Cảm nhận The Pianist (2002) – Những bản nhạc Chopin làm nên huyền thoại

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi vivu, 7/7/19.

Lượt xem: 7,085

  1. vivu

    vivu Moderator


    [​IMG]
    The Pianist (Nghệ sĩ dương cầm) là một bộ phim của đạo diễn Roman Polanski và diễn viên chính Adrien Brody. Bộ phim được công chiếu năm 2002 và ngay lập tức tạo được tiếng vang lớn và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Bộ phim về đề tài chiến tranh thế giới II này đã giành được 3 giải Oscar và hàng loạt giải thưởng danh giá khác.

    The Pianist dựa trên cuốn hồi kí cùng tên của nghệ sĩ dương cầm Do Thái mang hai quốc tịch Ba Lan – Pháp, Władysław Szpilman. Nội dung kể về về hành trình sống sót qua Thế chiến thứ hai đầy đau thương mất mát của Szpilman. Dưới bàn tay của Roman Polanski và những trải nghiệm thực tế của chính ông, hơi thở chiến tranh trong The Pianist được phản ánh cực kì chân thực và cảm xúc. Thêm vào đó, diễn xuất tuyệt vời của Adrien Brody trong vai nghệ sĩ Szpilman đã mang lại linh hồn cho cả bộ phim, đưa đến một góc nhìn đầy thương cảm về những tội ác chiến tranh.

    Về nội dung, The Pianist đi theo cốt truyện đơn tuyến dưới góc nhìn của nhân vật chính, nghệ sĩ dương cầm Szpilman. Bộ phim chỉ xoay quanh những trải nghiệm về cuộc Thế chiến của riêng anh, từ khi phải chịu đựng nỗi đau mất mát cho tới những tháng ngày kham khổ chạy trốn chiến tranh. Không hào hùng tinh thần chiến đấu, không rực rỡ ý chí quyết tử, The Pianist trái lại chỉ đơn thuần là một cuộc chạy trốn. Một cuộc trốn chạy vì sinh tồn của một người bình thường, không có khả năng chiến đấu trước những tàn khốc của bom đạn và giết chóc. Theo chân Szpilman trải qua đầy đủ những mốc lịch sử của Thế chiến II, nỗi ám ảnh chiến tranh trở nên chân thật và trực quan đến lạnh lùng.

    Tuy nhiên, chất thơ của The Pianist lại đến từ nguồn cảm hứng vĩnh cửu của nhân loại : đó chính là âm nhạc. Vốn là một nghệ sĩ Piano, Szpilman có mối liên hệ đặc biệt sâu sắc với âm nhạc. Chính nhờ điều này, Roman Polanski đã có một cơ hội tuyệt vời để kết nối và bổ sung thêm một tầng ý nghĩa ẩn giấu đầy sâu sắc và không kém phần lãng mạn cho bộ phim. Xuyên suốt hơn 2 giờ 30 phút phim, âm nhạc tưởng chừng như đã chết, lại trỗi dậy đầy da diết và mạnh mẽ. Ẩn sau những bản nhạc ấy chính là linh hồn và tình yêu vô bờ với đất nước Ba Lan nhỏ bé mà kiên cường. Như một thông điệp phản chiến mạnh mẽ nhất, nỗi niềm Ba Lan trào dâng giữa các phím đàn, tinh thần yêu nước và yêu hòa bình gửi gắm ngay trong từng nốt nhạc.

    Bài viết này sẽ không xoáy sâu vào những thước phim trần trụi hiện thực đến đau lòng về tội ác diệt chủng của Phát xít Đức với nhân dân Do Thái mà sẽ đi tới với âm nhạc. Lắng nghe thật sâu những giai điệu phát ra từ từng phím đàn, để tìm thấy nét thơ và tình yêu Ba Lan vô bờ đang còn ẩn giấu trong đó.

    Không cần là tín đồ của nhạc cổ điển để có thể biết đến cái tên Frédéric Chopin (Sô-panh). Một nhà soạn nhạc thiên tài người Ba Lan nổi tiếng với những bản đàn tinh tế và đầy thổn thức. Linh hồn âm nhạc của The Pianist chính là Chopin. Âm nhạc của Chopin chính là niềm tự hào dân tộc của người Ba Lan, một thứ âm nhạc nặng tình với quê hương xứ sở.

    Dành cho mở đầu và kết thúc : Nocturne No.20 in C-Sharp Minor Op. post

    Ngay mở đầu của The Pianist, những thước phim đen trắng về thủ đô Warsaw trên nền nhạc độc tấu piano đã mang lại cảm giác da diết khôn nguôi. Đó chính là bản Dạ khúc số 20 cung Đô thăng thứ (Nocturne No.20 in C-Sharp Minor Op. post) của Chopin.

