ trở thành lãnh tụ Che Guevara vĩ đại. Mỗi cung đường đi qua là những thao thức không ngừng của một thời trai trẻ.

    Khởi đầu của cuộc hành trình

    Bộ phim được thực hiện dựa theo 2 cuốn nhật ký đi đường của chính Che Guevara và Granado, từ khi hai người bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi xuyên Nam Mỹ. Với lối dẫn chuyện kiểu tự thuật, cá tính và tâm lý của cả hai bắt đầu được bộc lộ:

    “Thứ chúng tôi giống nhau: sự liều lĩnh, lòng đam mê và tình yêu với những con đường rộng mở”

    Ernesto Guevara sinh trưởng trong một gia đình trung lưu khá giả ở Argentina. Anh đang theo học bác sĩ năm cuối và chỉ còn vài tháng nữa là thi lấy bằng tốt nghiệp. Bị căn bệnh hen suyễn mắc phải từ khi còn nhỏ hành hạ làm anh trở nên kiên cường và rắn rỏi. Đồng thời Ernesto cũng là một người thành thật và ngay thẳng.

    Alberto Granado lại là một nhà sinh học hơi tròn trịa có thái độ vô cùng yêu đời và lạc quan. Với con xe moto “The Mighty One”, anh muốn đi chinh phục Nam Mỹ để thỏa mãn một thời tuổi trẻ.

    Trong cuộc đối thoại để lên kế hoạch cho chuyến đi tại một nhà hàng, Granado đã chỉ vào một ông béo ngủ gật để làm động lực cho “Fuser” tham gia vào cuộc hành trình. Cả hai người trẻ đều nhận ra chỉ có tuổi thanh xuân mới cho họ cơ hội đi để khám phá và trải nghiệm, nếu không khi về già sẽ chỉ là trì độn và hối tiếc.

    [​IMG]
    Lên đường với khát khao tuổi trẻ

    Hai người đàn ông, trên chiếc xe motor lỉnh kỉnh đồ đạc chuẩn bị đi phượt xuyên biên giới, giống như câu chuyện về Don Quijote và chiến mã Rocinante phiêu lưu khắp nơi để chiến đấu vì tự do. Hành trình của họ có thể là vô nghĩa với nhiều người, nhưng trong mắt họ, nó vô cùng quan trọng và lớn lao. Không khác nào cách Don Quijote tự hào về cuộc phiêu lưu của chính mình.

    Hình ảnh chiếc xe moto độc hành trên con đường vắng vẻ càng làm nổi bật cái kiêu ngạo dũng cảm và đầy dấn thân của tuổi trẻ. Fuser thậm chí đã để lại người yêu để lên đường. Anh gặp lại cô lần cuối trước khi thật sự dấn thân về phía trước ngay cả khi chẳng có điều gì đảm bảo cô sẽ đợi được anh trở lại. Mang nặng nhiều cảm xúc trong lòng, anh vẫn lướt nhanh trên những con đường trải dài tới tận chân trời.

    [​IMG]
    “Những gì con nhận được khi băng qua biên giới chính là mỗi khoảnh khắc như tách làm đôi: u sầu vì những gì đã bỏ lại phía sau và phấn khích khi tiến vào một vùng đất mới”


    Trải qua muôn vàn khó khăn, bị hỏng xe, thời tiết khắc nghiệt, hết tiền phải đi ăn ngủ nhờ, những cãi vã vặt vãnh dọc đường hay những cơn hen kịch phát, hai người họ vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Mỗi con đường đi qua đều in dấu bánh xe, mỗi nơi dừng lại đều đem lại cho họ những trải nghiệm tuổi trẻ không thể nào quên. Nam Mỹ bình dị và đầy vui tươi được khắc họa trong từng câu hát, từng điệu nhảy samba vui nhộn. Đồng thời, những góc tối của sự nghèo đói và chia cắt cũng dần dần hiển hiện.

