Tính dân tộc là dấu hiệu cơ bản để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác. Trong lĩnh vực điện ảnh, tính dân tộc được thể hiện qua bối cảnh hiện thực, tính cách nhân vật, âm nhạc, mỹ thuật, thủ pháp nghệ thuật, trang phục… Trong nhiều bộ phim, trang phục tạo điểm nhấn, làm nên sự khác biệt và tôn lên tính dân tộc. Trang phục điện ảnh là quần áo, trang sức của nhân vật trong phim nhằm tạo nên tính cách, diện mạo, hoàn cảnh xuất thân của nhân vật. Trang phục giúp khán giả nhận diện về nhân vật. Sau này, khi nhớ về nhân vật ấy, trang phục là một trong những chi tiết của nhân vật còn lại trong ký ức. Ký ức ấy sống động hay nhạt nhòa có một phần do trang phục. Về trang phục nhân vật đồng bằng Bắc bộ, khán giả yêu điện ảnh làm sao quên trang phục của Nết và Bình trong phim Đến hẹn lại lên, của Duyên và Khang trong Bao giờ cho đến tháng mười, của Hương và Sài trong Thời xa vắng… Bộ trang phục nông dân Nam bộ trong Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu, Vùng gió xoáy hay Về nơi gió cát… không chỉ là nhớ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà còn là đặc trưng văn hóa người Nam bộ như tính sông nước, tính bao dung, tính năng động, tính trọng nghĩa và tính thiết thực. Tại hội thảo Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam, do Hội Điện ảnh Việt Nam, Trung tâm Nghiên Cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, và Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức, nhiều ý kiến khẳng định, trong nhiều bộ phim, trang phục tạo điểm nhấn, làm nên sự khác biệt và tôn lên tính dân tộc. Lấy ví dụ từ Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến, bộ phim làm về cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn cam go, cao trào nhất với hình tượng hai vợ chồng người nông dân và đứa con nhỏ trên cánh đồng ngập nước Nam bộ, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng, thế giới thích bộ phim vì nghệ thuật thể hiện dung dị. Và chính từ sự dung dị ấy làm nổi bật lên tính quật khởi, kiên cường của các nhân vật, tiêu biểu cho ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Người xem còn nhận ra đó là Việt Nam qua những bộ trang phục màu gụ, màu nâu, quần ta, áo bà ba giản dị và độc đáo, trong chiếc khăn rằn vắt vai, quấn cổ hoặc đội đầu... “Trang phục với chiếc khăn rằn chính là điểm nhấn, là đặc tính riêng biệt của đồng bào Nam bộ. Chiếc khăn rằn của chúng ta không giống chiếc khăn đen dài rộng trùm kín đầu, kín mặt của phụ nữ Ảrập, lại cũng không giống với những chiếc khăn choàng vuông sặc sỡ hoa văn của Nga hay các nước Đông Âu... Ở đây, chi tiết đã làm nên sự khác biệt và tôn tính dân tộc lên rất nhiều” - bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nói. Nói về chiếc áo dài, biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, theo nhà phê bình điện ảnh Vũ Ngọc Thanh, áo dài không chỉ có vai trò là trang phục mà còn mang tính xã hội và lịch sử. Áo dài trong Áo lụa Hà Đông và Hà Nội 12 ngày đêm có thể đã khác cùng với hoàn cảnh, số phận nhân vật, nhưng trước sau vẫn là một biểu tượng văn hóa. Trong Áo lụa Hà Đông, chiếc áo dài đã trở thành hình tượng nghệ thuật, một nhân vật đồng hành xuyên suốt chiều dài tác phẩm. Hai đứa trẻ trong phim thay nhau mặc chiếc áo mỗi ngày và một đứa chết vì bị bom dội khi đang học văn về chiếc áo dài. Cùng một chiếc áo lụa, với cha là vật cưu mang, với mẹ là kỷ niệm tình yêu đầu đời, với con là niềm hạnh phúc được cắp sách tới trường. Giữa màu xám xịt của những ngày chiến tranh, chiếc áo trắng tinh khôi ấy chính là ánh sáng, biểu tượng của niềm tin hòa bình mà con người luôn mong chờ. Từ góc độ mỹ thuật trong điện ảnh, họa sỹ, NSƯT Đoàn Thị Tình nhìn nhận, trang phục điện ảnh cũng là tác phẩm mỹ thuật. Trang phục điện ảnh bắt nguồn từ trang phục đời thường về hình dáng, màu sắc, chất liệu... được nghệ thuật hóa ở mức cần thiết, được hình thành từ nội dung tác phẩm, tạo phương tiện cho diễn viên, góp phần thành công cho hình tượng nghệ thuật và làm nổi rõ bản sắc dân tộc. Có thể nói, trang phục của các nhân vật trong tác phẩm điện ảnh thể hiện đặc trưng văn hóa, xã hội ở từng giai đoạn lịch sử, góp phần giúp người xem hiểu hơn về văn hóa, lịch sử dân tộc..., nên đòi hỏi khắt khe về sự chính xác. Những sai lệch về trang phục sẽ làm giảm hiệu quả của tác phẩm, gây nên tác dụng ngược, thậm chí gây phản cảm đối với người xem. theo dbnd