    Nói về bản nhạc, Dạ khúc số 20 được Chopin viết trước khi rời khỏi Ba Lan. Chopin, với tấm lòng yêu nước vô bờ đã viết nên một bản đàn mà sau này được gọi là Dạ khúc xa xứ, mang theo nỗi buồn không đành biệt ly của một người con phải rời khỏi quê hương. Ông không hề biết rằng ngay sau đó đất nước thân yêu sẽ rơi vào chiến tranh và ông sẽ mãi mãi không bao giờ quay lại quê hương lần nữa. Phủ trùm lên bản nhạc là nỗi u buồn sầu não, càng về sau càng trở nên thổn thức, đầy day dứt, lại cũng đầy yêu thương.

    [​IMG]
    Trong The Pianist, việc lựa chọn Nocturne số 20 làm nhạc mở đầu giống như một lời khẳng định tấm lòng yêu nước, cũng lại là một lời dự báo cho những lầm than đau khổ đất nước phải gánh chịu do chiến tranh. Đồng thời, việc Szpilman đắm chìm trong giai điệu ấy đến nỗi ngay cả khi bom nổ cũng không muốn để bản nhạc đứt quãng chính là minh chứng tuyệt đẹp cho tình yêu âm nhạc, cũng như tình yêu không sợ hãi dành cho quê hương.

    Đối lập với điều đó, khi vang lên ở cuối phim, nối tiếp những nốt còn dang dở từ phần đầu, Dạ khúc số 20 lại như thổn thức bao nỗi niềm xót thương của Spzilman. Cảnh anh xúc động hoàn thành bản đàn trong chính đài phát thanh Warsaw không chỉ thể hiện niềm hạnh phúc khi có lại hòa bình, mà còn hàm chứa nỗi chua xót khi đã phải đánh đổi quá nhiều để đi đến ngày hôm nay. Chiến tranh đã ở phía sau, nhưng những gì bị cướp đi chẳng thể nào lấy lại được. Bản nhạc vang lên vừa dịu dàng như tình yêu hòa bình, vừa man mác buồn thương những nỗi nhớ, nỗi đau không thể nào quên.

    Khúc nhạc trong câm lặng : Grande Polonaise brillante Op. 22

    Sau bản độc tấu piano tuyệt vời ở đầu phim, phân nửa thời lượng phim sau đó không xuất hiện thêm bản nhạc nào nữa. Hơn một tiếng đồng hồ phim tập trung lột tả những tội ác khủng khiếp của Phát xít Đức với nhân dân Ba Lan và dân tộc Do Thái. Những thước phim đau đớn đến câm lặng hay những cái chết phơi bày trên mọi con đường gây ra một bầu không khí vô cùng áp lực và ngột ngạt. Suốt chừng ấy thời gian, Szpilman không hề đánh đàn một lần nào, âm nhạc tưởng như đã bị chiến tranh dìm chết.

    Nhưng vào giai đoạn căng thẳng nhất của phim, âm nhạc lại xuất hiện như một vị cứu tinh kì diệu. Cảnh đánh đàn lần này mang dụng ý nghệ thuật rất rõ ràng, cùng với lối thể hiện tươi mới đã trở thành điểm sáng vào khoảng giữa bộ phim. Đó chính là cảnh Szpilman đánh đàn piano trong không khí.

    [​IMG]
    Trong bối cảnh đang ẩn náu và chạy trốn, Szpilman không được phép gây ra bất kì tiếng động nào. Nên ngay cả khi chiếc Piano ở trước mặt, anh cũng chỉ có thể tự hình dung ra việc được nhẹ lướt trên phím đàn. Bản nhạc anh tưởng tượng ra chính là phần mở đầu của Grande Polonaise brillante Op. 22, một tác phẩm của Chopin viết cho dàn nhạc. Bản đầy đủ cũng được sử dụng làm nhạc chạy credit ở cuối phim.

    Một nhạc phẩm có âm điệu nhẹ nhàng và tươi tắn. Những nốt cất lên đầy trong sáng và bay bổng. Giai điệu vui tươi vang lên cũng là lúc Szpilman mỉm cười đầy nhẹ nhõm sau cả một quãng thời gian trốn chạy nghẹt thở.

    Đây là một tác phẩm thuộc thể loại Polonaise, dòng nhạc được lấy cảm hứng từ điệu Polonaise của âm nhạc dân gian Ba Lan. Có thể nói bản Polonaise là tác phẩm mang đậm tính Ba Lan nhất, thể hiện sâu sắc và rõ ràng nhất linh hồn Ba Lan. Với Chopin, Polonaise còn mang theo nỗi khắc khoải hoài thương quê nhà.

    Grande Polonaise brillante Op. 22 như gợi nhớ về âm điệu vui vẻ và lạc quan của những khúc nhạc Ba Lan xưa cũ đã ngấm vào trong máu thịt. Như lời nhắc nhở Szpilman về tinh thần Ba Lan vẫn luôn tồn tại bên cạnh anh.

