Cảm nhận The Shawshank Redemption (1994) : Andy Dufresne và những bài học về thành công

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi vivu, 17/4/19.

Lượt xem: 4,413

  1. vivu

    vivu Moderator

    [​IMG]

    GIỚI THIỆU

    The Shawshank Redemption (1994) là bộ phim đã không còn xa lạ với những người yêu điện ảnh trên khắp thế giới. Bộ phim kinh điển đứng đầu bảng xếp hạng IMDb này không chỉ được nhớ đến với kịch bản xuất sắc và diễn xuất lôi cuốn, mà còn vì những bài học cuộc sống hết sức ý nghĩa.

    Chắc hẳn đã có rất nhiều bài phân tích lý tưởng cao đẹp của bộ phim, nhưng bài viết này sẽ hướng tới một phần mang tính thực tiễn hơn. Đó là bàn về cách mà Andy Dufresne đã đạt được thành công.

    The Shawshank Redemption không chỉ tạo nên một cuộc tìm kiếm tự do đầy hấp dẫn và lôi cuốn, bộ phim còn là một cuốn cẩm nang về nghệ thuật thành công ấn tượng và độc đáo. Cái cách Andy Dufresne vượt ngục đã để lại những bài học nhỏ bé nhưng có ý nghĩa phi thường về thành công, đúng trong bất cứ thời đại nào, hay ở bất cứ đâu. Và để trả lời cho câu hỏi “ Tại sao Andy lại vượt ngục thành công?” sẽ là một câu chuyện rất lý thú.

    TẠI SAO ANDY DUFRESNE LẠI VƯỢT NGỤC ?

    Andy Dufresne, một phó giám đốc nhà băng, bị buộc tội giết vợ và nhân tình của vợ. Sau đó anh đã phải lãnh án chung thân tại nhà ngục Shawshank. Cuộc sống nhà ngục hẳn là không dễ dàng gì khi bị đánh đập, bị hành hạ và quan trọng hơn là bị tước mất tự do. Ai cũng chán ghét, nhưng không phải tù nhân nào cũng nghĩ về việc vượt ngục. Bằng chứng là Red và nhóm Haywood vẫn tiếp tục sống những tháng ngày tù tội và chờ đợi những đợt ân xá.

    Để giải thích cho việc tù nhân không còn muốn trốn thoát, một lý do được đưa ra chính là hiện tượng “thể chế hóa” : khi đã quá quen với những bức tường, con người ta sẽ không còn nghĩ tới thế giới bên ngoài, thậm chí sợ hãi phải đối diện với thế giới ấy. Như những con vật bị nuôi nhốt, người tù Shawshank ở đó quá lâu dần đánh mất tư tưởng tìm kiếm tự do, và chấp nhận một cuộc sống trong lồng qua ngày đoạn tháng. Giống như câu chuyện của Brook, tuy được ra tù, được sống tự do và có một công việc, nhưng lại cảm thấy lạc lõng và hoang mang, đến mức tự kết liễu đời mình để tìm thanh thản.

    “Những bức tường này rất buồn cười.
    Đầu tiên thì ta ghét nó, sau đó ta quen dần với nó.
    Sau một thời gian đủ lâu, ta phụ thuộc vào nó”


    Andy bị kết tội oan vì những việc anh không làm, động lực của anh chính là niềm tin vào sự trong sạch của bản thân. Andy tin mình xứng đáng được hưởng tự do, nếu thể chế không mang lại cho anh điều này, anh sẽ tự tìm lấy. Điều này trở thành kim chỉ nam xuyên suốt, hướng mọi hành động và suy nghĩ của Andy theo một lối duy nhất để kiếm tìm tự do, để tung cánh thoát khỏi ngục tù giam giữ. Niềm tin vào thế giới rộng lớn bên ngoài (chứ không phải sợ hãi nó) trở thành ước mơ thôi thúc Andy không ngừng nghỉ trong suốt những năm tháng ngục tù.

    [​IMG]

    TẠI SAO ANDY DUFRESNE LẠI VƯỢT NGỤC THÀNH CÔNG ?