    Hành trình trường chinh hiện ra đầy phóng khoáng, mang cái chất lang bạt đầy tự do và liều lĩnh của thời trai trẻ trong từng thước phim bàng bạc và cả cái rung lắc đặc trưng trên từng cây số.

    [​IMG]

    Cho tới khi đến Chile, cũng là khi Granado buộc phải bỏ lại chiếc xe moto yêu dấu với muôn vàn tiếc nuối, cuộc hành trình của cả hai cũng bước sang một chặng mới.

    Điều ấn tượng là ngay cả khi không còn phương tiện nào để đi, hai người vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Có thể lúc này nó đã không còn là “Nhật ký xe máy” nữa, nhưng ngay cả đi bộ hay đi nhờ xe thì phải đi vẫn là phải đi. Khát khao đi tiếp được thể hiện một cách đầy chân thực trong chỉ một câu nói của Fuser khi nói chuyện với đôi vợ chồng ở mỏ đá.

    “- Hai người đang tìm việc sao?
    - Không, chúng tôi không tìm việc.
    - Không phải sao? Vậy tại sao hai người lại đi ?
    - Chúng tôi đi chỉ để đi thôi”


    Đúng thế, với những tâm hồn yêu xê dịch, đi chính là chỉ để đi. Mọi lý do đều chỉ là phụ trợ cho niềm đam mê đơn giản độc nhất ấy. Nhiều khi ta chỉ lên đường không phải vì một điểm đến, mà chỉ là muốn được trải nghiệm một cuộc hành trình.

    Đi, thấy, cảm nhận, thay đổi

    Có lẽ mục đích cuộc hành trình của Fuser đã bắt đầu thay đổi từ khi bỏ lại chiếc xe máy tại Chile. Anh không còn chỉ đi vì cái thú chinh phục của tuổi trẻ, anh đi để thấy và để cảm nhận.

    Những phân cảnh cuốc bộ qua sa mạc hoang vắng hay dừng chân tại khu mỏ không chỉ thể hiện cái ý chí du hành của hai con người ấy, mà dần phảng phất màu sắc của hiện thực xã hội. Sự nghèo đói và bất công trải dài trên khắp các cung đường Nam Mỹ.

    Từ Argentina tới Chile rồi tới Peru, càng vào sâu trong dãy Andes, cuộc sống của tầng lớp nông dân nghèo Nam Mỹ càng thể hiện đậm nét. Thông qua những cuộc nói chuyện với dân bản địa và những thước phim theo kiểu ký sự, tình trạng nghèo đói và áp bức bất công của tầng lớp nông dân càng hiện lên chân thực.

    [​IMG]
    Những hình ảnh đen trắng với người nông dân nghèo đóng khung trong những cảnh tĩnh, cùng bản nhạc độc tấu réo rắt mà buồn thương của Gustavo Santaolalla là một điểm nhấn nghệ thuật vô cùng đặc sắc.

    Khi đứng tại Machu Picchu, kinh đô huy hoàng đã đi vào dĩ vãng của đế chế Inca vĩ đại, Fuser đã phần nào nhận ra bản chất của sự bất công và nghèo đói này.

    “Người Inca hiểu biết về thiên văn, y học, toán học cũng như những thứ khác, nhưng những kẻ xâm lược Tây Ba Nha có vũ khí.
    Châu Mỹ sẽ như thế nào nếu mọi chuyện khác đi. “


    “ Một cuộc cách mạng mà không có vũ khí ư. Sẽ chẳng bao giờ được đâu, Mial”

    [​IMG]
    Cũng chính tại Peru, trong thời gian tình nguyện tại một trại phong bên bờ sông Amazon, một lý tưởng lớn dần thức tỉnh trong lòng Fuser. Trại phong nằm ở hai bên bờ sông, một bên là dành cho người lành và một bên dành cho người bệnh đã trở thành hình ảnh trọng tâm trong toàn bộ phần sau của “The Motorcycle Diaries”, nó đại diện cho những chia cắt của các nước Nam Mỹ - Mỹ Latinh thời điểm đó. Bên cạnh khía cạnh thiếu hiểu biết về mặt y học về bệnh phong, bệnh vốn không lây nhiễm qua đường tiếp xúc, dẫn đến thái độ có phần kì thị cực đoan của một bộ phận người lành, còn có những lề lối không thể phá bỏ của tư duy tiểu nhược, tư duy địa phương nhỏ hẹp.