    Cách Szpilman muốn chơi Grande Polonaise brillante Op. 22 ngay cả trong hoàn cảnh vô cùng bất khả thi và nguy hiểm không chỉ là một hình ảnh đẹp mà còn phảng phất niềm tự tôn dân tộc. Dù bị kìm kẹp, âm nhạc vẫn sống mãi trong tâm trí con người, cùng với tinh thần Ba Lan vẫn tồn tại ngay cả khi rơi vào khó khăn nguy khốn.

    Ngay lúc ấy và những ngày trốn chạy về sau, điều giữ cho Szpilman cố gắng bám trụ với cuộc sống là gì ? Dù trải qua vô vàn khó khăn, cơ cực và nhiều lần đối diện với cái chết, động lực sống của anh đến từ đâu lại có thể mạnh mẽ đến vậy ? Tuy bộ phim không thật sự làm người xem thỏa mãn với một kiến giải đủ sức nặng, nhưng vẫn cho thấy sự quật cường của Szpilman đến từ lòng ham sống, và sự bầu bạn của âm nhạc. Ở mọi nơi, đôi tay anh vẫn lặng lẽ vẽ lên trong không trung những nốt nhạc, dường như để quên đi cái lạnh lẽo cơ cực phải trải qua từng ngày.

    [​IMG]

    Khúc nhạc định mệnh: Ballade No. 1 in G minor, Op.23

    Có lẽ phân cảnh đắt giá nhất The Pianist chính là cảnh Szpilman chơi đàn cho vị sĩ quan Đức trong căn nhà bỏ hoang. Nhờ có sự xuất hiện của bản Ballade số 1 cung Sol thứ (Ballade No. 1 in G minor, Op.23), cảnh phim được đẩy lên đến cao trào mà không cần bất kì lời thoại nào, trở thành cảnh tạo ấn tượng sâu sắc nhất trong phim.

    Trong nguyên tác hồi ký của Szpilman, bản nhạc ông chơi cho vị sĩ quan Đức (Hosenfeld) chính là bản Dạ khúc số 20 của Chopin, đã được xuất hiện ở đầu phim. Tuy nhiên, trong The Pianist, Roman Polanski đã thể hiện sự sáng tạo của riêng mình khi lựa chọn Ballade số 1 cung Sol thứ để thay thế. Một sự thay đổi đã tỏ ra là đúng đắn, khi đã tạo ra sự kịch tính và ý nghĩa đặc biệt cho một cảnh phim then chốt.

    Vào một đêm ở căn biệt thự bỏ không, trước khi Szpilman bị phát hiện, anh đã nghe thấy tiếng piano vọng từ dưới nhà lên. Gần như khẳng định được người chơi đàn chính là Hosenfeld, với bản Sonata Ánh Trăng (Moonlight sonata) nổi tiếng của Beethoven. Để rồi chỉ một lát sau, âm nhạc tinh túy nhất của Chopin cũng được vang lên. Một sự đối ứng dễ nhận thấy với Beethoven là đại diện cho nhạc cổ điển nước Đức và Chopin đại diện cho Ba Lan.

    [​IMG]
    Bản Ballade số 1 cung Sol thứ được chơi trong The Pianist chỉ là một đoạn của bản nhạc gốc dài hơn 9 phút, nhưng lại là khúc đau thương và hùng tráng nhất. Một bắt đầu chậm rãi và man mác, rồi nỗi đau cứ mạnh dần lên, để rồi kết thúc bằng đau thương cuồng nộ, cũng lại phảng phất ý chí quật cường.

    Khác với cuốn hồi ky nguyên tác, việc chơi một bản Dạ khúc trong trường hợp này là rất hợp lý và nhiều cảm xúc, nhưng chơi chính bản Ballade số 1 này thậm chí còn mang theo dụng ý nghệ thuật đặc biệt hơn. Polanski đã chọn một bản nhạc đủ cao trào và đủ mạnh mẽ để đáp lời nhạc phẩm của Beethoven. Đồng thời thể hiện ý chí không chịu khuất phục trước nỗi đau và bạo lực chiến tranh, một tinh thần Ba Lan sáng chói qua bom đạn và diệt chủng. Chơi bản nhạc này trước mặt một sĩ quan Đức, Szpilman của Roman Polanski dường như đã chuẩn bị sẵn sàng để chết ngay sau đó.

    Điều này có lẽ đã làm cho vị sĩ quan Đức xúc động thật sự. Không phải chỉ vì một giai điệu tuyệt vời, mà còn vì tình cảm ái quốc theo cách rất riêng được gửi gắm trong đó. Người Đức hay người Ba Lan thì vẫn giống nhau ở tình yêu đất nước.

    Kết lại

    Trải qua muôn vàn đau thương, chịu ảnh hưởng nặng nề của tội ác chiến tranh, nhưng đất nước và con người Ba Lan vẫn không đánh mất linh hồn và tình yêu âm nhạc. Xin kết lại bằng một câu thoại những người Ba Lan ném vào quân Phát xít ngay khi gặp chúng bại trận:

    “Chúng mày lấy hết những gì tao có.
    Tao, một nhạc công.
    Chúng mày lấy cây violin của tao, lấy mất cả linh hồn tao”