    Andy là một phó giám đốc ngân hàng ở độ tuổi khá trẻ. Anh là người làm kinh doanh, hơn nữa còn là một doanh nhân thành đạt. Vì thế không khó để liên hệ cách Andy vượt ngục với một phi vụ làm ăn vĩ đại nhất. Từ khi bắt đầu cho đến khi đạt được thành tựu, thành công của Andy có được nhờ cả một quá trình nỗ lực lâu dài.

    (1) Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu

    Hy vọng là một động lực rất cao đẹp, nhưng chỉ có niềm tin và khao khát tự do thôi thì chưa đủ, cần phải cụ thể hóa nó thành mục tiêu. Hiển nhiên với Andy chính là vượt ngục. Nhưng không dừng lại ở đó, Andy không chỉ muốn thoát ra khỏi nhà ngục, đủ thời gian để trốn đi mà đồng thời phải đảm bảo không dễ bị bắt lại và có thể ổn định cuộc sống sau khi ra ngoài. Anh đã suy tính tới tất cả khả năng xung quanh việc đào thoát và xác định rõ để thành công cần những gì từ rất sớm.

    (2) Thứ hai, không ngừng quan sát và nắm lấy cơ hội

    Trong một phần tự thuật của Red ở đầu phim có đoạn:

    “Andy ban đầu rất kín tiếng, tôi nghĩ anh ta toan tính rất nhiều...cũng phải đến một tháng anh ta mới bắt đầu mở miệng nói quá hai câu với một ai đó...”

    Andy hẳn đã dành 1 tháng để thích nghi với cuộc sống trong tù, đồng thời quan sát mọi thứ. Với bản năng nhạy bén, Andy rất nhanh chóng biến các cơ hội thành một kế hoạch phục vụ cho mục tiêu cuối cùng là đào thoát. Có thể việc Andy muốn một chiếc búa nhỏ chỉ đơn giản để giết thời gian, nhưng sau khi phát hiện bí mật của bức tường, anh đã dùng nó để tạo ra một đường thoát. Ngay cả việc giúp sĩ quan Hadley trốn thuế, cũng là một sự tình cờ được Andy tận dụng, đầy mạo hiểm nhưng thành công ngoài mong đợi, vừa làm thân được với đám lính, vừa gây thiện cảm với bạn tù. Anh không chủ động làm thân với giám đốc Norton, nhưng khi cơ hội đến anh đã không từ điều gì mà giành lấy. Có thể nói đây là cơ hội anh phải bỏ nhiều công sức và thời gian nhất để hiện thực hóa nó, nhưng lợi ích thu được là không hề nhỏ. Vừa có được vị trí có nhiều quyền lợi hơn, vừa hỗ trợ hoàn hảo cho kế hoạch sau này.

    Có thể nói thành công của Andy một phần nhờ vào khả năng nắm bắt cơ hội và nhận định tình hình. Anh không chỉ nhận định tình huống, mà còn tạo ra được cơ hội tốt hơn cho mình. Nếu chỉ đơn phương cố gắng mà không tranh thủ được sự thuận lợi của thời thế, kế hoạch của anh hẳn đã không thành công sớm và rực rỡ đến thế.

    (3) Thứ ba, biết mình có gì và tận dụng triệt để lợi thế của bản thân

    Thực tế là Andy luôn biết mình là ai, và mình có thể làm gì. Từ đó, anh tận dụng được mọi khả năng của bản thân để tạo ra lợi thế. Yêu thích địa chất học, Andy hiểu được cách phá vỡ bức tường. Là một chuyên viên ngân hàng, anh biến việc tính toán thuế trở thành công việc độc quyền của mình và nắm được tình hình tài chính của cả bộ máy quản lý nhà tù Shawshank. Thành thạo trong việc lách luật trốn thuế, Andy có thể qua mắt và sử dụng Norton để phục vụ cho mục đích của mình mà không hề bị phát hiện.

    (4) Thứ tư, luôn nhẫn nại và kiên định

    Trong suốt 20 năm ở Shawshank, Andy đã không ít lần phải chịu đựng khổ sở và gặp phải vô vàn khó khăn. Bị đánh, bị đầy ải, bị xâm hại, bị coi thường, nhưng anh vẫn kiên gan chịu đựng, nhẫn nại và lặng lẽ. Tất cả chỉ chờ một thời cơ thích hợp.

