Đã 24 năm kể từ khi Toy Story ra đời - tác phẩm đánh dấu sự xuất hiện của công ty Pixar (bấy giờ là dự án của cựu CEO Apple Steve Jobs), đột phá trong khâu kỹ xảo và có ảnh hưởng sâu rộng đến những phim hoạt họa 3D về sau. Toy Story giành được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, trở thành một phần của văn hóa đại chúng Mỹ; Những nhân vật như chàng cao bồi Woody, nhà du hành vũ trụ Buzz Lightyear, hai ông bà đầu khoai tây, chú lợn đất Ham,... đã gắn liền một phần nào trong tiềm thức của từng thế hệ trôi qua. Với Toy Story, Pixar đặt ra câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như đống đồ chơi có khả năng nhận thức với những cảm xúc yêu, ghét, giận, hờn? Phần tiếp của Toy Story là Toy Story 2 cũng là một trong những phần tiếp theo được đánh giá cao nhất của Pixar, tiếp tục giới thiệu thêm nhân vật đối trọng với Woody đó là cô cao bồi Jessie, cũng như là đại diện cho nhân vật phái nữ với sức khỏe, tài trí không kém gì nam giới, hưởng ứng tư tưởng nữ quyền trên thế giới hiện tại. Đến những năm 2000, Pixar đã trở thành công ty gần như độc chiếm hoàn toàn thị trường phim hoạt hình 3D, với những tác phẩm có sức ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới: Monster’s Inc, Finding Nemo, The Incredibles, Cars, Ratatouille, Wall-E, Up. Tưởng chừng như Toy Story 3 năm 2010 đã là kết thúc hoàn hảo với việc Andy vào đại học và đám đồ chơi chuyển đến sống với đứa trẻ mới là Bonnie, thì Toy Story 4 - bộ phim mới nhất đang tung hoành tại các rạp trên toàn cầu, mới thực là mảnh ghép còn thiếu của trilogy “con cưng” Pixar. Được biết theo một nguồn tin từ phía nhà sản xuất, Toy Story 4 đã khiến cho diễn viên nam chính lồng tiếng cho Woody - Tom Hanks đã phải bật khóc sau buổi thu âm cuối cùng của bộ phim. Cũng như mọi phần trước, Woody luôn là người phải tách rời nhóm để đi làm những nhiệm vụ hiểm trở. Lần này, Woody phải giải cứu Forky, người bạn mà cô bé Bonnie đã làm từ một chiếc nĩa trong ngày đầu tiên đến lớp định hướng nhà trẻ. Forky, thay vì chấp nhận thân phận của mình là một đồ chơi - người bạn đồng hành cùng những đứa trẻ, Forky lại coi bản thân mình như...rác rưởi và cố chạy trốn khỏi đám đồ chơi ra sức giúp cho Forky hòa nhập. Và thế là, Woody phải đuổi theo Forky đến những nơi chốn khác nhau để thuyết phục cậu (như cách Woody đã thuyết phục Buzz ở phần một rằng anh ta không phải là một nhà du hành vũ trụ thật!); Trùng hợp thay, Woody đi ngang qua tiệm đồ chơi cổ mà Bo, cô công chúa mà Andy không gặp đã lâu, từng sống...Mọi chuyện diễn ra như thế nào, tôi sẽ để các bạn thưởng thức bộ phim một cách trọn vẹn. Chỉ có một điều khá thú vị là nhân vật Bo trong phần phim này sẽ khác rất xa so với nhân vật Bo ở các phần trước. Chín năm đã trôi qua kể từ khi Toy Story 3 ra đời. Kỹ xảo trong phần bốn cũng được đội ngũ tại Pixar chau chuốt tỉ mỉ hơn, với những chi tiết tinh vi mãn nhãn hơn giúp lôi cuốn người xem, đặc biệt là những khán giả nhí. Toy Story 4 còn có thêm những nhân vật mang tính thuần giải trí như cặp đôi Ducky và Bunny (cặp nghệ sĩ hài Key và Peele lồng tiếng), hai chú gấu bông ở khu hội chợ mà Buzz tình cờ lạc vào. Một điểm trừ khá lớn ở trong phần bốn cũng chính là ở một trong những nhân vật chính, Buzz Lightyear. Thay vì tiếp tục khai thác thêm vào nội tâm nhân vật như ở các phần trước, Buzz ở trong phần phim thứ tư chỉ đóng góp làm một nhân vật mang tính gây cười không hơn không kém. Toàn bộ cốt truyện Toy Story đáng lẽ đã có thể được gói gọn trong một bộ phim ngắn dài không quá 45 phút về hành trình sau khi đám đồ chơi đến sống với Bonnie; Ngay cả ở thời lượng 100 phút, Toy Story 4 cũng chưa thực sự đi vào chiều sâu cũng như còn hơi quá dựa dẫm vào những lời thoại cợt nhả, những cảnh “phong cách nhiều hơn nội dung” để thúc đẩy cốt truyện vốn dĩ không cần quá nhiều để bộc tả. Vốn dĩ, series Toy Story dựa trên sự giản đơn từ những lời thoại hài hước gần gũi với trẻ em mà không đi quá lố như phim của những hãng sản xuất khác. Việc xuất hiện của hai nhân vật Ducky và Bunny khiến cho một số khán giả, đặc biệt là những khán giả “có tuổi” hơn lớn lên với những phần Toy Story trước, cảm thấy đôi phần khó chịu. Toy Story, dù gì đi chăng nữa, vẫn là một trong những đứa con tinh thần của Pixar, và Toy Story 4 chính là chương cuối, lời chào tạm biệt có phần muộn màng song không kém cảm xúc dành cho một series phim gắn bó với nhiều thế hệ trôi qua bằng trọn vẹn sự tâm huyết từ phía Pixar, người bạn, người dẫn lối của mọi lứa tuổi mà luôn ở bên ta dù mọi sự có khó khăn đến đâu. Người ta xem phim của Pixar để cười, khóc và ngẫm nghĩ. Vì Xưởng phim Pixar không đơn thuần chỉ là một công ty nào đó khác, Pixar là một tiền đề, một triết lý làm phim luôn luôn được học hỏi bởi những kẻ đương thời song không bao giờ có thể được lặp lại; Minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất là những tác phẩm dường như đã trường tồn qua thời gian của họ, những tác phẩm có chiều sâu, sự gần gũi bên trong vẻ ngoài được chau chuốt từng chân tơ kẽ tóc với một cái “chất” Pixar khó có thể bị nhầm lẫn, một Pixar rất độc, rất riêng trong những sáng tạo nghệ thuật chẳng thiếu đi chất “thiên tài điên” của những Pete Docter, Lee Unkrich, John Lasseter, Andrew Stanton. Minh Tu Le - 24hinh.vn