    Đứng trước thực trạng như vậy, sự có mặt của hai chàng trai đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống nơi đây. Phá vỡ quy tắc cũ cùng với sự hiểu biết và tình yêu thương lớn lao, hai người, đặc biệt là Fuser đã mang tới sự đối xử công bằng và bình đẳng mà những người bệnh phong chưa từng biết tới.

    Điều này suy rộng ra chính là tác động mạnh mẽ của sự đoàn kết các nước Nam Mỹ, dựa trên sự thống nhất về mặt dân tộc và văn hóa, có thể là liều thuốc cứu lấy một châu lục thoi thóp đang chết dần trong cơn bạo bệnh.

    Sau bài phát biểu mừng sinh nhật mà phảng phất âm hưởng của một bài diễn văn yêu ước, Fuser đã không do dự mà tự bơi qua sông, vượt qua ranh giới vô hình được vạch ra ngăn cách 2 thế giới. Bất chấp sức mình nhỏ bé, bất chấp dòng nước hung dữ, anh quyết tâm dùng sức mình để phá vỡ ranh giới ngăn cách giữa người với người. Hành động này của chàng trai Fuser mang tính biểu tượng rất cao, đại diện cho lý tưởng tiên phong giải phóng và đoàn kết dân tộc mà Fuser, sau này là Che Guevara vẫn bền bỉ theo đuổi.

    Sau khi rời khỏi Peru, hai người lại tiếp tục kiên nhẫn với cuộc hành trình trên chiếc bè mảng trôi dọc sông Amazon, qua Colombia rồi tới điểm cuối là Venezuela. Khi Fuser từ chối việc trở lại và ổn định cuộc sống tại đây với Granado, nhà sinh học đã ngắm nhìn chiếc máy bay trở người bạn thân của mình bay về phía trời cao. Để rồi một lần nữa, khi tuổi đã cao, ông cũng ngắm nhìn một chiếc máy bay như thế bay đi khi người bạn đã không còn. Những cảnh cuối của bộ phim là lời vinh danh và tưởng nhớ mãi mãi người anh hùng vĩ đại Che Guevara.

    Lời kết

    Có thể nói, chuyến hành trình xuyên Nam Mỹ đã góp phần thay đổi cái nhìn và con người của một chàng trai trẻ, hơn nữa còn gieo mầm cho những thắng lợi về sau của tự do, bình đẳng và bác ái trên mảnh đất Mỹ Latinh. Giá trị của nó là không thể nào đo đếm được, chính bởi vì hai từ: thay đổi.

    Tầm nhìn của chúng tôi có quá hạn hẹp, quá định kiến hay quá khắc nghiệt không?
    Liệu kết luận của chúng tôi có quá cứng nhắc?
    Có thể lắm

    (Nhưng) Việc lang thang quanh châu Mỹ đã thay đổi tôi “


    Khi nhìn nhận dưới một góc độ bình thường hơn, không phải dưới cách đánh giá câu chuyện của một vĩ nhân, mà chỉ đơn thuần là hai người trẻ tuổi đi để khám phá thì “The Motorcycle Diaries” đã rất thành công khi mang lại trải nghiệm thưởng thức rất chân thực và nhiều ý nghĩa. Kết thúc bộ phim, những khung hình đen trắng nửa tĩnh đầy ám ảnh và âm điệu của bản độc tấu guitar ẩn chứa một nỗi hoài thương khó tả vẫn cứ ám ảnh mãi trong tâm trí người xem.