    Không thành công nào trải bằng hoa hồng, để đến với tự do, Andy không chỉ dành 20 năm chịu đựng để chuẩn bị, còn phải vượt qua một đoạn đường thật dài trong ống cống.

    “Andy dufresne, the man who crawled through 500 yards of shit and came out clean the other end"
    “Andy Dufresne, người đã bò qua 500 yards đầy phân và thoát ra sạch sẽ ở đầu bên kia”


    500 yard dài hơn 5 sân bóng, một sự chịu đựng và nhẫn nại khủng khiếp để chạm tới tự do.
    Giây phút thoát ra khỏi Shawshank, Andy vươn cao tay đầy chiến thắng, trên môi là nụ cười tươi tắn nhất từng thấy từ đầu phim. Trường đoạn tuyệt vời này như một bài ca khải hoàn cho cuộc hành trình kéo dài đằng đẵng của Andy, kiên nhẫn và đánh đổi thật nhiều vì tự do.

    [​IMG]

    (5) Thứ năm, giữ vững nguyên tắc cá nhân và không bao giờ đánh mất chính mình

    Cuộc sống trong Shawshank làm tha hóa rất nhiều con người, nhưng Andy vẫn luôn giữ vững bản thân, tỉnh táo và sáng suốt trước mọi sự việc. Lý do hẳn là vì anh luôn tin vào những giá trị cốt lõi của con người mình.

    Đó là hy vọng.
    “Hãy nhớ này Red, hy vọng là tốt, có khi là điều tốt nhất, và chẳng điều tốt đẹp nào phải chết bao giờ”
    Chính việc không bao giờ ngừng hy vọng, không đánh mất niềm tin, mà Andy có thể kiên định thực hiện mục tiêu vượt ngục, kiên nhẫn đi tìm tự do.

    Và đó là niềm tin tưởng rằng chân giá trị của mỗi con người là bất khả xâm phạm. Thứ sẽ định danh một con người, thứ tạo nên con người đó là phần không một ai có thể chạm tới được. Nếu giữ vững phần cốt lõi này, không điều gì có thể lay chuyển được một con người cả.
    “Có những nơi trên thế giới này không làm bằng đá. Rằng có điều gì đó bên trong, bọn chúng không thể tới được, bọn chúng không thể chạm đến. Điều đó thuộc về anh”

    BÀN VỀ THÀNH CÔNG CỦA ANDY DUFRESNE

    Khi nói về các yếu tố để thành công, cổ nhân thường có câu: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nghĩa là sự hòa hợp của cả trời, đất và con người hội tụ lại trong một thời điểm, ắt sẽ đạt được thành quả tốt.

    Trong trường hợp của Andy Dufresne, anh đã chứng minh vai trò quan trọng vượt bậc của cá nhân trong việc tự tạo ra thời điểm quyết định cho thành công. Tự bản thân mình tạo ra địa lợi, bằng khoét tường và đi theo ống cống. Tận dụng triệt để thiên thời, dùng tiếng sấm để che giấu tiếng đập, nhờ mưa để xóa sạch dấu vết. Và dùng 20 năm nhẫn nhịn để chuẩn bị hoàn hảo cho một cuộc sống tự do và không ràng buộc. Nếu không nhờ một ý chí sắt đá, một niềm tin mạnh mẽ vào bản thân đã chẳng thể nào làm nên điều vĩ đại đến thế.

    Như vậy, trong thành công, yếu tố con người luôn có thể đóng vai tròng quyết định. Vì thế bài học sau cuối từ bộ phim The Shawshank Redemption chính là luôn chuẩn bị bản thân mình thật tốt, trui rèn năng lực cá nhân để sẵn sàng đón lấy mọi cơ hội phía trước. Chúng ta có thể không kì vọng làm nên những thành tựu lớn lao, nhưng những thắng lợi trong sự nghiệp hay trong cuộc sống luôn là mơ ước của tất cả mọi người, và chúng hoàn toàn có thể nằm trong lòng bàn tay ta.